Đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Quốc phòng; Bộ Công thương; Thanh tra Chính phủ; Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an đã giới thiệu những điểm quan trọng của các luật mới được thông qua.
Liên quan đến Luật Tố cáo, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, với quan điểm bảo vệ người tố cáo, nhằm khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, Luật Tố cáo đã dành 01 chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, người được bảo vệ gồm có: Người tố cáo, vợ chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Phạm vi bảo vệ gồm: Bí mật thông tin của người tố cáo, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản, nhân phẩm của người được bảo vệ.
Thông tin về Luật Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Luật này đã thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Luật đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thống nhất hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan. Luật có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Về Luật An ninh mạng, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho biết Luật gồm 07 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Chương III Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; phòng, chống tấn công mạng. Bên cạnh đó, Luật còn quy định về phòng, chống khủng bố mạng, chống chiến tranh mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng.