1.1. Một số quy định của Luật Lý lịch tư pháp về Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
Điều 11 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định về Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: “1. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tập hợp các thông tin lý lịch tư pháp về án tích, thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã được cập nhật và xử lý theo quy định của Luật này. 2. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xây dựng và quản lý tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại Sở Tư pháp”. Khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật này quy định: “2. Thông tin lý lịch tư pháp về án tích là thông tin về cá nhân người bị kết án; tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí; ngày, tháng, năm tuyên án, Tòa án đã tuyên bản án, số của bản án đã tuyên; tình trạng thi hành án. 3. Thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã là thông tin về cá nhân người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã; chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án”.
Bên cạnh đó, Chương III Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định về cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp và lập lý lịch tư pháp quy định các nội dung như nguồn thông tin và nhiệm vụ tiếp nhận, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Thi hành án, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức khác.
1.2. Yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
Nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là nhiệm vụ, yêu cầu quan trọng trong thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đặc biệt việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp đang được thí điểm thực hiện qua ứng dụng định danh quốc gia (ứng dụng VNeID) với quy trình rút ngắn chỉ còn 03 ngày. Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được thể hiện qua một số văn bản, quy định như:
Quyết định số 682/QĐ-BTP ngày 07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định: “Xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử” là một nhiệm vụ trọng tâm về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp.
Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Theo đó, thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp được xác định là 01 trong 25 dịch vụ công thiết yếu, thực hiện trực tuyến theo Đề án này.
Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (Chỉ thị số 23/CT-TTg), cùng với nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng giải pháp triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện: phân quyền cho Sở Tư pháp khai thác, tra cứu Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm tăng tính chủ động, chịu trách nhiệm, giảm thời gian, chi phí thực hiện; đẩy mạnh số hóa, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ ban hành nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024. Nghị quyết đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện là: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp… tăng cường xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm thông tin lý lịch tư pháp luôn được cập nhật đầy đủ, kịp thời…”.
Công văn số 3068/BTP-TTLLTPQG ngày 04/6/2024 của Bộ Tư pháp về việc tăng cường xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Công văn số 3068/BTP-TTLLTPQG). Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ: xác định nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo; ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương; thường xuyên rà soát, cập nhật đầy đủ, kịp thời và chính xác tất cả thông tin lý lịch tư pháp vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo đúng quy định, kiên quyết không để tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp nhận được; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn bảo đảm việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đầy đủ, kịp thời;…
Công văn số 656/TTg-KSTT ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID. Theo Công văn này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 01/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025. Ngày 20/9/2024, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thống nhất ban hành Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC về thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID. Qua nội dung các bước trong Quy trình này cho thấy, chất lượng xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là điều kiện hết sức quan trọng để thực hiện hiệu quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
2. Thực trạng xây dựng, hoàn thiện, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
2.1. Kết quả đạt được
Qua thực tiễn hơn 13 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 cho thấy, hoạt động xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác lý lịch tư pháp đã từng bước được chú trọng thực hiện và ngày càng đi vào nền nếp. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp được quan tâm, chú trọng ngay từ những ngày đầu tổ chức thi hành Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 nhằm phát triển công tác này theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hiện đại. Từ năm 2012, Bộ Tư pháp đã xây dựng, triển khai Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung cho các Sở Tư pháp và phiên bản cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Từ đó đến nay, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã sử dụng các phần mềm nói trên để thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin, xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Do đó, Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử cũng từng bước được xây dựng, tạo lập nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Từ tháng 5/2015, Bộ Tư pháp đã triển khai sử dụng phân hệ tiếp nhận, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp điện tử giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp nhằm từng bước thay thế việc gửi thông tin lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy và hạn chế tối đa thông tin phải nhập lại nhiều lần.
Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã thực hiện phối hợp với các cơ quan có liên quan để tiếp nhận thông tin, xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thường xuyên phối hợp và thực hiện tiếp nhận khoảng 24 loại thông tin lý lịch tư pháp khác nhau từ trên 1.000 đầu mối (các Trại giam, Trại tạm giam, Công an cấp tỉnh, cấp huyện; Cục Theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an); 63 Sở Tư pháp; Tòa án quân sự Trung ương; Tòa án cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao); thực hiện kiểm tra phân loại, xử lý, lưu trữ thông tin và cung cấp thông tin theo quy định. Tính đến ngày 28/6/2024, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận khoảng 03 triệu thông tin lý lịch tư pháp. Trên cơ sở thông tin nhận được, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, phân loại, tạo lập, tích hợp thông tin vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp khoảng 1,2 triệu hồ sơ lý lịch tư pháp của người bị kết án; cung cấp khoảng 780.000 thông tin cho các Sở Tư pháp; thực hiện lập và lưu trữ hơn 330.000 hồ sơ lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy. Ngoài ra, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận, tạo lập dữ liệu điện tử hơn 79.000 thông tin chứng tử, cải chính hộ tịch do cơ quan đăng ký hộ tịch cung cấp.
