Căm-pu-chia là nước láng giềng, có quan hệ truyền thống với Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực. Đặc biệt trong bối cảnh đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, giao lưu, hợp tác của công dân hai nước với nhau được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên, trong thời gian qua không ít công dân Việt Nam lợi dụng tình hình đó sang Căm-pu-chia đánh bạc. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, các cơ quan hữu trách đã tăng cường triển khai nhiều kế hoạch công tác trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm nói riêng, vi phạm pháp luật nói chung và phối hợp giải quyết vấn đề người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, kiểm soát chặt chẽ hơn tình hình an ninh, trật tự các tuyến biên giới, bước đầu tạo ra được những chuyển biến tích cực, kiềm chế được sự gia tăng số lượng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc.
1. Những thành tựu của công tác đấu tranh phòng, chống tình trạng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc
Trong thời gian qua lực lượng công an, quân đội đã nâng cao vai trò nòng cốt, tham mưu, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các tổ chức và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần kiềm chế được sự gia tăng tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và Kế hoạch số 1535/C41-C42 ngày 09/05/2011 của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, công an các đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc và phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác có liên quan. Công tác đấu tranh của các lực lượng phòng, chống tội phạm đã đạt được những thành tựu đáng chú ý như sau:
Một là, đã tham mưu, hướng dẫn triển khai ý kiến chỉ đạo của cấp trên đến công an cấp cơ sở và đôn đốc các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. Tổ chức các đoàn khảo sát trên tuyến biên giới Tây Nam và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các cơ sở dịch vụ tổ chức đánh bạc cho người nước ngoài tại khách sạn ở một số địa bàn biên giới trên lãnh thổ Việt Nam nhằm đề xuất các biện pháp quản lý về an ninh, trật tự và ngăn chặn các hoạt động đánh bạc qua biên giới. Báo cáo cấp trên về tình hình, kết quả và đề xuất, chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm; Công an các địa phương phối hợp với các lực lượng liên quan thực hiện một số biện pháp trọng tâm, cấp bách phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết vấn đề người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc.
Hai là, công an các địa phương dọc tuyến biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia đã lập kế hoạch triển khai chuyên đề đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo giải quyết tình trạng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc. Đã tổ chức 310 cuộc tuyên truyền trực tiếp cho 34.964 lượt người dân và vận động tự giác cam kết không tham gia các hoạt động cờ bạc; tiến hành nắm tình hình các loại đối tượng sang Căm-pu-chia đánh bạc, lên danh sách và lập hồ sơ 3.152 đối tượng, gồm những người thường xuyên sang Căm-pu-chia đánh bạc, các đối tượng sang Căm-pu-chia đầu tư, tổ chức đánh bạc, cho vay, cầm đồ, môi giới phục vụ hoạt động đánh bạc tại các casino, trường gà, đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi đánh bạc (1)…
Ba là, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm các địa phương tăng cường phối hợp nắm tình hình, chủ động triển khai các kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh, xử lý các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động đánh bạc qua biên giới. Công an một số đơn vị, địa phương có chung đường biên giới với Căm-pu-chia, như Công an tỉnh Kiên Giang, Tây Ninh, An Giang đã chú trọng tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các đường dây môi giới, dẫn dắt và tổ chức đưa người sang Căm-pu-chia đánh bạc. Trong 6 tháng từ khi triển khai Kế hoạch số 1535/C41-C42, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử lý 41 vụ với 45 đối tượng có hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động đánh bạc qua biên giới Căm-pu-chia, giải cứu 15 nạn nhân bị bắt giữ trái pháp luật; tiếp tục đấu tranh nhằm triệt phá các băng nhóm, tổ chức tội phạm cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật liên quan đến đánh bạc ở Căm-pu-chia và triệt phá nhiều đường dây môi giới, đưa người sang Căm-pu-chia đánh bạc (bước đầu đã bắt giữ 05 đối tượng để đấu tranh, xử lý). Riêng Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 140 đối tượng xuất cảnh trái phép qua biên giới, phạt tiền tổng số 178.150.000 đồng, lập hồ sơ quản lý đối với 418 đối tượng; phối hợp với cảnh sát Căm-pu-chia bắt 02 đối tượng có hành vi bắt giữ người trái pháp luật (2)…
Bốn là, lực lượng chức năng các đơn vị, địa phương đã tiến hành rà soát, bổ sung và lập hồ sơ về 107 xã, phường, thị trấn giáp biên giới Căm-pu-chia; thống kê lên danh sách và áp dụng các biện pháp quản lý giáo dục trên 5.000 người thường xuyên qua lại biên giới có biểu hiện đánh bạc. Cục Cửa khẩu - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát hiện bắt giữ 300 trường hợp xuất cảnh trái phép qua các đường mòn khu vực biên giới sang Căm-pu-chia đánh bạc, ra quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo 279 đối tượng, phạt tiền 31 đối tượng với tổng số tiền 37.650.000 đồng, tiêu hủy 08 con gà chọi sử dụng để phục vụ tổ chức đánh bạc, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng nơi các đối tượng cư trú để giáo dục, quản lý. Cục Điều tra tội phạm ma túy - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo, phối hợp với lực lượng biên phòng các tỉnh trên tuyến biên giới Tây Nam tổ chức 130 buổi tuyên truyền cho 3.796 người dân, vận động 1.786 hộ dân tại khu vực biên giới cam kết không đưa đón người qua biên giới trái phép, không sang Căm-pu-chia đánh bạc; mở hồ sơ theo dõi 40 casino, trường gà; lập hồ sơ quản lý, giáo dục 51 đối tượng chủ mưu, cầm đầu tổ chức lôi kéo người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc; xử lý hành chính 163 vụ với 344 đối tượng xuất cảnh trái phép sang Căm-pu-chia tham gia đánh bạc, khởi tố 04 vụ với 04 đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (3).
2. Những khó khăn, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tình trạng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc
Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong công tác đấu tranh, nhưng do nhiều nguyên dân, diễn biến tình hình vẫn còn rất phức tạp, trung bình hàng ngày có trên 3.000 lượt người Việt Nam sang Căm-pu-chia để tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày số lượng tiền của người Việt Nam bị mất do thua bạc ở Căm-pu-chia lên tới khoảng 2 triệu USD (4). Tình trạng này làm cho nhiều người dân lâm vào cảnh nợ nần, mất nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, mất việc làm, sản xuất đình trệ; phong tục, tập quán, đạo đức xã hội, đạo đức gia đình bị xuống cấp; các loại tội phạm, tệ nạn phát sinh phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự của không chỉ khu vực biên giới mà còn lan rộng ở nhiều địa phương trong cả nước. Công tác phối hợp giải quyết tình trạng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc ở các đơn vị, địa phương trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Những khó khăn, hạn chế trong công tác đấu tranh với tình trạng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc có thể khái quát như sau:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, giáo dục và quản lý các đối tượng có hành vi qua biên giới đánh bạc chưa thực sự có hiệu quả; số lượt người được tuyên truyền, cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội khá lớn, nhưng chưa thể hiện được hiệu quả thực tế của công tác này, vẫn còn hàng nghìn người tái phạm nhiều lần nhưng không xử lý, ngăn chặn được.
Thứ hai, công tác nắm tình hình chưa sâu, chưa nắm được đầy đủ hoạt động và hậu quả của tình trạng người dân sang Căm-pu-chia đánh bạc và những tội phạm, vi phạm pháp luật khác có liên quan. Do đó, việc đề ra các chủ trương, giải pháp còn bất cập; chưa đầu tư đúng mức cho công tác phòng, chống tội phạm và giải quyết vấn đề người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc.
Thứ ba, các hoạt động tổ chức lôi kéo, đưa người sang Căm-pu-chia đánh bạc, đòi nợ thuê, xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… có liên quan đến đánh bạc ở Căm-pu-chia diễn biến rất phức tạp, nhưng việc phát hiện, triệt phá, xử lý các đường dây, ổ nhóm này chưa nhiều và hiệu quả chưa cao.
Thứ tư, các đơn vị, địa phương nhìn chung vẫn còn bị động trước những khó khăn, vướng mắc trong vận dụng chính sách, pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để phối hợp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
Tóm lại, mặc dù các cơ quan hữu trách đã có nhiều nỗ lực để kiềm chế tình trạng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc nhưng tình hình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, cần phải xây dựng và tổ chức thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu các giải pháp để kiềm chế và đẩy lùi tình trạng này.
3. Các giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tình trạng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc
Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết tình trạng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc, cần phải tiến hành đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp với phương châm chỉ đạo là phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền, chủ công là lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng; kiên trì và tăng cường chỉ đạo giải quyết; tập trung phòng ngừa, đấu tranh trong nội địa là chính, cụ thể như sau:
Một là, lực lượng công an phải đóng vai trò chủ trì, chủ động phối hợp với quân đội (chủ yếu là bộ đội biên phòng) và các ngành có liên quan tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 48/CT-TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, Kết luận số 86/KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05/CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới” và các Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm; tăng cường quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tranh thủ người có uy tín, già làng, trưởng bản…, vận động nhân dân không tham gia đánh bạc và các tệ nạn xã hội khác; lồng ghép vấn đề này trong phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng các khu dân cư, gia đình văn hóa. Trong số người sang Căm-pu-chia đánh bặc, tỷ lệ phụ nữ và thanh niên chiếm đa số (trên 70%), vì vậy, cần quan tâm chỉ đạo, phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong công tác phòng ngừa, giáo dục, ngăn chặn tình trạng thanh niên, phụ nữ tham gia đánh bạc.
Hai là, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm cần tăng cường toàn diện hơn công tác phòng, chống các loại tội phạm nói riêng, vi phạm pháp luật nói chung liên quan đến hoạt động đánh bạc qua biên giới, tập trung thực hiện các biện pháp cụ thể sau:
(i) Tiếp tục khảo sát nắm tình hình toàn diện hoạt động của các sòng bạc, trường gà; tình hình người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc và hậu quả của tình hình này gây ra. Mở hồ sơ theo dõi từng hệ loại đối tượng sang Căm-pu-chia đánh bạc, phân loại cụ thể để có biện pháp, đối sách với từng loại đối tượng:
- Đối với các đối tượng bảo kê, dẫn dắt, tổ chức đưa người đi đánh bạc, xiết nợ, đòi nợ thuê thì cần tập trung thu thập chứng cứ để đấu tranh xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Chú ý nắm chắc tình hình các đường dây đưa đón người đến sòng bạc để làm rõ tính chất, mức độ, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng; xây dựng hồ sơ các tổ chức, băng ổ nhóm tội phạm đang có biểu hiện hoạt động để tiến hành đấu tranh, triệt phá kịp thời, không để hình thành các tổ chức tội phạm theo kiểu “xã hội đen”.
- Đối với số đối tượng thường xuyên sang Căm-pu-chia đánh bạc cần củng cố hồ sơ, chứng cứ và phối hợp với lực lượng quản lý xuất nhập cảnh, bộ đội biên phòng ở các cửa khẩu để hạn chế xuất, nhập cảnh. Áp dụng các biện pháp hành chính, quản lý theo quy định tại Nghị định số 163/CP; thường xuyên răn đe, giáo dục; nếu tái phạm và có biểu hiện phạm tội thì phải kiên quyết xử lý.
- Các đối tượng khác có biểu hiện vi phạm cần lập danh sách tiếp tục theo dõi, quản lý và thông báo về xã, phường, thị trấn, khu dân cư để có biện pháp giáo dục; thông báo kịp thời cho các cơ quan, tổ chức các thông tin về cán bộ, đảng viên, hội viên vi phạm hoặc có liên quan đến các hoạt động đánh bạc để giáo dục, xử lý nghiêm khắc.
(ii) Triển khai các biện pháp, phương tiện kỹ thuật đấu tranh với các hoạt động sử dụng công nghệ cao để đánh bạc. Thực hiện tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng của Căm-pu-chia nhằm đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đối tượng hoạt động lưu động mang tính xuyên quốc gia. Phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ qua biên giới, ngăn chặn các hành vi vận chuyển hàng hóa, tiền tệ và xuất, nhập cảnh trái phép.
(iii) Khẩn trương điều tra các vụ án đã xảy ra tại khu vực biên giới có liên quan đến hoạt động đánh bạc, như giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, cho vay nặng lãi… Lực lượng công an phối hợp với các ngành chức năng sớm đưa ra xét xử công khai để tuyên truyền, giáo dục, răn đe các đối tượng khác, đồng thời giúp nhân dân hiểu rõ tác hại của hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, từ đó có nhận thức đẩy đủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Ba là, công an các tỉnh giáp biên giới Căm-pu-chia phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng, lực lượng quản lý xuất, nhập cảnh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tăng cường các mặt công tác cơ bản, cụ thể là:
(i) Phối hợp chặt chẽ trong việc cấp giấy thông hành sang Căm-pu-chia; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hộ chiếu, giấy thông hành, người, phương tiện xuất, nhập cảnh; tuần tra kiểm soát khu vực giáp ranh dọc biên giới hai nước; triển khai các kế hoạch, biện pháp nhằm kịp thời phát hiện và phối hợp đấu tranh xử lý các hành vi tham gia tổ chức đánh bạc và các loại tội phạm khác trên tuyến biên giới.
(ii) Thông qua các cuộc giao ban định kỳ, đột xuất của Công an, Bộ đội biên phòng các tỉnh, các huyện, các đồn Biên phòng giữa hai nước để trao đổi, phối hợp đấu tranh ngăn chặn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chung cũng như phối hợp giải quyết các vụ việc cụ thể, bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm.
(iii) Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm phối hợp với lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tập trung rà soát tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh cầm đồ, cho vay nặng lãi, kịp thời phát hiện, xử lý các hoạt động mang tính “tín dụng đen”, cưỡng đoạt tài sản, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có; tăng cường công tác quản lý cư trú, nắm chặt chẽ tình hình công dân tạm vắng nhiều ngày sang Căm-pu-chia tham gia các hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc chuyên nghiệp.
(iv) Lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác”. Các đơn vị, địa phương cần đưa nhiệm vụ đấu tranh với tình trạng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc vào chương trình công tác thường kỳ để tập trung chỉ đạo thực hiện, không chỉ ở địa bàn biên giới, mà cần triển khai trên toàn quốc nhằm tạo chuyển biến tốt hơn trong đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội.
(v) Tổ chức rà soát, nghiên cứu đề xuất sơ kết việc thực hiện Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia và các văn bản có liên quan đến vấn để bảo vệ an ninh biên giới; đánh giá những việc đã thực hiện và tồn tại, khó khăn, vướng mắc, từ đó có kiến nghị, đề xuất những giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm tham mưu cho Đảng, Nhà nước chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung nhằm tăng cường quan hệ hợp tác đối ngoại, đồng thời đảm bảo các yêu cầu bảo vệ an ninh; trật tự khu vực biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia.
Trên đây là những giải pháp cơ bản, mang tính đột phá, cần được các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp triển khai một cách đồng bộ để kiềm chế, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam sang Căm-pu-chia đánh bạc trong thời gian tới.
Hồ Thế Hòe
(1) Báo cáo số 4829/C41 - C42 ngày 14/12/2011 của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an.
(2) Báo cáo số 4829/C41 - C42 ngày 14/12/2011 của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an.
(3) Báo cáo số 4829/C41 - C42 ngày 14/12/2011 của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an.
(4) Báo cáo số 4829/C41 - C42 ngày 14/12/2011 của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an.