1. Lịch sử phát triển Công chứng Việt Nam qua các chặng đường
Trong những năm đầu của thời kỳ đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, hoạt động công chứng của nước ta được tái lập, kiện toàn và phát triển với sự ra đời của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công chứng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động công chứng lúc bấy giờ, trong đó phải đề cập đến 03 nghị định của Chính phủ về công chứng, Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác công chứng nhà nước, Thông tư số 858/QLTPK ngày 15/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện các việc làm công chứng.
Gần 20 năm kể từ khi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công chứng được ban hành dưới hình thức nghị định, thông tư đến trước ngày Luật Công chứng năm 2006 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2007), tổ chức và hoạt động công chứng đã trải qua thời kỳ phát triển mang nhiều dấu ấn. Trên cả nước chỉ có 393 công chứng viên làm việc tại 131 Phòng công chứng được phân bố tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước, nhưng hoạt động công chứng đã được đánh giá là có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đất nước đổi mới và những năm tiếp theo. Hình ảnh công chứng Việt Nam đã được các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài biết đến như địa chỉ tin cậy trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các cá nhân, tổ chức tham gia hợp đồng, giao dịch. Đội ngũ công chứng viên của các Phòng công chứng được đào tạo bài bản, có tâm huyết và tinh thông nghề nghiệp, có đủ khả năng đảm nhiệm tư cách công chứng viên trong những năm các Phòng công chứng trên cả nước còn rất mỏng, chế định công chứng còn rất mới mẻ trong xã hội.
Luật Công chứng năm 2006 đánh dấu bước phát triển mới trong tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng của Đảng và Nhà nước với mục đích tạo điều kiện cho công chứng Việt Nam phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về công chứng, đưa hoạt động công chứng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế. Sự đan xen hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng tạo điều kiện phục vụ tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trong xã hội, người dân có thêm sự lựa chọn khi có yêu cầu công chứng.
Tại thời điểm tổng kết 05 năm thi hành Luật Công chứng năm 2006 cho thấy: Cả nước có 625 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 138 Phòng công chứng và 487 Văn phòng công chứng. So với thời điểm trước khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, cả nước phát triển thêm được 484 tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy, số tổ chức hành nghề công chứng tại thời điểm này đã tăng hơn bốn lần so với thời điểm trước khi Luật Công chứng năm 2006 có hiệu lực. 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa. So với bình diện chung trong cả nước, việc xã hội hóa hoạt động công chứng tại thời điểm này được triển khai tương đối mạnh tại các tỉnh, thành phố như: Thành phố Hà Nội (86 Văn phòng công chứng), thành phố Hồ Chí Minh (34 Văn phòng công chứng), tỉnh Thanh Hóa (24 Văn phòng công chứng), tỉnh Nghệ An (22 Văn phòng công chứng), tỉnh Đồng Nai (22 Văn phòng công chứng)... Các Văn phòng công chứng được thành lập theo chủ trương xã hội hóa đã từng bước hoạt động ổn định. Một số Văn phòng công chứng có quy mô khá lớn với gần 10 công chứng viên. Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp gắn với địa bàn dân cư theo chủ trương xã hội hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các yêu cầu công chứng. Các Phòng công chứng đã nắm bắt nhanh các quy định của Luật Công chứng, đổi mới phương thức làm việc phù hợp với xã hội hóa hoạt động công chứng. Đội ngũ công chứng viên phát triển mạnh tại các thành phố lớn và các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... (thành phố Hà Nội có 282 công chứng viên, thành phố Hồ Chí Minh có 124 công chứng viên). Số lượng công chứng viên tại các tỉnh, thành phố khác cũng có sự gia tăng, chỉ còn 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng công chứng viên dưới 05 người. 100% công chứng viên được bổ nhiệm đều có trình độ cử nhân luật trở lên, trong đó, số công chứng viên qua đào tạo nghề công chứng chiếm khoảng 35,7% tổng số công chứng viên của cả nước, 64,3% số công chứng viên còn lại là những người được bổ nhiệm theo diện được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng.