Tại các địa phương, trước khi việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID được triển khai thí điểm trên cả nước, các Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng cho công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, trong đó có việc quan tâm, chú trọng đến nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, về cơ bản, việc triển khai thực hiện Công văn số 3068/BTP-TTLLTPQG, công tác xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, số hóa Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, “làm sạch” dữ liệu về lý lịch tư pháp đạt được những kết quả nhất định. Kết quả thực hiện ở một số địa phương như sau:
- Tại tỉnh An Giang, Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 1086/UBND-NC ngày 09/08/2024 về tăng cường xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Công tác số hóa Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngay sau khi nhận được thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan trong và ngoài tỉnh cung cấp, công chức phụ trách lý lịch tư pháp phải thực hiện vào sổ tiếp nhận thông tin tại Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung, nên chấm dứt tình trạng tồn đọng hồ sơ; thực hiện phân loại thông tin thuộc thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền lập lý lịch tư pháp. Đối với các thông tin không thuộc thẩm quyền lập lý lịch tư pháp của tỉnh, Sở Tư pháp lập danh sách, scan và cung cấp thông tin qua hộp thư điện tử. Đối với thông tin thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Tư pháp, ưu tiên lập và cập nhật bổ sung hồ sơ lý lịch tư pháp đối với các trường hợp bị kết án và có bản án hình sự có hiệu lực pháp luật; các thông tin chưa nhận được bản án thì đề nghị Tòa án đã xét xử cung cấp bản án; các thông tin còn lại tiếp tục được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Về kết quả “làm sạch” dữ liệu về lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thường xuyên rà soát các mã số hồ sơ lý lịch tư pháp có tình trạng bản án “chờ bổ sung” để đề nghị Tòa án có liên quan cung cấp bản án hình sự. Trên cơ sở các bản án nhận được, đến nay, Sở Tư pháp thực hiện hủy 1.064 mã số lý lịch tư pháp do trùng tên người bị kết án, không phải là người bị kết án trong bản án hình sự; cập nhật, bổ sung thông tin đối với 998 bản án hình sự.
- Tại Bến Tre, Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 4108/UBNDNC ngày 27/6/2024 chỉ đạo, đề nghị các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan như Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường phối hợp nâng cao hiệu quả công tác lý lịch tư pháp. Về kết quả “làm sạch” dữ liệu về lý lịch tư pháp: Sở Tư pháp đang thực hiện việc rà soát, làm sạch cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, kiểm tra, rà soát dữ liệu, kiểm tra dữ liệu trùng, không để xảy ra trường hợp 01 cá nhân có nhiều mã lý lịch tư pháp, không để dữ liệu lý lịch tư pháp bị phân tán, phối hợp với các có liên quan để yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin, cập nhật đầy đủ kịp thời thông tin về án tích.
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp luôn xác định nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương; thường xuyên rà soát, cập nhật đầy đủ, chính xác tất cả thông tin lý lịch tư pháp vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo đúng quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Để nâng cao chất lượng công tác lý lịch tư pháp trên địa bàn Thành phố, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 12/12/2020 đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an, cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác phối hợp tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định. Sở Tư pháp đã chủ động làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tòa án nhân dân Thành phố, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố, Công an Thành phố (PV06), Cục Thi hành án dân sự, Phòng Tư pháp quận, huyện để thống nhất cách thức thực hiện việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất. Về công tác số hóa dữ liệu lý lịch tư pháp, đến ngày 22/8/2024, Sở Tư pháp đã phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết Đề án “Số hóa dữ liệu lý lịch tư pháp”, đang xây dựng Kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã số hóa hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để thực hiện xác minh tại cơ quan có liên quan và trả kết quả giải quyết qua Cổng dịch vụ công của Thành phố; thực hiện scan những bản án có nhiều bị cáo, có kháng cáo, kháng nghị và bản án thuộc thẩm quyền lập, cập nhật cơ sở dữ liệu của Sở Tư pháp để cung cấp theo quy định. Về kết quả “làm sạch” dữ liệu lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) khắc phục 172 trường hợp hồ sơ lý lịch tư pháp (phần mềm tự động cho số lưu trữ không thống nhất). Ngoài ra, khi phát hiện hồ sơ lý lịch tư pháp có lỗi do bị trùng số lưu trữ, Sở Tư pháp đã chủ động rà soát, khắc phục theo quy định.
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg, Bộ Tư pháp đã mở thử nghiệm tính năng phân quyền cho các Sở Tư pháp khai thác, tra cứu Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và có văn bản hướng dẫn các Sở Tư pháp thử nghiệm tính năng phân quyền. Đến ngày 27/9/2024, đã có 56/63 Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để cấp Phiếu lý lịch tư pháp với tổng số 199.685 hồ sơ. Để nâng cao hiệu quả phân quyền, Bộ Tư pháp đã đánh giá kết quả thử nghiệm phân quyền; xây dựng quy trình phân quyền theo hướng rút ngắn từ 03 bước còn 02 bước, Sở Tư pháp sẽ chủ động tra cứu, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia mà không cần Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phê duyệt từng hồ sơ. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu giải pháp, đến nay, Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đang nghiên cứu giải pháp để kết nối Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với Cơ sở dữ liệu của hệ thống thi hành án dân sự, Cơ sở dữ liệu do ngành Công an quản lý, Cơ sở dữ liệu của Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2.2. Hạn chế, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như:
- Tại một số Sở Tư pháp còn tình trạng tồn đọng thông tin, thông tin xử lý chưa kịp thời. Dữ liệu được Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp tạo lập chưa đầy đủ, còn sai sót và chưa bảo đảm sự đồng nhất về số lượng thông tin, cũng như dữ liệu được tạo lập giữa Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp. Một số Sở Tư pháp chưa chủ động khai thác, tra cứu Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Việc cung cấp thông tin của các cơ quan cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp chủ yếu bằng văn bản giấy và qua đường bưu điện nên không tránh khỏi chậm trễ và thất lạc.
- Một số Sở Tư pháp chưa tuân thủ triệt để quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để xử lý thông tin do các cơ quan cung cấp, như: bỏ qua khâu tiếp nhận thông tin mà thực hiện luôn việc lập lý lịch tư pháp và cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung, dẫn đến khó khăn trong việc thống kê, báo cáo, phối hợp rà soát thông tin, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát thông tin lý lịch tư pháp đầu vào. Bên cạnh đó, Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đang được thực hiện theo Quyết định số 42/QĐ-TTLLTPQG ngày 24/6/2014 của Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia ban hành Quy chế về quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm. Việc thực hiện Quy chế này trong bối cảnh hiện nay đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin còn qua nhiều khâu trung gian tại các phòng đã dẫn tới thông tin tồn đọng chưa được xử lý kịp thời.
- Việc chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
- Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tư pháp tại cơ sở dữ liệu tư pháp dùng chung chưa bảo đảm vì nguồn thông tin do các cơ quan liên quan cung cấp như Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án của ngành Công an còn chậm và chưa đầy đủ. Do vậy, việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp để cấp phiếu qua ứng dụng VNeID dễ phát sinh sai sót. Thậm chí vẫn còn tình trạng có cơ quan, đơn vị không cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, trong bản án cơ quan Tòa án cung cấp không có thông tin về Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, gây khó khăn cho quá trình xử lý, xác định thông tin, nhất là đối với trường hợp cá nhân bị xét xử bởi nhiều bản án, mỗi bản án lại có các thông tin nhân thân khác nhau (nơi thường trú, năm sinh, họ tên bố/mẹ...).
- Tình trạng treo, lỗi… phần mềm diễn ra khá thường xuyên. Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp chưa kịp thời cập nhật một số nội dung như: chưa cập nhật, chỉnh sửa biểu mẫu điện tử theo Thông tư số 06/2024/TT-BTP ngày 19/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp và Luật Căn cước năm 2023, công chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở địa phương phải thực hiện sửa thủ công như phần thông tin về nhân thân trong Tờ khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên hệ thống chưa có trường thông tin về Căn cước theo Luật Căn cước năm 2023; một số tội danh mới trong Bộ luật Hình sự hiện hành chưa được cập nhật vào phần mềm...
