Chính sách này một mặt giúp cho các doanh nghiệp nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, để từ đó tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh; mặt khác, giúp cho các cơ quan chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của các doanh nghiệp để đề xuất với Đảng và Nhà nước có những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tồn tại, phát triển trong quá trình hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.
Qua thời gian thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Nghị định số 66/2008/NĐ-CP), công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có những chuyển biến tích cực, thu được những kết quả đáng kể.
Thứ nhất, đối với việc xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã xây dựng Trang thông tin điện tử của tỉnh, trong đó có chuyên trang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bao gồm các nội dung như: Giới thiệu chính sách pháp luật mới của trung ương, của tỉnh dành cho doanh nghiệp; các bài viết nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ, giải quyết những vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn và ủy ban nhân dân cấp huyện lập Trang thông tin điện tử cho cơ quan, đơn vị mình. Đến nay, đã có 37 sở, ban, ngành và địa phương xây dựng Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình, trong đó có chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như: Sở Tư pháp xây dựng mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử của Sở; Cục Hải quan tỉnh ngoài mục xây dựng, khai thác tủ sách pháp luật, còn đăng ký sử dụng dịch vụ của trang web www.luatvietnam.vn để tra cứu kịp thời, đầy đủ các văn bản pháp luật mới liên quan đến chế độ chính sách hàng hóa, quy trình thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt; Sở Thông tin và Truyền thông sử dụng Trang thông tin điện tử của Sở để tích hợp dữ liệu pháp luật phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Cục Thuế xây dựng Trang thông tin điện tử cập nhật cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin về chính sách pháp luật thuế cũng như các thông tin pháp luật khác; Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia giúp cho doanh nghiệp trên địa bàn có thể tra cứu các thông tin về doanh nghiệp trên toàn quốc, tra cứu các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để phục vụ cho doanh nghiệp...
Thứ hai, công tác xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật
Các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực xây dựng các loại tài liệu để giới thiệu, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và các doanh nghiệp. Trong thời gian qua, đã phát hành các số Bản tin Tư pháp thường kỳ, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tháng 12/2016, đã ban hành Bản tin Tư pháp số chuyên đề về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện Chuyên mục Pháp luật và Đời sống; biên soạn, phát hành tài liệu, giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật do trung ương và địa phương ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; in ấn, phát hành sổ tay tìm hiểu pháp luật về kiểm tra sau thông quan để cấp phát cho doanh nghiệp, người dân và người khai hải quan trên địa bàn; biên soạn và phát hành sách bỏ túi; cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến các thủ tục hành chính về thuế như hướng dẫn khai, đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân qua mạng, các mẫu biểu đăng ký giảm trừ gia cảnh và các biểu mẫu liên quan khác, tài liệu hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng; in ấn, phát hành tờ gấp có nội dung về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đã đăng tải tin bài về chính sách pháp luật thuế trên Báo Quảng Bình, Tạp chí Sinh hoạt chi bộ, Bản tin Tư pháp, Bản tin Địa phương và các bản tin phát trên đài phát thanh huyện, thành phố.
Thứ ba, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp
Trong những năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 1.320 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật với 107.285 lượt người tham dự, đối tượng là các doanh nghiệp trên địa bàn, báo cáo viên, cán bộ pháp chế. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các đại biểu đại diện doanh nghiệp trên địa bàn, các báo cáo viên, cán bộ pháp chế; tổ chức hội nghị, tọa đàm về thực trạng triển khai pháp luật hải quan, pháp luật kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, thực tiễn thi hành pháp luật bảo hiểm xã hội trên địa bản tỉnh, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức các cuộc đối thoại doanh nghiệp nhằm giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về chính sách pháp luật thuế.
Thứ tư, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp có nhu cầu giải đáp pháp luật đều được các cơ quan liên quan tiếp nhận và giải đáp kịp thời, nhanh chóng. Việc giải đáp pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, giải đáp bằng văn bản, qua điện thoại, mạng internet. Kết quả hơn 07 năm đã tiến hành giải đáp pháp luật cho 24.460 lượt yêu cầu trong đó: Giải đáp qua điện thoại: 12.411 lượt; giải đáp bằng văn bản: 281 lượt; giải đáp trực tiếp: 9.683 lượt; tư vấn hỗ trợ trực tiếp tại doanh nghiệp: 85 lượt; giải đáp trên phương tiện thông tin đại chúng: 2.000 lượt.
Thứ năm, việc tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật
Các ý kiến trao đổi, kiến nghị của doanh nghiệp qua các buổi đối thoại trực tiếp, các buổi tập huấn, bồi dưỡng được các cơ quan có liên quan tiếp nhận, giải đáp kịp thời, đúng thẩm quyền. Các ý kiến phản hồi, kiến nghị của doanh nghiệp được xem xét tiếp thu, trình cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp và tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Bình
Để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới đạt kết quả tốt, theo chúng tôi cần thực hiện tốt những nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, pháp luật về kinh doanh nói riêng cho các chủ doanh nghiệp và người lao động trong các doanh nghiệp
Hiện nay, một số chủ doanh nghiệp, nguời lao động trong các doanh nghiệp nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật cũng như công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với sản xuất kinh doanh, đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Cho nên rất ít doanh nghiệp quan tâm, đầu tư để tìm hiểu pháp luật, chỉ khi nào có tranh chấp xảy ra hoặc khi gặp rắc rối trong sản xuất, kinh doanh, thì mới tìm luật sư hoặc tư vấn viên pháp luật để nhờ giúp đỡ. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp; cần chọn những nội dung cụ thể, thiết thực như pháp luật về lao động, kinh doanh, thương mại, dân sự để giới thiệu tới doanh nghiệp. Quá trình giới thiệu, nên đưa ra tình huống, những vấn đề vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh thường gặp để cùng nhau trao đổi, thảo luận, từ đó giúp nâng cao nhận thức về pháp luật cho doanh nghiệp và nguời lao động.
Hai là, quan tâm xây dựng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Đội ngũ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bao gồm cán bộ pháp chế, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật, các luật sư, luật gia… Họ là những nguời trực tiếp truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với doanh nghiệp và nguời lao động trong các doanh nghiệp. Có thể nói, họ là “cầu nối” giữa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với các doanh nghiệp và cũng có thể xem họ là những nguời “dẫn đường” cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Do vậy, việc xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực của đội ngũ này quyết định chất lượng của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Ba là, cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà chúng ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013 thì nhiều văn bản pháp luật cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp. Do vậy, việc cập nhật các văn bản mới ban hành, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, về hội nhập quốc tế là một yêu cầu thường xuyên đối với những nguời thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các đối tượng này được thông qua nhiều hình thức như qua hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật; qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, qua các buổi tọa đàm, hội thảo… Để công tác tập huấn, bồi dưỡng đạt hiệu quả cao, cần mời các báo cáo viên có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hình thức sinh hoạt khoa học như tổ chức buổi tọa đàm, hội thảo khoa học về các vấn đề đang được xã hội và doanh nghiệp quan tâm. Qua đó, xem xét, phân tích nhiều mặt và có giải pháp giải quyết tối ưu nhất đối với vấn đề đặt ra.
Bốn là, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Thời gian tới cần thường xuyên tiến hành sơ, tổng kết việc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, qua đó để đánh giá lại những việc đã làm được, chưa làm được trong thời gian qua, rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó tìm ra giải pháp thích hợp cũng như để khen thưởng những nguời thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Năm là, đẩy mạnh các hình thức giải đáp, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp
Thời gian qua, việc giải đáp pháp luật cho các doanh nghiệp và người lao động trong các doanh nghiệp đã đưa lại những hiệu quả rõ nét, nhờ đó mà chủ doanh nghiệp, người lao động hiểu biết thêm quy định của pháp luật, tìm ra được phương án tối ưu để xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong những năm qua mới tiến hành giải đáp pháp luật cho 24.460 lượt yêu cầu, hình thức giải đáp chủ yếu là qua điện thoại, các hình thức giải đáp bằng băn bản, giải đáp trực tiếp, giải đáp trên các phương tiện thông tin đại chúng là rất ít. Do vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh hình thức giải đáp, tư vấn, trong đó cần chú trọng việc giải đáp qua các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Bình, Báo Quảng Bình... Đây là hình thức tuyên truyền có nhiều người theo dõi và đem lại hiệu quả cao.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình
Các tin khác
Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam khi trọng tài nước ngoài giải quyết tranh chấp tại Việt Nam Khung pháp lý về mua lại và sáp nhập Ngân hàng thương mại ở Việt Nam Quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất đô thị và hướng hoàn thiện Một số bất cập của pháp luật cạnh tranh hiện hành Định giá tài sản theo Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự Hoàn thiện các quy định về chế tài trong thương mại theo Luật Thương mại năm 2005 Địa vị pháp lý của Tổ quản lý và thanh lý tài sản theo pháp luật phá sản Những bất cập trong quy định của pháp luật về tranh chấp và giải quyết tranh chấp đất đai