Thu Đông năm 1952, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, quân và dân ta mở chiến dịch tiến công Tây Bắc, đập tan âm mưu mở rộng chiếm đóng và lập “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng.
Có được thắng lợi này phải kể đến tinh thần đoàn kết, đấu tranh anh dũng, quật khởi của chiến sĩ và đồng bào cả nước. Đặc biệt là sự đóng góp to lớn của chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, với ý chí, lòng quyết tâm, quân và dân các tỉnh Tây Bắc đã không quản ngại hy sinh, vất vả, đóng góp nhân lực, vật lực, tích cực tham gia chiến dịch, góp phần tạo nên chiến thắng mang tầm chiến lược, đánh dấu bước phát triển mới, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta tiến lên giành thắng lợi quyết định.
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước ta thoát khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành được độc lập. Thế nhưng, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”. Tổ quốc lại lâm nguy! Vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc” khi quân Anh mang danh nghĩa quân đồng minh kéo vào giải giáp quân Phát xít Nhật, nhưng thực chất là tiếp tay cho thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Đêm 22, rạng sáng ngày 23/9/1945, Pháp nổ súng ở Nam Bộ, chính thức đánh dấu cuộc xâm lược tại Việt Nam lần thứ 2. Tiếp đó, chúng lần lượt đem quân mở rộng vùng chiếm đóng từ Nam ra Bắc.
Nằm ở phía Tây Bắc Bộ nước ta, Tây Bắc cũng không nằm ngoài tầm ngắm của thực dân Pháp. Khu Tây Bắc lúc bấy giờ gồm 04 tỉnh là: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái. Đây được xem là địa bàn có vị trí chiến lược biệt quan trọng với chiến trường Đông Dương – được ví như “bản lề”, vừa nối Việt Nam với Thượng Lào, Trung Quốc; vừa nối liền Liên khu 3, Liên khu 4 và vùng căn cứ địa Việt Bắc.
Nói về âm mưu của thực dân Pháp, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (C4054) cho biết: “Thực dân Pháp âm mưu muốn nhảy vào đây để chiếm giữ vùng này chia cắt chiến trường chính Bắc Bộ ra. Nó lấy thế bao vây lại lực lượng ta đóng tại Việt Bắc và trung du đồng bằng Bắc Bộ”.
Chiếm đóng Tây Bắc, thực dân Pháp sử dụng lực lượng quân sự thiết lập hệ thống đồn bốt ở hầu khắp các vị trí quan trọng. Đồng thời, chúng âm mưu lập nên cái gọi là “Xứ Thái tự trị” hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc, thực hiện chính sách “chia để trị”, “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.
“Xứ Thái tự trị” được thực dân Pháp lập ra gồm 16 châu. Chúng đưa một số tên phản động như: Đèo Văn Long, Bạc Cầm Quý lên làm Chúa xứ, tỉnh trưởng. “Xứ Thái tự trị” có cơ cấu tổ chức như một chính quyền nhà nước riêng, nhưng thực chất mọi quyền lực đều nằm trong tay cố vấn Pháp. Chúng thực hiện bóc lột, vơ vét tài sản của nhân dân với những hình thức như thu thuế thân, thuế ruộng, thuế lúa. Cùng với đó, chúng tuyên truyền đả kích Việt Minh, đưa lính dõng và bảo an ở địa phương này đi đàn áp, cướp phá ở địa phương khác, gây mâu thuẫn, hiềm khích giữa các dân tộc với nhau và với người Kinh. “Xứ Thái tự trị” ở Tây Bắc trước năm 1952 được Pháp coi là một thành công điển hình trong âm mưu chia rẽ dân tộc.
Theo TS. Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái: “Âm mưu đó nhằm mục đích chia để trị, chia rẽ. Và đặc biệt, trong vùng Tây Bắc chúng cũng chia rẽ, giữa người Mông với người Dao, giữa người Thái với người Mường, cho nên tại sao chúng chỉ lập các tiểu đoàn Thái, thường xuyên càn quét, cướp bóc, giết hại nhân dân vùng Tây Bắc khiến cho người dân khổ sở, để nhằm mục đích tạo mâu thuẫn để các dân tộc chống lại nhau. Đó là âm mưu rất thâm độc của thực dân Pháp”.