Trong 05 năm thi hành Luật Công chứng năm 2006, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được 6.964.014 việc; tổng số phí công chứng thu được là 2.577.497.952.000 đồng; tổng số thù lao công chứng thu được là 176.190.662.000 đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước là 977.415.407.000 đồng.
Luật Công chứng năm 2014 thay thế Luật Công chứng năm 2006 có nhiều quy định mới có tác động đến tổ chức và hoạt động công chứng, chế độ hành nghề của đội ngũ công chứng viên, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Tinh thần của Luật là tiếp tục phát triển mạnh mẽ xã hội hóa hoạt động công chứng, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ công chứng viên để ngang tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới và hội nhập quốc tế; tăng cường vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên; bồi dưỡng nghề công chứng đối với đối tượng miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; chuyển nhượng, sáp nhập, hợp nhất Văn phòng công chứng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên...
Thời gian triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 gần được 03 năm nhưng số lượng việc công chứng trong cả nước đã có sự gia tăng. Từ ngày 01/01/2015 (thời điểm Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành) đến hết 06 tháng đầu năm 2017, các tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước đã thực hiện công chứng 11.032.916 việc, thu phí công chứng 3.412.496.126.206 đồng, nộp ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế 792.327.668.655 đồng. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng việc yêu cầu công chứng tại các địa phương có sự chênh lệch nhất định. Điều này xuất phát từ việc hoạt động công chứng có mối liên hệ chặt chẽ với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Một số tỉnh, thành phố lớn có số lượng yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch tương đối cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Trong khi đó, một số địa phương như Bắc Kạn, Lai Châu, Tuyên Quang... yêu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch không nhiều, do vậy, chưa tạo được động lực xã hội hóa hoạt động công chứng tại các địa bàn này. Các công việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 được thực hiện khá kịp thời và đồng bộ từ tuyên truyền, giới thiệu; ban hành kế hoạch triển khai thi hành; rà soát văn bản quy phạm pháp luật; ban hành mức trần thù lao công chứng; ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng; xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng; thành lập, củng cố tổ chức và hoạt động của các Hội công chứng viên…
Hiện nay, trên cả nước có tổng số 951 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có có 133 Phòng công chứng và 818 Văn phòng công chứng với 2.318 công chứng viên đang hành nghề. Một số địa phương có số lượng tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên đông đảo như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...
Công tác hội nhập khu vực và quốc tế, hợp tác về công chứng đã đạt nhiều kết quả khởi sắc, mở rộng các mối quan hệ với các nước có hệ thống công chứng phát triển như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, An-giê-ri... Trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2005, Chương trình hợp tác dự án Tin học hóa công chứng đã được Cộng hòa Pháp trang bị thiết bị máy móc, xây dựng phần mềm quản lý master; tổ chức các đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm nước ngoài về lĩnh vực công chứng...
Bên cạnh yếu tố nội lực, hoạt động công chứng Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các nước trên thế giới và khu vực thông qua những hoạt động rất đa dạng từ trao đổi thông tin, hội thảo, tọa đàm, kết nghĩa, tổ chức đoàn ra, đoàn vào… tập trung vào những nội dung chủ yếu là hoàn thiện thể chế công chứng, đào tạo, bồi dưỡng công chứng viên, phát triển tổ chức tự quản của công chứng viên… giúp Công chứng Việt Nam sớm trở thành thành viên chính thức của Liên minh Công chứng Quốc tế.
Hoạt động hợp tác quốc tế trong công chứng kết nghĩa công chứng giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các địa phương của Cộng hòa Pháp đã được thực hiện và đạt kết quả bước đầu, góp phần tăng cường và phát triển hợp tác về công chứng giữa Việt Nam với Cộng hòa Pháp.
Song song với việc đẩy mạnh hợp tác trực tiếp với Bộ Tư pháp, Hội đồng Công chứng tối cao Pháp đã cùng Bộ Tư pháp Việt Nam tích cực phát triển hoạt động kết nghĩa công chứng địa phương Việt Nam và Pháp nhằm khai thác tất cả các nguồn lực tiềm năng với mục đích ngày càng đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa hai ngành công chứng Việt Nam và Pháp từ Trung ương tới địa phương. Đây thực sự là một hướng đi đúng đắn và hiệu quả, được công chứng địa phương cả Việt Nam và Pháp nhiệt tình hưởng ứng. Các hoạt động hợp tác trực tiếp giữa công chứng địa phương hai nước được thực hiện bài bản trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác, sau đó hàng năm, công chứng các địa phương cùng xây dựng kế hoạch hoạt động năm trên cơ sở nhu cầu của cả hai phía, do vậy, các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác kết nghĩa ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu.
Hiện nay đã có các địa phương kết nghĩa với Cộng hòa Pháp như sau:
- Thành phố Hà Nội với Paris ký năm 2006.
- Thành phố Hồ Chí Minh với Lyon ký năm 2006.
- Thành phố Hải Phòng với Strasbourg ký năm 2009.
- Thành phố Đà Nẵng với Marseille ký năm 2011.
- Tỉnh Hải Dương với Bordeaux ký năm 2011.
- Tỉnh Vĩnh Phúc và Riom (Clermont Ferrand) ký vào tháng 11/2015.
- Tỉnh Thái Nguyên và Rouen, vùng Normandie ký vào tháng 01/2017.
Các địa phương còn lại của Việt Nam sẽ lần lượt thực hiện việc kết nghĩa trong thời gian tới.
Ngày 09/10/2013, Việt Nam đã chính thức được kết nạp là thành viên thứ 84 của Liên minh Công chứng Quốc tế, sự kiện có ý nghĩa lớn của công chứng Việt Nam trên trường quốc tế.
Trên cả nước đã có 41 Hội công chứng viên được thành lập và đi vào hoạt động bao gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Định, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai, Long An, Phú Yên, Ninh Bình, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Quảng Nam, Cà Mau, Bến Tre, Hậu Giang, Quảng Ninh, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Bắc Kạn, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hưng Yên, Thái Bình.
Bên cạnh những kết quả về tổ chức và hoạt động công chứng đã đạt được qua các chặng đường, hoạt động công chứng ở nước ta còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, tồn tại về nhận thức, công tác triển khai thi hành luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, áp dụng pháp luật... vẫn còn có công chứng viên do vi phạm đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề... dẫn đến xảy ra sai phạm, có trường hợp phải truy tố. Những trường hợp này phần nào đã ảnh hưởng đến hình ảnh công chứng dưới góc nhìn của dư luận xã hội vì công chứng là nghề cao quý.
Đánh giá một cách tổng thể và khách quan, chúng ta có quyền tự hào về công chứng Việt Nam trong chặng đường 30 năm củng cố và phát triển, một lĩnh vực tuy còn non trẻ nhưng đã có những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quản lý xã hội và thực hiện nghĩa vụ với Liên minh Công chứng Quốc tế.
Nhìn lại chặng đường phát triển công chứng Việt Nam thời gian qua, chúng ta cũng rất tự hào có đội ngũ công chứng viên đã trưởng thành. Các công chứng viên của các Phòng công chứng đã phát triển từ môi trường hành nghề công chứng, một số đã và đang giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan nhà nước như lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp, Bộ, ngành... một số đang hành nghề tại các Văn phòng công chứng vẫn tiếp tục phát huy được khả năng, uy tín nghề nghiệp của mình. Có những công chứng viên đang giữ vị trí lãnh đạo, Ban chấp hành các Hội công chứng viên. Tháng 10/2013, Hội Công chứng viên thành phố Hồ Chí Minh đã thay mặt cho Công chứng Việt Nam gia nhập Liên minh Công chứng Quốc tế.
