Luật hình sự các nước đều quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS), ở mỗi quốc gia, sự giới hạn hành vi, mức độ các trường hợp này không giống nhau. Pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng cần phải tiếp tục được làm rõ và khẳng định về mặt lập pháp cho vấn đề này.
Loại trừ TNHS là những trường hợp được quy định trong các điều của Bộ luật Hình sự về việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội, khi có đủ các căn cứ do pháp luật hình sự quy định, việc gây thiệt hại về mặt pháp lý hình sự, nhưng không bị coi là tội phạm và người thực hiện hành vi nguy hiểm đó không phải chịu TNHS. Những trường hợp loại trừ TNHS có các đặc điểm cơ bản như: (i) Hành vi gây thiệt hại bị luật hình sự cấm và được quy định trong các điều luật cụ thể; (ii) Hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại cho xã hội nhưng được coi là hợp pháp về mặt pháp lý, do vậy, không bị coi là tội phạm, không bị truy cứu TNHS; hành vi bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác phải trong giới hạn của luật hình sự quy định; (iii) Những trường hợp loại trừ TNHS được thực hiện trong trường hợp cụ thể không bị coi là tội phạm phải có đủ các căn cứ do Bộ luật Hình sự quy định. Hành vi đó phải đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm mà pháp luật hình sự quy định như: Tính trái pháp luật; tính chất lỗi; do người có năng lực TNHS thực hiện; hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội; đủ tuổi chịu TNHS.
Việc nghiên cứu những trường hợp loại trừ TNHS có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn, cụ thể: Phát huy tinh thần đấu tranh chống lại các hành vi nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật hình sự cấm; nâng cao ý thức pháp luật của người dân trong việc bảo vệ công bằng, dân chủ văn minh; hoàn thiện chế định những trường hợp loại trừ TNHS của Bộ luật Hình sự năm 2015 là bước đánh dấu cho việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách tư pháp đến năm 2020. Bên cạnh đó, làm rõ được các khái niệm, bản chất pháp lý phát sinh trong thực tiễn còn nhiều tranh luận, khắc phục việc Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về chế định này chưa phù hợp về logic do còn nằm rải rác ở các điều, các chương riêng biệt, chưa quy định đầy đủ những trường hợp phát sinh trong thực tiễn đời sống xã hội. Đồng thời, nhằm bảo đảm nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, giúp cho Tòa án thuận tiện khi thi hành Bộ luật Hình sự, tránh xảy ra oan, sai cho người vô tội như báo chí đã đưa ra trong thời gian gần đây.
2. Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự Việt Nam
2.1. Sự kiện bất ngờ
Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 2015 ghi nhận: Sự kiện bất ngờ là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện, cũng như hậu quả của hành vi do mình gây ra, người thực hiện hành vi trong trường hợp này là người không có lỗi (thiếu yếu tố lỗi, thiếu dấu hiệu của mặt chủ quan của tội phạm), do vậy, hành vi của họ không cấu thành tội phạm, không bị truy cứu TNHS về hành vi nguy hiểm đó.
Hành vi gây thiệt hại do sự kiện bất ngờ là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, người rơi vào trường hợp này cũng không thể thấy trước được hành vi của mình gây ra hậu quả nguy hiểm. Khác với trường hợp gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp lỗi vô ý, ở đây do điều kiện khách quan mang lại nên không nhìn thấy trước hậu quả, không buộc phải thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội có thể xảy ra. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị coi là có lỗi và không phải chịu TNHS của hành vi gây thiệt hại do mình gây ra.
2.2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 ghi nhận: Trường hợp không có năng lực TNHS là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trạng thái do bệnh lý tâm thần hoặc loại bệnh lý khác nên đã hoàn toàn không thể nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện, cũng như tính chất pháp lý do hành vi của mình gây ra, không điều khiển được hành vi của mình (người thực hiện hành vi trong trường hợp thiếu dấu hiệu của mặt chủ quan của tội phạm), do vậy, hành vi của họ không cấu thành tội phạm.
Hành vi gây thiệt hại do người không có năng lực TNHS thực hiện là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng họ không có khả năng nhận thức, điều chỉnh hành vi, không biết được tính chất, mức độ xảy ra hậu quả nguy hiểm. Trong trường hợp này, pháp luật ghi nhận họ không có lỗi và không phải chịu TNHS.
2.3. Phòng vệ chính đáng
Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 ghi nhận: Phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả của người phòng vệ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác đang bị xâm hại. Hành vi phòng vệ với hành vi xâm hại phải tương xứng với nhau, do đó không phải là tội phạm, không bị truy cứu TNHS. Người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu TNHS theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc, hành vi phòng vệ chính đáng phải tương xứng với hành vi xâm hại, nếu vượt quá giới hạn thì phải chịu TNHS đối với hành vi vượt quá đó. Người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại, không đặt ra trường hợp lỗi vô ý trong trường hợp phòng vệ chính đáng. Hành vi phòng vệ được coi là hợp pháp khi việc gây thiệt hại về mặt pháp lý hình sự nhằm bảo vệ các lợi ích hợp pháp của người phòng vệ hoặc của người khác để tránh khỏi hành vi xâm hại; tính chất và mức độ gây thiệt hại của hành vi phòng vệ chính đáng tương xứng với hành vi xâm hại, không vượt quá giới hạn.
2.4. Tình thế cấp thiết
Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 2015 ghi nhận: Tình thế cấp thiết là hành vi gây thiệt hại về mặt pháp lý hình sự của người nào đó nhằm mục đích tránh việc gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của mình, của người khác, hoặc của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức nếu sự nguy hiểm đó không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết có thể là hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc không dựa vào mức độ tương ứng của thiệt hại cần ngăn ngừa, được thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý của chủ thể. Việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không bị pháp luật hình sự coi là tội phạm vì mục đích ngăn ngừa thiệt hại lớn hơn xảy ra nên không phải chịu TNHS.
