Trong một vài năm trở lại đây, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bao gồm tổng thể nhiều nhóm lĩnh vực khác nhau, trong đó nhóm hỗ trợ về văn bản pháp lý luôn là vấn đề trọng tâm hàng đầu được Nhà nước chú trọng xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thành lập, tồn tại và tạo đà phát triển. Một trong những văn bản được cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng đón nhận nhiều nhất trong thời gian qua là Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Bên cạnh những nội dung chỉ đạo trực tiếp khác, chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh đến việc không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 01 lần/năm, nhằm mục đích không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Qua việc ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, không thể phủ nhận giá trị và mong muốn của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp có được một môi trường kinh doanh tích cực hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, trên thực tế vẫn còn khá nhiều bất cập, khó khăn, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khởi nghiệp và tham khảo những giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, kính mời quý bạn đọc tìm đọc bài viết: “Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khởi nghiệp” của tác giả Nguyễn Thị Hoài Phương & Nguyễn Lan Hương đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Nhận diện rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp” năm 2019 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.