Số lượng công chứng viên được bổ nhiệm là những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; chuyên viên cao cấp... là nguồn công chứng viên rất quý khi thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, nguồn nhân lực có nhiều kinh nghiệm pháp luật đang hành nghề tại các Văn phòng công chứng trên cả nước.
Nhiều công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, Hội công chứng viên đã có những đóng góp đáng kể trong chặng đường phát triển công chứng trong công tác xây dựng thể chế (sửa đổi Luật Đất đai, Luật Công chứng...) như Hội Công chứng viên thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương và một số công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, Hội công chứng viên khác trên cả nước.
2. Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển
Công chứng nước ta đang có nhiều cơ hội được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước, thể chế về công chứng và liên quan đến công chứng đã được hoàn chỉnh một bước lớn. Bên cạnh Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến công chứng như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014... đã được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động công chứng trong thời kỳ đất nước tiếp tục đổi mới và hội nhập.
Chúng ta có nền tảng là đội ngũ công chứng viên đã phát triển từ những năm hoạt động công chứng được tái lập lại có bề dày kinh nghiệm vừa hành nghề công chứng vừa truyền bá kiến thức, kinh nghiệm hành nghề cho lớp công chứng viên mới vào nghề bên cạnh các công chứng viên đã từng giữ các chức danh tư pháp, luật sư... những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác pháp luật cùng với các công chứng viên trẻ tại gần một nghìn tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước có bản lĩnh vững vàng, luôn đề cao đạo đức hành nghề công chứng và tâm huyết với nghề nghiệp.
Công chứng Việt Nam rất vinh dự đã trở thành thành viên chính thức của Liên minh Công chứng Quốc tế. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ thành viên của Liên minh Công chứng Quốc tế, việc Việt Nam được giao tổ chức Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Các vấn đề châu Á thể hiện sự quan tâm, tin tưởng mà Liên minh Công chứng Quốc tế dành cho công chứng Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Liên minh Công chứng Quốc tế trong lĩnh vực công chứng.
Đây là những yếu tố tổng hợp tạo thành cơ hội rất đáng quý cho hoạt động công chứng trong hiện tại và những năm sau này.
Bên cạnh những cơ hội, chúng ta vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định trong hoạt động công chứng, ở một góc độ nào đó cũng có thể là thách thức cần phải vượt qua, đó là một bộ phận cá nhân, tổ chức trong xã hội chưa hiểu đầy đủ vai trò, ý nghĩa và bản chất của hoạt động công chứng. Một số vi phạm của công chứng viên trong quá trình hành nghề đã phần nào làm cho hình ảnh công chứng bị ảnh hưởng. Khối đoàn kết trong ngôi nhà chung công chứng ở một số nơi còn chưa mạnh, chưa thật sự chia sẻ với nhau trong điều kiện xã hội hóa hoạt động công chứng mặc dù đã thực hiện từ Luật Công chứng năm 2006.
Trong bối cảnh có nhiều cơ hội và còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, công chứng Việt Nam cần nắm bắt và vượt qua, hơn lúc nào hết, đội ngũ công chứng viên cần tiếp tục phát huy truyền thống, những kết quả, thế mạnh, lan tỏa kinh nghiệm cho nhau, phát huy vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, tăng cường đoàn kết sức mạnh để Công chứng Việt Nam thật sự là ngôi nhà chung cùng nhau thực hiện chức năng xã hội mà Nhà nước ủy nhiệm đó là cung cấp dịch vụ công, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; hợp tác và cùng phát triển công chứng với các nước trong khu vực và thế giới, đưa hình ảnh công chứng Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đây là quyết tâm thư sau chặng đường phát triển công chứng Việt Nam, đồng thời cũng là thông điệp mong muốn tất cả công chứng viên trên cả nước hướng tới.
