Ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 656/TTg-KSTT về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID (Công văn số 656/TTg-KSTT), trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về việc thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo hướng giảm mức phí để khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp (Thông tư số 244/2016/TT-BTC) có một số nội dung phát sinh như: (i) tên cơ quan phối hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp là “Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát” đã đổi thành “Cơ quan thuộc lĩnh vực Hồ sơ nghiệp vụ Công an nhân dân”; (ii) quy định đối tượng miễn, giảm phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC chưa phù hợp với những thay đổi về tiêu chí xác định địa bàn khó khăn, chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của Chính phủ (Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 27/01/22021 quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025), Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 về tiêu chí phân định vùng đồng bào, dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 656/TTg-KSTT, để phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành và sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội thì việc ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 244/2016/TT-BTC là cần thiết.
Theo dự thảo Thông tư[1], mức thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thực hiện như sau: (i) phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người, mức phí này vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC; (ii) phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ) cũng giữ nguyên ở mức 100.000 đồng/lần/người.
Dự thảo bổ sung quy định, trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì kể từ phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/phiếu để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in Phiếu lý lịch tư pháp.
Đặc biệt, Dự thảo cũng đề xuất, trường hợp công dân Việt Nam, người nước ngoài nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo hình thức trực tuyến (bao gồm cả qua ứng dụng VNeID) thì sẽ được giảm phí.
Cụ thể, phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp sẽ là 170.000 đồng/lần/người (giảm 15%); phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ: 80.000 đồng/lần/người (giảm 20%).
Các mức giảm này được áp dụng từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết năm 2025. Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, áp dụng mức thu phí phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người, phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ) là 100.000 đồng/lần/người. Việc giảm phí nhằm khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc quy định các đối tượng được hưởng ưu đãi như hộ nghèo, hộ cận nghèo, các địa bàn đặc biệt khó khăn hiện nay rất phức tạp, nhiều tiêu chí, thay đổi liên tục, nhiều trường hợp phát sinh chi phí thủ tục hành chính lớn hơn nhiều số phí được miễn (nếu có)[2]. Để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện ưu đãi đối với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân cũng như để bảo đảm tính ổn định của văn bản quy phạm pháp luật, tránh trường hợp khi có văn bản quy định thay đổi khái niệm hộ nghèo, hộ cận nghèo và tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lại phải sửa Thông tư, đồng thời, vẫn bảo đảm phù hợp với Luật Phí và lệ phí (ưu đãi đối với các đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật), Bộ Tài chính thống nhất quy định đối tượng được miễn phí: hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư (Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư). Theo đó, khoản 4, 5 Điều 5 Dự thảo Luật được sửa đổi thành: “người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật”; “người cư trú tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư”.
Như vậy, các trường hợp được miễn phí, gồm: (i) trẻ em theo quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; (ii) người cao tuổi theo quy định tại Luật Người cao tuổi; (iii) người khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật; (iv) người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật; (v) người cư trú tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Dự thảo Thông tư sau khi được ban hành sẽ thay thế Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Minh Trí
(Ảnh: Internet)