Thực hiện Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường công tác PBGDPL giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, UBND huyện Sông Lô đã kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai đến ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền trong huyện. Những năm qua, UBND huyện đã phối hợp với Sở Tư pháp mở 95 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật tại 17 xã, thị trấn với gần 15.250 học viên tham dự; mở các lớp phổ biến pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, đặc biệt khai thác cát sỏi trên sông Lô… cho lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và cán bộ ở 10 xã, thị trấn ven sông Lô.
Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL từ huyện đến cơ sở được kiện toàn, phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL ở cơ sở. Hội đồng Phối hợp PBGDPL của huyện được thành lập gồm 22 thành viên do Phòng Tư pháp là cơ quan thường trực. UBND huyện đã chỉ đạo 17 xã, thị trấn thành lập Hội đồng Phối hợp PBGDPL gồm 226 đồng chí. Hội đồng Phối hợp PBGDPL đã tham mưu tích cực cho cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch, chương trình PBGDPL của tỉnh và của huyện.
Hàng năm, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện đã tổ chức các hội nghị phổ biến văn bản pháp luật mới, phát hành hàng nghìn tờ gấp tới các hộ gia đình với nội dung tuyên truyền về quy chế dân chủ, quy chế bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quy chế bầu cử đại biểu Quốc hội, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở thôn dân cư, tuyên truyền giáo dục kiến thức quốc phòng...; tiếp nhận và cấp phát 1.000 tờ tin, sổ tay nghiệp vụ hòa giải, sổ tay pháp luật, băng đĩa tuyên truyền, các văn bản pháp luật mới; biên soạn cung cấp tin, bài cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy phát hành trên Bản tin sinh hoạt chi bộ; tổ chức hàng chục lượt xe tuyên truyền cổ động, 220 pa-nô khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử, về “Ngày Pháp luật”; tăng cường công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong các đợt cao điểm nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến nhân dân; tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về pháp luật (như Hội thi Hòa giải viên giỏi huyện Sông Lô năm 2016); tổ chức 12 cuộc trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhân dân trên địa bàn huyện với hàng trăm lượt đối tượng chính sách, người nghèo và trẻ em trên địa bàn.
Hàng năm, UBND huyện đã có sự phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, như: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiến thức pháp luật, tuyên truyền trợ giúp pháp lý, hòa giải, tờ gấp pháp luật, hỏi đáp pháp luật, tủ sách pháp luật, cung cấp thông tin đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của huyện... Đặc biệt, công tác tuyên truyền trên hệ thống phát thanh tại 17 xã, thị trấn được quan tâm, duy trì và tăng thời lượng phát thanh đối với các văn bản pháp luật mới ban hành; cung cấp tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình phát thanh, chú trọng tuyên truyền nội dung của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, qua đó giúp nhân dân hiểu và tự giác chấp hành pháp luật, tránh hiện tượng không hiểu biết pháp luật dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các trường học được đặc biệt coi trọng. Năm 2016, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện thường xuyên phối hợp với Công an huyện tổ chức 24 buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, thu hút 9.060 lượt người tham dự; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật cho giáo viên, học sinh; triển khai kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL và trợ giúp pháp lý miễn phí cho học sinh; xây dựng và triển khai chương trình giáo dục pháp luật lồng ghép với môn học giáo dục công dân và các hoạt động ngoại khóa như: Tìm hiểu Luật An toàn giao thông, phòng chống ma túy học đường, triển khai đề án phòng, chống tội phạm trong các nhà trường.
Chính quyền huyện Sông Lô luôn quan tâm xây dựng và củng cố đội ngũ báo cáo viên, hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở. Cả huyện có 1.742 hòa giải viên, đây là những hạt nhân quan trọng góp phần tích cực trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Các tổ hòa giải cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động theo quy chế. Năm qua, tỷ lệ hòa giải thành ở huyện đạt 87%, có hòa giải viên (xã Tân Lập) một năm hòa giải thành 16 vụ việc.
Những năm qua cùng với sự nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn huyện, công tác tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, giảm thiểu các tranh chấp, vi phạm pháp luật, hạn chế sự gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm thiểu tối đa các đơn thư khiếu nại, tố cáo và khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tạo môi trường lành mạnh, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương.
Cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để các tầng lớp nhân dân tự giác chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện quy định về an toàn giao thông. Đặc biệt trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến như: Công khai chính sách bồi thường, niêm yết phương án đền bù của từng hộ... làm cho nhân dân hiểu và tự giác chấp hành, đồng thời hạn chế tình trạng tiêu cực trong giải phóng mặt bằng. Năm qua, huyện đã hoàn thành hàng chục dự án với diện tích đất thu hồi hơn 220.000m2, nhiều dự án trọng điểm phức tạp nhưng đã tập trung giải quyết có hiệu quả như: Đường tỉnh lộ 307 kéo dài, đường điện 500KV Hiệp Hòa - Sơn La, Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các công trình phục vụ cho xây dựng nông thôn mới…
Từ những kết quả đạt được nêu trên cho thấy, công tác phối hợp giữa các cơ quan để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL ở cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL được nâng lên rõ rệt, tiếp tục nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, PBGDPL, chính quyền huyện Sông Lô cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ cơ sở như: Bồi dưỡng nghiệp vụ cho bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, thanh tra nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, tổ trưởng tổ hòa giải... qua đó nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ cơ sở - đây chính là lực lượng quan trọng, trực tiếp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến nhân dân.
Hai là, cần tăng cường đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới các nhà văn hóa, tủ sách pháp luật, câu lạc bộ pháp luật... Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động để hệ thống đài truyền thanh xã, thị trấn chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Thực tế những năm qua cho thấy, hệ thống truyền thanh của 17 xã, thị trấn thuộc huyện là phương tiện có khả năng truyền tin nhanh, kịp thời với nội dung phát thanh là những quy định pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày của nhân dân, giải đáp kịp thời những băn khoăn, vướng mắc về chính sách pháp luật của các tầng lới nhân dân nên rất được nhân dân địa phương đón nhận. Có thể khẳng định, đây là phương tiện truyền thông rất hữu hiệu để phản ánh thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật ở địa phương, nêu gương người tốt, việc tốt trong thực hiện, chấp hành pháp luật, đồng thời phê phán những cá nhân, hộ gia đình có hành vi vi phạm quy ước, nếp sống văn hóa, vi phạm pháp luật trên địa bàn. Trong những năm qua, huyện Sông Lô đã áp dụng có hiệu quả phương tiện đài truyền thanh trong giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn. Thông qua hệ thống đài truyền thanh tại 17 xã, thị trấn đã thông tin kịp thời các chính sách giải phóng mặt bằng, biểu dương các hộ gương mẫu tự nguyện di chuyển, bàn giao mặt bằng…
Ba là, thường xuyên chỉ đạo các ngành nội chính (Công an, Tòa án, Viện kiểm sát) phối hợp với chính quyền xã, thị trấn đẩy mạnh công tác xét xử lưu động, nhất là các vụ án về ma túy, tệ nạn xã hội. Thực tế cho thấy các vụ án được xét xử lưu động thu hút số lượng người tham dự rất đông. Thông qua việc giải quyết, xét xử các vụ án, đặc biệt qua các phiên tòa lưu động, các thẩm phán, hội thẩm nhân dân đã tích cực phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các bị cáo, đương sự cũng như nhân dân, qua đó có tác dụng nâng cao nhận thức pháp luật, hạn chế các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bốn là, tăng cường đầu tư kinh phí trang bị tủ sách pháp luật ở các xã, thị trấn nhất là tủ sách pháp luật tại các khu dân cư. Điều này giúp cho nhân dân trên địa bàn huyện khi có nhu cầu cần tra cứu, tìm hiểu pháp luật có thể thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới, đồng thời cung cấp những tài liệu pháp luật cần thiết cho cán bộ trong quá trình giải quyết công việc.
Năm là, coi trọng nâng cao chất lượng các tổ hòa giải cơ sở, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải và những lĩnh vực pháp luật được vận dụng trong công tác hòa giải để đội ngũ cán bộ hòa giải có thêm kiến thức pháp luật, làm tốt vai trò “trung gian”, hạn chế những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, tránh khiếu kiện đông người. Những mâu thuẫn trong nhân dân như tranh chấp đất đai, tranh chấp lối đi, va chạm trong sinh hoạt... nếu được giải quyết ngay tại cơ sở sẽ hạn chế phát sinh các vụ việc phức tạp.
Ngoài ra, để công tác tuyên truyền, PBGDPL đạt hiệu quả cao trong năm 2017 và những năm tiếp theo, chúng tôi nhận thấy: (i) Sở Tư pháp, UBND tỉnh cần quan tâm hơn nữa, chỉ đạo các cấp, các ngành đảm bảo kinh phí cho công tác tuyên truyền, PBGDPL; (ii) Cần có chế độ phụ cấp cho thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên, hòa giải viên cấp cơ sở; (iii) Cần tăng cường kiểm tra việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật của cấp dưới bằng các hình thức thích hợp
Trưởng phòng Tư pháp huyện Sông Lô