Trong những năm đầu của thời kỳ đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, hoạt động công chứng của nước ta được tái lập, kiện toàn và phát triển với sự ra đời của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công chứng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động công chứng lúc bấy giờ, trong đó phải đề cập đến 03 nghị định của Chính phủ về công chứng, Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác công chứng nhà nước, Thông tư số 858/QLTPK ngày 15/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện các việc làm công chứng.
Gần 20 năm kể từ khi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công chứng được ban hành dưới hình thức nghị định, thông tư đến trước ngày Luật Công chứng năm 2006 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2007), tổ chức và hoạt động công chứng đã trải qua thời kỳ phát triển mang nhiều dấu ấn. Trên cả nước chỉ có 393 công chứng viên làm việc tại 131 Phòng công chứng được phân bố tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước, nhưng hoạt động công chứng đã được đánh giá là có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đất nước đổi mới và những năm tiếp theo. Hình ảnh công chứng Việt Nam đã được các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài biết đến như địa chỉ tin cậy trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các cá nhân, tổ chức tham gia hợp đồng, giao dịch. Đội ngũ công chứng viên của các Phòng công chứng được đào tạo bài bản, có tâm huyết và tinh thông nghề nghiệp, có đủ khả năng đảm nhiệm tư cách công chứng viên trong những năm các Phòng công chứng trên cả nước còn rất mỏng, chế định công chứng còn rất mới mẻ trong xã hội.
Luật Công chứng năm 2006 đánh dấu bước phát triển mới trong tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng của Đảng và Nhà nước với mục đích tạo điều kiện cho công chứng Việt Nam phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về công chứng, đưa hoạt động công chứng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế. Sự đan xen hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng tạo điều kiện phục vụ tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trong xã hội, người dân có thêm sự lựa chọn khi có yêu cầu công chứng.
Tại thời điểm tổng kết 05 năm thi hành Luật Công chứng năm 2006 cho thấy: Cả nước có 625 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 138 Phòng công chứng và 487 Văn phòng công chứng. So với thời điểm trước khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, cả nước phát triển thêm được 484 tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy, số tổ chức hành nghề công chứng tại thời điểm này đã tăng hơn bốn lần so với thời điểm trước khi Luật Công chứng năm 2006 có hiệu lực. 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa. So với bình diện chung trong cả nước, việc xã hội hóa hoạt động công chứng tại thời điểm này được triển khai tương đối mạnh tại các tỉnh, thành phố như: Thành phố Hà Nội (86 Văn phòng công chứng), thành phố Hồ Chí Minh (34 Văn phòng công chứng), tỉnh Thanh Hóa (24 Văn phòng công chứng), tỉnh Nghệ An (22 Văn phòng công chứng), tỉnh Đồng Nai (22 Văn phòng công chứng)... Các Văn phòng công chứng được thành lập theo chủ trương xã hội hóa đã từng bước hoạt động ổn định. Một số Văn phòng công chứng có quy mô khá lớn với gần 10 công chứng viên. Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp gắn với địa bàn dân cư theo chủ trương xã hội hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các yêu cầu công chứng. Các Phòng công chứng đã nắm bắt nhanh các quy định của Luật Công chứng, đổi mới phương thức làm việc phù hợp với xã hội hóa hoạt động công chứng. Đội ngũ công chứng viên phát triển mạnh tại các thành phố lớn và các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... (thành phố Hà Nội có 282 công chứng viên, thành phố Hồ Chí Minh có 124 công chứng viên). Số lượng công chứng viên tại các tỉnh, thành phố khác cũng có sự gia tăng, chỉ còn 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng công chứng viên dưới 05 người. 100% công chứng viên được bổ nhiệm đều có trình độ cử nhân luật trở lên, trong đó, số công chứng viên qua đào tạo nghề công chứng chiếm khoảng 35,7% tổng số công chứng viên của cả nước, 64,3% số công chứng viên còn lại là những người được bổ nhiệm theo diện được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng.
Trong 05 năm thi hành Luật Công chứng năm 2006, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được 6.964.014 việc; tổng số phí công chứng thu được là 2.577.497.952.000 đồng; tổng số thù lao công chứng thu được là 176.190.662.000 đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước là 977.415.407.000 đồng.
Luật Công chứng năm 2014 thay thế Luật Công chứng năm 2006 có nhiều quy định mới có tác động đến tổ chức và hoạt động công chứng, chế độ hành nghề của đội ngũ công chứng viên, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Tinh thần của Luật là tiếp tục phát triển mạnh mẽ xã hội hóa hoạt động công chứng, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ công chứng viên để ngang tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới và hội nhập quốc tế; tăng cường vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên; bồi dưỡng nghề công chứng đối với đối tượng miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; chuyển nhượng, sáp nhập, hợp nhất Văn phòng công chứng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên...
Thời gian triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 gần được 03 năm nhưng số lượng việc công chứng trong cả nước đã có sự gia tăng. Từ ngày 01/01/2015 (thời điểm Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành) đến hết 06 tháng đầu năm 2017, các tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước đã thực hiện công chứng 11.032.916 việc, thu phí công chứng 3.412.496.126.206 đồng, nộp ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế 792.327.668.655 đồng. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng việc yêu cầu công chứng tại các địa phương có sự chênh lệch nhất định. Điều này xuất phát từ việc hoạt động công chứng có mối liên hệ chặt chẽ với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Một số tỉnh, thành phố lớn có số lượng yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch tương đối cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Trong khi đó, một số địa phương như Bắc Kạn, Lai Châu, Tuyên Quang... yêu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch không nhiều, do vậy, chưa tạo được động lực xã hội hóa hoạt động công chứng tại các địa bàn này. Các công việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 được thực hiện khá kịp thời và đồng bộ từ tuyên truyền, giới thiệu; ban hành kế hoạch triển khai thi hành; rà soát văn bản quy phạm pháp luật; ban hành mức trần thù lao công chứng; ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng; xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng; thành lập, củng cố tổ chức và hoạt động của các Hội công chứng viên…
Hiện nay, trên cả nước có tổng số 951 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có có 133 Phòng công chứng và 818 Văn phòng công chứng với 2.318 công chứng viên đang hành nghề. Một số địa phương có số lượng tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên đông đảo như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...
Công tác hội nhập khu vực và quốc tế, hợp tác về công chứng đã đạt nhiều kết quả khởi sắc, mở rộng các mối quan hệ với các nước có hệ thống công chứng phát triển như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, An-giê-ri... Trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2005, Chương trình hợp tác dự án Tin học hóa công chứng đã được Cộng hòa Pháp trang bị thiết bị máy móc, xây dựng phần mềm quản lý master; tổ chức các đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm nước ngoài về lĩnh vực công chứng...
Bên cạnh yếu tố nội lực, hoạt động công chứng Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các nước trên thế giới và khu vực thông qua những hoạt động rất đa dạng từ trao đổi thông tin, hội thảo, tọa đàm, kết nghĩa, tổ chức đoàn ra, đoàn vào… tập trung vào những nội dung chủ yếu là hoàn thiện thể chế công chứng, đào tạo, bồi dưỡng công chứng viên, phát triển tổ chức tự quản của công chứng viên… giúp Công chứng Việt Nam sớm trở thành thành viên chính thức của Liên minh Công chứng Quốc tế.
Hoạt động hợp tác quốc tế trong công chứng kết nghĩa công chứng giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các địa phương của Cộng hòa Pháp đã được thực hiện và đạt kết quả bước đầu, góp phần tăng cường và phát triển hợp tác về công chứng giữa Việt Nam với Cộng hòa Pháp.
