Theo đa số nghiên cứu trên thế giới, thì bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng chế định trách nhiệm sản phẩm là một lựa chọn khá tối ưu, mặc dù vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định về trách nhiệm sản phẩm. Trách nhiệm sản phẩm bắt nguồn từ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không dựa trên yếu tố lỗi. Việc không dựa trên yếu tố lỗi là điểm đặc biệt, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách có hiệu quả.
1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Hợp đồng là một phương tiện quan trọng để tạo lập nên đời sống của con người, giúp con người đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần của mình thông qua việc trao đổi các sản phẩm, dịch vụ và các lợi ích khác[1]. Tuy nhiên, không phải lúc nào, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đều được thực hiện đúng và đủ. Từ đó làm xuất hiện một dạng trách nhiệm, đó là trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ hay trách nhiệm phát sinh từ hợp đồng, tồn tại giữa bên bị thiệt hại và bên gây thiệt hại trong quan hệ hợp đồng. Trách nhiệm đó, giai đoạn lập pháp thời kỳ đầu là nhằm vào nhân thân người vi phạm, sau đó chuyển dần sang nhằm vào tài sản người vi phạm gọi là bồi thường thiệt hại về tài sản và sau này hoàn thiện hơn là cộng hưởng cả hai.
Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phải lúc nào cũng ràng buộc giữa các bên chủ thể trong giao kết hợp đồng. Bộ luật Dân sự hiện hành cung cấp những công cụ cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của bên thứ ba và các quy tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên yếu thế hay bảo vệ các nạn nhân không may gặp tai nạn khi bị tác động bởi nguồn nguy hiểm cao độ, bởi “đó là cơ sở đạo đức của pháp luật - cái triết lý sống ở đời”[2]. Điều này chính là nguyên nhân để phát sinh một dạng trách nhiệm pháp lý khác - trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005, thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là: “1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. 2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó”. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự, mà khi người nào có hành vi do pháp luật quy định xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
Nếu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bao giờ cũng được phát sinh trên cơ sở một hợp đồng có trước, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý do pháp luật quy định đối với người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, không kể trước đó hai bên đương sự đã có giao kết một hợp đồng có hiệu lực hay chưa.
Theo khoản 1 Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có các điều kiện: Có thiệt hại xảy ra; có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; có lỗi của người gây thiệt hại.
Còn theo Vũ Văn Mẫu, nói tới trách nhiệm dân sự phải hội tụ ba điều kiện: “Sự tổn hại, sự quá thất và mối tương quan nhân quả giữa sự quá thất và sự tổn hại’’[3]. Cũng trong cuốn Việt Nam Dân luật lược khảo, Vũ Văn Mẫu còn nhắc đến quan điểm của Giáo sư Svalier dựa trên quan điểm học thuyết rủi ro: “Trách nhiệm dân sự có hai khu vực, một khu vực chính yếu nhìn nhận căn bản chủ quan và đặt trách nhiệm trên căn bản cổ điển của quá thất (yếu tố lỗi); một khu vực phụ thuộc, do nhà lập pháp ấn định trong những đạo luật đặc biệt đã nhìn nhận lý thuyết trách nhiệm khách quan không cần quá thất”[4]. Quan điểm này bao quát hơn so với quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, vì có những trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà không xét đến yếu tố lỗi, ví dụ trách nhiệm nghiêm ngặt (cụ thể như trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng - Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2005). Đối với trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại, vấn đề hình thức lỗi và mức độ lỗi ảnh hưởng rất ít đến việc xác định trách nhiệm. Về nguyên tắc, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi người gây thiệt hại có lỗi, bất kể đó là lỗi cố ý hay lỗi vô ý.
Những luận giải cổ điển cho rằng, căn bản của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng trên ý niệm lỗi của người gây ra thiệt hại cho người khác. Theo đó, lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Chỉ khi nào một người do lỗi của mình mà gây thiệt hại, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người khác thì mới phải bồi thường. Cơ sở để người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường là họ phải chứng minh lỗi của người gây thiệt hại. Song trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, khuynh hướng cổ điển không bảo đảm được một cách có hiệu quả quyền lợi cho nạn nhân, trong khi việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại là một đòi hỏi cấp thiết và chính đáng. Cụ thể là, trong trường hợp thiệt hại xảy ra mà không có ai chứng kiến, hoặc không do lỗi của ai cả, nếu buộc nạn nhân phải dẫn chứng lỗi, tức là gián tiếp bác bỏ quyền đòi bồi thường của nạn nhân. Như vậy, nếu người bị thiệt hại cố gắng chứng minh lỗi của người gây ra thiệt hại để được bồi thường, họ phải tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền của, từ đó sẽ làm tăng sự lo lắng và áp lực cho cả hai bên. Trong một vài trường hợp, tiền bồi thường sẽ được các công ty bảo hiểm chi trả, vì thế yếu tố ngăn ngừa của lỗi ít có tác dụng.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, việc công nhận trách nhiệm nghiêm ngặt không phải là sự phủ định về nguyên tắc lỗi trong trách nhiệm dân sự nói chung và bồi thường thiệt hại nói riêng. Điều này có thể nhìn nhận được trong các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các loại bồi thường thiệt hại gắn với yếu tố lỗi vẫn giữ số lượng áp đảo so với trách nhiệm nghiêm ngặt. Qua đó, có thể thấy rằng, trách nhiệm dựa trên lỗi là nguyên tắc và trách nhiệm nghiêm ngặt chỉ là trường hợp đặc biệt[5].
