Trên cơ sở Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” ban hành kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-TTg ngày 30/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Cần Thơ là một trong 6 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai thực hiện thí điểm Đề án. Thực hiện Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03/3/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Phòng Công tác theo dõi thi hành pháp luật thuộc Sở Tư pháp và đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2010. Về tổ chức biên chế của Phòng Công tác theo dõi thi hành pháp luật hiện nay có 03 biên chế và 01 hợp đồng.
Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Phòng Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan thực hiện công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; chủ trì xây dựng báo cáo kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương trình Thủ trưởng cơ quan chuyên môn gửi Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Tư pháp theo dõi tình hình thi hình pháp luật trong lĩnh vực được phân công.
Đối với Ủy ban nhân dân quận, huyện giao Phòng Tư pháp thực hiện công tác theo dõi chung tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Tư pháp.
Căn cứ nhiệm vụ được giao và tình hình địa phương, hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật, trong đó có xác định lĩnh vực trọng tâm theo dõi trong năm, chỉ đạo tổ chức phương pháp theo dõi thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực và địa phương, đảm bảo công tác theo dõi thi hành pháp luật được tiến hành thường xuyên, liên tục và toàn diện, trên cơ sở tăng cường công tác điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trên thực tế. Đội ngũ công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật cơ bản được đào tạo về chuyên môn (có trình độ đại học và trên đại học), được tập huấn về công tác theo dõi thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu công việc.
Thời gian qua, công tác theo dõi thi hành pháp luật tại Cần Thơ đã thực hiện theo các cách thức như: Điều tra, khảo sát; thực hiện khảo sát bằng phiếu, phỏng vấn và tổ chức tọa đàm; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; thu thập thông tin báo cáo từ các cấp, các ngành tại địa phương. Trong năm 2011 và năm 2012, đã tập trung theo dõi việc thi hành pháp luật trong các lĩnh vực: Thuế, phí và lệ phí; đăng ký kinh doanh; trật tự an toàn giao thông. Qua đó, đánh giá việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và địa phương; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; mức độ tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; tác động của văn bản quy phạm pháp luật đối với đời sống xã hội... Bên cạnh đó, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật từng bước được nghiên cứu, xác định nội dung, cách thức thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhằm tăng cường hiệu quả trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực việc thi hành pháp luật còn những hạn chế. Việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật thực tế còn chậm, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm chỉ đạo nhưng việc thực hiện chưa thường xuyên, sâu sát đến cơ sở; việc thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên; vẫn có trường hợp vi phạm pháp luật. Uỷ ban nhân dân thành phố đã ban hành quyết định thành lập Phòng Pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn của thành phố nhưng do biên chế không được tăng thêm, hơn nữa cán bộ làm công tác pháp chế phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định nên việc bố trí nhân sự thành lập các Phòng này gặp khó khăn, chưa đều khắp, vì vậy, công tác theo dõi thi hành pháp luật cũng bị ảnh hưởng phần nào do thiếu đầu mối theo dõi ở cấp sở, ngành của thành phố. Công tác điều tra, khảo sát việc thi hành pháp luật còn hạn chế. Việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật có một số khó khăn, vướng mắc do những hướng dẫn về nội dung, cơ chế, cách thức thực hiện theo quy định tại Thông tư 03/2010/TT-BTP chưa cụ thể và khó áp dụng thực hiện như:
- Chưa quy định các tiêu chí làm cơ sở theo dõi, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật, tác động của văn bản quy phạm pháp luật đối với đời sống xã hội, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
- Về cách thức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Thông tư số 03/2010/TT-BTP quy định còn chưa cụ thể cách thức tổ chức điều tra, khảo sát; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật. Mặt khác, chưa có những quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan tiến hành kiểm tra và của các đối tượng được kiểm tra.
- Về cơ chế phối hợp, chưa có những quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành.
- Chưa có cơ sở để xác định nội dung theo dõi thi hành pháp luật hàng năm ở mỗi địa phương.
- Chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể về nhân sự, kinh phí để thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật, nhất là kinh phí phục vụ hoạt động điều tra, khảo sát tại địa phương.
Từ những vướng mắc trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật thời gian qua, chúng tôi đề ra những giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian tới:
- Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân quận, huyện trong việc thực hiện kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật của thành phố theo các cách thức do Thông tư 03 quy định, nhất là việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công, tại địa phương và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật; cùng với các sở, ngành, quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật;
- Hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn cho cán bộ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các sở, ngành, quận, huyện;
- Tăng cường công tác thu thập thông tin để tham mưu đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố kiểm tra, xử lý kịp thời những vấn đề “nóng” tại địa phương.
- Phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố về biên chế, kinh phí thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, cần có văn bản pháp luật quy định cụ thể về phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện đánh giá, theo dõi tình hình thi hành pháp luật; quy định cụ thể các tiêu chí làm cơ sở theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; cơ chế phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác theo dõi thi hành pháp luật; cơ chế hỗ trợ, kinh phí thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương; trách nhiệm thông tin, báo cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cơ chế xử lý thông tin...
Để đánh giá được thực trạng và hiệu quả thi hành pháp luật, thì việc theo dõi phải được thực hiện cùng lúc bằng nhiều cách thức, thu thập được thông tin đa dạng, nhiều chiều. Đối với cùng một vấn đề, nhưng cách thức thực hiện theo dõi khác nhau, lượng thông tin thu thập được khác nhau, thì kết quả đánh giá khác nhau.
Báo cáo đánh giá đó là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời đôn đốc, tổ chức và hướng dẫn thực hiện; sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật có liên quan; đưa ra chính sách mới và nhiều khi cũng là cơ sở để cấp trên đánh giá hiệu quả hoạt động của cấp dưới từ việc so sánh giữa các ngành, các địa phương.
Do đó, để tạo sự thống nhất, đề nghị Bộ Tư pháp ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn định lượng thông tin cần thu thập; quy trình kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; quy trình thu thập, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật.
Ngoài ra, công tác tập huấn, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là nghiệp vụ điều tra, khảo sát và xử lý thông tin được cung cấp, để việc thực hiện công tác này đạt hiệu quả cao hơn.
Sở Tư Pháp TP. Cần Thơ