Tóm tắt: Xét dưới góc độ nhân quyền, thì quyền con người của phụ nữ trong lĩnh vực tư pháp hình sự phải được ghi nhận và bảo vệ đầy đủ về mặt lập pháp, sự thực thi chính xác về mặt hành pháp và sự đảm bảo tối đa về mặt tư pháp. Bài viết này khái quát chuẩn mực quốc tế về bảo đảm quyền của phụ nữ trong tư pháp hình sự.
Abstract: From the aspect of human rights, human rights of women in the criminal justice area should be fully acknowledged and protected by law and the correct executive implementation and the justice maximum guaranty. This paper generalizes international standard on guaranty of women rights in the criminal justice.
1. Bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự
Bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong lĩnh vực tư pháp hình sự là một nội dung quan trọng trong luật nhân quyền quốc tế và được thể hiện trong nhiều văn kiện pháp lý như: Hiến chương Liên Hợp quốc (1945); Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (1948); Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ (1952); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966) (ICCPR); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (1979) (CEDAW); Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (CAT, 1984); Tuyên ngôn Dakar về quyền được xét xử công bằng tại châu Phi...
Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người[1]. Luật Nhân quyền quốc tế khẳng định, các quyền cơ bản của con người là các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Phụ nữ với tư cách là con người có tất cả những quyền được thừa nhận cho mọi cá nhân trên toàn thế giới, đặc thù giới không làm mất đi bất kỳ một quyền con người cơ bản nào của phụ nữ[2]… Trong cuốn Bách khoa toàn thư thế giới về phụ nữ: Những vấn đề và tri thức toàn cầu về phụ nữ[3] được xuất bản năm 2000, tập thể nhóm tác giả Charlotte Bunch và Samantha Frost trong phần viết “Giới thiệu về các quyền con người của phụ nữ” đã chỉ ra: Quyền con người của phụ nữ là một thuật ngữ để chỉ các quyền của phụ nữ với tư cách là một con người và được xem xét thông qua lăng kính giới. Theo đó, quyền con người của phụ nữ được xem là tất cả các quyền con người mà nhân loại tiến bộ thừa nhận và có thêm những quyền mang đặc thù giới nữ[4]. Rõ ràng, khái niệm quyền con người của phụ nữ là một khái niệm vừa tổng hợp lại vừa đặc thù, là một tập hợp quyền thống nhất, không thể chia cắt, không thể chuyển nhượng và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: “Quyền con người của phụ nữ là những đặc quyền vốn có của một con người như nhân phẩm, nhu cầu, lợi ích, năng lực được thừa nhận bao gồm cả đặc thù giới và được bảo hộ bằng pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế”.
Tư pháp hình sự được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu ở các góc độ và cách tiếp cận khác nhau, mỗi quốc gia cũng có quan niệm không giống nhau về các nội dung của tư pháp hình sự như quyền, chủ thể thực thi quyền và hoạt động tư pháp hình sự. Sự khác nhau này được lý giải từ sự khác nhau về bản chất, mục đích, đặc điểm quyền lực nhà nước và khác nhau từ yếu tố lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi nước… Tiếp cận dưới góc độ quyền theo khoản 1 Điều III của Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thì: “Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ được trao cho Tòa Tối cao và những Tòa án cấp dưới mà Nghị viện có thể thiết lập trong một số trường hợp”. Trong khi đó, thể chế hiện hành của Trung Quốc quy định quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử và quyền kiểm sát, cơ quan tư pháp gồm Tòa án và Viện kiểm sát[5]. Cuốn Các hệ thống tư pháp hình sự so sánh (Comparative Criminal Justice Systems- 2nd Edition), tiếp cận dưới góc độ chủ thể, tác giả Erika Fairchild và Harry R. Dammer đã đưa ra khái niệm: “Hệ thống tư pháp hình sự là bao gồm các cá nhân và cơ quan thực hiện các chức năng tư pháp hình sự, có 03 bộ phận chính của hệ thống tư pháp hình sự là cảnh sát, toà án và các hình phạt”[6]. Luật hình sự Pháp quy định: “Hệ thống tư pháp hình sự Pháp được điều chỉnh bởi 02 văn bản quy phạm pháp luật chính là Bộ luật Hình sự (1994) và Luật Tố tụng hình sự (1959). Bộ luật Hình sự xác định các loại tội phạm và hình thức xử phạt thích hợp, Luật Tố tụng hình sự quy định, hướng dẫn điều tra, xét xử 1 người vi phạm pháp luật hình sự”[7]. Từ những minh chứng trên cho thấy, nói đến tư pháp hình sự là đề cập đến hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm[8] hay nói cách khác là các công việc của cơ quan tư pháp thực hiện trong tố tụng hình sự liên quan trực tiếp đến giải quyết các vụ án hình sự nhằm đảm bảo tính khách quan, đúng đắn theo pháp luật. Như vậy, có thể rút ra kết luận về khái niệm quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự là những đặc quyền vốn có của người phụ nữ cần được tôn trọng và không thể bị tước đoạt khi người phụ nữ phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự của bộ máy quyền lực nhà nước.
Bảo đảm quyền con người trong tư pháp hình sự bằng nhiều phương thức và biện pháp khác nhau, trong đó bảo vệ bằng các quy định pháp luật cũng như đảm bảo thực hiện các quy định đó trên thực tế là quan trọng nhất: “Đảm bảo quyền con người trong tư pháp hình sự là sự vận hành của các yếu tố khách quan nhằm mục đích công bố, ghi nhận về mặt pháp lý các quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự, bảo vệ và thực thi các quyền đó trong quá trình giải quyết vụ án hình sự”[9]. Vì lẽ đó, trong thực tiễn pháp lý, “bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự” được hiểu là các hoạt động giữ gìn, bảo vệ cho phụ nữ khỏi những xâm hại tiêu cực gây tổn thương các quyền con người của phụ nữ, giúp họ tránh các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tham gia tố tụng; chủ thể được bảo vệ ở đây được hiểu ở cả hai góc độ nạn nhân và không phải là nạn nhân.
Cùng với khái niệm quyền con người của phụ nữ và quyền con người trong tư pháp hình sự đã được xác định ở trên, có thể tổng hợp một cách đầy đủ về nội hàm khái niệm bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự là việc sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và chống lại sự xâm hại đối với những đặc quyền vốn có của một người phụ nữ như nhân phẩm, nhu cầu, lợi ích, năng lực được thừa nhận cần được tôn trọng và không thể bị tước đoạt, được bảo hộ bằng pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự (pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật thi hành án hình sự và pháp luật về tổ chức các cơ quan tư pháp hình sự) khi cá nhân đó phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự của bộ máy quyền lực nhà nước.
Tóm lại, đảm bảo quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự là việc đảm bảo các điều kiện, yếu tố cần và đủ cho việc thực hiện các quyền con người của phụ nữ khi mà họ phải đối mặt với những thủ tục tố tụng hình sự của bộ máy quyền lực nhà nước do có liên quan đến một hành vi có dấu hiệu phạm tội được quy định trong pháp luật hình sự quốc gia hay quốc tế.
2. Quan điểm và cơ chế đảm bảo quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự theo quy định của pháp luật quốc tế
Về mặt quan điểm, cộng đồng quốc tế luôn coi quyền con người, trong đó có phụ nữ là giá trị chung của toàn nhân loại. Quan điểm này cũng được gián tiếp phản ánh trong hệ thống văn kiện pháp lý về quyền con người do Liên Hợp quốc và các tổ chức liên chính phủ khác thông qua, thể hiện ở việc xác định tính phổ biến của quyền con người, là bẩm sinh, vốn có và được áp dụng bình đẳng không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do gì như chủng tộc, tôn giáo, giới tính, độ tuổi[10]... Cộng đồng quốc tế kêu gọi hủy bỏ những điều luật phân biệt đối xử và đảm bảo phụ nữ được bình đẳng khi thực hiện các thủ tục tư pháp, chú ý bảo vệ các quyền con người mang đặc thù giới. Điều 1 Hiến chương của Liên Hợp quốc quy định rằng, một trong những mục đích của Liên Hợp quốc là để thúc đẩy tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người “không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”. Quy định cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính được nhắc lại ở Điều 13 Hiến chương và Điều 55 (thúc đẩy các quyền con người nói chung). Tuyên bố của Liên Hợp quốc về “Xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ” được các chính phủ thông qua trong phiên họp Đại hội đồng năm 1993 đã khẳng định: “Bất kỳ hành vi bạo lực dựa trên cơ sở giới nào dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến tổn hại về mặt thể chất, tình dục hoặc tâm lý cho phụ nữ, bao gồm cả những mối đe doạ của các hành vi như vậy, cưỡng chế hoặc tùy tiện tước đoạt tự do, cho dù xảy ra trong đời sống công cộng hay trong đời sống cá nhân”. Pháp luật quốc tế còn đòi hỏi chế độ bảo hộ đặc biệt với thiên chức làm mẹ của phụ nữ thông qua việc yêu cầu loại bỏ thi hành hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ trong pháp luật hình sự quốc gia: “Không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai” (khoản 5 Điều 6 ICCPR). Luật Nhân quyền quốc tế đề nghị các quốc gia tôn trọng, bảo vệ, thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn đảm bảo nhân quyền cho công dân của mình và cam kết thực hiện các nguyên tắc được thiết lập ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Trong lịch sử, các quy định cũng đã đề ra những nguyên tắc và sự giám sát hành động của các cơ quan của nhà nước có thẩm quyền phán quyết dựa trên mệnh lệnh và phục tùng như giết, tra tấn và giam giữ. Nghĩa vụ của Nhà nước là tôn trọng các quyền con người, bao gồm cả quyền của phụ nữ, kêu gọi trách nhiệm của các quốc gia kiềm chế không thực hiện bất kỳ hành động nào xâm phạm các quyền đó[11]. Hiện nay, trách nhiệm của các quốc gia đã được nhận thức rõ ràng trong việc bảo vệ và thực hiện đầy đủ các quyền con người, bảo vệ phụ nữ khỏi những đe dọa xâm hại.
Về cơ chế bảo đảm, Điều 3 Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ quy định: “Các quốc gia thành viên Công ước phải thi hành mọi biện pháp thích hợp, kể cả biện pháp pháp lý… để đảm bảo sự phát triển và tiến bộ đầy đủ của phụ nữ, nhằm mục đích bảo đảm cho họ có thể thực hiện và được hưởng các quyền con người và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng nam nữ”. Bên cạnh đó, Điều 4 Công ước này khẳng định rằng, ngay cả khi phụ nữ đã được ghi nhận sự bình đẳng về mặt pháp lý, điều đó cũng không đủ để đảm bảo họ sẽ được đối xử một cách bình đẳng trong thực tế. Để đảm bảo quyền của phụ nữ, các quốc gia thành viên được cho phép sử dụng những biện pháp xử lý đặc biệt để đảm bảo quyền đặc thù của phụ nữ. Như vậy, cộng đồng quốc tế đã vượt qua quan điểm hẹp về bình đẳng theo nghĩa thông thường và thiết lập những mục tiêu của riêng nó là bình đẳng về cơ hội và bình đẳng về kết quả. Các biện pháp đặc biệt tạm thời để chống lại sự phân biệt đối xử với phụ nữ được coi là cần thiết và hợp pháp để đạt được các mục tiêu này. Trong Khuyến nghị chung số 5 được thông qua tại Phiên họp lần thứ 7 (1988) của Ủy ban về xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ nêu rõ rằng: “Các quốc gia thành viên cần ban hành nhiều hơn các biện pháp đặc biệt tạm thời như là những hành động tích cực, sự đối xử ưu đãi hoặc hệ thống các chỉ tiêu để tăng cường việc bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ trong các lĩnh vực...”. Đối với việc bảo đảm quyền con người cho phụ nữ thì sử dụng biện pháp đối xử đặc biệt để bảo vệ chức năng làm mẹ là cách thức duy nhất để bảo đảm bình đẳng thực sự cho phụ nữ, luôn luôn là cần thiết và không bị xóa bỏ[12].
Mặc dù, Nhà nước có trách nhiệm trước tiên đối với việc bảo vệ quyền phụ nữ khi họ bị đe dọa hoặc tấn công, nhưng sự hiện diện của cộng đồng quốc tế cũng như Liên Hợp quốc cũng có trách nhiệm để hỗ trợ và bảo vệ họ theo nguyên tắc cơ bản về sự bảo mật, không gây hại và sự đồng ý của con người. Cộng đồng quốc tế đảm bảo thực thi quyền con người của phụ nữ thông qua bộ máy và cơ chế giám sát gồm có Hội đồng quyền con người, các ủy ban và các nhóm công tác chuyên biệt. Các cơ quan theo dõi việc thực thi là Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và Ủy ban về quyền con người xem xét giải quyết theo thẩm quyền đối với các khiếu nại cá nhân về những vi phạm bị cáo buộc, đồng thời giải quyết những vấn đề phân biệt[13]. Ủy ban phòng chống tra tấn là cơ quan giám sát Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục khác cũng thường xuyên xử lý những vấn đề của bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái. Các quốc gia tham gia phê chuẩn Công ước phải định kỳ báo cáo gửi tới các cơ quan này trong đó đưa ra những khuyến nghị về những giải pháp cần thiết để thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
Hội đồng quyền con người là một cơ quan liên chính phủ của Liên Hợp quốc để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Với 47 nước thành viên được bầu bởi Đại hội đồng, Hội đồng quyền con người đã thường xuyên thực hiện những chỉ đạo đặc biệt về quyền của phụ nữ và quan tâm đến khía cạnh giới từ khi được thành lập năm 2006. Cũng có nhiều giải pháp được ban hành bởi Hội đồng và cơ quan tiền nhiệm trước nó là Ủy ban về quyền con người kêu gọi các quốc gia thực hiện trách nhiệm của mình đối với quyền của phụ nữ. Những thảo luận và giải pháp là quan trọng để giữ vấn đề quyền của phụ nữ trong chương trình nghị sự quốc tế. Nhóm công tác về những vấn đề phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong luật và thực tiễn. Những thủ tục khác cũng được đưa ra trong hoạt động của Hội đồng nhằm thực hiện các quyền của phụ nữ và giới, cụ thể là triển khai những nghiên cứu liên quan đến phụ nữ và các quyền con người đặc thù, đảm bảo sự quan tâm đến các quyền của phụ nữ ở các quốc gia thành viên và thảo luận với các Chính phủ về những trường hợp đặc biệt vi phạm quyền con người của phụ nữ bị cáo buộc.
Như vậy, đảm bảo quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự là việc đảm bảo các điều kiện, yếu tố cần và đủ cho việc thực hiện các đặc quyền vốn có của một con người như nhân phẩm, nhu cầu, lợi ích, năng lực được thừa nhận và được bảo hộ khi mà người phụ nữ phải đối mặt với những thủ tục tố tụng hình sự của bộ máy quyền lực nhà nước do đã thực hiện một hành vi có dấu hiệu phạm tội được quy định trong pháp luật hình sự quốc gia hay quốc tế. Bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt quan trọng. Vì vậy, quyền con người của phụ nữ trong lĩnh vực tư pháp hình sự phải được ghi nhận và bảo vệ đầy đủ về mặt lập pháp, sự thực thi chính xác về mặt hành pháp và sự đảm bảo tối đa về mặt tư pháp. Điều đó thể hiện ở các quy định của pháp luật hình sự phù hợp với các nguyên tắc và các quy phạm tương ứng của pháp luật quốc tế, được tuân thủ, chấp hành và áp dụng một cách nghiêm chỉnh, thống nhất và triệt để bởi các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án, cũng như những người có chức vụ của các cơ quan này trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử, tạo lòng tin của công dân vào sự nghiêm minh của pháp chế, tính minh bạch và sự bình đẳng của pháp luật.
Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. United Nations, Human Rights: Question and Answers, New York and Geneva, 2006, p.4.
[2]. Xem Trần Thị Hồng Lê, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo vệ quyền phụ nữ bằng pháp luật hình sự ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia, 2016.
[3]. Charlotte Bunch and Samantha Frost (2000), Inter International Encyclopedia of Women: Global Women’s Issues and Knowledge, “Women’s human rights: An introduction”, Routledge, 2000, p.15.
[4]. Xem Trần Thị Hồng Lê, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo vệ quyền phụ nữ bằng pháp luật hình sự ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia, 2016.
[5]. Xem ThS. Nguyễn Thị Thủy, Tư pháp hình sự và yêu cầu tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp hình sự, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 150 tháng 7/2009, tr.26.
[6]. Erika Fairchild, Harry R. Dammer, 2001, Comparative Criminal Justice Systems- 2nd ed, Wadsworth Thomson Learning, United States Printed, p.5.
[7]. Richard J. Terill, 2016, World Criminal Justice Systems: A comparative Survey-9th-ed, Routledge, ÕX14 4RN, p.177.
[8]. Xem Lê Văn Cảm, 2009, Hệ thống Tư pháp hình sự trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.106.
[9]. Xem PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí (Chủ biên), 2015, Sách chuyên khảo: Quyền con người trong lĩnh vực Tư pháp hình sự, Nxb. Hồng Đức.
[10]. Xem Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng, 2009, Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.540-541.
[11]. Sheila Dauer, “Hữu hình và vô hình: Các quyền con người của phụ nữ trong khu vực cộng cộng và tư nhân”, xem trong Các quyền con người, giới và phụ nữ: Quan điểm toàn cầu, Marjorie Agosin.
[12]. Xem Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên) (2010), Quyền con người (Tập tài liệu chuyên đề của Liên Hợp quốc), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
[13]. Để thêm thông tin về hệ thống điều ước về quyền con người, xem OHCHR, Fact Sheet số 30: Hệ thống điều ước của Liên Hợp quốc về quyền con người and OHCHR, Fact Sheet số 7: Thủ tục khiếu nại cá nhân theo các điều ước về nhân quyền của Liên Hợp quốc.