Abstract: This article outlines the legal basis for investigating corruption cases under the jurisdiction of the investigative security agency of the people's public security, points out some shortcomings, thereby proposing directions to improve the law on this issue.
1. Khái quát cơ sở pháp lý về điều tra vụ án tham nhũng của Cơ quan An ninh điều tra Công an nhân dân
Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật quy định về điều tra vụ án tham nhũng của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân (ANĐTCAND) tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Cụ thể:
Thứ nhất, quy định của pháp luật hình sự về tội phạm tham nhũng:
Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) quy định về các tội phạm tham nhũng trên cơ sở kế thừa Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009; quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp quốc mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay, Bộ luật Hình sự quy định 07 tội tham nhũng gồm: Tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, giả mạo trong công tác. Cấu thành các tội phạm tham nhũng theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành đã mở rộng hành vi phạm tội về tham nhũng xảy ra cả trong khu vực tư (ngoài nhà nước) như tham ô tài sản, nhận hối lộ...; mở rộng nội hàm “của hối lộ” trong tội nhận hối lộ; tăng mức định lượng về giá trị tiền, tài sản tham ô, chiếm đoạt, của hối lộ; bổ sung cấu thành tăng nặng định khung hình phạt đối với một số tội và bổ sung các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng. Bên cạnh đó, nhằm hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Cơ quan ANĐTCAND trong áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm tham nhũng, ngày 30/12/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ. Vì vậy, quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng để Cơ quan ANĐTCAND xác định hành vi phạm tội tham nhũng, từ đó ra các quyết định khởi tố, điều tra và đề nghị xử lý vụ án tham nhũng.
Thứ hai, quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền, nhiệm vụ, biện pháp điều tra tội phạm tham nhũng:
Thẩm quyền điều tra vụ án tham nhũng của Cơ quan ANĐTCAND được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự hiện hành. Theo đó, Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung các năm 2017, 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định: “Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Mặt khác, Điều 16, Điều 17 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 cũng quy định, ngoài những vụ án về các tội phạm thuộc thẩm quyền, Cơ quan ANĐTCAND có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự về các tội phạm khác, trong đó có tội phạm tham nhũng trong trường hợp do Bộ trưởng Bộ Công an phân công vì có liên quan đến an ninh quốc gia hoặc cần bảo đảm sự khách quan cho quá trình điều tra vụ án.
Về nhiệm vụ, biện pháp mà Cơ quan ANĐTCAND được áp dụng trong điều tra vụ án tham nhũng: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng; Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế; Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử… đã quy định cụ thể về các biện pháp Cơ quan ANĐTCAND áp dụng trong điều tra vụ án tham nhũng khi được Bộ trưởng Bộ Công an phân công thụ lý, cụ thể như: Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, hoạt động điều tra, hoạt động hợp tác quốc tế. Đặc biệt, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung một số hoạt động điều tra mới mà Cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) có thể thực hiện trong điều tra vụ án tham nhũng như: Thu thập dữ liệu điện tử, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt…
Thứ ba, các điều ước quốc tế đa phương, song phương, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết:
Hiện nay, Việt Nam là thành viên Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp quốc, Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp quốc, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định tương trợ tư pháp chung, 11 hiệp định chuyên biệt tương trợ tư pháp về hình sự, 14 hiệp định về dẫn độ và các hiệp định, văn bản thỏa thuận liên quan đến phòng, chống tội phạm với các quốc gia khác như: Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Philippin về phòng, chống các hoạt động tội phạm; Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về phòng và chống các hoạt động tội phạm... Căn cứ vào các điều ước quốc tế đa phương, song phương, thỏa thuận quốc tế nêu trên, Cơ quan ANĐTCAND có thể áp dụng trong hợp tác với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để thực hiện các hoạt động như dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự, hợp tác thực thi pháp luật, chuyển giao người bị kết án, áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt… trong điều tra vụ án tham nhũng.
2. Bất cập trong quy định pháp luật về điều tra vụ án tham nhũng của Cơ quan An ninh điều tra Công an nhân dân
Mặc dù cơ sở pháp lý về điều tra vụ án tham nhũng của Cơ quan ANĐTCAND là tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, từ thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật này trong điều tra vụ án tham nhũng của Cơ quan ANĐTCAND đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập gây ảnh hưởng đến hiệu quả quá trình điều tra vụ án này. Cụ thể:
Thứ nhất, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 chưa có điều luật nào giải thích, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn thi hành về các trường hợp Cơ quan ANĐTCAND có thể tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an, trong đó có vụ án về tội phạm tham nhũng. Theo đó, thực tiễn số lượng vụ án tham nhũng mà Cơ quan ANĐT Công an cấp tỉnh thụ lý trong thời gian qua có sự khác nhau, chưa đồng đều giữa các địa phương.
Thứ hai, quy định của Bộ luật Hình sự về các tội danh chưa phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng như Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp quốc. Hiện nay, Bộ luật Hình sự mới chỉ quy định 07/12 hành vi là tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Mặt khác, các tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi thuộc mục tội phạm khác về chức vụ. Điều này là chưa phù hợp, vì Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp quốc đều xác định đây là hành vi tham nhũng. Bất cập này đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, điều tra vụ án tham nhũng do Cơ quan ANĐTCAND thụ lý nói riêng.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự chỉ quy định biện pháp tịch thu tài sản đối với 03 tội tham nhũng là tham ô tài sản, nhận hối lộ và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Điều này gây khó khăn cho Cơ quan ANĐTCAND thực hiện nhiệm vụ thu hồi tài sản trong điều tra các vụ án tham nhũng, nhất là hành vi phạm tội tham nhũng gây thiệt hại về kinh tế.
Thứ ba, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản còn bất cập, gây khó khăn đối với Cơ quan ANĐTCAND trong thực hiện việc thu hồi tài sản tham nhũng. Theo quy định tại Điều 128, Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong điều tra vụ án tham nhũng, Cơ quan ANĐTCAND có thể áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này thời gian qua của Cơ quan ANĐTCAND còn gặp khó khăn, vướng mắc nhất định do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, Cơ quan ANĐT chỉ được phép kê biên, phong tỏa phần tài sản, số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Đây là vấn đề bất cập trong thực tiễn điều tra vụ án tham nhũng, vì việc xác định số tài sản, số tiền bị phạt, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại trong điều tra vụ án của Cơ quan ANĐT rất khó xác định do vụ án chưa kết thúc. Hơn nữa, Cơ quan điều tra chỉ xác định được những vấn đề này khi kết thúc điều tra, trong khi đó, nếu không áp dụng ngay, đối tượng phạm tội có thể có điều kiện tẩu tán tài sản, tiền trong tài khoản. Ngoài ra, trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không có quy định áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với người khác đang quản lý tài sản giúp bị can, mà tài sản đó được xác định là tài sản của bị can có được do phạm tội mà có.
Thứ tư, hệ thống các điều ước quốc tế song phương còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hợp tác quốc tế trong điều tra vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài của Cơ quan ANĐTCAND. Thực tiễn cho thấy, trong thời gian qua, đối với các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài, Cơ quan ANĐTCAND đã thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế như xác minh, truy bắt đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài; xác minh, thu hồi tài sản tham nhũng của đối tượng tẩu tán, cất giấu ở nước ngoài… Tuy nhiên, việc hợp tác quốc tế để thực hiện các nội dung chưa đạt hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu điều ước quốc tế song phương tương trợ tư pháp về hình sự, về dẫn độ; thiếu văn bản giải thích trình tự, thủ tục thực hiện hợp tác quốc tế, nhất là trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Từ những bất cập nêu trên trong quy định của pháp luật về điều tra vụ án tham nhũng của Cơ quan ANĐTCAND, theo tác giả, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả điều tra vụ án tham nhũng, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các hướng sau đây:
Một là, ban hành văn bản hướng dẫn, giải thích khoản 2 Điều 17 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 về trường hợp Cơ quan ANĐTCAND thụ lý điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác nói chung, vụ án hình sự về tội phạm tham nhũng nói riêng liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an. Nội dung văn bản giải thích cần đưa ra các tiêu chí xác định trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia và trường hợp để bảo đảm khách quan. Đây là căn cứ quan trọng để Bộ trưởng Bộ Công an phân công Cơ quan ANĐT các cấp của Công an nhân dân thụ lý điều tra các vụ án tham nhũng.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng chuyển các tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi thuộc mục tội phạm khác về chức vụ sang mục các tội phạm về tham nhũng. Đồng thời, tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, bổ sung các tội phạm mới về tham nhũng cho phù hợp với các hành vi tham nhũng được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Việc sửa đổi về vấn đề này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, trong Bộ luật Hình sự, các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung hình phạt tịch thu tài sản đối với các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác trong các trường hợp đối tượng thực hiện tội phạm tham nhũng được hưởng lợi bất chính từ hoạt động phạm tội. Việc bổ sung này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong điều tra vụ án tham nhũng.
Ba là, nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung diện đối tượng bị kê biên tài sản bao gồm người khác đứng tên sở hữu, sử dụng tài sản nhưng có căn cứ xác định đây là tài sản của bị can trong vụ án có được từ hoạt động phạm tội. Mở rộng diện đối tượng áp dụng biện pháp này giúp Cơ quan ANĐT có căn cứ pháp lý vững chắc thực hiện biện pháp kê biên tài sản, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài sản, trong đó hướng dẫn cụ thể trường hợp áp dụng xác định mức kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản tương ứng với mức bồi thường, khắc phục thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung trường hợp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản khi Cơ quan ANĐT có căn cứ nghi vấn tài sản liên quan đến hoạt động phạm tội của đối tượng phạm tội trong vụ án tham nhũng; bổ sung trường hợp tạm ngưng giao dịch tài khoản khi có căn cứ nghi vấn tài khoản liên quan đến hoạt động phạm tội của đối tượng trong vụ án tham nhũng.
Bốn là, tăng cường ký kết các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, trong đó tập trung ở các quốc gia mà các đối tượng phạm tội tham nhũng có xu hướng bỏ trốn, hoặc tẩu tán tài sản tham nhũng ra nước ngoài. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trình tự, thủ tục hợp quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng của đối tượng phạm tội ở nước ngoài.
ThS. Vương Hồng Phúc
Học viện An ninh nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 374, tháng 2/2023)