1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng Chính phủ điện tử và nền hành chính công
1.1. Về Chính phủ điện tử
Từ những năm 2000, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Ngày 06/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg về phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”[1]. Từ đó đến nay, vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử càng trở nên cấp bách.
Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế[2]. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 tập trung về Chính phủ điện tử.
Như vậy, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi cho phát triển Chính phủ điện tử với các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động internet và dịch vụ thông qua mạng internet ở Việt Nam đang ngày một hoàn thiện[3].
1.2. Về hành chính công
Đầu tiên, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, Chính phủ còn ban hành các văn bản như Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007; Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007… Các văn bản này góp phần tạo khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử.
Tiếp theo, nhiều văn bản như Hiến pháp năm 2013; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ… Các văn bản quy phạm pháp luật này đã có những tác động tích cực trong quản lý, điều hành đối với các cơ quan hành chính các cấp; từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quản lý hành chính nhà nước, cung cấp dịch vụ công.
Ngoài ra, cũng theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ cũng nhấn mạnh “dịch vụ hành chính công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận”. Đặc biệt, ngày 16/5/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020[4].
2. Mục tiêu của Chính phủ điện tử trong hoạt động hành chính công
Trong Chính phủ điện tử thì mọi quan hệ giữa Chính phủ và công dân phải được minh bạch, công khai, thuận tiện; bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân với Chính phủ nên mục tiêu cơ bản của Chính phủ điện tử là cải tiến quy trình công tác trong Chính phủ thông qua nền hành chính điện tử, cải thiện quan hệ với người dân thông qua công dân điện tử và tiến tới xây dựng một xã hội tri thức trên nền tảng công nghệ thông tin. Mục tiêu chung của Chính phủ điện tử là tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều hành nhà nước của Chính phủ, mang lại thuận lợi cho dân chúng, tăng cường sự công khai minh bạch, giảm chi tiêu Chính phủ.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chính phủ điện tử là: (i) Nâng cao năng lực quản lý điều hành của Chính phủ và các cơ quan chính quyền các cấp; (ii) Cung cấp cho người dân và doanh nghiệp các dịch vụ công tạo điều kiện cho nguời dân dễ dàng truy nhập ở khắp mọi nơi; (iii) Người dân có thể tham gia xây dựng chính sách, đóng góp vào quá trình xây dựng luật pháp, quá trình điều hành của Chính phủ; (iv) Giảm được chi phí cho Chính phủ; (v) Thực hiện một Chính phủ hiện đại, hiệu quả và minh bạch; (vi) Chính phủ điện tử sẽ tạo ra phong cách lãnh đạo mới, phương thức mới, cung cấp dịch vụ cho người dân và nâng cao được năng lực quản lý điều hành đất nước.
Từ đó có thể thấy, mục tiêu chung của Chính phủ điện tử trong hoạt động hành chính công là tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều hành Nhà nước của Chính phủ, mang lại thuận lợi cho dân chúng, tăng cường sự công khai minh bạch, giảm chi tiêu Chính phủ còn mục tiêu cụ thể là: (i) Nâng cao năng suất và tính hiệu quả của các cơ quan nhà nước; (ii) Tạo môi trường kinh doanh tốt hơn; (iii) Khách hàng trực tuyến, không phải xếp hàng; (iv) Tăng cường sự điều hành có hiệu quả của Chính phủ và sự tham gia rộng rãi của người dân; (v) Nâng cao chất lượng cuộc sống cho các cộng đồng vùng sâu, vùng xa.
Như vậy, việc cung cấp dịch vụ công điện tử của một quốc gia được quan tâm, đánh giá dựa trên bốn tiêu chí sau: (i) Chính phủ cung cấp các dịch vụ thông tin trực tuyến cơ bản; (ii) Chính phủ sử dụng công nghệ đa phương tiện và thúc đẩy tương tác hai chiều với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; (iii) Chính phủ sử dụng internet để cung cấp dịch vụ công và tiếp nhận ý kiến phản hồi về các vấn đề công chúng quan tâm; (iv) Chính phủ kết nối các chức năng của dịch vụ công và thường xuyên tham khảo ý kiến người dân về những vấn đề của chính sách công. Nếu một quốc gia đạt tất cả bốn tiêu chí trên thì quốc gia này đã thiết lập một nền tảng số cho việc nâng cao tính dân chủ và quyền công dân.
3. Các hình thức hoạt động chủ yếu của Chính phủ điện tử và các dạng dịch vụ cung cấp qua Chính phủ điện tử
3.1. Các hình thức hoạt động chủ yếu của Chính phủ điện tử
(i) Thư điện tử: Giúp tiết kiệm được chi phí và thời gian. Có thể sử dụng e-mail để gửi các bản ghi nhớ, thông báo, báo cáo, bản tin. Chính phủ điện tử yêu cầu mỗi cán bộ công chức phải có địa chỉ e-mail để trao đổi thông tin qua mạng. Việt Nam phấn đấu đạt mức 70% - 80% tài liệu, công văn được chuyển qua mạng.
(ii) Mua sắm công trong Chính phủ điện tử: Việc mua sắm công có thể thực hiện được qua mạng bảo đảm tiết kiệm được thời gian, chi phí. Việc mua sắm công tập trung sẽ đảm bảo tiết kiệm được chi phí, chống tiêu cực.
(iii) Trao đổi dữ liệu điện tử: Là việc trao đổi các dữ liệu dưới dạng “có cấu trúc” từ máy tính này sang máy tính điện tử khác trong nội bộ cơ quan hay giữa các cơ quan.
(iv) Tra cứu, cập nhật thông tin qua mạng: Chính phủ thông qua mạng internet có thể cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp các loại thông tin về kinh tế, xã hội, về chủ trương chính sách và các hướng dẫn các thủ tục hành chính.
3.2. Các dạng dịch vụ mà Chính phủ điện tử cung cấp trong hoạt động hành chính công
Trước đây, các cơ quan chính phủ cung cấp dịch vụ công cho người dân tại trụ sở của mình thì nay có thể cung cấp dịch vụ công qua mạng thông qua cổng thông tin điện tử. Người dân không phải đến trực tiếp, chờ đợi tại các trụ sở cơ quan trên như trước đây. Một số dịch vụ công có thể cung cấp qua mạng gồm có: Cung cấp thông tin văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương chính sách; cung cấp thông tin kinh tế, xã hội và thị trường; cung cấp dịch vụ đăng ký, cấp phép xuất nhập khẩu trực tuyến; cung cấp dịch vụ khai báo thuế trực tuyến; cung cấp dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến. Cụ thể, Chính phủ điện tử có thể sử dụng internet và GIS[5] để cung cấp được nhiều những dịch vụ mới mà người dân và doanh nghiệp quan tâm như cung cấp dịch vụ ứng dụng của GIS để quản lý đất đai, giấy phép xây dựng; cung cấp dịch vụ thông tin quy hoạch; cung cấp dịch vụ ứng dụng GIS để trao đổi thông tin giữa các cơ quan, chính quyền các cấp phục vụ quản lý tài nguyên.
4. Các mô hình giao dịch của Chính phủ điện tử phục vụ hoạt động hành chính công
Chính phủ điện tử có bốn loại hình chủ thể: Người dân, doanh nghiệp, các công chức chính phủ và các cơ quan chính phủ.
Thứ nhất, G2C (Government to Citizens): Dịch vụ Chính phủ điện tử cung cấp cho người dân.
Hiểu cơ bản, đây là khả năng giao dịch và cung cấp các dịch vụ của Chính phủ trực tiếp cho người dân. Được hiểu như khả năng giao dịch và cung cấp dịch vụ của Chính phủ trực tiếp cho người dân[6].
G2C có thể cho phép công dân được thông báo nhiều hơn về luật, quy định, chính sách và dịch vụ của Chính phủ. Nhờ đó Chính phủ điện tử có thể cung cấp rất nhiều thông tin và dịch vụ cho công dân, bao gồm các biểu mẫu và dịch vụ của Chính phủ, thông tin chính sách công, cơ hội việc làm và kinh doanh, thông tin bỏ phiếu, nộp thuế, đăng ký hoặc gia hạn giấy phép, nộp phạt và nộp nhận xét cho các quan chức Chính phủ.
Thứ hai, G2B (Government to Business): Dịch vụ Chính phủ điện tử cung cấp cho doanh nghiệp.
Tập trung vào các dịch vụ trao đổi của Chính phủ với các doanh nghiệp[7]. Đây là thành phần quan hệ cơ bản trong mô hình Nhà nước là chủ thể quản lý vĩ mô nền kinh tế, xã hội thông qua chính sách, cơ chế và luật pháp và doanh nghiệp như là khách thể đại diện cho lực lượng sản xuất trực tiếp của cải vật chất của nền kinh tế.
Như vậy, đối với doanh nghiệp, G2B mang đến cơ hội làm việc với Chính phủ và tiết kiệm các chi phí cũng như nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện giao dịch với Chính phủ. G2B mang lại lợi ích trong việc giảm thiểu chi phí trong quá trình mua các sản phẩm cùng với đó là mở các con đường mới để bán các mặt hàng thặng dư; giúp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Thứ ba, G2E (Government to Employees): Dịch vụ Chính phủ điện tử cung cấp cho cán bộ công chức để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
G2E được xem là một phần nội bộ của G2G, cung cấp cho các nhân viên khả năng truy cập thông tin liên quan đến chính sách lương thưởng và lợi ích, gồm viên chức bảo hiểm, dịch vụ việc làm, trợ cấp thất nghiệp[8]…
Mục tiêu của G2E là các cơ quan có thể nâng cao hiệu quả và hiệu lực, loại bỏ sự chậm trễ trong quá trình xử lý, cải thiện sự hài lòng và giữ chân nhân viên.
Thứ tư, G2G (Government to Government): Dịch vụ Chính phủ điện tử trao đổi giữa cơ quan trong Chính phủ với nhau và giữa các Chính phủ.
G2G đề cập đến khả năng phối hợp, tương tác và cung cấp các dịch vụ một cách hiệu quả giữa các cấp, ngành, tổ chức bộ máy nhà nước và các cơ quan Chính phủ trong việc điều hành và quản lý nhà nước[9].
Như vậy, mục đích quan trọng của phát triển G2G là tăng cường và cải thiện quy trình tổ chức liên chính phủ. Việc sử dụng công nghệ thông tin của các cơ quan chính phủ khác nhau để chia sẻ hoặc tập trung hóa thông tin, hợp lý hóa các quy trình kinh doanh liên chính phủ có thể giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Nói tóm lại, có thể thấy toàn bộ hệ thống quan hệ, giao dịch của Chính phủ như G2C, G2E, G2B và G2G phải được đặt trên một hạ tầng vững chắc của hệ thống: Độ tin cậy (trust), khả năng bảo đảm tính riêng tư (privacy) và bảo mật - an toàn (security) và cuối cùng tất cả đều dựa trên hạ tầng công nghệ và truyền thông với các quy mô khác nhau: Mạng máy tính, mạng intranet, extranet và internet.
5. Vai trò của Chính phủ điện tử với hoạt động hành chính công
(i) Đối với công chức: Công nghệ thông tin dùng trong Chính phủ điện tử là một công cụ giúp họ hoạt động hiệu quả hơn, có khả năng đáp ứng nhu cầu của công chúng về thông tin truy cập và xử lý chúng.
(ii) Đối với người dân và doanh nghiệp: Giảm thiểu thời gian cho công dân, doanh nghiệp và người lao động khi truy nhập và sử dụng dịch vụ của chính phủ và do đó giảm thiếu chi phí của nhân dân. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động của Chính phủ.
(iii) Đối với Chính phủ: Giảm “nạn giấy tờ” văn phòng - công sở, tiết kiệm thời gian, hợp lý hoá việc vận hành công việc, cho phép các cơ quan Chính phủ cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hơn và giảm ngân sách chi tiêu của Chính phủ.
Như vậy, có thể thấy, ưu điểm của Chính phủ điện tử so với Chính phủ truyền thống[10] trong hoạt động hành chính công được thể hiện ở các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, Chính phủ điện tử làm đơn giản hóa các thủ tục. Sự vận hành của Chính phủ điện tử diễn ra nhanh gọn, đơn giản ít tốn công sức và tài chính cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Với các hoạt động của Chính phủ điện tử, người dân và doanh nghiệp còn được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, dễ dàng hơn, giảm được các chi phí cho việc thu thập thông tin.
Thứ hai, với những khách hàng trực tuyến, Chính phủ điện tử sẽ giúp làm giảm thiểu sự tham gia của các công chức Chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ công cộng cho người dân. Chính phủ điện tử cũng giúp nâng cao tính minh bạch và tin cậy của Chính phủ, thu thập rộng rãi ý kiến của người dân trong quá trình hoạch định, thực thi và giám sát chính sách của Chính phủ.
Thứ ba, Chính phủ điện tử sẽ khắc phục và đẩy lùi những tiêu cực diễn ra trong hoạt động công vụ và các “thủ tục bôi trơn”. Người dân, doanh nghiệp không phải lãng phí các khoản chi phí về thời gian, công sức, tiền bạc để có thể thụ hưởng các dịch vụ công ngoài khoản lệ phí sử dụng dịch vụ. Qua đó, tính hiệu quả và chất lượng quản lý của bộ máy nhà nước và sự hài lòng của người dân đối với Nhà nước được nâng lên.
Thứ tư, Chính phủ điện tử là nền tảng để chuyển từ nên hành chính truyền thống sang nền hành chính điện tử. Thực chất là chuyển từ nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ. Trong Chính phủ điện tử, công dân là khách hàng; quan hệ “xin - cho” phổ biến trong Chính phủ truyền thống được chuyển thành quan hệ “phục vụ, cung ứng dịch vụ” trong Chính phủ điện tử.
Chính phủ điện tử là sự ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông để các cơ quan chính phủ đổi mới, làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước. Sự ra đời của Chính phủ điện tử thực sự là một cuộc cách mạng trong tiến trình phát triển hành chính công. Nó tạo ra một phong cách lãnh đạo, điều hành hiện đại, hiệu quả và minh bạch, nâng cao mức độ hài lòng cho nhân dân và doanh nghiệp, khắc phục những điểm yếu cố hữu của hệ thống hành chính truyền thống như nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, bưng bít thông tin. Hoạt động của Chính phủ điện tử sẽ chuyển nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ; chuyển từ quan hệ “xin - cho” sang quan hệ phục vụ, cung ứng dịch vụ hiện đại, là phương tiện hữu hiệu để đạt được các mục tiêu mà công cuộc cải cách hành chính đặt ra, xây dựng Chính phủ điện tử là bước đi tất yếu trong tiến trình cải cách hành chính ở Việt Nam nói chung và nền hành chính công nói riêng.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Ảnh: internet