Song song với việc đẩy mạnh hợp tác trực tiếp với Bộ Tư pháp, Hội đồng Công chứng tối cao Pháp đã cùng Bộ Tư pháp Việt Nam tích cực phát triển hoạt động kết nghĩa công chứng địa phương Việt Nam và Pháp nhằm khai thác tất cả các nguồn lực tiềm năng với mục đích ngày càng đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa hai ngành công chứng Việt Nam và Pháp từ Trung ương tới địa phương. Đây thực sự là một hướng đi đúng đắn và hiệu quả, được công chứng địa phương cả Việt Nam và Pháp nhiệt tình hưởng ứng. Các hoạt động hợp tác trực tiếp giữa công chứng địa phương hai nước được thực hiện bài bản trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác, sau đó hàng năm, công chứng các địa phương cùng xây dựng kế hoạch hoạt động năm trên cơ sở nhu cầu của cả hai phía, do vậy, các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác kết nghĩa ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu.
Hiện nay đã có các địa phương kết nghĩa với Cộng hòa Pháp như sau:
- Thành phố Hà Nội với Paris ký năm 2006.
- Thành phố Hồ Chí Minh với Lyon ký năm 2006.
- Thành phố Hải Phòng với Strasbourg ký năm 2009.
- Thành phố Đà Nẵng với Marseille ký năm 2011.
- Tỉnh Hải Dương với Bordeaux ký năm 2011.
- Tỉnh Vĩnh Phúc và Riom (Clermont Ferrand) ký vào tháng 11/2015.
- Tỉnh Thái Nguyên và Rouen, vùng Normandie ký vào tháng 01/2017.
Các địa phương còn lại của Việt Nam sẽ lần lượt thực hiện việc kết nghĩa trong thời gian tới.
Ngày 09/10/2013, Việt Nam đã chính thức được kết nạp là thành viên thứ 84 của Liên minh Công chứng Quốc tế, sự kiện có ý nghĩa lớn của công chứng Việt Nam trên trường quốc tế.
Trên cả nước đã có 41 Hội công chứng viên được thành lập và đi vào hoạt động bao gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Định, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai, Long An, Phú Yên, Ninh Bình, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Quảng Nam, Cà Mau, Bến Tre, Hậu Giang, Quảng Ninh, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Bắc Kạn, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hưng Yên, Thái Bình.
Bên cạnh những kết quả về tổ chức và hoạt động công chứng đã đạt được qua các chặng đường, hoạt động công chứng ở nước ta còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, tồn tại về nhận thức, công tác triển khai thi hành luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, áp dụng pháp luật... vẫn còn có công chứng viên do vi phạm đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề... dẫn đến xảy ra sai phạm, có trường hợp phải truy tố. Những trường hợp này phần nào đã ảnh hưởng đến hình ảnh công chứng dưới góc nhìn của dư luận xã hội vì công chứng là nghề cao quý.
Đánh giá một cách tổng thể và khách quan, chúng ta có quyền tự hào về công chứng Việt Nam trong chặng đường 30 năm củng cố và phát triển, một lĩnh vực tuy còn non trẻ nhưng đã có những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quản lý xã hội và thực hiện nghĩa vụ với Liên minh Công chứng Quốc tế.
Nhìn lại chặng đường phát triển công chứng Việt Nam thời gian qua, chúng ta cũng rất tự hào có đội ngũ công chứng viên đã trưởng thành. Các công chứng viên của các Phòng công chứng đã phát triển từ môi trường hành nghề công chứng, một số đã và đang giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan nhà nước như lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp, Bộ, ngành... một số đang hành nghề tại các Văn phòng công chứng vẫn tiếp tục phát huy được khả năng, uy tín nghề nghiệp của mình. Có những công chứng viên đang giữ vị trí lãnh đạo, Ban chấp hành các Hội công chứng viên. Tháng 10/2013, Hội Công chứng viên thành phố Hồ Chí Minh đã thay mặt cho Công chứng Việt Nam gia nhập Liên minh Công chứng Quốc tế.
