1. Tình hình đăng ký và quản lý hộ tịch ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La
Bắc Yên là huyện vùng cao nằm ở phía Đông của tỉnh Sơn La; phía Bắc giáp với huyện Trạm Tấu (Yên Bái), phía Tây giáp huyện Mường La và Mai Sơn, phía Nam giáp huyện Mộc Châu, phía Đông giáp huyện Phù Yên, có trục đường quốc lộ 37 chạy qua địa bàn huyện, ngoài ra còn có các trục đường tỉnh lộ, đường liên xã chạy từ trung tâm huyện đến các xã; có Sông Đà chạy từ phía Tây Bắc xuống Tây Nam dài hơn 60 km. Bắc Yên có tổng diện tích tự nhiên là 1.103,71 km2, với dân số hơn 62 ngàn người, gồm 7 dân tộc. Huyện Bắc Yên có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn, với 152 bản, tiểu khu. Điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, phương thức canh tác của nhân dân còn hạn chế, địa hình chia cắt, nhiều núi cao, khe sâu, đất trống, đồi núi trọc không thuận lợi cho canh tác, do đó, Bắc Yên được xếp vào diện một trong 5 huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La và một trong 63 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước.
Trong những năm qua, Phòng Tư pháp huyện Bắc Yên luôn thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp UBND huyện Bắc Yên quản lý nhà nước về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, thường xuyên tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là các văn bản liên quan đến công tác đăng ký và quản lý hộ tịch[1]... qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, tỷ lệ đăng ký hộ tịch năm sau tăng hơn năm trước. Do các cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác hộ tịch, nên đã quan tâm, đầu tư hơn cho công tác tuyên truyền, qua đó, người dân đã nhận thức được việc đăng ký hộ tịch vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mình nên đã tự giác đi đăng ký. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bắc Yên đã triển khai thường xuyên đăng ký hộ tịch lưu động ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, qua mỗi đợt đăng ký lưu động, đa số các sự kiện hộ tịch phát sinh trên địa bàn tại thời điểm đó đã được đăng ký. Riêng trong lĩnh vực đăng ký khai sinh, đã tập trung đăng ký khai sinh cho trẻ em đã thu được những kết quả to lớn, tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh trên 90%, trong đó tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hộ tịch đối với công tác quản lý nhà nước và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Kết quả đăng ký hộ tịch đã tăng lên qua từng năm, cụ thể:
- Năm 2013 đăng ký khai sinh 1.633 trường hợp; đăng ký kết hôn 209 cặp; đăng ký khai tử 110 trường hợp;
- Năm 2014 đăng ký khai sinh 1.644 trường hợp; đăng ký kết hôn 231 cặp; đăng ký khai tử 142 trường hợp;
- Năm 2015 đăng ký khai sinh 2.011 trường hợp; đăng ký kết hôn 266 cặp; đăng ký khai tử 171 trường hợp.
Thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn huyện trong những năm qua góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và đã tạo cơ sở pháp lý bảo đảm một số quyền nhân thân cơ bản của cá nhân (như quyền đối với họ tên, quyền thay đổi họ tên, quyền xác định dân tộc, quyền được khai sinh, quyền kết hôn… đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự). Thông qua việc đăng ký khai sinh đã bảo đảm quyền được khai sinh, một trong những quyền quan trọng đầu tiên của trẻ em. Tuy nhiên, quyền được khai sinh không phải là quyền riêng của trẻ em mà là quyền của bất cứ cá nhân nào; theo quy định của Bộ luật Dân sự thì việc bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền nhân thân cơ bản của mỗi cá nhân.
Về công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại UBND các xã, thị trấn, Phòng Tư pháp huyện thường xuyên tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra xuống cơ sở để kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh những sai sót trong việc đăng ký và quản lý hộ tịch. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, không có trường hợp nào bị thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do UBND cấp xã cấp trái quy định của pháp luật và cũng không có trường hợp nào khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực hộ tịch.
Căn cứ Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch của UBND tỉnh Sơn La được ban hành kèm theo Quyết định số 613/QĐ-UBND ngày 25/3/2015 nhằm triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn huyện Bắc Yên được kịp thời, đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Quyết định số 532/QĐ-UBND ngày 14/4/2015 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hộ tịch và một số văn bản hướng dẫn trên địa bàn huyện Bắc Yên. Phòng Tư pháp huyện tham mưu cho UBND huyện tổ chức hội nghị quán triệt Luật Hộ tịch; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch; Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện, cấp xã, thị trấn. Tính đến nay, 16/16 xã, thị trấn đã tổ chức hội nghị quán triệt Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Đài truyền thanh, truyền hình huyện và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành trên Đài truyền thanh, truyền hình huyện, hệ thống loa truyền thanh ở các xã, thị trấn; lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp cơ quan, ngày pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ...
2. Một số khó khăn trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở Bắc Yên, tỉnh Sơn La
Nguồn cán bộ tư pháp xã, thị trấn còn thiếu, trình độ không đồng đều, đặc biệt là ở các xã vùng cao (cán bộ có trình độ Trung cấp luật là 19/36, song không ổn định, luôn biến động, thay đổi qua các kỳ bầu cử, đại hội); chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tư pháp, tư pháp xã rất nặng nề, biên chế được giao ít; cơ sở, vật chất trang bị cho công tác đăng ký hộ tịch ít được quan tâm, đặc biệt là ở các xã, thị trấn. Đến thời điểm hiện nay, tư pháp 16/16 xã, thị trấn chưa được trang bị máy vi tính, vẫn phải dùng chung với các bộ phận khác. Việc kết nối mạng Internet 16/16 xã đã có, nhưng mạng còn yếu chưa đảm bảo kết nối sử dụng Phần mềm điện tử đăng ký hộ tịch. Kinh phí phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch còn hạn chế; trình độ dân trí của nhân dân trên địa bàn huyện còn hạn chế đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác tham mưu quản lý nhà nước về công tác tư pháp tại huyện nói chung, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch nói riêng.
3. Một số đề xuất nhằm nâng cao công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở Bắc Yên, tỉnh Sơn La trong thời gian tới
Một là, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản liên quan đến Luật Hộ tịch, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà không phải riêng của cơ quan Tư pháp. Thường xuyên truyên truyền Luật Hộ tịch và các văn bản liên quan đến Luật Hộ tịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai là, cần thường xuyên kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không tuyển dụng những người không có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch làm công tác hộ tịch.
Ba là, hàng năm tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức hộ tịch.
Bốn là, biên soạn các tài liệu phục vụ công tác tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch cho người dân.
Năm là, tổ chức đăng ký hộ tịch lưu động ở các bản đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Sáu là, thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hộ tịch theo thẩm quyền.
Bảy là, hàng năm bố trí thêm kinh phí để trang bị thêm cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc cho tư pháp cơ sở nhằm phục vụ công tác tư pháp nói chung và công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng ở địa phương đạt kết quả tốt hơn.
Phòng Tư pháp huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La
[1]. Xem: Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch; Luật Hộ tịch; Bộ luật Dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch; Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16 /11/2015, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.