Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được Quốc hội ban hành, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng, từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự (THADS), với kết quả năm sau cao hơn năm trước, ngày càng bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trước yêu cầu phát triển của đất nước, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội, đặt ra những vấn đề mới phải giải quyết, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã bộc lộ những bất cập, cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong giai đoạn mới, cụ thể[1]:
Thứ nhất, một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành đã bổ sung trách nhiệm, phạm vi hoạt động THADS, do đó, cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008 để tạo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, cần quy định rõ hơn một số nguyên tắc tuân thủ trong hoạt động THADS để thể chế hóa các nguyên tắc theo Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Thứ hai, một số quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện: (i) cần có cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động THADS, thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa một số hoạt động THADS theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, nhất là cơ sở để người được THADS có quyền và nghĩa vụ chủ động xác minh, chứng minh điều kiện thi hành án, đề nghị áp dụng các biện pháp bảo đảm THADS; (ii) cơ chế người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, thu nhập chưa được quy định đầy đủ; chưa có cơ chế hiệu quả để xác định, xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành chính, hình sự với trường hợp cố tình trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, che giấu, cản trở, chống đối người thi hành công vụ trong THADS. Cùng với đó, cơ chế miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, hoặc đình chỉ thi hành còn bất cập.
Thứ ba, tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS, vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS cần tiếp tục được hoàn thiện.
Thứ tư, về trình tự, thủ tục THADS:
- Trình tự, thủ tục THADS cần phải hoàn thiện để bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện chủ trương về rút ngắn thời gian, giảm chi phí thi hành án dân sự và thực hiện xã hội hóa một số hoạt động THADS; quy định cụ thể quy trình, thủ tục thi hành đối với một số loại việc cụ thể.
- Quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong THADS cần rà soát, quy định phù hợp với tính chất hoạt động THADS, đồng bộ với các quy định pháp luật khác liên quan.
- Một số quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đồng bộ với pháp luật khác gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án.
Thứ năm, chưa có cơ chế phù hợp để bảo vệ Chấp hành viên, người làm công tác THADS; bảo đảm nguồn lực cho hệ thống THADS trong bối cảnh chuyển đổi số và yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) là cần thiết, nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động THADS; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được thực hiện hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước; góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.
05 chính sách lớn trong sửa đổi Luật Thi hành án dân sự[2]
Dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua 05 chính sách lớn, bao gồm:
- Chính sách 1: quy định đầy đủ phạm vi bản án, quyết định do cơ quan THADS tổ chức thi hành, hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản trong THADS;
- Chính sách 2: hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác;
- Chính sách 3: hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS;
- Chính sách 4: hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả THADS;
- Chính sách 5: tăng cường các điều kiện bảo đảm, đáp ứng yêu cầu quản lý và hoạt động THADS.
Sửa đổi nhiều quy định với mục tiêu rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí thi hành án dân sự
Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí THADS[3], đây là một nội dung trong thực hiện Chính sách 4 nêu trên. Trong đó, một số sửa đổi, bổ sung quan trọng cụ thể như sau:
Một là, bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án có yêu cầu và tự nguyện thi hành toàn bộ nghĩa vụ tại thời điểm yêu cầu (Điều 41) nhằm bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án; rút ngắn được toàn bộ thời gian, quy trình tổ chức thi hành án từ khi ban hành quyết định và kết thúc ngay việc thi hành án trong trường hợp này.
Hai là, bổ sung quy định về việc đương sự phải cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu khi yêu cầu thi hành án như hình thức nhận thông báo, thông tin số tài khoản (nếu có) hoặc hình thức nhận tiền thi hành án theo quy định, nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục thông báo, thanh toán tiền thi hành án…, giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí (Điều 42).
Ba là, bổ sung điều luật về thông báo bằng phương tiện điện tử trong các trường hợp đương sự có yêu cầu, các vụ việc có từ 20 đương sự trở lên, khi không thực hiện được bằng các phương thức khác. Việc bổ sung điều luật quy định thông báo bằng phương tiện điện tử được thực hiện qua cổng dịch vụ công quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, VNeID… (Điều 54), sẽ tiết kiệm chi phí, nhân lực, rút ngắn thời gian, tháo gỡ khó khăn cho cơ quan THADS và vẫn bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, người liên quan.
Bốn là, sửa đổi, bổ sung quy định về việc chưa có điều kiện thi hành, cụ thể: quy định giảm thời hạn xác minh định kỳ trước khi chuyển sổ theo dõi riêng đối với các việc chưa có điều kiện thi hành; quy định giảm thời hạn xác minh định kỳ trước khi chuyển sổ theo dõi riêng đối với các việc chưa có điều điều kiện từ 06 tháng xuống 02 tháng một lần, trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì giảm từ 01 năm xuống 06 tháng một lần.