2.5. Hành vi gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
Lần đầu tiên pháp luật hình sự nước ta ghi nhận về hành vi gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội là trường hợp được loại trừ TNHS tại Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc ghi nhận này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn xét xử, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự.
Việc bắt người phạm tội với mục đích bắt là để chuyển giao các đối tượng này cho cơ quan có thẩm quyền xử lý, đồng thời để người đó không tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc bỏ trốn sự truy nã của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc thực hiện hành vi gây thiệt hại là biện pháp bất đắc dĩ, cuối cùng, duy nhất, không còn cách nào khác ngoài việc dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ. Nếu không tiến hành ngay tức khắc, người đó sẽ chống trả, bỏ trốn hoặc tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng. Người thực hiện hành vi trong khi bắt người phạm tội với trạng thái tâm lý là lỗi cố ý, nhằm mục đích ngăn ngừa việc tiếp tục phạm tội hoặc tẩu thoát. Việc thực hiện hành vi bắt người phải là hành vi hợp pháp, có căn cứ pháp lý như: Người bị bắt giữ đang thực hiện hành vi phạm tội quả tang, đang trốn tránh sự truy nã của cơ quan điều tra, có dấu hiệu thực tế chống trả… và người bắt giữ đã tiến hành các biện pháp khác, nhưng không còn cách nào khác là dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt.
2.6. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ
Lần đầu tiên pháp luật hình sự nước ta ghi nhận về hành vi gây thiệt hại do rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ là tại Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 2015: Người gây ra thiệt hại trong việc thực hiện hành vi khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa, cân nhắc cẩn thận, so sánh ý nghĩa, mục đích đặt ra với hậu quả rủi ro, không mong muốn xảy ra, hậu quả xảy ra phải nhỏ hơn, không đáng kể với mục đích nghiên cứu đạt được, nghiên cứu, thử nghiệm đó phải đem lại lợi ích lớn cho xã hội, cộng đồng thì không phải là tội phạm. Người nào không tuân thủ các quy trình, biện pháp phòng ngừa, gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, vi phạm pháp luật hình sự thì phải chịu TNHS.
Hành vi rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ phải nhằm đạt được mục đích duy nhất là đem lại lợi ích cho xã hội và mục đích này đã không thể đạt được, gây ra sự rủi ro với chính việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Chủ thể đã cố gắng hạn chế thấp nhất những thiệt hại hoặc rủi ro mà có thể lường thấy được, đã tiến hành các biện pháp cần thiết nhất để ngăn ngừa thiệt hại có thể xảy ra và thiệt hại, rủi ro xảy ra nằm ngoài mong muốn của chủ thể.
2.7. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên
Là chế định mới thể hiện nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam, được ghi nhận tại Điều 26 Bộ luật Hình sự năm 2015: Hành vi gây thiệt hại về mặt pháp lý hình sự có dấu hiệu nào đó bị pháp luật hình sự cấm trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu TNHS. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu TNHS.
Hành vi gây thiệt hại trong việc chấp hành chỉ thị là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật hình sự cấm, do chủ thể thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên gây ra. Người thi hành mệnh lệnh gây thiệt hại với lỗi cố ý, do bắt buộc phải thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên. Người này đã làm hết trách nhiệm, quy trình báo cáo, nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó. Đây là mối quan hệ ràng buộc của người ra chỉ thị với người thực hành chỉ thị. Người thi hành mệnh lệnh chỉ thị của cấp trên không phải chịu TNHS, mà người ra chỉ thị, mệnh lệnh sẽ phải chịu TNHS về việc ra mệnh lệnh.
3. Một số nhận xét và kiến nghị
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều điểm tiến bộ hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999 khi pháp điển hóa lần này, các nhà làm luật đã tách những trường hợp loại trừ TNHS thành một chương riêng, trong đó thêm 03 trường hợp mới được ghi nhận. Điều này phù hợp với thực tiễn xét xử đặt ra, đồng thời khẳng định được nguyên tắc tiến bộ của pháp luật hình sự trong xu thế hội nhập tư pháp hình sự với các nước trong khu vực và trên thế giới hiện nay.
Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới, tuy nhiên, việc bổ sung này chưa đầy đủ, cần tiếp tục cập nhật một số các trường hợp khác trong thời gian tới như: (i) Đương nhiên phòng vệ chính đáng, được hiểu là “chống trả lại người đang dùng vũ khí để chống trả lại việc bắt giữ hoặc để tiếp tục phạm tội; chống trả lại người đang thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm, cướp tài sản, chống phá trại giam, các khu vực an ninh quốc gia, quốc phòng; chống trả lại hành vi của người đang có hành vi tấn công tại chỗ ở của người khác vào ban đêm”; (ii) Tình trạng bất khả kháng; (iii) Bị ép buộc sử dụng thuốc, chất kích thích gây nghiện; (iv) Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tột ít nghiêm trọng…
Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng cần có những giải thích cụ thể với từng trường hợp loại trừ TNHS để thuận tiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi vận dụng các quy định này, tránh xảy ra nhiều cách hiểu khác nhau, áp dụng không thống nhất. Các căn cứ pháp lý của loại trừ TNHS mới chỉ mang tính chất định tính, chưa định lượng rõ ràng, cụ thể. Như vậy, việc vận dụng khi thi hành Bộ luật Hình sự trong hoạt động xét xử sẽ gặp nhiều khó khăn cho việc xác định các mức độ của các trường hợp loại trừ TNHS.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội