1.1. Thế nào là phối hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp?
Có thể hiểu, phối hợp là mối quan hệ giữa hai hay nhiều chủ thể khác nhau trong quá trình triển khai, thực hiện và cùng nhằm đạt mục đích chung. Nói cách khác, phối hợp là sự tham gia làm việc cùng với nhau của từ ít nhất hai chủ thể trở lên, hành động theo một kế hoạch chung nhằm đạt được mục tiêu chung.
Trong khi đó, khái niệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là thuật ngữ chưa được làm rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014 (Quyết định số 585/QĐ-TTg). Tuy nhiên, nghiên cứu nội dung các quy định pháp lý hiện hành và căn cứ trên thực tiễn, có thể hiểu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là việc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện miễn phí các hoạt động do pháp luật quy định nhằm nâng cao tri thức pháp luật và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ đó, có thể đưa ra khái niệm “phối hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” như sau:
Phối hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là việc các chủ thể được giao nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cùng nhau bàn bạc, xây dựng và thực hiện các hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm đạt được mục đích chung là nâng cao tri thức pháp luật và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
1.2. Sự cần thiết của việc phối hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất cần thiết, vì những lý do cơ bản sau:
Thứ nhất, hoạt động của doanh nghiệp rất đa dạng, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành, địa phương và chức năng đại diện của nhiều hiệp hội doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, một doanh nghiệp khi được hình thành và tham gia vào thị trường sẽ chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Ví dụ: Đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, bên cạnh Luật Doanh nghiệp là luật gốc về doanh nghiệp, các công ty còn chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn. Để có thể hoạt động ổn định và hạn chế các rủi ro pháp lý không đáng có, doanh nghiệp này cần phải nắm rõ các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên. Do vậy, để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, cần có sự tham gia phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan này, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ đưa ra lời giải đáp trong lĩnh vực mà mình được giao; trong trường hợp vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành thì các bộ, ngành đó cần phối hợp với nhau để giải quyết.
Thứ hai, mỗi cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đều có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp là hoàn toàn độc lập nhau. Do vậy, để đạt được sự thống nhất trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và cùng hướng đến một mục tiêu chung, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức có liên quan cần phải phối hợp với nhau, tránh chồng chéo và trùng lặp về thẩm quyền.
2. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước và tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành
Để thực hiện việc phối hợp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách có hiệu quả, các chủ thể có thẩm quyền phải căn cứ vào quy định của pháp luật bao gồm: (i) Nhóm các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, Quyết định số 585/QĐ-TTg, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017…; (ii) Nhóm các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các chủ thể như: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn thi hành khác (như các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành)…
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, vị trí, vai trò và cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước và tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được xác định cụ thể như sau:
2.1. Ở Trung ương
- Về cơ quan đầu mối thực hiện: Theo quy định tại khoản 21 Điều 2 Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp, thì Bộ Tư pháp thực hiện việc hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra công tác pháp chế bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khoản 1 Điều 13 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định: “Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
b) Chủ động tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này;
c) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
d) Phối hợp với các bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Ngoài ra, trên cơ sở Quyết định số 585/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động gồm: Thông tin pháp lý cho doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng cho doanh nghiệp; tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ pháp chế cho cán bộ pháp chế của doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án điểm về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số địa phương đại diện cho các vùng miền; xây dựng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP...
- Về cơ quan phối hợp thực hiện: Sau khi Nghị định số 66/2008/NĐ-CP được ban hành, các bộ, cơ quan ngang bộ đã phân công Vụ Pháp chế làm đầu mối tổ chức triển khai các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Một số bộ, cơ quan ngang bộ đã hoàn thành khối lượng lớn hoạt động hỗ trợ pháp lý thuộc phạm vi chức năng của mình nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực thi pháp luật, trong đó, nổi bật lên vai trò của Bộ Tài chính trong việc triển khai các hoạt động liên quan tới lĩnh vực thuế, hải quan; Bộ Giao thông vận tải trong lĩnh vực kinh doanh giao thông, vận tải của doanh nghiệp; Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực doanh nghiệp quốc phòng, an ninh… Nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật trong các lĩnh vực được nâng cao, giúp doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế nắm vững pháp luật để thực hiện, hạn chế các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước của bộ, ngành.
Có thể nói, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua đã được Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì thực hiện phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai một cách liên tục nên đã đem lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp, được chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
2.2. Ở địa phương
Theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP thì các chủ thể tham gia thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở địa phương bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức có liên quan khác. Vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của các chủ thể này trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cụ thể như sau:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Là cơ quan chủ trì, giữ vai trò chủ động tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định; tổ chức tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và báo cáo cho Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sở Tư pháp: Là cơ quan đầu mối thực hiện, giữ vai trò là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương và là đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định.
Các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Giữ vai trò là đơn vị phối hợp với cơ quan đầu mối để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thực hiện quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Qua thống kê cho thấy, hầu hết các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, một số Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn thi hành và các đề án, chương trình, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các địa phương ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời làm cơ sở pháp lý và tạo sự chuyển biến tích cực cho việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi địa phương mình quản lý.
Nhìn chung, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý cho Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạt động hỗ trợ pháp lý của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp bảo đảm đúng pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước. Thông qua các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, quy mô và lĩnh vực hoạt động. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện kịp thời, đầy đủ và chính xác, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2.3. Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp
Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Cụ thể, theo Điều 5 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP thì các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình cũng như phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định. Như vậy, vai trò của các hiệp hội, tổ chức xã hội của doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương được xác định là hết sức quan trọng trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các tổ chức này có thể chủ động hoặc có thể là đơn vị phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, sau khi Nghị định số 66/2008/NĐ-CP được ban hành, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp đều chủ động nghiên cứu tài liệu và tìm hiểu các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức mình. Đa số các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp địa phương đã rất tích cực trong việc thực hiện chức năng đại diện của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.
Theo kết quả tổng hợp khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2012 cho thấy, ngay sau khi Nghị định số 66/2008/NĐ-CP được ban hành, đa số tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đã thành lập các bộ phận chuyên môn liên quan tới công tác thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật, phát triển nguồn nhân lực trực thuộc có chức năng tham mưu cho các tổ chức đại diện doanh nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đã triển khai nhiều hội thảo, diễn đàn, tọa đàm xoay quanh các chuyên đề về pháp luật kinh doanh nhằm khuyến cáo doanh nghiệp thực thi pháp luật, qua đó kiến nghị với cơ quan chức năng về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, các tổ chức này cũng thường xuyên hợp tác, giao lưu với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tạo mạng lưới bền vững cho công tác hỗ trợ quyền lợi của hội viên. Một số hiệp hội doanh nghiệp địa phương đã chủ động đề xuất kế hoạch và tổ chức hội thảo, diễn đàn về tìm hiểu, thực thi và kiến nghị hoàn thiện pháp luật, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp, trong đó đã lồng ghép được một số lớp đào tạo kiến thức pháp luật theo yêu cầu của doanh nghiệp.
3. Kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa trung ương và địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong quá trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Có thể thấy rằng, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng như tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo đó, 100% các bộ, ngành và 63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Một số bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, địa phương mình theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiệu quả của các kế hoạch, Chương trình này vẫn chưa cao, nguyên nhân một phần đến từ cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong quá trình tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tạo ra nguồn lực thống nhất để hình thành sức mạnh tổng hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Để nâng cao hơn nữa cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong quá trình tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hiện nay, điểm hạn chế rõ nhất trong cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các tổ chức, cơ quan có chức năng thực hiện việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Hậu quả là đã xảy ra tình trạng trùng lặp trong các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Vì vậy, để nâng cao tính hiệu quả, tránh sự trùng lặp, cần phải khắc phục tình trạng biệt lập, không có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý.
Thứ hai, trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhiều hiệp hội doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng yếu tố phục vụ. Cụ thể là, trong quá trình thực hiện các biện pháp hỗ trợ pháp lý (như hội nghị, hội thảo bồi dưỡng kiến thức pháp luật) mà Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp là đơn vị có chức năng thực hiện thì nhiều hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương đã đặt ra yêu cầu rất rõ ràng về khoản tiền mà đơn vị này phải được hưởng. Trong khi kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn rất hạn chế mà các đơn vị này lại yêu cầu một khoản thu quá lớn thì việc thực hiện nhiệm vụ của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trung ương cần có các biện pháp để chấn chỉnh tình trạng này, làm sao để các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương trong hoạt động của mình cần phải lấy mục tiêu phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ yếu mà không quá coi trọng yếu tố lợi ích.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp mẫu về việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa trung ương với địa phương, giữa các ngành có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội có thể ban hành quy chế phối hợp về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn mình.
Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp