Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong thời gian qua, công tác PCTNTC trong hệ thống thi hành án dân sự (THADS) đã được quan tâm, chú trọng và đạt được những kết quả nổi bật với quyết tâm cao không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự còn tiềm ẩn và tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục kịp thời.
1. Kết quả đạt được
1.1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, ban hành văn bản thi hành các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
- Toàn hệ thống THADS đã chú trọng quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC bằng nhiều hình thức: Hội nghị, lồng ghép với tập huấn nghiệp vụ, họp giao ban cơ quan, họp Chi bộ.
- Việc ban hành, tham mưu ban hành các văn bản từ trung ương đến cấp cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo công tác chủ động PCTNTC trong THADS được chú trọng thực hiện thường xuyên. Từ năm 2020 đến nay, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTNTC: Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp ban hành Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, theo dõi thi hành án hành chính giai đoạn 2022 - 2026; Chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính hàng năm.
Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Quyết định số 779/QĐ-TCTHADS ngày 30/9/2021 về Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS giai đoạn 2021 - 2025 và nhiều văn bản chỉ đạo về công tác PCTNTC trong hệ thống THADS; Thông báo số 23/TB-TCTHADS ngày 19/01/2023 của Tổng cục Thi hành án về việc tiếp tục chủ động phòng ngừa, xử lý nghiêm sai phạm, tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống THADS. 63/63 Cục THADS đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Quyết định số 779/QĐ-TCTHADS ngày 30/9/2021 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự về Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS giai đoạn 2021 - 2025.
Nhằm thực hiện Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS giai đoạn 2021 - 2025, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Cục THADS địa phương thực hiện có hiệu quả, hàng năm xây dựng kế hoạch, các văn bản triển khai thực hiện Chương trình và nghiêm túc tổ chức thực hiện. Ngày 28/02/2023, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm năm 2023 kèm theo Quyết định số 167/QĐ-TCTHADS; ban hành các văn bản quán triệt, triển khai Kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2023 của Bộ Tư pháp, của Tổng cục và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo chủ động PCTNTC trong THADS năm 2023. Điểm nổi bật năm 2023, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục, các Cục THADS ban hành kế hoạch PCTNTC và tổ chức cho 100% công chức trong hệ thống THADS ký cam kết không tham nhũng, tiêu cực. Trong 06 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành trên 10 văn bản chỉ đạo, điều hành công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các cơ quan THADS địa phương trong công tác chủ động phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS được thực hiện thường xuyên với nhiều biện pháp, giải pháp hữu hiệu.
1.2. Kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo triển khai đồng bộ 06 biện pháp PCTNTC theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 trong toàn hệ thống THADS. Kết quả cụ thể:
- Kết quả thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động: Ban hành các quy chế, nội quy tiếp công dân, tiếp nhận thông tin phản ánh từ đường dây nóng. Các chính sách, quy trình giải quyết công việc gắn với cải cách thủ tục hành chính đã công khai tại các cơ quan trong toàn hệ thống THADS. Công khai thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp.
- Kết quả ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ: Giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức như: Chi trả tiền lương và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, thâm niên nghề cho cán bộ, công chức, người lao động qua tài khoản đăng ký tại ngân hàng theo quy định và động viên, khen thưởng kịp thời đối với những công chức có thành tích xuất sắc. Thường xuyên kiểm kê tài sản, trang thiết bị trong cơ quan để tránh thất thoát. Các Cục THADS đều xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, bám sát quy chế để thực hiện nhằm bảo đảm chế độ cho cán bộ, công chức tại đơn vị theo quy định.
- Kết quả thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn: Người đứng đầu cơ quan luôn gương mẫu, đi đầu, thống nhất cao về ý chí và hành động trong việc chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về PCTNTC, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; thực hiện nghiêm 19 điều đảng viên và các quy định cán bộ, công chức, viên chức không được làm; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý cán bộ, công chức có hành vi, biểu hiện tham nhũng. Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, trong đó chú trọng về chuẩn mực trong giải quyết các công việc với tổ chức và công dân, gia đình và xã hội, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Theo đó, công chức ngành THADS cơ bản đã thực hiện đúng trang phục công sở, thẻ ngành, thái độ niềm nở, tôn trọng công dân, chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Kịp thời xử lý người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức, viên chức khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
- Kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác: Ngày 11/8/2021, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1291/QĐ-BTP quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Ngày 20/8/2021, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Công văn số 2834/TCTHADS-TCCB chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố quán triệt, phổ biến nội dung Quyết định số 1291/QĐ-BTP và thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định. Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với thẩm tra viên, chấp hành viên, kế toán, thủ kho, thủ quỹ theo quy định. Đối với các công chức lãnh đạo đã giữ chức vụ cấp trưởng 02 nhiệm kỳ liên tiếp đều được xem xét, chuyển đổi vị trí đến đơn vị khác. Hàng năm, Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo, rà soát công chức được thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác để PCTNTC. Từ năm 2020, hệ thống THADS đã chuyển đổi trên 1.000 công chức thuộc vị trí chuyển đổi công tác.
- Việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động: Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS được công bố tại Quyết định số 1328/QĐ-BTP ngày 01/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực THADS, bảo đảm minh bạch, đúng quy định, hình thức rõ ràng, dễ dàng tra cứu.
- Kết quả thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập: 100% cán bộ, công chức, người lao động trong toàn hệ thống THADS được trả lương qua tài khoản. Hàng năm, trên cơ sở quy định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đều rà soát, quyết định phê duyệt danh sách đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, thực hiện công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, tổng hợp báo cáo kết quả, lưu trữ bản kê khai tài sản đúng quy định. Hàng năm, chỉ đạo 100% công chức ngành THADS phải kê khai tài sản, thu nhập đã kê khai đầy đủ.
1.3. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng
Từ năm 2020 đến nay, phát hiện, xử lý 23 vụ/26 đối tượng, với tổng số tiền 26.464.521.814 đồng; thu hồi hơn 08 tỷ đồng (chủ yếu qua công tác kiểm tra và qua công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng do cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát hiện).
Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động giám sát, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ: Công tác kiểm tra, tự kiểm tra, xử lý vi phạm ngày càng được Lãnh đạo Tổng cục quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, đổi mới công tác kiểm tra nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án. Ban hành quy trình kiểm tra, kế hoạch kiểm tra hàng năm, trong đó có kiểm tra về PCTNTC. Từ năm 2020 đến nay, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức kiểm tra 42 cuộc (năm 2020: 15 cuộc, năm 2021: 11 cuộc, năm 2022: 15 cuộc, từ đầu năm 2023 đến nay: 01 cuộc), trong đó có 02 cuộc kiểm tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng. Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo thực hiện thường xuyên chế độ tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ đối với 08/08 đơn vị thuộc Tổng cục; kiểm tra chuyên đề đối với 07 cơ quan THADS (Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Đắk Nông, Hậu Giang, Kiên Giang); duy trì các tổ thẩm tra kết quả tự kiểm tra của các Cục THADS được thành lập năm 2021. Ngoài ra, còn công tác kiểm tra Đảng, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc các cấp. Qua kiểm tra đã tổng hợp các sai sót, vi phạm để thông báo chung đến toàn thể các đơn vị. Từ công tác kiểm tra nội bộ, đã phát hiện ra 12 vụ, 14 đối tượng tham nhũng; kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng do cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát hiện 11 vụ, 12 đối tượng; kết quả xử lý tài sản tham nhũng, tiêu cực: Từ năm 2020, trong hệ thống THADS, tổng số tiền, tài sản tham nhũng, tiêu cực phát hiện được 26.464.521.814 đồng, thu hồi hơn 8 tỷ đồng, xử lý trách nhiệm 08 người người đứng đầu.
1.4. Vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTNTC được tăng cường, đẩy mạnh, đồng thời phát huy vai trò giám sát và phản biện của các tổ chức chính trị -xã hội, toàn thể nhân dân và hợp tác quốc tế về PCTNTC. Ngay từ đầu năm 2023, Tổng cục Thi hành án dân sự đã quán triệt đến cán bộ, công chức về chủ trương, đường lối của Đảng, quy chế dân chủ trong cơ quan, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác đấu tranh PCTNTC.
1.5. Kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và kế hoạch thực thi Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng
Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp PCTNTC như: Thực hiện minh bạch hóa tài sản, thu nhập; thực hiện trả lương qua tài khoản; minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; trong quản lý tài chính, tài sản công; thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tích cực triển khai thực hiện các hiệp định, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia có nội dung liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
2.1. Tồn tại, hạn chế
- Công tác quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản của Đảng và Nhà nước ở một số địa phương chưa thường xuyên; việc hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác PCTNTC còn chưa đúng tiến độ đề ra.
- Nhận thức của lãnh đạo một số địa phương về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCTNTC còn hạn chế dẫn đến việc triển khai thực hiện còn mang tính hình thức. Công tác giám sát, kiểm tra, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều đơn vị, địa phương chưa thường xuyên. Tham nhũng bị phát hiện qua kiểm tra nội bộ và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế (chiếm khoảng trên 52%), phát hiện do các cơ quan điều tra (48%).
- Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính trong các quy trình công tác THADS chưa được cải thiện.
- Vi phạm, tham nhũng có tính chất phức tạp, nghiêm trọng và xảy ra trên hầu hết các hoạt động từ quản lý, chỉ đạo điều hành cho đến hoạt động nghiệp vụ. So với những năm trước, số lượng vụ việc tham nhũng bị phát hiện mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.
- Kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính tại một số cơ quan THADS chưa được chấp hành nghiêm túc, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý cá nhân có vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án, để tình trạng kéo dài không xử lý, không đề xuất phương án giải quyết.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và trong PCTNTC còn hạn chế, ví dụ như: Việc sử dụng ký chữ ký số và thực hiện gửi văn bản điện tử trong hệ thống THADS còn chưa được thực hiện nghiêm.
2.2. Nguyên nhân xảy ra tham nhũng, tiêu cực
- Một số lãnh đạo, cấp ủy Đảng cơ quan THADS chưa nhận thức đúng đắn, chưa coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chưa thực sự sâu sát, quyết liệt trong việc chỉ đạo. Năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị đạo đức nghề nghiệp của một số công chức trong hệ thống THADS một số nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ.
- Công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo chưa được tập trung chỉ đạo. Một số vụ việc vi phạm đã kéo dài nhưng chưa kịp thời phát hiện dẫn đến công chức bị xử lý hình sự.
- Một số địa phương chưa được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đầy đủ như máy vi tính, máy in, kho, trụ sở...
- Việc sơ kết, tổng kết công tác PCTNTC theo tháng, quý, năm chưa thực hiện thường xuyên, liên tục theo chuyên đề riêng, do đó chưa kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.
- Công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan có liên quan được thực hiện chưa thường xuyên, chặt chẽ. Một số Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
- Pháp luật về THADS có nhiều quy định chưa thực sự phù hợp thực tiễn, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, rườm rà, sơ hở, dễ bị lợi dụng cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.
- Khối lượng công việc, tiền phải thi hành án lớn và ngày càng tăng trong khi biên chế ngày càng giảm, gây áp lực quá tải cho hoạt động THADS, trong khi đó việc đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS còn hạn chế.
3. Một số giải pháp phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống thi hành án dân sự
Phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác PCTNTC trong hệ thống THADS, để thực hiện tốt công tác PCTNTC trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống THADS như sau:
Một là, rà soát các chỉ đạo của Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, xác định đầy đủ các văn bản đã quán triệt, triển khai để xác định các văn bản và nội dung còn chưa hoặc quán triệt, triển khai chưa đầy đủ, cụ thể, thực hiện chưa hiệu quả. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tổng hợp để thực hiện hiệu quả nhất công tác phòng, chống tham nhũng trong THADS.
Hai là, tiếp tục chú trọng công tác quán triệt, triển khai, tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC giai đoạn 2012 - 2022 của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và các văn bản khác của Đảng và Nhà nước về PCTNTC. Gắn công tác phòng, chống tham nhũng với đấu tranh, loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh PCTNTC của một số cán bộ, công chức, về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống THADS, nhất là trong các cấp cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ba là, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động; kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác những vị trí dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động; thực hiện nghiêm việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Bốn là, chú trọng thực hiện công tác kiểm tra việc quán triệt, triển khai, thực hiện các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự về công tác PCTNTC đối với một số cơ quan THADS địa phương; kiểm tra đối với các đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra đối với địa phương, lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Sau khi kiểm tra, ban hành Kết luận kiểm tra chỉ rõ các vi phạm, sai phạm để kịp thời khắc phục, tránh tình trạng bao che cho cấp dưới tiếp tục vi phạm. Kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, đối với một số loại án lớn; án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; theo dõi các vụ án phức tạp, kéo dài. Chỉ đạo các đơn vị của Cục THADS, Chi cục THADS kiểm tra toàn diện các khoản tiền tồn đọng trong THADS (từ tiền bán đấu giá tài sản, tiền chờ chi trả thi hành án, các khoản tiền chưa xử lý đang gửi tại các tổ chức tín dụng, kho bạc...) bảo đảm không được để sai sót vi phạm các quy định về nơi gửi, lãi suất, thời hạn... nhằm phòng tránh việc lấy tiền thi hành án gửi tiết kiệm lấy lãi trái quy định của pháp luật. Thực hiện hậu kiểm, kiểm tra lại việc thực hiện các nội dung tại kết luận kiểm tra đối với đơn vị được kiểm tra, bảo đảm các sai phạm đã được chỉ ra phải được khắc phục, không lặp lại.
Nâng cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân định kỳ theo quy định. Tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh. Tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài và các vụ việc theo kiến nghị của Quốc hội và các tổ chức chính trị - xã hội.
Năm là, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan THADS địa phương. Phát huy vai trò lãnh đạo, trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan THADS, thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đúng với phương châm: “Cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cấp ủy viên phải gương mẫu hơn đảng viên, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.
Tập trung xây dựng, đội ngũ chấp hành viên, công chức làm công tác THADS có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Trong công tác tuyển dụng, lựa chọn những người có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất, đạo đức tốt phù hợp nhu cầu vị trí tuyển dụng và đáp ứng được yêu cầu công việc. Tăng cường tập huấn công tác kiểm tra, công tác PCTNTC trong THADS; đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo các chương trình, kế hoạch đã được ban hành. Chú trọng công tác chấn chỉnh kỷ cương nề nếp công vụ, xử lý kỷ luật kịp thời những lãnh đạo, công chức vi phạm pháp luật về PCTNTC; tinh giảm đối với công chức yếu kém về năng lực và loại ra khỏi hệ thống THADS những công chức thoái hóa, biến chất; hạn chế tối đa tình trạng cán bộ, chấp hành viên vi phạm pháp luật dẫn đến phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tăng cường luân chuyển lãnh đạo, công chức đi cơ sở để trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành tồn đọng kéo dài, kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với các đối tượng cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Sáu là, tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ cho công tác THADS cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục bố trí các khoản chi đặc thù, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, nhằm mục tiêu bảo đảm trang thiết bị, phương tiện làm việc và công cụ hỗ trợ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tạo tâm lý yên tâm công tác của công chức ngành THADS.
Bảy là, tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Bộ và các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ ra các điểm còn tồn tại, hạn chế giúp các địa phương rút kinh nghiệm. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo THADS địa phương để chỉ đạo điều hành hoạt động phối hợp THADS, cần có biện pháp đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các cá nhân, tổ chức không thực hiện việc phối hợp trong công tác THADS. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền về Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thi hành án dân sự...; phối hợp tốt với ngân hàng trong việc xử lý nợ, thế chấp tài sản... Tiếp tục phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Tố tụng hành chính (thủ tục hành chính); các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật về thủ tục hành chính và thi hành án hành chính.
Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan THADS đã quyết liệt thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để ngăn ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong THADS và đã đạt được những kết quả, bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm, đẩy mạnh công tác PCTNTC của Đảng, Nhà nước, tình hình tội phạm diễn ra ngày càng phức tạp, các hành vi tham nhũng trong THADS ngày càng trở lên tinh vi, khó lường. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mở rộng các chủ thể tham gia công tác PCTNTC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, ngày càng giảm thiểu tiến tới không còn vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hệ thống THADS.
Trần Thị Thanh Tâm
Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng cục Thi hành án dân sự
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 383), tháng 6/2023)