Bảy thập kỷ đã trôi qua, nhưng với ông Hà Văn Ơn (xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) - người đã từng trực tiếp chứng kiến và trải qua những năm tháng đau thương lúc bấy giờ, thì những đày đọa, cùng cực, khổ đau vẫn còn hằn in vẹn nguyên trong ký ức: “Ở đây Pháp rào làng hết, dồn 3, 4 làng lại một chỗ. Nó chỉ mở 3 cửa 3 cái cổng thôi. Và nó cho lính của nó gác cổng. Ai vào ra là nó kiểm soát. Ai mang cơm mang gạo ra là không được. Cái thứ hai là nó dựng lên nhiều chức quyền để đàn áp. Lính tráng thì đêm hôm nó đi tuần tiễu suốt. Các ông cũng chả làm gì được nó. Nó muốn bắt vịt, bắt gà gì thì nó bắt. Các bà thì cũng phải đêm ngủ chỗ này, đêm ngủ chỗ khác chứ không được yên ổn ở nhà đâu. Nó bắt rồi hà hiếp, khổ lắm. Dân đói lắm, cơm không có ăn, nhà cửa rách nát, chả có trường học. Thanh niên nam giới mạnh khỏe bắt đi lính, đi phu. Chống lại thì nó đánh, nó lấy báng súng nó đập cho”.
Cụ Hà Văn Tích (xã Đại Lịch, Văn Chấn, Yên Bái) nhớ lại: “Chỉ trong vòng thời gian ngắn thôi, nó tổ chức với khẩu hiệu “đốt sạch, giết sạch, phá sạch” nên là trong 29 ngày nó đã bắn chết 29 người. Lúc bấy giờ cả xã Đại Lịch có 180 nóc nhà thì nó đốt cháy mất 142 nóc nhà. Đền, chùa, miếu mạo nó đốt hết. Lúa non đang rỗ ngoài đồng là chúng phá hết. 150 ha đang rỗ và 270 tấn thóc của dân nằm ở các nơi là nó cũng đốt sạch. Nó o ép, kìm kẹp”.
Khu vực đồn Bồ - nơi trước đây thực dân Pháp lập bốt chiếm đóng. Dòng suối này vẫn tiếp tục dòng chảy của mình hòa cùng dòng thời gian, nhưng những tội ác của thực dân Pháp tại chính nơi đây thì không thể xóa nhòa theo năm tháng. Ngày ấy, rất nhiều chiến sĩ cách mạng trung kiên, những người con anh dũng hết lòng theo cách mạng đã bị thực dân Pháp đưa ra con suối này, dùng mô đá trên Ngòi Lao làm pháp trường xử bắn giữa dòng nước xiết. Dã man hơn, chúng còn chặt đầu, mổ bụng, moi gan một số cán bộ chiến sĩ của ta hòng đe dọa, đàn áp, bắt đồng bào phải nghe theo chúng.
Với tinh thần đấu tranh anh dũng, giai đoạn này, quân và dân ta bắt đầu phát huy thế tiến công chiến lược, đẩy mạng kháng chiến, tiến hành nhiều chiến dịch lớn. Từ tháng 12/1950 đến tháng 6/1951, ta liên tiếp mở 03 chiến dịch tiến công lớn ở vùng Đồng bằng và trung du Bắc Bộ là: Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám và Quang Trung. Tuy có giành được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung cả 03 chiến dịch đều chưa đạt được mục tiêu đề ra. Điều đó cho thấy việc chọn hướng tiến công vào đồng bằng trong thời điểm này là không phù hợp. Nguyên nhân do ta chọn hướng tiến công chiến lược ở nơi địch tập trung lực lượng đông, có khả năng phát huy hiệu lực của các loại binh khí kỹ thuật hiện đại. Từ đây, Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến lược. Tây Bắc là nơi có vị trí chiến lược hiểm yếu, nhưng lại là nơi lực lượng địch không đông, lại phải phân tán trên một địa bàn rộng, vì thế có nhiều sơ hở. Từ những phân tích về tình hình chiến trường, đánh giá khách quan về tương quan lực lượng, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã nhận định phương hướng chiến lược có lợi lúc này là chiến trường rừng núi và quyết định mở chiến dịch Tây Bắc với chủ trương: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của dịch mà đánh và hướng tiến công chiến dịch lên Tây Bắc”. Mục đích của chiến dịch nhằm “Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân và giải phóng đất đai ở Tây Bắc”.
Chủ trương đúng đắn, ý Đảng hợp với lòng dân, đồng bào các dân tộc Tây Bắc cùng nhau đoàn kết, đồng lòng hưởng ứng, tích cực tham gia kháng chiến. Mặc cho quân Pháp truy lùng gắt gao, mặc cho hiểm nguy rình rập, nhiều gia đình ở bản Na Luông như gia đình của ông Đinh Văn Don và bà Đinh Thị Khuyên vẫn một lòng theo cách mạng, bí mật nuôi giấu cán bộ ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Ông Đinh Văn Don (xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) nhớ lại: “Nhà chỗ này tập trung kín hết. Các cán bộ địch vận về tuyên truyền cách mạng cho số trung kiên. Lúc họp thì phải có người gác. Tôi lúc đấy 13, 14 tuổi là lượn đi lượn lại. Có những lúc nó không đi tuần, cán bộ muốn ngủ lại thì phải giấu. Như nhà trên, ở giữa bản nó ít đến hơn. Có kho thóc thế là xuống đấy có lúc 1- 2 người, ở 1 - 2 ngày, thấy nó yên là đi lên rừng thôi. Vì tinh thần cách mạng nên gia đình cũng cố gắng giúp các anh, nuôi nấng, tuyên truyền, lấy cơm lấy nước rồi thuốc men đem lên rừng cho cán bộ”.
Bà Đinh Thị Khuyên (xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái): “Lúc ấy thư từ đi suốt. Đi chui rừng rồi cứ đi nấp nấp ở sườn đồi ấy thôi. Có hôm hai chị em vừa xuống cửa khe là họ băng xuống. Hôm đó là tơi bời, hai chị em núp vào búi tre. Ban ngày thì lấy thư cho vào trong áo, leo lên đồi cao ấy rồi mới xuống khe. Lúc ấy không biết sợ. Đi đêm, có lúc bố thức dậy hai giờ đêm là hai chị em đã dắt tay nhau đi”.
Nhờ có sự giúp đỡ, chở che của đồng bào các dân tộc thiểu số như gia đình ông Don, bà Khuyên, ta đã xây dựng và phát triển được nhiều cơ sở kháng chiến trên vùng cao Tây Bắc. Quần chúng nhân dân đã nổi lên đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức: Chống rào làng, chống bắt phu, bắt lính, đồng thời hình thành và phát triển nhiều đội du kích ở địa phương, tạo sức lan tỏa cho phong trào cách mạng phát triển rộng khắp.
Ở huyện vùng cao Trạm Tấu, câu chuyện về tinh thần mưu trí, dũng cảm, khả năng phán đoán, phân tích tài tình và lối đánh du kích sáng tạo của đồng bào người Mông, người Thái ngay tại di tích Kế Khấu Ly năm xưa vẫn được các thế hệ lãnh đạo và người dân nơi đây trân trọng, tự hào mỗi khi nhắc tới.
Ông Giàng A Xu (nguyên Bí thư huyện ủy huyện Trạm Tấu, Yên Bái) cho biết: “Cầm Ngọc Ninh này là người Thái, được Pháp cho làm quan hai, dẫn đầu một đội quân lên đây để tìm cán bộ Việt Minh đang hoạt động trên này. Dân bản mình biết đã báo cho Việt Minh mình chạy hết đi rồi. Thế mới chạy sang bàn với ông Giàng A Cau, Giàng Trống Của, Tra Là Sinh, đặt một quả bom ngay đây. Đến khi Cầm Ngọc Ninh quay vào bản Lừu tìm thì không thấy, quay về đây thì mình đã phục kích ở đây, giật quả mìn nổ, Cầm Ngọc Ninh chết ngay tại chỗ. Qua đó, để biết người Mông, người Thái là đoàn kết theo cách mạng”.