2. Về trách nhiệm sản phẩm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trách nhiệm sản phẩm là một chế định pháp luật quan trọng ở nhiều nước có nền kinh tế thị trường phát triển hiện nay. Quá trình phát triển chế định pháp luật này gắn liền với nhu cầu bảo vệ người tiêu dùng trước những nhà sản xuất, cung ứng hàng hoá sản phẩm. Sự phát triển của chế định này là một bước tiến của pháp luật ở nhiều nước trong việc kiểm soát các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm vì lợi ích của cộng đồng. Bản chất của chế định này là các nhà sản xuất và những tổ chức, cá nhân tham gia vào việc tiêu thụ sản phẩm phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra cho người sử dụng sản phẩm nếu như việc sử dụng chúng tiềm ẩn những nguy hại nhưng không được cảnh báo trước.
Hiện nay, trên thế giới, pháp luật trách nhiệm sản phẩm được xây dựng dựa trên ba nguyên lý cơ bản về sự vi phạm nghĩa vụ bảo đảm, sự bất cẩn và trách nhiệm nghiêm ngặt. Có thể nhận thấy, đây cũng chính là ba cơ sở khởi kiện của người bị thiệt hại trong các vụ án liên quan đến trách nhiệm.
Trong thực tiễn, người tiêu dùng ít sử dụng nghĩa vụ đảm bảo để làm cơ sở khởi kiện vì để áp dụng ta cần phải chứng minh bản chất mối quan hệ giữa người bán, người cung cấp hàng hóa và người mua. Việc này thực sự vô cùng phức tạp. Nếu như sản phẩm mua về có lỗi và gây ra thương tích, người tiêu dùng phải chứng minh rằng hành vi của nhà sản xuất khi thiết kế ra sản phẩm là không đủ tiêu chuẩn hoặc không hợp lí. Đương nhiên, thông tin về việc nhà sản xuất thiết kế sản phẩm như thế nào thì người tiêu dùng không thể nắm rõ được.
Trách nhiệm sản phẩm được hiểu là người sản xuất phải chịu trách nhiệm nếu như sản phẩm bị kém chất lượng và việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng này trong điều kiện bình thường gây ra những thiệt hại cho người sử dụng. Để khởi kiện theo cơ sở này, người khởi kiện không cần chứng minh có hay không có sự cẩu thả của nhà sản xuất, có hay không có nghĩa vụ đảm bảo. Người khởi kiện chỉ cần chứng minh rằng sản phẩm kém chất lượng và nguy hiểm một cách phi lý và thực tế đã gây thiệt hại.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là quy định người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi sản phẩm. Cụ thể, Điều 42 của Luật quy định nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng việc quy định người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi trong vụ án dân sự không có nghĩa là miễn trừ tất cả nghĩa vụ chứng minh của người tiêu dùng. Để thực hiện việc khởi kiện, người tiêu dùng vẫn phải chứng minh thiệt hại, cung cấp chứng cứ về thiệt hại cũng như hành vi gây ra thiệt hại mà không cần phải chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây ra thiệt hại đó. Quy định này xuất phát từ vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, căn cứ phát sinh trách nhiệm chính là khuyết tật sản phẩm và thiệt hại đã xảy ra. Ở đây, người tiêu dùng không cần chứng minh lỗi này, mà nghĩa vụ chứng minh mình có lỗi hay không là ở phía các nhà sản xuất, nhà cung ứng nếu họ muốn miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Việc xác định căn cứ, dựa trên đó xác định khuyết tật sản phẩm là yếu tố vô cùng quan trọng để xác định trách nhiệm nghiêm ngặt. Một sản phẩm bị coi là có khuyết tật khi sản phẩm đó không đảm bảo an toàn ở mức độ mà người ta có thể trông chờ được một cách hợp lí. Tuy nhiên, Điều 24 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có ghi nhận quyền miễn trừ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong trường hợp khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện với trình độ khoa học - kỹ thuật tại thời điểm cung cấp hàng hóa tương tự như điểm đ khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Như vậy, trong tình huống này, người tiêu dùng rơi vào tình thế bất lợi nếu như khi mua hàng hóa mà không biết rằng sản phẩm thụ hưởng đó có thể hay không thể phát hiện khuyết tật. Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng không đề cập tới một trình tự hoặc phương thức rõ ràng để làm rõ nội hàm cụm từ “không thể phát hiện với trình độ khoa học - kỹ thuật tại thời điểm cung cấp hàng hóa”. Quy định không có hướng dẫn cụ thể như vậy, một lần nữa lại đặt người tiêu dùng vào vị thế bị động, có thể gặp rủi ro khi tiếp nhận hàng hóa do bản thân bị hạn chế không đủ năng lực để tự kiểm chứng.
Từ những phân tích về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, và trách nhiệm sản phẩm sẽ cung cấp các kỹ thuật pháp lý sơ khai nhất để các nhà làm luật nghiên cứu hoàn thiện pháp luật, đồng thời thấy được vai trò to lớn của trách nhiệm sản phẩm trong việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và đáp ứng tình hình kinh tế nước ta hiện nay.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
[1]. PGS.TS. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Luật hợp đồng - Phần chung, Nxb. Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 5.
[2]. PGS.TS. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Luật hợp đồng - Phần chung, Nxb. Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 35.
[3]. Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân luật lược khảo, Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, Bộ Quốc Gia giáo dục xuất bản, tr. 402.
[4]. Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân luật lược khảo, Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, Bộ Quốc Gia giáo dục xuất bản, tr. 469.
[5]. Janno Lahe, Regulation of Strict Liability in the CFR and the Estonian Law of Obligations Act, 2010, tr. 169.