Số lượng công chứng viên được bổ nhiệm là những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; chuyên viên cao cấp... là nguồn công chứng viên rất quý khi thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, nguồn nhân lực có nhiều kinh nghiệm pháp luật đang hành nghề tại các Văn phòng công chứng trên cả nước.
Nhiều công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, Hội công chứng viên đã có những đóng góp đáng kể trong chặng đường phát triển công chứng trong công tác xây dựng thể chế (sửa đổi Luật Đất đai, Luật Công chứng...) như Hội Công chứng viên thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương và một số công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, Hội công chứng viên khác trên cả nước.
2. Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển
Công chứng nước ta đang có nhiều cơ hội được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước, thể chế về công chứng và liên quan đến công chứng đã được hoàn chỉnh một bước lớn. Bên cạnh Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến công chứng như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014... đã được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động công chứng trong thời kỳ đất nước tiếp tục đổi mới và hội nhập.
Chúng ta có nền tảng là đội ngũ công chứng viên đã phát triển từ những năm hoạt động công chứng được tái lập lại có bề dày kinh nghiệm vừa hành nghề công chứng vừa truyền bá kiến thức, kinh nghiệm hành nghề cho lớp công chứng viên mới vào nghề bên cạnh các công chứng viên đã từng giữ các chức danh tư pháp, luật sư... những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác pháp luật cùng với các công chứng viên trẻ tại gần một nghìn tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước có bản lĩnh vững vàng, luôn đề cao đạo đức hành nghề công chứng và tâm huyết với nghề nghiệp.
Công chứng Việt Nam rất vinh dự đã trở thành thành viên chính thức của Liên minh Công chứng Quốc tế. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ thành viên của Liên minh Công chứng Quốc tế, việc Việt Nam được giao tổ chức Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Các vấn đề châu Á thể hiện sự quan tâm, tin tưởng mà Liên minh Công chứng Quốc tế dành cho công chứng Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Liên minh Công chứng Quốc tế trong lĩnh vực công chứng.
Đây là những yếu tố tổng hợp tạo thành cơ hội rất đáng quý cho hoạt động công chứng trong hiện tại và những năm sau này.
Bên cạnh những cơ hội, chúng ta vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định trong hoạt động công chứng, ở một góc độ nào đó cũng có thể là thách thức cần phải vượt qua, đó là một bộ phận cá nhân, tổ chức trong xã hội chưa hiểu đầy đủ vai trò, ý nghĩa và bản chất của hoạt động công chứng. Một số vi phạm của công chứng viên trong quá trình hành nghề đã phần nào làm cho hình ảnh công chứng bị ảnh hưởng. Khối đoàn kết trong ngôi nhà chung công chứng ở một số nơi còn chưa mạnh, chưa thật sự chia sẻ với nhau trong điều kiện xã hội hóa hoạt động công chứng mặc dù đã thực hiện từ Luật Công chứng năm 2006.
Trong bối cảnh có nhiều cơ hội và còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, công chứng Việt Nam cần nắm bắt và vượt qua, hơn lúc nào hết, đội ngũ công chứng viên cần tiếp tục phát huy truyền thống, những kết quả, thế mạnh, lan tỏa kinh nghiệm cho nhau, phát huy vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, tăng cường đoàn kết sức mạnh để Công chứng Việt Nam thật sự là ngôi nhà chung cùng nhau thực hiện chức năng xã hội mà Nhà nước ủy nhiệm đó là cung cấp dịch vụ công, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; hợp tác và cùng phát triển công chứng với các nước trong khu vực và thế giới, đưa hình ảnh công chứng Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đây là quyết tâm thư sau chặng đường phát triển công chứng Việt Nam, đồng thời cũng là thông điệp mong muốn tất cả công chứng viên trên cả nước hướng tới.
ThS. Đỗ Hoàng Yến
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp