Hòa giải ở cơ sở là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện nét đẹp văn hóa cộng đồng, tinh thần đoàn kết gắn bó của người Việt Nam. Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ngày càng nhận được sự quan tâm, chú trọng của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, hạn chế các vi phạm pháp luật cũng như các khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Kết quả hoạt động của tổ hòa giải, hòa giải viên ngày càng hiệu quả, tỷ lệ vụ việc hòa giải thành đạt cao (trên 80%). Tuy nhiên, thực tế thì không phải mọi cam kết, thỏa thuận của các bên tranh chấp đều được thực hiện sau khi hòa giải thành. Vì vậy, mà quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở (ngoài Tòa án) được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được xem là quy định hết sức cần thiết, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm nguyên tắc thiện chí, trung thực và tự chịu trách nhiệm của các bên tranh chấp thông qua quá trình hòa giải cơ sở đã xác lập các cam kết, thỏa thuận, góp phần hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài trong nhân dân.
Trước tình hình đó, để bảo đảm hiệu quả cho công tác hòa giải ở cơ sở, đảm bảo các cam kết, thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành của các bên tranh chấp được thực thi trên thực tế, Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Theo đó, áp dụng quy định tại Chương 33 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về “Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”.
Theo hướng dẫn, việc công nhận kết quả hòa giải thành phải đáp ứng đủ 05 điều kiện: (i) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (ii) Vụ việc được hòa giải tuân thủ đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở; (iii) Các bên tham gia thỏa thuận phải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý; (iv) Có văn bản hòa giải thành. Nội dung hòa giải thành là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba; (v) Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc. Quyết định công nhận hay không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng khị theo thủ tục phúc thẩm. Việc Tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
Như vậy, sau khi hòa giải thành với những cam kết, thoản thuận mà các bên đạt được, một trong các bên hoặc các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành đó, yêu cầu này cũng là hoàn toàn tự nguyện. Trong trường hợp xét thấy đáp ứng đầy đủ điều kiện, Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành thì tại thời điểm này, các cam kết, thỏa thuận của các bên phải được thực hiện một cách bắt buộc như quyền, nghĩa vụ dân sự mà các bên đã xác lập, nếu bên nào vi phạm không thực hiện thì sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở nhanh chóng nắm bắt và vận dụng hiệu quả quy định này trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn cụ thể để các bên tranh chấp hiểu và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi
Các tin khác
Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ” Sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Báo cáo thống kê thi hành án dân sự - Một số vấn đề từ thực tiễn Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên tòa giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp