Tóm tắt: Bài viết đi sâu phân tích thế nào là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và vấn đề bảo vệ những thông tin này.
Abstract: The article deeply explains what are private life, personal privacy, family privacy and how to protect such information.
1. Đời sống riêng tư và quyền về đời sống riêng tư
Đời sống riêng tư (ĐSRT) của cá nhân là tập hợp các yếu tố tạo thành nét riêng đặc thù, độc lập, không thể trộn lẫn và mang dấu ấn của riêng cá nhân không thể tan vào ĐSRT của người khác. ĐSRT của cá nhân là những yếu tố rất riêng, khác biệt, tạo nên đời sống riêng của người đó. Quyền về ĐSRT là quyền vô hình, không định dạng ở một trạng thái vật chất nhất định và khi đã hình thành thì quyền về ĐSRT ghi đậm dấu ấn của cá nhân là chủ thể của ĐSRT của mình. Quyền đối với ĐSRT có thể vĩnh viễn, bất biến và có giá trị về nhân thân của cá nhân. Tuy nhiên, quyền về ĐSRT của cá nhân có thể còn phụ thuộc vào không gian sống, không gian và thời gian quan hệ xã hội, tính chất của quan hệ, chủ thể của quan hệ và quan niệm sống của cá nhân có ĐSRT đó. Vì vậy, những thông tin là yếu tố cấu thành ĐSRT của cá nhân phong phú hay không phong phú, đa dạng hay phức tạp hay đơn giản chỉ là một quan hệ, một thông tin nhất định có ảnh hưởng đến đời sống rất khác biệt, rất riêng và mang tính tuyệt đối của cá nhân. ĐSRT của cá nhân là những yếu tố xác định tạo nên dấu ấn cá nhân không thể trộn lẫn, không thể hòa nhập với ĐSRT của cá nhân khác. Việc xác định này là căn cứ để xác định những quan hệ thuộc về ĐSRT của cá nhân được bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật, còn những quan hệ xã hội thông thường không thuộc sự kiện pháp lý thì không thuộc quyền về ĐSRT của cá nhân. Với cách xác định này, để có căn cứ xác định những yếu tố cấu thành quyền về ĐSRT của cá nhân.
ĐSRT của cá nhân được hiểu là những sự việc, quan hệ liên quan đến cá nhân, mà cá nhân giữ cho riêng mình, thể hiện sự chủ động, tự do và tự mình thực hiện các hành vi để phục vụ cho đời sống của riêng mình. Sự khép kín của ĐSRT của cá nhân mà cá nhân không muốn chia sẻ, bộc lộ cho người khác biết và cá nhân xem như những lợi ích tinh thần của bản thân và tự mình, duy nhất mình có quyền thụ đắc và tự cân bằng cuộc sống trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Các quan hệ xã hội khác mà cá nhân luôn luôn chủ động, tự chủ giữ gìn trong ĐSRT về nơi ở, quan hệ liên quan đến cá nhân. ĐSRT của cá nhân là những lợi ích tinh thần của cá nhân có mối liên hệ với tài sản hoặc không có mối liên hệ với tài sản. Tính chất của ĐSRT của mỗi cá nhân là khác nhau, dù có thể cùng chung sống trong một hoàn cảnh xã hội như nhau.
Quyền về ĐSRT còn là quyền tự chủ, độc lập, tự do, làm chủ hành vi của cá nhân trong quan hệ xã hội không làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác. Sự độc lập bản thân của cá nhân thực hiện một mong muốn, một ước vọng tự do nhằm tránh và cố tránh tối đa khỏi sự can thiệp của người khác một cách vô cớ, không hợp lý đối với thói quen của cá nhân. Vì vậy, quyền về ĐSRT của cá nhân được hiểu là một phạm trù pháp lý nhằm đảm bảo cho cá nhân thực hiện được lựa chọn một cách sống, thể hiện chức năng để đạt một ước vọng, một điều kiện sống nhằm thỏa mãn những nhu cầu sống, tư duy, hành động phù hợp với quy định của pháp luật về ĐSRT của cá nhân.
Quyền riêng tư được hiểu là không ai phải chịu can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Với sự phát triển của mạng internet và những tiện ích của nó trong đời sống của cá nhân, cộng đồng, những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ đời tư, bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân đã ngày càng phát sinh những vấn đề phức tạp bởi sức lan tỏa của những thông tin trên mạng internet. Những thông tin liên quan đến cá nhân, thông qua hệ thống mạng xã hội như Facebook về mặt tích cực mang lại những hiệu quả cao từ các thông tin cá nhân được bộc lộ về quan điểm sống, tình yêu, việc làm, những tấm gương điển hình, văn hóa, vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, không ít trường hợp, mạng xã hội bị lạm dụng để công khai nhiều thông tin, sự kiện liên quan đến cá nhân, tổ chức trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội gây ra những phản cảm cho người xem, người nghe khi sử dụng mạng xã hội và thậm chí những người vi phạm pháp luật sử dụng mạng xã hội để kích động, để nói sai sự thật nhiều vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm và hệ quả là những thông tin này đã gây ra những biến đổi về nhận thức, đánh giá sai lệch một sự kiện hay một cá nhân, tổ chức cụ thể.
2. Quyền và vấn đề bảo vệ quyền về bí mật cá nhân
ĐSRT và bí mật cá nhân là hai thành tố hợp thành bí mật đời tư của cá nhân, là quyền nhân thân gắn với cá nhân được pháp luật bảo hộ.
Quyền thông tin bí mật của cá nhân là quyền nhân thân gắn với cá nhân, nhưng trước đây đã không được đánh giá đúng trong suốt một thời gian dài. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền bí mật cá nhân thật sự cần thiết, quan trọng và là một điểm nhấn phản ánh quan điểm lập pháp và trình độ lập pháp ở Việt Nam hiện nay. Nhân tố con người được bảo đảm thực hiện có hiệu quả và thể hiện rõ nhất bản chất của Nhà nước pháp quyền, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Quyền con người không những được bảo đảm thực hiện đối với mỗi cá nhân cư trú trong phạm vi lãnh thổ đất nước mình, mà còn được bảo vệ trong trường hợp lưu trú tại một quốc gia khác. Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, theo đó có thể nhận định nội dung điều luật như là kết quả của quá trình pháp điển hóa những yếu tố thuộc quyền của con người được quy định trong các công ước quốc tế về quyền con người và từ các quy định về quyền công dân trong các đạo luật cơ bản ở Việt Nam, để điều chỉnh loại quan hệ nhân thân của cá nhân và mỗi gia đình.
Như vậy, quyền về bí mật cá nhân không những được ghi nhận trong các công ước quốc tế về quyền con người, mà mỗi quốc gia thành viên đều phải tuân thủ thực hiện những nguyên tắc cơ bản trong việc bảo vệ quyền con người tại quốc gia thành viên. Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền về bí mật cá nhân nhằm bảo đảm cho quyền tự do của mỗi cá nhân đều được tôn trọng và được bảo vệ theo quy định của luật.
Cá nhân là một thực thể của tự nhiên và là chủ thể của quan hệ xã hội. Quyền của cá nhân được quy định trong luật của một quốc gia và trong quan hệ quốc tế, thì quyền của cá nhân thuộc về quyền của con người hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất. Cá nhân với tư cách chủ thể độc lập trong quan hệ xã hội, quan hệ dân sự, kinh tế, lao động, thương mại và các quan hệ khác trong phạm vi thời gian và không gian nhất định. Vì với tư cách là chủ thể độc lập nên mỗi cá nhân có ĐSRT, nội hàm của ĐSRT có bí mật cá nhân.
Vậy, thông tin bí mật cá nhân được hiểu là những thông tin về một hoặc nhiều sự kiện gắn liền với những quan hệ quá khứ, quan hệ hiện tại của cá nhân, mà cá nhân không muốn bộc lộ ra bên ngoài để người khác có thể biết được những thông tin đó. Bí mật cá nhân là tổng thể các quan hệ quá khứ, các thông tin liên quan đến cá nhân mang tính chất chi phối các quan hệ cụ thể của cá nhân mà bị bộc lộ có thể sẽ gây cho cá nhân những bất lợi về tinh thần, về quan hệ xã hội mà cá nhân là chủ thể hoặc cá nhân là người thứ ba của những quan hệ xã hội của các chủ thể khác hoặc khi bị bộc lộ dễ gây ra sự hiểu lầm ở các chủ thể khác gây bất lợi cho cá nhân trong quan hệ xã hội thông thường hoặc trong quan hệ pháp luật cụ thể, trong khi bản chất của thông tin bí mật cá nhân và những hành vi của cá nhân không gây ra bất kỳ một thiệt hại nào cho chủ thể khác, không xâm phạm lợi ích quốc gia, không trái đạo đức xã hội, không xâm phạm an toàn xã hội, không trái pháp luật, không vi phạm điều pháp luật cấm. Bí mật cá nhân được pháp luật bảo hộ.
Xét trong mối quan hệ xã hội, thì cá nhân là chủ thể của quan hệ xã hội thông thường và pháp lý. Theo đó, những thông tin và những sự kiện liên quan đến quan hệ này, cá nhân với vai trò chủ thể không muốn bộc lộ công khai, mà muốn giữ cho riêng mình như một sức mạnh tinh thần hay những dấu ấn của cuộc đời như một kỷ niệm có thể khổ đau, ân hận, trăn trở, có thể hạnh phúc và đều đồng hành với những quan niệm sống, hành động của cá nhân. Vì vậy, những thông tin bí mật cá nhân là một quyền nhân thân của cá nhân mà quyền này gắn liền với mỗi cá nhân, không mang giá trị kinh tế, không biểu hiện bằng tiền, do vậy, những thông tin bí mật cá nhân mang tính phi vật chất, vô hình. Các yếu tố cấu thành thông tin đó có thể bao gồm hoặc không bao gồm các sự kiện, hành vi trong quá khứ hoặc sự vận động hiện tại của cá nhân và gắn liền với ĐSRT, tâm tư, tình cảm, quan điểm sống, hoài bão, thói quen trong sinh hoạt, quan hệ và thậm chí có cả nghị lực của cá nhân.
Thực trạng trên mạng xã hội ở Việt Nam trong những năm trở lại đây đã tồn tại nhiều thông tin làm lộ bí mật đời tư, bí mật của cá nhân ngoài ý chí của cá nhân. Nhiều người đã không hiểu, hiểu sai hoặc cố tình không hiểu quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thể hiện quan điểm cá nhân… Vì vậy đã vô tình hay hữu ý làm lộ quyền riêng tư, bí mật cá nhân của người khác, đã gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Dư luận xã hội lan truyền nhanh chóng, gây nhiễu và lệch hướng cho một số bộ phận người thiếu thận trọng hoặc không trải nghiệm cuộc sống và hạn chế về nhận thức đã bị các luồng dư luận lôi kéo và nhấn chìm, mất phương hướng điều khiển hành vi trong các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, để xác định được những cá nhân, tổ chức tung tin thất thiệt trên mạng xã hội làm lộ quyền về ĐSRT, bí mật cá nhân của người khác thật sự phức tạp, vì có những tên ảo, địa chỉ ảo. Việc xác định chủ thể trên mạng xã hội đã có hành vi trái pháp luật là xâm phạm đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác thật sự khó khăn nên nhiều trường hợp không có căn cứ pháp lý để có thể quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có hành vi trái pháp luật này.
Về việc bảo vệ thông tin bí mật của cá nhân ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần xác định rõ cơ chế bảo vệ quyền thông tin bí mật của cá nhân. Các cơ chế thuộc các lĩnh vực pháp luật cần được quy định đồng bộ, nhất thể hóa về đối tượng điều chỉnh là bí mật cá nhân, để ngăn chặn, răn đe, trừng phạt, trừng trị những hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền bí mật cá nhân của người khác. Các ngành luật cần phải nhất thể hóa những quy định về bí mật cá nhân, cơ chế bảo vệ thông tin bí mật của cá nhân, cụ thể là luật hành chính; luật dân sự; luật hình sự; luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; luật hôn nhân và gia đình… nhằm điều chỉnh thống nhất và có hiệu quả trong việc bảo vệ thông tin bí mật của cá nhân.
3. Bí mật gia đình và bảo đảm quyền về bí mật gia đình
Bí mật gia đình là những thông tin về vụ việc, tài liệu liên quan đến các quan hệ giữa các thành viên của gia đình với nhau. Mối quan hệ hữu cơ này mang tính truyền thống bền vững qua nhiều đời. Tính di truyền từ đời này qua đời khác về huyết thống, về bệnh lý, về năng lực trí tuệ của các thành viên. Nếu bí mật gia đình bị bộc lộ có thể sẽ gây ra sự bất lợi cho các thành viên gia đình. Bí mật gia đình được giữ kín, nếu tất cả các thành viên trong gia đình không muốn bộc lộ, thì không một chủ thể nào được xâm phạm.
Nguyên tắc bảo vệ bí mật gia đình, bí mật cá nhân trong việc mang thai hộ được bảo đảm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, thì vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định, việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận, tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật. Như vậy, quyền bí mật cá nhân của các chủ thể được bảo đảm an toàn trong trường hợp này.
