Toàn cảnh phiên họp
Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025
Trao đổi về sự cần thiết phải ban hành Luật, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, qua hơn 08 năm triển khai thực hiện, một số quy định trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 chưa đáp ứng được với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới, cụ thể: phân cấp thu ngân sách không còn phù hợp với xu hướng, diễn biến các khoản thu ngân sách, làm giảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, trong khi chưa thực sự khuyến khích tính tự chủ của các địa phương; quy định về phân cấp một số khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chưa phù hợp với yêu cầu thực tế và cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế; phân cấp chi ngân sách còn bất cập, một số nhiệm vụ chi theo phân cấp giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, chưa linh hoạt, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế; việc thực hiện thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự toán của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân ở địa phương dẫn đến quy trình tổng hợp, thẩm định và thông qua mất nhiều thủ tục, thời gian, làm chậm phát huy hiệu quả nguồn lực của ngân sách nhà nước; Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 chưa quy định rõ trách nhiệm giải trình của các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp dưới và các cơ quan, đơn vị dự toán cấp I ở địa phương trước Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan của Hội đông nhân dân; công tác xây dựng, tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để sửa đổi bảo đảm phù hợp với thực tiễn... Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, việc xây dựng dự án Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi tổng thể Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa các định hướng của Đảng tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã ban hành, các nghị quyết của Quốc hội.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tại phiên họp
Trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát huy các quy định đã được thực tiễn chứng minh phát huy hiệu quả của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ căn bản khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, hạn chế phát sinh trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục; đồng bộ, thống nhất với quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành và bổ sung một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách thí điểm, đặc thù đã áp dụng cho một số địa phương để áp dụng cho cả nước; sửa đổi để phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Với phạm vi điều chỉnh này, dự thảo Luật có bố cục gồm 07 chương, 75 điều (sửa đổi 61 điều, bãi bỏ 02 điều; giữ nguyên số chương so với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015), cụ thể: (i) Chương I: những quy định chung (gồm 18 điều: từ Điều 1 đến Điều 18, không tăng/giảm điều; (ii) Chương II: nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về ngân sách nhà nước (gồm 15 điều: từ Điều 19 đến Điều 33, giảm 01 điều); (iii) Chương III: nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp (gồm 06 điều, từ Điều 34 đến Điều 39, giữ nguyên tổng số điều); (iv) Chương IV: lập dự toán ngân sách nhà nước (gồm 07 điều, từ Điều 40 đến Điều 46, giảm 01 điều); (v) Chương V: chấp hành ngân sách nhà nước (gồm 14 điều, từ Điều 47 đến Điều 60); (vi) Chương VI: kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước (gồm 11 điều, từ Điều 61 đến Điều 71); (vii) Chương VII: điều khoản thi hành (gồm 04 điều, từ Điều 72 đến Điều 75).
Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn
Trao đổi tại phiên họp, các đại biểu cho biết, trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ, việc xây dựng tiêu chuẩn định mức chi đối với một số hoạt động còn gặp khó khăn. Do đó, khoản 4 Điều 8 dự thảo Luật quy định cứng các khoản chi ngân sách phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định có thể sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại nội dung này bảo đảm phù hợp hơn. Bên cạnh đó, về các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn là chi đầu tư công và chi thường xuyên, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ về chi thuê tài sản.
Tại điểm a khoản 5 Điều 9 dự thảo Luật quy định về việc ngân sách cấp dưới hỗ trợ cho các đơn vị thuộc cấp trên quản lý đóng trên địa bàn trong trường hợp cần khẩn trương huy động lực lượng cấp trên khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nghiêm trọng và các trường hợp cấp thiết khác để bảo đảm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của địa phương. Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ việc hỗ trợ ở đây là hỗ trợ một phần hay toàn bộ và định mức chi đối với trường hợp này.
Đối với điểm đ khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung cụm từ “hoặc theo quy định của pháp luật về đặt hàng”, cụ thể: “đối với những khoản chi cho công việc thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch phải theo quy định về giá, phí và lệ phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc theo quy định của pháp luật về đặt hàng...”, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
Về việc sử dụng kế hoạch tài chính 05 năm tại khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung nội dung làm căn cứ để hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, cam kết để bù trừ kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên hoặc có thời gian thực hiện trong nhiều năm liên tiếp như trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Đánh giá các phương án được đưa ra tại khoản 2 Điều 47 dự thảo Luật, một số đại biểu cho rằng, việc thực hiện phương án 2 có thể sẽ gây khó khăn cho những đơn vị đơn vị có ngành dọc như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, do đó, đại biểu đề xuất chọn phương án 1, cụ thể: “cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện kiểm tra dự toán đơn vị dự toán cấp I đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực của dự toán được giao; các nhiệm vụ, đề án ngoài định mức đảm bảo thống nhất từ khâu lập đến khâu phân bổ dự toán. Trường hợp phát hiện việc phân bổ không đúng tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ của dự toán ngân sách đã được giao; không đúng chính sách, chế độ quy định thì yêu cầu đơn vị dự toán cấp I điều chỉnh lại chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo phân bổ của đơn vị dự toán ngân sách”.
Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định đối với trường hợp quỹ ngân sách cấp tỉnh thiếu hụt tạm thời thì được vay bù đắp thiếu hụt tạm thời từ ngân quỹ nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số nội dung sau: (i) về sự cần thiết ban hành Luật, cần tập trung vào 03 vấn đề lớn gồm chính quyền địa phương 02 cấp; xử lý các vấn đề liên quan đến ngân sách chi thường xuyên để triển khai văn bản; giải quyết các vướng mắc, bất cập trên thực tiễn; (ii) về sự phù hợp với chủ trương của Đảng: cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại các chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến việc sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp, trong đó có Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 và Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/1025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải cập nhật dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; (iii) về tính thống nhất: cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại với Luật Đầu tư công, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Phí và lệ phí để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật; (iv) cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn trong Tờ trình về nguồn tài chính, nguồn nhân lực...
Thùy Dung