Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Với mục tiêu hỗ trợ pháp lý một cách đồng bộ, hiệu quả cho các doanh nghiệp trên cả nước, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý của Chương trình 585 đã và đang góp phần giúp doanh nghiệp khắc phục những hạn chế trong thực thi pháp luật, phòng chống rủi ro về mặt pháp lý, từng bước tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Phát huy những kết quả đạt được của năm 2011 và 2012, ngay từ đầu năm 2013, Ban Quản lý Chương trình 585 đã phối hợp với các bộ, ngành và tổ chức đại diện của doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động, cụ thể từ tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đến xây dựng Bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn... Các hoạt động trên đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp, khẳng định ý nghĩa và vai trò tích cực của Chương trình 585 trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
PV: Trong số các hoạt động của Chương trình năm 2013, theo ông, hoạt động nào có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp?
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Chương trình đã thực hiện được rất nhiều hoạt động, bao gồm tổ chức trên 30 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn nhằm phổ biến và giải đáp vướng mắc về pháp luật kinh doanh; tổ chức trên 20 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, 30 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng và phát sóng Chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; xây dựng Bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Cẩm nang pháp luật doanh nghiệp, Cẩm nang kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và Cẩm nang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; xây dựng Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Mỗi hoạt động hỗ trợ pháp lý cụ thể đều có tính đặc thù riêng liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp, nên đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong số đó, nổi bật nhất là Chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình được phát định kỳ 01 tuần/01 lần trên sóng VTV2 và 04 tuần/lần trên sóng phát thanh VOV. Việc triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và nhận được nhiều phản hồi tốt từ các khán thính giả của Chương trình.
PV: Trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý năm 2013, Thứ trưởng nhận thấy Chương trình có hạn chế, khó khăn nào không?
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Do đây là Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành đầu tiên của Chính phủ, mới bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2011, cùng với những thành quả tích cực thì cũng không tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, sự tham gia của một số cơ quan, ban, ngành có nêu tên trong Quyết định số 585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn hạn chế, chưa có sự phối hợp thường xuyên với Ban Quản lý Chương trình trong việc triển khai các hoạt động. Đội ngũ các thành viên Ban Quản lý, Thường trực Tổ thư ký Chương trình làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên việc bố trí đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chất lượng tất cả các hoạt động của Chương trình do các cơ quan, tổ chức thực hiện trên cả nước còn chưa được thường xuyên. Bên cạnh đó, các đơn vị đăng ký tham gia hoạt động của Chương trình cũng chưa nhiều kinh nghiệm, nên có một số nội dung còn lúng túng trong công tác triển khai hoặc chưa xây dựng tốt mô hình công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh làm điểm.
PV: Được biết năm 2014 là năm cuối thực hiện hoạt động của Chương trình theo Quyết định số 585/QĐ-TTg, để tiếp tục phát huy những kết quả trên đây, xin Thứ trưởng cho biết phương hướng triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2014?
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Trong năm 2014, Ban Quản lý Chương trình 585 sẽ có những giải pháp khắc phục những hạn chế, đồng thời tiếp tục chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động như hỗ trợ xây dựng, phát triển Trang thông tin chính thức về hỗ trợ pháp lý cho danh nghiệp; hỗ trợ thực hiện các Chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh.
Ngoài ra, sẽ chú trọng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể là bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp tại các địa phương trong cả nước; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và hoạt động tổ chức các tọa đàm, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp sẽ có kế hoạch lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, các địa phương về việc gia hạn thực hiện hoạt động của Chương trình đến năm 2020 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài mục tiêu tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, các hoạt động trên còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu thập ý kiến góp ý, phản ánh tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh. Qua đây, tôi cũng kêu gọi sự tham gia, hưởng ứng tích cực hơn nữa từ phía cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức nhằm đưa Chương trình hoạt động ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
· Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014 theo Quyết định số 585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
PV (Phỏng vấn Thứ trưởng Đinh Trung Tụng)