Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 22/03/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về tăng cường chỉ đạo sát nhập thôn, tổ dân phố, huyện Nghi Xuân đã tiến hành các bước để sát nhập thôn, tổ dân phố nhằm đảm bảo quy mô phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ 194 thôn, tổ dân phố, đến nay còn 167 thôn, tổ dân phố và đã tiến hành điều chỉnh, xây dựng lại và làm các bước trình Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân phê duyệt hương ước. Thông qua việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, làm cho nhân dân phấn khởi tích cực thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, từng bước thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, khuyến khích phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, tiết kiệm, hạn chế ăn uống lãng phí, tốn kém, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan... góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn.
Từ những kết quả do thực hiện hương ước mang lại, ngoài việc tự giác chấp hành của nhân dân thì các quy định và đặc biệt là chế tài trong hương ước góp phần quan trọng và có ý nghĩa trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hương ước. Các quy định thuộc nhiều lĩnh vực như: Hiếu, hỷ, vệ sinh môi trường, khuyến học, lễ hội, các khoản đóng góp quỹ… đều phải được xây dựng chi tiết, cụ thể trong hương ước, người dân xem đó như một cuốn “cẩm nang” để thực hiện và kèm theo đó là các chế tài áp dụng đối với những người không thực hiện, đồng thời cũng là vấn đề được thảo luận, bàn cãi sôi nổi nhất khi lấy ý kiến nhân dân để xây dựng và xem xét, trình cấp có thẩm quyền thẩm định hương ước, quy ước. Bên cạnh việc hương ước quy định các hình thức và biện pháp khen thưởng đối với công dân có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện hương ước như: Nêu gương người tốt, việc tốt, ghi nhận công lao, thành tích của tập thể, cá nhân; bình xét, công nhận gia đình văn hóa và các hình thức khen thưởng khác do cộng đồng tự thỏa thuận hoặc đề nghị chính quyền khen thưởng, thì chế tài áp dụng đối với những người vi phạm quy định đã thống nhất trong hương ước, quy ước như: Lao động công ích, nhắc nhở, phê bình trước tập thể nhân dân… và hạn chế đến mức thấp nhất hình thức “phạt” bằng tiền hoặc bằng vật chất (thường là sản phẩm nông nghiệp). Trước đây, có nhiều bản hương ước quy định các hình thức xử phạt một cách tùy tiện, trái luật như: “Các chủ phương tiện có xe bò, xe công nông thuộc người trong thôn thì hàng năm phải nộp một khoản tiền cho thôn; chủ trâu, bò ăn khoai, lúa của người trong thôn, ngoài việc bồi thường phần diện tích bị phá hoại cho chủ còn phải nộp một khoản tiền phạt cho thôn; cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3 trở lên thì bị phạt tiền hoặc trai, gái lấy vợ, lấy chồng ngoài xã phải nộp cho thôn một số tiền nhất định…”. Mặc dù được nhân dân bàn bạc và thống nhất xây dựng với sự đồng thuận cao trong nội bộ nhân dân nhưng thực chất thì đó là những quy định không đúng với tinh thần của pháp luật, quy định những “hình phạt” vốn không thuộc thẩm quyền của cấp thôn và ít mang ý nghĩa vận động, thuyết phục.
Xét về bản chất thì hương ước, quy ước là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các nguyên tắc xử sự do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận và đặt ra để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính chất tự quản của nhân dân, mang tính chất giáo dục, thuyết phục, vận động thực hiện. Mục đích cuối cùng của hương ước, quy ước là cùng với pháp luật để giúp duy trì an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ trong nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, góp phần duy trì và phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống dân tộc. Thực tiễn cho thấy, chỉ nên áp dụng hình phạt bằng tiền hoặc vật chất - chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp trong hương ước khi có các điều kiện khả thi để biện pháp này mang lại hiệu quả khi áp dụng và phải tuân thủ pháp luật. Việc đưa ra chế tài mang tính chất “phạt” không phù hợp với việc giáo dục, thuyết phục, vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện. Ví dụ như vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường là rất đáng lo ngại, trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước đều quy định rõ việc bảo vệ môi trường và đổ rác đúng nơi quy định, ở các cuộc họp, cán bộ thôn đều đưa nội dung này tuyên truyền, vận động. Kết quả là, đến nay được rất nhiều thôn chấp hành nghiêm, trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho khu dân cư. Nếu không có biện pháp tuyên truyền, vận động mà chỉ có hình thức “phạt tiền” đối với hộ vi phạm thì mỗi khi vi phạm, các hộ đó chỉ chấp nhận “nộp tiền phạt” và lại tiếp tục vi phạm. Để thay đổi hành vi và nhận thức của nhân dân về công tác bảo vệ môi trường là rất khó nếu không dùng biện pháp tuyên truyền, vận động.
Thực tế, khi mọi người hướng đến xây dựng xã hội sống, làm việc theo pháp luật thì hương ước, quy ước thể hiện vai trò quan trọng như một công cụ để định hướng người dân theo khuôn khổ nhất định. Mỗi khi làm việc gì, người dân đều cân nhắc xem có trái hương ước, quy ước thôn hay không. Từ thực tiễn cho thấy: Các hình thức chế tài trong hương ước, quy ước chủ yếu là dựa trên sức mạnh của dư luận xã hội, cộng đồng như các hình thức giáo dục, phê bình của gia đình, tập thể cộng đồng, thông báo trên hệ thống truyền thanh ở cơ sở... với mục đích giáo dục, thuyết phục, vận động thực hiện. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định của hương ước, quy ước thì có thể thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi cộng đồng hoặc áp dụng các biện pháp phạt để răn đe, phòng ngừa vi phạm nhưng không đặt ra hình phạt xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân và các hình phạt có nội dung trái pháp luật. Không thể có chế tài trong hương ước theo kiểu “phép vua thua lệ làng”.
Để có bản hương ước với chế tài đúng pháp luật và đủ mạnh để vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện thì cần phải có các biện pháp để nâng cao trình độ nhận thức của cán bộ cấp thôn, xã. Người chủ trì soạn thảo hương ước phải nhận thức được hương ước không phải là pháp luật mà là một hình thức “lệ làng” bổ sung cho pháp luật, điều chỉnh những quan hệ, những tình huống phát sinh trong thôn mà pháp luật không điều chỉnh hoặc chưa điều chỉnh được. Hương ước, quy ước có ý nghĩa giáo dục và động viên nhân dân thực hiện, gắn bó thành một cộng đồng chặt chẽ, đồng thời điều tiết trách nhiệm và quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng dân cư. Do đó, chế tài trong hương ước, quy ước có ý nghĩa trong việc bổ sung cho pháp luật khi cần xử lý những vấn đề rất cụ thể nảy sinh từ nếp sống đặc thù của cộng đồng dân cư. Mặt khác, nội dung của hương ước, quy ước là những nguyện vọng do nhân dân tự đặt ra, được thảo luận, bàn bạc và nhất trí thông qua, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân nên được toàn thể nhân dân tự giác chấp hành. Sức mạnh cưỡng chế của hương ước, quy ước dựa vào thói quen, nếp sống của cộng đồng dân cư, là sức mạnh có tính chất tâm lý nằm sâu trong tiềm thức của mọi người dân. Chính vì vậy, chế tài trong hương ước mang tính giáo dục, thuyết phục, vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện sẽ có tác động tích cực tới các hoạt động của cộng đồng dân cư, để người dân hiểu được những việc gì mình được làm và không được làm, thay cho các “hình phạt” trong hương ước.
Với vị trí, vai trò của mình, chế tài trong hương ước là bộ phận hỗ trợ đắc lực của pháp luật, có ý nghĩa trong việc bổ sung cho pháp luật khi cần xử lý những vấn đề rất cụ thể nảy sinh từ nếp sống đặc thù của cộng đồng dân cư, vì vậy rất cần được quan tâm trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện. Tinh thần nghiêm khắc trong chế tài của hương ước phải được thể hiện, đó là “lệ làng” - cần thiết để giúp vào sự hoà hợp, ổn định của cộng đồng chứ không thể là những gì trói buộc, chỉ là thôn dân của một làng mà quên đi công dân trong một nước. Lệ làng là để đảm bảo cho phép nước chứ không thể vượt qua quyền hạn của phép nước.
Trần Hoàng Thạch
Phòng Tư pháp huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh