1. Một số kết quả đạt được
1.1. Về kết quả xây dựng Bộ pháp điển
Bộ Pháp điển bao gồm 45 chủ đề với 271 đề mục. Theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014), Bộ pháp điển được xây dựng trong 10 năm (2014 - 2023). Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành và được Chính phủ thông qua, đưa vào khai thác, sử dụng 219/271 đề mục (đạt hơn 80% nội dung của Bộ pháp điển). 52 đề mục còn lại đang được các bộ, ngành thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Như vậy, với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển có thể “về đích sớm” so với lộ trình đã đặt ra. Các đề mục đã được Chính phủ thông qua được đăng trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn).
Qua việc pháp điển 219/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được gần 7.000 văn bản trên tổng số khoảng gần 9.000 văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.
Để có kết quả đạt được như trên phải kể đến sự tích cực, chủ động triển khai thực hiện của các bộ, ngành. Một số bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 100% các đề mục do cơ quan mình chủ trì như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Quốc phòng; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tư pháp; Kiểm toán Nhà nước; Văn phòng Quốc hội; Ủy ban Dân tộc. Một số bộ, ngành khác đã hoàn thành cơ bản các đề mục thuộc thẩm quyền pháp điển của bộ, ngành mình như: Bộ Công Thương đã pháp điển 09/10 đề mục; Bộ Ngoại giao đã pháp điển 09/11 đề mục; Bộ Tài chính đã pháp điển 22/24 đề mục; Bộ Nội vụ đã pháp điển 11/14 đề mục.
1.2. Về việc cập nhật, quản lý và duy trì Bộ pháp điển
Bộ pháp điển được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử pháp điển do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì hoạt động. Về cơ bản, khi có QPPL mới (QPPL được ban hành mới, QPPL sửa đổi, bổ sung, thay thế) hoặc có QPPL bị hủy bỏ, bãi bỏ thuộc đề mục đã có trong Bộ pháp điển, các bộ, ngành có liên quan xác định QPPL tương ứng trong đề mục, thực hiện pháp điển QPPL mới, loại bỏ QPPL đã hết hiệu lực ra khỏi Bộ pháp điển. Riêng đối với Bộ Tư pháp, ngoài việc có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện pháp điển, cập nhật QPPL mới ban hành như các bộ, ngành khác, thì Bộ Tư pháp còn có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển hoặc loại bỏ QPPL hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển2.
1.3. Về việc giới thiệu, tuyên truyền và đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống
Tại các nghị quyết của Chính phủ thông qua kết quả pháp điển, Chính phủ giao Bộ Tư pháp thực hiện tuyên truyền, giới thiệu kết quả pháp điển đến các cá nhân, tổ chức biết và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; giao các bộ, ngành thực hiện tuyên truyền, giới thiệu kết quả pháp điển đến các đối tượng chịu sự điều chỉnh bởi các quy định trong các đề mục đã được Chính phủ thông qua. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo các bộ, ngành, công tác tuyên truyền, giới thiệu về hoạt động pháp điển cũng như Bộ pháp điển trong thời gian qua có trọng tâm, trọng điểm và đạt được những kết quả tích cực. Các bộ, ngành đã thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; người dân, doanh nghiệp cũng bước đầu biết đến Bộ pháp điển.
Đối với Bộ Tư pháp, sau khi Chính phủ phê duyệt kết quả pháp điển các chủ đề và đề mục, Bộ Tư pháp đã kịp thời cập nhật các chủ đề và đề mục vào Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển để các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng, đồng thời, thực hiện một số hoạt động nhằm sớm đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển; tổ chức các hội nghị, tọa đàm về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, doanh nghiệp, hải quan, việc làm3…, có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương nhằm giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Qua theo dõi cho thấy, Bộ pháp điển đã bước đầu được xã hội đón nhận, khai thác và sử dụng một cách tích cực. Đặc biệt, một số luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc. Điều đó được chứng minh qua việc đến nay đã có gần 06 triệu lượt truy cập vào Bộ pháp điển (trung bình có khoảng gần 3.000 lượt truy cập mỗi ngày).
2. Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân
Trong thời gian qua, công tác pháp điển ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp điển vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như:
- Công tác pháp điển là việc làm hoàn toàn mới ở Việt Nam nên vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Công tác xây dựng Bộ Pháp điển ở Việt Nam sử dụng cách pháp điển về hình thức vì hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay còn cồng kềnh, phức tạp, nhiều tầng nấc, thường xuyên thay đổi và có nhiều hạn chế. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945, Nhà nước có chủ trương xây dựng một Bộ pháp điển chung nhất, được sử dụng chính thức. Các cơ quan thực hiện pháp điển sẽ gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Bộ pháp điển.
- Việc giao cho quá nhiều cơ quan (27 bộ, ngành) có thẩm quyền thực hiện pháp điển gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện pháp điển và chưa bảo đảm việc sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực. Trong đó, tại các bộ, ngành, việc thực hiện pháp điển các QPPL lại được giao cho nhiều đơn vị trực thuộc chủ trì thực hiện. Hiện nay, khoảng hơn 100 đơn vị trực thuộc 27 bộ, ngành có thẩm quyền thực hiện pháp điển được giao thực hiện nhiệm vụ pháp điển. Với cách tản việc như vậy, việc triển khai thực hiện pháp điển sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí nhân sự (thực tế hiện nay, 100% bộ, ngành bố trí nhân sự đang làm công việc khác kiêm nhiệm công tác pháp điển); khó khăn trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về kỹ thuật pháp điển và sử dụng phần mềm pháp điển. Thực tế hiện nay, các bộ, ngành có rất nhiều việc về công tác chuyên môn nên việc nghiên cứu, triển khai thực hiện công tác pháp điển còn thiếu tập trung. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm để trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về kỹ thuật pháp điển và sử dụng phần mềm pháp điển cho người làm công tác pháp điển tại các bộ, ngành, nhưng cho đến nay, số lượng người nắm chắc kiến thức này để độc lập thực hiện pháp điển theo đề mục còn rất hạn chế; nhân sự làm công tác pháp điển thường xuyên biến động, trong khi pháp điển là công việc mới, phức tạp, nặng về kỹ thuật, đòi hỏi người làm công tác này phải có kinh nghiệm, nắm chắc kỹ năng, nghiệp vụ thì mới thực hiện hiệu quả.
- Bộ pháp điển là sản phẩm mới, có cấu trúc phức tạp, nội dung rất lớn nên những người dân ít hiểu biết về pháp luật, công nghệ thông tin sẽ thấy khó hiểu, khó tra cứu, khó khai thác, sử dụng. Qua đó sẽ gây tâm lý ngại tìm hiểu, không mang lại hiệu ứng tự tuyên truyền của Bộ pháp điển. Các bộ, ngành chưa có cơ chế hiệu quả và nguồn lực đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng cho Bộ pháp điển. Theo quy định tại Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, các cơ quan thực hiện pháp điển thực hiện phổ biến, tuyên truyền đến các đối tượng chịu sự tác động của các QPPL thuộc mỗi chủ đề, đề mục; Bộ Tư pháp thực hiện phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả các đề mục, chủ đề. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều cơ quan thực hiện pháp điển chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền kết quả pháp điển đề mục, chủ đề; Bộ Tư pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế (chủ yếu là trên báo chí).
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chưa hoàn thiện gây khó khăn cho việc sử dụng văn bản để pháp điển vào đề mục: Việc pháp điển hiện nay được thực hiện trên phần mềm pháp điển và sử dụng văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật làm nguồn đầu vào của pháp điển. Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật chưa được hoàn thiện, số lượng văn bản chưa được cập nhật đầy đủ, chất lượng văn bản chưa được kiểm duyệt chặt chẽ để bảo đảm tính chính xác của văn bản đã được cập nhật nên gây khó khăn cho việc sử dụng văn bản trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật để pháp điển.
- Một số quy định về kỹ thuật và trình tự, thủ tục thực hiện pháp điển của Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật chưa phù hợp, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.
3. Giải pháp trong thời gian tới
3.1. Đối với Bộ Tư pháp
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc góp phần bảo đảm các bộ, ngành triển khai thực hiện công tác pháp điển hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ và quyết tâm hoàn thành Bộ pháp điển trong năm 2022.
- Tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhằm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ pháp điển và kiến thức sử dụng phần mềm pháp điển cho công chức làm công tác pháp điển các bộ, ngành.
- Tiếp tục cập nhật, quản lý và duy trì Bộ pháp điển điện tử; nâng cấp phần mềm pháp điển để Bộ pháp điển dễ tra cứu, khai thác.
- Để Bộ pháp điển đáp ứng tối đa nhu cầu khai thác, sử dụng của các cá nhân, tổ chức, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, tham mưu một số nội dung sau: (i) Xây dựng ứng dụng Bộ pháp điển điện tử (App store đối với hệ điều hành IOS và CH Play đối với hệ điều hành Android), Bộ pháp điển điện tử luôn được cập nhật trong trạng thái mới nhất và cung cấp các tính năng tìm kiếm, tra cứu theo văn bản, từ khóa một cách dễ dàng, thuận tiện...; (ii) Xây dựng giao diện Cổng thông tin điện tử pháp điển hiện nay dùng trên điện thoại thông minh, Bộ pháp điển điện tử trên Cổng thông tin điện tử pháp điển sử dụng được trên điện thoại thông minh và các tính năng tìm kiếm, tra cứu theo văn bản, từ khóa một cách dễ dàng, thuận tiện...
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu Bộ pháp điển rộng rãi trong toàn xã hội để giúp các cá nhân, tổ chức thuận tiện trong tiếp cận khai thác, sử dụng Bộ pháp điển được hiệu quả.
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật cho phù hợp, bảo đảm công tác xây dựng Bộ pháp điển đạt chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
3.2. Đối với các bộ, ngành
- Tiếp tục triển khai công tác pháp điển bảo đảm tiến độ theo kế hoạch chung thực hiện pháp điển của cơ quan mình; tập trung thực hiện pháp điển các đề mục theo kế hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng và sớm hoàn thiện Bộ pháp điển trong năm 2022.
- Quan tâm bố trí công chức thực hiện công tác pháp điển phù hợp cho tổ chức pháp chế và các đơn vị trực thuộc được giao thực hiện pháp điển, hạn chế điều chuyển công tác đối với công chức làm công tác pháp điển nhằm xây dựng đội ngũ làm công tác pháp điển có kinh nghiệm cũng như có đủ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ pháp điển và kiến thức sử dụng phần mềm pháp điển. Đồng thời, bố trí kinh phí đầy đủ theo quy định để bảo đảm hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động thực hiện pháp điển, góp phần bảo đảm việc thực hiện pháp điển hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn để trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho các công chức của bộ, ngành mình, góp phần bảo đảm công tác thực hiện pháp điển được chất lượng, hiệu quả; cử công chức làm công tác pháp điển tham gia các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp tổ chức để nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ pháp điển và kiến thức sử dụng phần mềm pháp điển.
- Tiếp tục cập nhật kịp thời các QPPL mới ban hành, đồng thời, loại bỏ các QPPL hết hiệu lực ra khỏi đề mục, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo quy định.
- Thực hiện tuyên truyền, giới thiệu kết quả pháp điển đến các cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị, các đối tượng chịu sự tác động trong lĩnh vực mình phụ trách; thực hiện tích hợp Bộ pháp điển lên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành và đơn vị mình
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp
ThS. Nguyễn Thị Phương Anh
Đại học Luật Hà Luật Hà Nội
1. Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012; Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Thông tư số 13/2014/TT-BTP ngày 29/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc thực hiện pháp điển hệ thống QPPL; Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất văn bản QPPL và pháp điển hệ thống QPPL; Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục (thay thế Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển.
2. Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012.
3. Từ năm 2017 đến nay, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương: Đắk Lắk, Đà Nẵng, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang; tổ chức tọa đàm tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển một số đề mục tại các địa phương: Sơn La, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An.