Năm là, bổ sung quy định về các khoản phải trừ trước khi thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án gồm: các khoản phí, lệ phí, thuế và chi phí phát sinh từ việc bán tài sản và bổ sung điều luật mới về chi phí tổ chức thi hành án nhằm quy định rõ, minh bạch, phân biệt chi phí tổ chức thi hành án với chi phí cưỡng chế tại Điều 73 Luật Thi hành án dân sự hiện hành.
Sáu là, sửa đổi quy định về thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản theo hướng giảm thời hạn trả lại tài sản, giấy tờ; chấm dứt việc tạm dừng từ 10 ngày xuống 05 ngày kể từ ngày có căn cứ.
Bảy là, sửa đổi quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự hiện hành theo hướng bỏ thủ tục Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định, phân chia tài sản chung của người phải thi hành án; trường hợp đương sự, chủ sở hữu chung không thực hiện việc thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết thì cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án. Quy định trên nhằm thực hiện đúng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, nguyên tắc trong THADS là các đương sự tự thỏa thuận, tự định đoạt và phải có trách nhiệm bảo vệ quyền của mình. Trên thực tế, Chấp hành viên cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục yêu cầu thay cho đương sự do không có điều kiện cung cấp thông tin, chứng cứ tại Tòa án và Tòa án không thụ lý giải quyết, dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài. Việc hoãn thi hành án trong trường hợp này sẽ cắt giảm chi phí, thời gian thi hành án (Điều 62).
Tám là, sửa đổi, bổ sung quy định về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế xử lý tài sản cầm cố, thế chấp; thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; kê biên phần vốn góp; kê biên đồ vật bị khóa, đóng gói; kê biên nhà, công trình trên đất; cưỡng chế trả giấy tờ, trả đất, trả vật, khai thác tài sản; tạm giao quyền sử dụng đất; xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, xử lý tài sản trên đất đã kê biên… theo hướng quy định rõ thủ tục, giảm thời gian tổ chức thi hành, tăng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.
Chín là, sửa đổi các quy định về cưỡng chế buộc thực hiện, không được thực hiện hành vi, công việc nhất định theo hướng trong trường hợp công việc, hành vi đó phải do chính người phải thi hành án thực hiện thì cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án đối với người phải thi hành án. Quy định trên sẽ giúp cơ quan THADS giải quyết dứt điểm rất nhiều vụ việc do người phải thi hành án cố tình chống đối, không thi hành được mà không có biện pháp phân loại, xử lý hồ sơ, dẫn đến hồ sơ tồn đọng, kéo dài hiện nay.
Mười là, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục thi hành hình phạt tiền, các biện pháp tư pháp; các khoản chủ động, thu cho ngân sách nhà nước trong các bản án, quyết định hình sự theo hướng quy định rõ về trình tự, thủ tục, giảm thời gian, chi phí; cắt giảm một số thủ tục thi hành án, cụ thể như: trường hợp cơ quan THADS đã thu được tiền thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi ra quyết định thi hành án phải chủ động tiến hành nộp tiền vào ngân sách (giảm 07 ngày so với quy định hiện hành); giảm thời gian thủ tục trả lại tiền, tài sản cho đương sự (giảm 60 ngày so với quy định hiện hành đối với thủ tục thông báo nhưng đương sự không đến nhận); cắt giảm các thủ tục thỏa thuận về giá, tổ chức thẩm định giá, thỏa thuận phân chia tài sản chung… từ đó cắt giảm được toàn bộ thời gian dành cho những thủ tục này, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước; đối với những vật chứng, tài sản đặc thù thì cơ quan THADS ký hợp đồng với cơ quan chuyên môn để thực hiện tiêu hủy và kết thúc việc thi hành án…
Mười một là, thủ tục thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được sửa đổi theo hướng phân loại từng dạng quyết định khẩn cấp tạm thời như: về hành vi, về tài sản, về kê biên; trên cơ sở đó quy định thủ tục thi hành bảo đảm nhanh về thời gian, gọn về thủ tục, đúng bản chất thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 168).
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Theo đó, Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Uyên Nhi
Ảnh: Internet
[1] Nguồn: https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-thi-hanh-an-dan-su-sua-doi-7036, truy cập ngày 25/10/2024.
[2] Nguồn: https://baochinhphu.vn/5-chinh-sach-lon-trong-sua-doi-luat-thi-hanh-an-dan-su-102240822195540561.htm, truy cập ngày 25/10/2024.
[3] Nguồn: https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-thi-hanh-an-dan-su-sua-doi-7036, truy cập ngày 25/10/2024.