Ngày 27/8/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Công ước này ra đời với mục đích hài hoà hoá các tiêu chuẩn tránh sự phân biệt đối xử giữa phán quyết trọng tài trong nước và nước ngoài, thuận lợi hoá quá trình công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp, trong đó có đề cập đến vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Ngoài ra, vấn đề này còn được quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam. Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài, về mặt cơ sở pháp lý, là tương đối đầy đủ và thuận lợi. Tuy nhiên, thực tế áp dụng các quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài trong gần 25 năm qua lại chưa đạt được nhiều kết quả khả quan.
Từ thực tiễn này, tác giả Nguyễn Thị Anh Thơ với bài viết “Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài” đã trình bày một cách khái quát về thực trạng giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài; phân tích một số vấn đề bất cập trong việc giải quyết công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài; từ đó, đưa ra một vài ý kiến đề xuất nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài.
Để tìm hiểu thêm về nội dung chi tiết của bài viết, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật kính mời quý độc giả đón đọc bài viết này trong số chuyên đề 200 trang về “Pháp luật về giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại và hòa giải thương mại” năm 2019.