Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu bởi tự thân nó đã chứa đựng hàm lượng tri thức cao trong hoạt động kinh tế, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia cũng như quốc tế. Phát triển thương mại điện tử thành công là động lực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới cũng như quan hệ thương mại với các chủ thể quốc tế khác.
Thương mại điện tử là sự phát triển cao hơn của thương mại truyền thống, được cấu thành bởi nhiều thành tố, trong đó có ứng dụng các thành quả của khoa học - kỹ thuật phục vụ đời sống con người cũng như việc thỏa mãn các nhu cầu khác. Đây là xu hướng tất yếu của sự phát triển trên mọi phương diện về kinh tế - xã hội ở mọi quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa.
2. Những vấn đề liên quan đến lệ thuộc công nghệ
Có nhiều quan điểm về lệ thuộc công nghệ, tùy từng mối quan hệ giữa bên cung cấp và người mua công nghệ giữa các doanh nghiệp, các quốc gia, và cũng tùy từng loại hàng hóa dịch vụ mà xem xét có hay không có việc lệ thuộc công nghệ. Nếu hàng hóa dịch vụ chỉ dùng một lần hoặc dịch vụ mang tính ngắn hạn thì vấn đề lệ thuộc công nghệ không được đặt ra. Đối với hàng hóa dịch vụ có chu kỳ khấu hao hay sử dụng trong thời gian dài hoặc cần có sự ổn định trong quá trình vận hành cũng như quy trình vận hành, sử dụng hàng hóa dịch vụ đòi hỏi có tính phức tạp cũng như gắn với công nghệ hay bí quyết hoặc giữ bản quyền của nhà sản xuất thì vấn đề lệ thuộc công nghệ mới được đặt ra. Trên thực tế có nhiều khái niệm khác nhau về lệ thuộc công nghệ, tuy nhiên có thể khái quát theo nghĩa đơn giản nhất đó là: “Lệ thuộc công nghệ chính là việc không thể tự chủ trong quá trình nghiên cứu, thiết kế ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc tổ chức sản xuất các công nghệ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của tổ chức, doanh nghiệp hay quốc gia”.
Do thương mại điện tử vận hành trên nền tảng công nghệ thông tin viễn thông để thu phát, lưu giữ, truyền dẫn, hoặc là thiết bị đầu cuối như: Điện thoại hữu tuyến, điện thoại di động, máy Fax… Ngoài ra, còn có các thiết bị như máy tính cá nhân có kết nối Internet, có cài đặt những chương trình máy tính để vận hành tự động hoặc để sử dụng cho các hoạt động thương mại.
Do năng lực sản xuất hiện nay của Việt Nam rất yếu, không tự sản xuất được các thiết bị đồng bộ để vận hành hệ thống thông tin viễn thông. Tất cả các thiết bị phục vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông đều nhập khẩu từ nước ngoài. Về năng lực sản xuất các thiết bị đầu cuối, phần cứng máy tính cá nhân, phần mềm (hay còn gọi là Hệ điều hành) là phần không thể tách rời của các thiết bị điện tử có cài đặt các ứng dụng thì Việt Nam không tự sản xuất được. Thực tế, mặc dù có nhiều ưu đãi nhưng cho đến nay, công nghiệp điện tử mới chỉ dừng lại ở mức độ gia công, lắp ráp - một trong những công đoạn có ít giá trị gia tăng nhất trong quá trình sản xuất hàng điện tử. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì Việt Nam lại là công đoạn cuối, tức là thị trường tiêu dùng hàng điện tử xa xỉ bậc nhất thế giới. Điều này làm tốn kém ngoại tệ cũng như lãng phí tài sản xã hội rất lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.
Thực tế cho thấy, tất cả các thiết bị quan trọng trong công nghệ thông tin - viễn thông của Việt Nam đều được nhập khẩu từ các nước khác hoặc nhượng quyền thương mại và tự sản xuất. Như vậy việc nâng cấp, thay thế cũng cập nhật các phiên bản nâng cấp đều lệ thuộc vào bên bán, tức các nhà cung cấp theo hợp đồng. Đối với các thiết bị máy tính, thiết bị đầu cuối cũng tương tự, Việt Nam lắp ráp hoặc nhập khẩu là chủ yếu, do vậy người tiêu dùng luôn lệ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Một vấn đề nữa là các Hệ điều hành các thiết bị điện tử hiện đại hay còn gọi chương trình phần mềm Việt Nam cũng không tự thiết kế mà đều sử dụng của các nhà sản xuất nước ngoài. Thương mại điện tử không sử dụng toàn bộ mà chỉ sử dụng một phần năng lực vận hành của các thiết bị hay hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông nhưng như vậy có thể thấy rằng, thương mại điện tử lệ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng viễn thông - thông tin. Các nguyên tắc về bảo đảm an toàn thông tin chỉ giải quyết phần “ngọn” của vấn đề nếu không có các biện pháp chống lệ thuộc công nghệ từ gốc rễ, mà trong đó chống lệ thuộc công nghệ phải được xây dựng thành một nguyên tắc trong các ngành luật.
Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động thương mại dựa trên nền tảng điện tử không quy định nguyên tắc quan trọng này.
Khi hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam chưa quan tâm sâu sắc đến vấn đề lệ thuộc công nghệ nên điều này sẽ khiến chúng ta bị động khi có các vấn đề cần thay đổi công nghệ. Sự lệ thuộc càng rõ nét hơn khi các công nghệ điện tử luôn hoạt động trên nguyên lý tương thích giữa phần cứng và phần mềm, ví dụ có những phần mềm được xây dựng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và chỉ chạy được trên các thiết bị phần cứng tương thích với nó. Do những đặc điểm đó, mỗi khi cần thay đổi các thiết bị công nghệ đã cũ thì lập tức chúng ta phải thay mới toàn bộ mặc dù nếu nâng cấp có thể tiết kiệm nhiều chi phí.
Hiện nay, chưa có các Công ước ràng buộc các chủ thể quốc tế có trách nhiệm chia sẻ hay ít nhất là thực hiện các cam kết về chống lệ thuộc công nghệ trong thương mại điện tử. Ngay trong khối ASEAN cũng chưa có các thỏa thuận đối với các thành viên nội khối. Như vậy, các nội dung về chống lệ thuộc công nghệ chỉ là sự thỏa thuận theo các Hợp đồng thương mại quốc tế mà theo đó các bên tự chịu trách nhiệm theo hợp đồng nên tiềm ẩn rất nhiều vấn đề rủi ro đối với các yếu tố kỹ thuật.
3. Những nguy cơ và rủi ro khi lệ thuộc công nghệ
Trên thực tế đã chứng minh rằng, kể cả các quốc gia phát triển cũng gặp phải vấn đề lệ thuộc công nghệ, cả trong lĩnh vực dân dụng cũng như an ninh quốc phòng. Vấn đề lệ thuộc công nghệ không phải chỉ thuần túy về kỹ thuật hay thiết bị mà còn gắn với yếu tố con người. Vì trên thực tế có những công nghệ quan trọng như lĩnh vực hàng không, an ninh quốc phòng thì việc vận hành, sử dụng các công nghệ đều cần quá trình dào tạo lâu dài, sự thay đổi hay chuyển loại công nghệ cần rất nhiều sự hỗ trợ của nhà cung cấp.
Đối với các hoạt động thương mại liên quan đến an ninh quốc phòng, hệ thống thanh toán của các ngân hàng hay tổ chức tài chính hoặc các công trình quan trọng đến an ninh quốc gia luôn rất cần sự độc lập, tự chủ về công nghệ nhưng hiện nay nước ta chưa đáp ứng được. Đây là nguy cơ hiện hữu trong tương lai gần hoặc xảy ra bất ngờ đối với hệ thống thông tin của Việt Nam.
Như vậy, nếu vấn đề lệ thuộc công nghệ không được quan tâm đúng mức sẽ dẫn đến toàn bộ hệ thống bị sập hay không bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn trong hoạt động thương mại điện tử. Thời gian vừa qua, một số sự cố đứt cáp quang viễn thông kết nối giữa Việt Nam và quốc tế bị gián đoạn đã gây nhiều khó khăn cho việc trao đổi thông tin trong đó có thông tin thương mại. Như vậy, khi không có các phương án dự phòng hay nâng cấp hệ thống lưu giữ, truyền tải bằng hệ thống riêng mà phải lệ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài sẽ dẫn đến bị động khi có sự cố xảy ra. Ví dụ: Năm 2002, khi Internet Explorer 6.0 của Microsoft ra đời, việc tải (download) các tệp tin có dung lượng lớn như phim, ảnh đồ họa của các công ty sử dụng trình duyệt cũ hơn đã không tương thích với trình duyệt mới này và gây thiệt hại cho các công ty đã mua bản quyền của trình duyệt cũ hơn. Ngược lại, FireFox ra đời với chuẩn khác với Internet Explorer (IE) cũng là nguy cơ cho các website thương mại điện tử vốn chạy tốt trên IE nhưng chưa chắc đã chạy tốt trên Firefox và ngược lại.
Sự cố Y2K năm 2000 cũng là một bài học đắt giá đối với tất cả những ai sử dụng máy tính, điều này cho thấy việc đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật và chiến lược phát triển khoa học công nghệ tự chủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thực tế, mặc dù số lượng máy tính cá nhân lên đến nhiều chục triệu máy tính nhưng số máy tính có bản quyền rất ít nên nếu xảy ra các vấn để về công nghệ hay có những sửa đổi thì chắc chắn sự cố sẽ xảy ra.
Thương mại điện tử có đặc điểm là tiếp cận thị trường nhanh chóng, do vậy luôn đòi hỏi hệ thống thông tin như truyền dẫn, máy chủ và các dịch vụ hỗ trợ tin học vận hành ổn định, liên tục. Việc gián đoạn do sự cố sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại của các chủ thể tham gia khi sử dụng các phương tiện điện tử. Khi có sự cố hệ thống, bị gián đoạn thì tính tương tác không thể thực hiện được và các bên đều có thể bị hại. Như vậy, có thể thấy nguy cơ mất an toàn hệ thống thông tin - viễn thông là rất nhiều và thường trực. Các rủi ro cũng tương tự khi vấn đề chống lệ thuộc công nghệ trong thương mại điện tử không được quan tâm đúng mức.
4. Các giải pháp chống lệ thuộc công nghệ
Ðể giải quyết tốt vấn đề tự chủ về khoa học ứng dụng, sẵn sàng đối phó với sự cố do sự lệ thuộc công nghệ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như sau:
(i) Chính sách đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin
Mọi công nghệ đều do con người và vì con người, như vậy giải pháp đầu tiên cũng chính là nhân tố con người. Việc đào tạo đủ và chuyên sâu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin sẽ không chỉ để có một đội ngũ kỹ sư hay công nhân lành nghề về sử dụng, thao tác hay vận hành công nghệ mà còn tự chủ trong nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và vận hành toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu cho quốc gia và nhu cầu của xã hội. Để phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cần những chính sách về đào tạo, sử dụng, chế độ đãi ngộ cũng như sự tự chủ trong lĩnh vực này. Phải có chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin; đồng thời Nhà nước cũng cần có chiến lược để xây dựng cho được nền công nghiệp điện tử và vật liệu ngang tầm với khu vực hoặc thế giới để tự chủ về nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thiết bị phục vụ cho hạ tầng thông tin - viễn thông.
(ii) Giải pháp hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử
Do tính đặc thù nên quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cá nhân tổ chức tham gia hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử chịu sự điều chỉnh của nhiều ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Do đó, cần rà soát, đánh giá và bổ sung quy định về chống lệ thuộc công nghệ ngay trong các đạo luật có liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử và Nghị định về thương mại điện tử… Việc bổ sung sẽ có ý nghĩa quan trọng, tiên lượng được các yêu cầu điều chỉnh pháp luật đối với nền tảng công nghệ phục vụ hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời với việc bổ sung quy định về chống lệ thuộc công nghệ, cần phải nâng cao các tiêu chuẩn về hợp chuẩn chất lượng đối với các thiết bị, sản phẩm điện tử có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.
(iii) Các giải pháp khác
Ngoài các giải pháp đã nêu, việc tăng cường hợp tác quốc tế để tìm hiểu, tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế về chống lệ thuộc công nghệ sẽ rút ngắn được thời gian khi xây dựng pháp luật. Việc tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam tiếp thu các chuẩn mực quốc tế về vấn đề này.
Tóm lại, việc xem xét nghiêm túc, đánh giá đúng tính chất, mức độ các nguy cơ cũng như rủi ro từ lệ thuộc công nghệ trong hoạt động thương mại điện tử sẽ giúp cho hoạt động thương mại điện tử được an toàn, ổn định và ít rủi ro hơn. Chống lệ thuộc công nghệ để bảo đảm an toàn hệ thống thông tin - viễn thông sẽ có tác động rất lớn đến các hoạt động thương mại điện tử. Khi đã thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động này sẽ khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực cho mọi chủ thể yên tâm rằng quyền được bảo vệ an toàn khi tham gia thương mại điện tử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia hoạt động thương mại điện tử.
LS. Lê Văn Thiệp
Văn phòng Luật sư Toàn cầu