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đáp ứng yêu cầu cấp Phiếu qua ứng dụng VNeID
Thứ nhất, nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về lý lịch tư pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lý lịch tư pháp nói chung, hoạt động xây dựng, hoàn thiện, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nói riêng, nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới như: sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Lý lịch tư pháp về tổ chức, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho các cơ quan có liên quan trong cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp phục vụ việc xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; quy định các ngành (Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án…) có trách nhiệm nhập thông tin của ngành mình vào phần mềm dùng chung quản lý lý lịch tư pháp bảo đảm kịp thời, tránh gây áp lực cho ngành Tư pháp; quy định bổ sung thông tin Căn cước công dân là một trong những nội dung bắt buộc trong các bản thông tin lý lịch tư pháp cung cấp cho ngành Tư pháp;...
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tới các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu; phát huy vai trò chủ động của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, gắn công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Thứ ba, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; tập trung xử lý, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp kịp thời, đầy đủ, chính xác; bảo đảm thực hiện mục tiêu 100% thông tin lý lịch tư pháp được tiếp nhận, xử lý, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
Thứ tư, nghiên cứu, đổi mới quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo hướng chú trọng kiểm soát chất lượng cơ sở dữ liệu, bảo đảm nguyên tắc cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đối với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, việc xử lý thông tin theo hướng giảm các khâu trung gian tại các phòng bảo đảm thông tin được xử lý nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cần có quy định về thời hạn, cũng như tiêu chí cụ thể của từng khâu trong quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, cần tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, việc sử dụng hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung và các phần mềm khác cho công chức, viên chức có liên quan đến xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Thứ năm, quy định về cơ chế, chế tài để bảo đảm cơ quan có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, bảo đảm cá nhân, cơ quan có trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lý lịch tư pháp, đặc biệt, hoạt động xây dựng, hoàn thiện, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này cần được đặc biệt chú trọng, nâng cao hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó trọng tâm là nghiên cứu, triển khai thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, hạn chế dần việc cung cấp, tiếp nhận thông tin dưới dạng văn bản giấy. Thực hiện số hóa Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp ngay từ khâu tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng, tạo lập Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử; thực hiện kết nối, chia sẻ, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để thông tin được trao đổi, cung cấp thông suốt, hiệu quả. Cần có giải pháp công nghệ thông tin để tự động cập nhật bản án, thông tin lý lịch tư pháp vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, giúp địa phương sớm hoàn chỉnh Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Nâng cấp hệ thống phần mềm, tránh tình trạng treo, lỗi, bảo đảm hệ thống Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung đáp ứng theo quy định và yêu cầu mới.
Có thể khẳng định, xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp luôn được coi là hoạt động cơ bản, nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng của công tác lý lịch tư pháp. Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động này cần được quan tâm đầu tư đúng mức, góp phần nâng cao hiệu quả cấp Phiếu qua ứng dụng VNeID, phát triển công tác lý lịch tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Văn Bốn, Đổi mới công tác lý lịch tư pháp trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 405), tháng 5/2024, https://danchuphapluat.vn/doi-moi-cong-tac-ly-lich-tu-phap-trong-giai-doan-hien-nay.
2. Đỗ Thị Thúy Lan, Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 405), tháng 5/2024, https://danchuphapluat.vn/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-hoat-dong-xay-dung-co-so-du-lieu-ly-lich-tu-phap-trong-boi-canh-hien-nay.
3. Lê Sơn, nguồn: https://baochinhphu.vn/thu-truong-nguyen-khanh-ngoc-xay-dung-co-so-du-lieu-lltp-dung-du-sach-song-102240927152705193.htm, đăng ngày 27/9/2024.
4. Lê Sơn, nguồn: https://baochinhphu.vn/cap-phieu-ly-lich-tu-phap-nhieu-ket-qua-sau-01-nam-thuc-hien-chi-thi-cua-thu-tuong-chinh-phu-102240926183252465.htm, đăng ngày 27/9/2024.
5. Trịnh Minh, Khó khăn, vướng mắc trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/kho-khan-vuong-mac-trong-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-tren-vneid-44279.html, đăng ngày 27/11/2024.
6. Báo cáo công tác lý lịch tư pháp hiện nay và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới (tài liệu phục vụ buổi làm việc của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia ngày 28/6/2024).
7. Báo cáo số 233/BC-STP ngày 22/8/2024 của Sở Tư pháp tỉnh An Giang về sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg; Báo cáo số 1614/BC-STP ngày 22/8/2024 của Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre về sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg; Báo cáo số 5387/BC-STP ngày 22/8/2024 của Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh về sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg; Báo cáo số 261/BC-STP ngày 23/8/2024 của Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước về sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg; Báo cáo số 193/BC-STP ngày 22/8/2024 của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh về sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg; Báo cáo số 225/BC-STP ngày 26/8/2024 của Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg;…
Uyên Nhi