Về quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận noãn được bảo mật. Tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP cũng như khoản 3, khoản 4 Điều 4 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học đã ghi nhận, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, sinh con theo phương pháp khoa học, việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận noãn, cho và nhận phôi là quyền tự định đoạt của cá nhân và được giữ bí mật theo những trình tự, thủ tục, điều kiện pháp luật quy định.
Những sự kiện là thông tin gắn với gia đình và mang dấu ấn khác thường, thành viên gia đình muốn giữ bí mật tuyệt đối để không bị những thông tin này cản trở đến việc học tập, lao động, sản xuất, làm dịch vụ, quan hệ hôn nhân và các quan hệ xã hội khác. Việc xác định những sự kiện là yếu tố bí mật gia đình thật sự cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam và các nước trên thế giới không có khái niệm hay định nghĩa về bí mật gia đình. Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các nước chỉ có những quy định khái quát và chỉ như một nguyên tắc pháp lý nhằm tuân thủ các quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Do đó, chưa có những quy định nhận dạng các yếu tố bí mật gia đình và phạm vi các yếu tố đó. Vì vậy, khi có tranh chấp phát sinh, Tòa án thụ lý đơn kiện và giải quyết tranh chấp sẽ thiếu nhiều căn cứ pháp lý để có thể có được quyết định đúng, thấu tình, đạt lý.
Theo tác giả, bí mật gia đình được hiểu là các yếu tố cấu thành quan hệ gia đình bao gồm các sự kiện và thông tin ở trạng thái tĩnh và động chứa đựng các yếu tố của đời sống gia đình về danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân được giữ bí mật và nếu những yếu tố này bị bộc lộ, bị đưa tin có thể sẽ gây ra sự tổn thất về tinh thần, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, đến công việc, gây mất niềm tin vào năng lực của các thành viên gia đình trong đời sống của cá nhân hiện tại và tương lai; gây cản trở đến các quan hệ xã hội, quan hệ pháp luật và sinh hoạt thông thường của thành viên gia đình.
4. Cơ chế pháp lý bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
Cơ chế pháp lý bảo vệ quyền về ĐSRT, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hiện nay ở Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm lập pháp về quyền con người. Các quyền con người nói chung và quyền về ĐSRT, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 có giá trị pháp lý cao nhất. Quyền về ĐSRT, bí mật cá nhân, bí mật gia đình không những được ghi nhận là một quyền dân sự, mà còn là khả năng khách quan để mọi cá nhân được hưởng các quyền này. Cùng với việc Nhà nước công nhận, bảo đảm quyền về ĐSRT, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bằng pháp luật, thì còn có các quy định về cơ chế pháp lý bảo vệ các quyền này.
Các quyền dân sự, trong đó có quyền tự do của cá nhân, theo Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990 quy định tại Điều 14: “Không ai được phép can thiệp một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện vào cuộc sống gia đình, đời tư, nhà cửa, thư tín hoặc các phương thức giao tiếp khác”; Điều 44 Công ước này quy định: “Thừa nhận gia đình là một tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội và có quyền được xã hội và nhà nước bảo vệ”.
Pháp luật quốc tế quy định về sự không phân biệt đối xử và bình đẳng trước pháp luật về quyền con người. Các quyền dân sự, chính trị được quy định rõ, không phân biệt đối xử giữa các cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật, ban hành chính sách của một quốc gia thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mà tạo ra sự phân biệt đối xử giữa những cá nhân trong cộng đồng.
Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “(1) Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào ĐSRT, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. (2) Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy”.
Đặc biệt, Văn kiện Các hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người năm 1996 đã hướng dẫn về quyền về đời tư trong việc áp dụng một số quyền con người trong bối cảnh đại dịch HIV/AIDS: “Điều 17 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định rằng: “Không ai có thể bị can thiệp một cách độc đoán hoặc trái pháp luật vào đời tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín của họ, hoặc có thể bị xúc phạm danh dự, thanh danh một cách trái pháp luật. Tất cả mọi người có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những sự can thiệp và xúc phạm như vậy”. Quyền về đời tư bao gồm các nghĩa vụ tôn trọng tính riêng tư về thể chất, kể cả những nghĩa vụ phải tôn trọng sự tự nguyện trong việc xét nghiệm HIV và bảo mật thông tin, cũng như tôn trọng nhu cầu được tôn trọng tính bảo mật của tất các thông tin cá nhân liên quan đến tình trạng lây nhiễm HIV của một người.
Ở Việt Nam, quyền của công dân liên quan đến quyền dân sự, chính trị được quy định rõ trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp đang có hiệu lực thi hành năm 2013. Điều 16 và Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “(1) Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. (2) Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “(1) Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. (2) Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.
Đại học Luật Hà Nội