Việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và hoạt động tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong năm 2013 cũng đem lại nhiều kết quả tích cực, trong đó, đã tổ chức được 15 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp với 1.500 cán bộ pháp chế tham dự; 9 tọa đàm và 10 lớp bồi dưỡng thu hút gần 2.500 cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tham gia nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác này.
Ban Quản lý Chương trình đã tổ chức hơn 30 lớp bồi dưỡng trên phạm vi toàn quốc, thu hút hơn 6.000 đại diện doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham dự để bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong năm 2013, Chương trình 585 đã tổ chức 50 chương trình truyền hình trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2) và 157 chương trình phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) nhằm thực hiện các phóng sự, đối thoại giữa các chuyên gia pháp lý về các quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ, cung cấp các thông tin, kiến thức pháp luật, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và đã nhận được nhiều phản hồi từ các khán thính giả trong năm 2013.
Một trong những phương tiện thông tin đại chúng được Ban Quản lý Chương trình quan tâm để truyền tải các kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp là việc xây dựng các Bản tin hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp. Năm 2013 vừa qua, Ban Quản lý Chương trình tổ chức xây dựng các chuyên đề pháp luật dành cho doanh nghiệp như chuyên đề về tập đoàn kinh tế; nợ xấu của ngân hàng và các phương thức giải quyết, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp... Thông qua Công ty Phát hành báo chí Trung ương, các số chuyên đề trên đã được phát miễn phí tới các cơ quan, doanh nghiệp với số lượng 10.000 cuốn/Bản tin.
Trong năm 2013, Chương trình cũng đã xây dựng được 03 cuốn cẩm nang: Cẩm nang pháp luật cho doanh nghiệp, Cẩm nang kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và Cẩm nang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các cuốn cẩm nang sẽ là kim chỉ nam, hỗ trợ kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Dự kiến trong năm 2014, Ban Quản lý Chương trình sẽ có kế hoạch in ấn, phát hành miễn phí các cuốn cẩm nang tới các doanh nghiệp, cán bộ pháp chế, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hiện nay hoạt động của Chương trình vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như sau:
- Về công tác triển khai các hoạt động của Chương trình, trong những năm qua, do việc phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước chậm, nên việc triển khai các hoạt động của Chương trình còn chậm, hầu hết các hoạt động diễn ra vào Quý III và Quý IV, chính vì vậy, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tọa đàm tăng cường pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp diễn ra dồn dập vào thời điểm nửa cuối năm 2013, nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức các hoạt động.
- Về chất lượng các hoạt động của Chương trình, trong năm 2013, hầu hết các hoạt động của Chương trình đều được triển khai đồng bộ tại các tỉnh làm điểm và các tỉnh khác trên cả nước, đáp ứng được yêu cầu cơ bản của doanh nghiệp. Các hoạt động tọa đàm, bồi dưỡng, thông tin pháp luật cho doanh nghiệp, phổ biến kiến thức pháp luật kinh doanh trên Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam bước đầu đã tạo được dấu ấn trong cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, cần phải đi sâu hơn nữa vào những nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp với nhiều nội dung, loại hình phong phú và đa dạng.
Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn nữa hoạt động của Chương trình 585 trong năm 2014, theo tôi, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 cần có những giải pháp sau:
Một là, về chính sách thực hiện
- Năm 2014, Chương trình sẽ thực hiện tốt dự án hỗ trợ nâng cao chất lượng thông tin pháp luật cho doanh nghiệp, truyền tải chính sách pháp luật của Nhà nước tới các doanh nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh chóng, dễ dàng với các thông tin pháp lý, qua đó tăng cường nhận thức, ý thức pháp luật của doanh nghiệp và tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thi hành pháp luật có hiệu quả.
- Chủ động nắm bắt, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp thông qua kết quả điều tra, khảo sát, đồng thời tổ chức các hoạt động của Chương trình có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, nhấn mạnh vào những vướng mắc pháp lý mang tính thời sự liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Chú trọng hơn nữa việc tổ chức các diễn đàn, tọa đàm để tạo cơ hội giao lưu giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các luật sư, luật gia giỏi để giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng pháp luật, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, đồng thời gợi ý trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp gặp khó khăn, nhằm tăng cường khả năng tự bảo vệ, phòng tránh rủi ro cho doanh nghiệp.
- Huy động các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.
Hai là, về cơ chế triển khai
- Tăng cường cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình như các bộ, ngành, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp... để xây dựng cơ chế đồng bộ cho doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp đang hoạt động tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát huy vai trò tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường như trên cơ sở Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo để tổ chức giới thiệu và lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp vào dự thảo văn bản, nhất là các dự án luật lớn như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi)... và các văn bản pháp luật về đầu tư, kinh doanh để doanh nghiệp tham gia góp ý, hoàn thiện.
- Tăng cường hơn nữa cơ chế giám sát đối với các cơ quan, tổ chức tham gia triển khai các hoạt động của Chương trình để bảo đảm tính hiệu quả trong việc triển khai Chương trình.
Ba là, về chuyên môn
- Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, kết hợp các phương thức truyền thống với các phương thức hiện đại, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng nội dung, đối tượng. Đối với các hình thức hỗ trợ pháp lý, sẽ không đơn thuần chỉ đưa ra các thông tin về nội dung chính sách, văn bản pháp luật mà còn áp dụng cơ chế trao đổi đa chiều giữa chuyên gia và đại biểu tham dự; hạn chế việc trao đổi lý thuyết, tăng cường phân tích các tình huống thực tế sinh động để thấy rõ những kẽ hở trong áp dụng, thực thi pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
- Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, chuyên môn của cán bộ tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các chuyên gia, báo cáo viên tham gia các hoạt động của Chương trình để không chỉ đáp ứng yêu cầu về trình độ học vấn mà còn chú trọng đến kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến những vướng mắc pháp lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bốn là, về tổ chức thực hiện
- Củng cố hoàn thiện cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Tổ Thư ký, Thường trực Tổ Thư ký Chương trình, nhằm tăng cường năng lực tham gia hiệu quả các hoạt động của Chương trình.
- Tăng cường hiệu quả các hoạt động của Chương trình thông qua việc ban hành và thực hiện các Kế hoạch cụ thể của Chương trình đối với các hoạt động.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động còn chậm của Chương trình để bảo đảm thực hiện hiệu quả mục tiêu hỗ trợ pháp lý đồng bộ của Chương trình
Dương Đăng Huệ