Chiến thắng Kế Khấu Ly không chỉ củng cố vững chắc thêm lòng yêu nước, niềm tin tất thắng của đồng bào các dân tộc vùng cao Trạm Tấu vào Đảng, vào cách mạng mà nó còn giúp làm hoảng loạn tinh thần của quân Pháp, tạo dựng cơ sở cách mạng tại địa bàn Trạm Tấu. Đặc biệt, với địa thế rừng núi hiểm trở cùng với lối đánh du kích, ta đã tạo thế trận bí hiểm, gây hoang mang trong hàng ngũ địch, đồng thời xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng.
Sau khi gây dựng được cơ sở cách mạng vững chắc, từ tháng 4/1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị xúc tiến công tác chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc. Quân và dân các tỉnh Tây Bắc tích cực tham gia chuẩn bị mọi mặt để phối hợp phục vụ chiến dịch. Dân quân du kích các xã Cát Thịnh, Thượng Bằng La, Việt Long, Hưng Khánh, Đại Đồng… cùng các đại đội 85, 87, 97 bộ đội địa phương Yên Bái đã dẫn đường đưa lực lượng quân báo của ta vào vùng địch để nắm tình hình và bảo vệ an toàn các con đường từ vùng tự do vào Nghĩa Lộ.
Chuẩn bị cho trận đánh mở màn vào phân khu Nghĩa Lộ, từ khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10/1952, các đơn vị tham gia chiến dịch bắt đầu tiến vào vị trí tập kết. Với địa hình rừng núi hiểm trở, khi ấy, công tác vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch hết sức khó khăn, đòi hỏi phải huy động rất lớn lực lượng dân công tại chỗ làm công tác vận tải mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Để khích lệ tinh thần các chiến sỹ dân công tham gia mặt trận Tây Bắc, ngày 01/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên. Trong thư Bác nhấn mạnh: “Chiến dịch này rất quan trọng, các cô, các chú cũng là chiến sĩ, cũng có công như các chiến sĩ, phải cùng bộ đội giành cho được thắng lợi. Tất cả các cô các chú đều phải quyết tâm làm tròn nhiệm vụ phục vụ bộ đội. Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm việc cung cấp đầy đủ cho bộ đội, cùng bộ đội giành toàn thắng cho chiến dịch”.
Khắc sâu lời căn dặn của Bác, hàng chục ngàn con em là đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc đã hăng hái lên đường tham gia dân công, không quản ngại khó khăn, vất vả, hết lòng, hết sức phục vụ chiến dịch.
Ông Đào Thái (cán bộ Tiền khởi nghĩa) nhớ lại: “Tôi lúc bấy giờ lại phụ trách đoàn dân công đưa pháo vào trận địa. Vào đến nơi thì khẩu pháo của ta quá nặng, đẩy lên gò không đẩy được. Đoàn dân công của tôi lúc bấy giờ hơn 40 người cùng với bộ đội đẩy khẩu pháo lên đỉnh đồi để đưa pháo vào trận địa”.
Ông Đỗ Khắc Cương (nguyên Chủ tịch tỉnh Hoàng Liên Sơn): “Tỉnh ủy Yên Bái là giao tôi phụ trách đoàn dân công thị xã Yên Bái đi chiến dịch năm 1952. Đơn vị tôi vượt qua đèo Khau Vác này sang Sùng Đô làm nhiệm vụ chở lương thực cho bộ đội đánh đồn Nậm Mười. Lúc đó đi khó khăn lắm, thuốc men thì không có, lương thực thì chỉ có gạo ăn với muối, lắm lúc mưa ướt hết quần áo thì đêm khuya cởi hết ra rồi hơ cho khô rồi mặc thôi. Ngủ thì không có ni lông đâu, chỉ có lán lợp lá chuối, dưới dát những cây vầu làm giường nằm. Đi thì cứ động viên nhau hò hát: Đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần phục vụ thì cao hơn đèo”.
Trên đường tiến công vào mặt trận Tây Bắc, bên cạnh núi sâu, đèo cao thì dòng sông Hồng cắt ngang được xác định là trở ngại rất lớn đối với quân ta, bởi với tầm nhìn thoáng, việc hành quân, tập kết ở các khúc sông sẽ rất dễ bị địch phát hiện. Để tránh tai mắt của địch, đồng bào, dân công đươc huy động để chèo thuyền, đẩy phà đã phát huy sự mưu trí, sáng tạo giúp cho việc chuyển chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm thuốc men và bộ đội qua sông đảm bảo an toàn, bí mật.
Chỉ trong vòng ba ngày, 1.100 dân công được tỉnh Yên Bái huy động cùng hơn 450 thuyền, xuồng, máy đẩy đã đưa trên 41.000 bộ đội, 338 lừa ngựa và hàng trăm tấn vũ khí, lương thực, thuốc men qua sông một cách bí mật và an toàn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần giúp ta giành thắng lợi trong đợt tiến công đầu tiên của chiến dịch Tây Bắc từ ngày 14 - 23/10/1952, tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch, diệt 500 tên, bắt sống trên 1.000 tên, trong đó có 300 lính Âu - Phi và nhiều sĩ quan, chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên, giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ đường số 13 nối Yên Bái với Nghĩa Lộ.
Bị thiệt hại nặng sau đợt một của chiến dịch, Bộ Chỉ huy Pháp quyết định bỏ vùng tả ngạn sông Thao, rút sang hữu ngạn sông Đà, nhanh chóng thiết lập cầu hàng không Hà Nội - Nà Sản. Chúng điều 09 tiểu đoàn cơ động từ đồng bằng và nơi khác lên Tây Bắc, nâng tổng quân số ở đây lên 16 tiểu đoàn và 32 đại đội, lập tuyến phòng thủ hữu ngạn sông Đà, đồng thời củng cố cứ điểm Mộc Châu thành một cứ điểm mạnh, bảo vệ vòng ngoài cho Sơn La. Về phía ta, trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình, Bộ Tổng tư lệnh vẫn giữ quyết tâm tiến công Tây Bắc. Để chuẩn bị cho tác chiến đợt 2, quân và dân Tây Bắc tiếp tục đoàn kết đóng góp nhân lực, vật lực cho chiến dịch. Phong trào thi đua “Góp công sức để kháng chiến kiến quốc” được phát động rộng khắp ở vùng căn cứ và cả vùng tạm chiếm. Nhờ vậy, nên dù tình hình lúc bấy giờ hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhiều nơi giáp hạt, thiếu ăn, nhưng với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến dịch, tất cả cho chiến thắng”, đồng bào vẫn tự nguyện chắt chiu đóng góp lương thực, thực phẩm, hăng hái đi dân công, vừa đánh giặc bảo vệ hậu phương, vừa tham gia phục vụ tiền tuyến.
Bà Lò Thị Hoa (xã Mường Men, Vân Hồ, Sơn La) nhớ lại: “Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng khó khăn thì cũng không kể, góp người góp của cho Nhà nước, cho bộ đội. Ba tạ gạo và một con trâu, đào củ nấu chín rồi mang cho bộ đội. Bà cũng thương như thế, lo bộ đội đói mà. Nhà nước kêu gọi gì cũng không ngại, cũng phấn khởi làm thôi”.
Chỉ tính riêng trong hai đợt chiến dịch, quân và dân Sơn La đã đóng góp gần 1,5 triệu ngày công, có đợt số dân công phục vụ liên tục chiến dịch lên tới 4.000 người, cung cấp cho chiến dịch gần 700 tấn gạo, 88 tấn ngô và trên 48 tấn thịt… Nhờ có sự đóng góp, phục vụ chiến đấu tại chỗ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã giúp bộ đội ta có chỗ đứng chân vững chắc để triển khai lực lượng và tiến công địch, giúp cho đợt 2 của chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi. Ta đã tiêu diệt khu phòng thủ Mộc Châu, giải phóng hơn 17.700 km2. Địch thất bại phải rút chạy, co cụm về Nà Sản. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
TS. Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái nhận định: “Cuộc kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đều là chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, huy động được lực lượng tại chỗ. Lúc đó chúng ta không có phương tiện giao thông, không có máy móc, không có xe cộ, chỉ có sức người, đôi vai, đôi chân. Bộ đội thì chỉ mang được vũ khí, nhưng người dân đã ý thức được việc này nên đã sẵn sàng đóng góp sức mình vào cuộc kháng chiến. Đại đoàn kết thể hiện ở chỗ đồng lòng. Nhà nước quân đội cần gì, nhân dân có gì là sẵn sàng đóng góp kể cả mình còn nghèo đói”.
Sau những thiệt hại nặng, trước nguy cơ bị thất bại ở Tây Bắc, bộ chỉ huy quân Pháp quyết định xây dựng Nà Sản thành tập đoàn cứ điểm mạnh, được ví như “con đê ngăn sóng” với tổng binh lực lên đến 12.000 quân. Ta tiếp tục mở đợt tiến công thứ 3 đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Sau 10 ngày đêm chiến đấu ác liệt, mặc dù ta đã tiêu diệt được một số cứ điểm quan trọng như Pú Hồng, Bản Hời, nhưng sau khi xem xét kỹ tình hình, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định đình chỉ tiến công Nà Sản, kết thúc chiến dịch Tây Bắc vào ngày 10/12/1952. Đây là một chủ trương đúng đắn, linh hoạt và kịp thời, để tránh thương vong, bảo toàn lực lượng cho quân ta.
Như vậy, sau hơn hai tháng triển khai chiến dịch Tây Bắc, với sự góp sức to lớn của quân và dân các tỉnh Tây Bắc, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch, giải phóng gần 30 nghìn km2 với 25 vạn dân, đập tan âm mưu củng cố “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp. Thắng lợi này không chỉ đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, mà còn là kết quả và là minh chứng cho tinh thần đấu tranh anh dũng, quật khởi, sức mạnh đại đoàn kết của quân và dân các dân tộc Tây Bắc. Đây cũng là chiến thắng của lòng dân - chiến thắng tạo tiền đề quan trọng để quân và dân ta tiếp tục phát huy thế chủ động chiến lược, tiến lên giành thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
70 năm đã trôi qua, song những bài học kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Tây Bắc vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới. Những thành quả to lớn từ các chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng cùng sự nỗ lực vươn lên không ngừng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Bắc là minh chứng cho sự phát triển của Tây Bắc hôm nay. Từ xuất phát điểm là vùng lõi nghèo, khó khăn nhất của cả nước, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đang chuyển mình mạnh mẽ, phát huy được sức mạnh nội lực, biến những tiềm năng, thế mạnh thành động lực cho sự phát triển. Có thể kể đến như Sơn La, từ một tỉnh nghèo giờ đã trở thành vùng cây ăn quả trù phú, lớn nhất miền Bắc và đứng thứ hai cả nước. Hay như Yên Bái, từ một tỉnh khó khăn giờ cũng vươn lên trở thành điểm sáng ở khu vực miền núi phía Bắc trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước đưa “chỉ số hạnh phúc” vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để làm thước đo và là mục tiêu phấn đấu. Sự no ấm, hạnh phúc đang dần lan tỏa khắp các bản làng ở Tây Bắc.
Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 kỳ vọng sẽ tiếp tục mang đến sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ, bứt phá cho khu vực Tây Bắc.
Với tư duy và tầm nhìn mới, kế thừa những thành tựu to lớn đã đạt được, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, tinh thần Chiến thắng Tây Bắc, cùng với tinh thần đoàn kết, niềm tin và ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Tây Bắc hôm nay sẽ không chỉ viết tiếp những trang sử hào hùng, vẻ vang của 70 năm trước, mà kỳ vọng sẽ ghi dấu ấn đậm nét, tạo bước ngoặt bứt phá, đưa Tây Bắc phát triển thinh vượng, bền vững, hòa chung nhịp đổi mới cùng đất nước.
Minh Trí