![]() |
![]() |
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó có quy định về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của Tòa án - cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý và quyền con người. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa và thực tiễn thi hành nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 còn có những vướng mắc như: (i) Sự phối hợp trong việc thực hiện quyền lực nhà nước nói chung và trong việc thực hiện quyền tư pháp nói riêng còn chưa được cụ thể hóa đầy đủ; (ii) Khung pháp luật về kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp còn chưa thật sự hoàn thiện; (iii) Mối quan hệ giữa nguyên tắc độc lập xét xử với kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp còn chưa được bảo đảm, rõ ràng; (iv) Sự phối hợp thực hiện quyền tư pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp và hành pháp còn mờ nhạt, chưa thể hiện đúng vai trò của cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Những vướng mắc này không chỉ xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ, thống nhất tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp trong việc “thiết kế” các luật có liên quan, mà còn từ thực tiễn thực thi cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp.
![]() |
![]() |
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe công bố kết quả nghiên cứu Đề tài thông qua nội dung của 06 chuyên đề, bao gồm: (1) Phân công, phối hợp và kiểm soát các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; (2) Phân công, phối hợp và kiểm soát các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; (3) Phân công, phối hợp và kiểm soát các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; (4) Cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam; (5) Trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật - Thực trạng và giải pháp; (6) Báo cáo kết quả tổng kết chương trình.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã góp phần làm sáng tỏ hơn về mặt lý luận, thực tiễn và bước đầu đưa ra những giải pháp để hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay./.