Trên cơ sở bám sát kế hoạch công tác của Ngành Tư pháp, của tỉnh, trong năm 2015, các cơ quan THADS ở Sơn La đã tập trung nâng cao chất lượng công tác, đáp ứng yêu cầu và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bài viết đã đề cập tới: Kết qủa công tác thi hành án dân sự năm 2015 ở Sơn La; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; từ đó có một số đề xuất, kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự ở Sơn La trong thời gian tới.
Trong những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện và lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành hữu quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả công tác THADS hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu thi hành án do Tổng cục Thi hành án giao, chỉ tính riêng năm 2015, kết quả công tác THADS trong toàn tỉnh đạt tỷ lệ 93,67 % về việc/số việc có điều kiện thi hành (vượt 5,67% so với chỉ tiêu được Bộ Tư pháp giao); về tiền đạt tỷ lệ 80,09%/ số tiền có điều kiện thu (vượt 3,09% so với chỉ tiêu được Bộ Tư pháp giao); tỷ lệ giảm án chuyển kỳ sau về việc đạt 10% (đạt chỉ tiêu được Bộ Tư pháp giao). Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sơn La được Bộ Tư pháp xếp hạng là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2015. Hiệu quả của công tác THADS đã góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những kết quả trong năm 2015 do một số nhân tố sau:
Thứ nhất, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu của tập thể công chức trong ngành và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Cục, các Chi cục trưởng cùng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy sức mạnh tập thể của từng đơn vị chuyên môn, từng Chi cục và của tất cả các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh.
Thứ hai, trên cơ sở bám sát vào định hướng và chỉ đạo của cấp trên, trong công tác chỉ đạo điều hành phải luôn chủ động, sáng tạo, từ việc xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phù hợp đặc điểm tình hình của địa phương. Trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, bên cạnh việc phải sâu sát cơ sở, một trong những giải pháp mà các cơ quan THADS tỉnh Sơn La “đã thực hiện đó là tăng cường công tác kiểm tra với phương châm “đã lãnh đạo thì phải có kiểm tra, không có kiểm tra thì không phải là lãnh đạo”, thông qua công tác kiểm tra để nắm bắt tình hình của các đơn vị cơ sở từ đó chỉ đạo kịp thời, phát hiện và hạn chế sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị và công chức, từ đó hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến, học tập kinh nghiệm công tác theo hướng cầm tay chỉ việc cho công chức ở cơ sở, nâng cao ý thức, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức, bảo đảm tính trung thực trong việc thực hiện báo cáo, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành ở cơ sở… Có thể khẳng định, công tác kiểm tra là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS của tỉnh Sơn La trong thời gian qua.
Thứ ba, tích cực chủ động, xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành trong THADS, đặc biệt là với các cơ quan công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Xuất phát từ đặc điểm của địa phương là tỉnh có tỷ lệ THADS trong các vụ án hình sự cao, để giải quyết dứt điểm các vụ việc mới phát sinh, các cơ quan THADS trong tỉnh đã thực hiện tốt việc tuyên truyền pháp luật về thi hành án, tạm thu án phí, tiền phạt, tiền bồi thường theo đơn tự nguyện của người phải THADS và thu thập thông tin của người phải thi hành án ngay tại phiên tòa (có sổ theo dõi thông tin của người phải thi hành án ghi chép các thông tin: vợ, chồng, người thân, địa chỉ, số điện thoại, tài sản...). Trong hầu hết các vụ án mới phát sinh, các cơ quan THADS trong tỉnh đều thu được án phí, đồng thời, sau khi bản án có hiệu lực, việc nắm bắt thông tin của người phải thi hành án luôn được chủ động và liên hệ kịp thời để giải quyết dứt điểm vụ việc. Đối với việc phối hợp với các trại tạm giam và trại giam của cơ quan công an, các cơ quan THADS đã thường xuyên cử cán bộ trực tiếp đến tống đạt văn bản THADS, trả lại tài sản, giấy tờ, xác minh thi hành án… Thông qua các giải pháp trên đã giảm đáng kể thời gian đi lại, xác minh và giải quyết dứt điểm được vụ việc mới phát sinh, nâng cao tỷ lệ thi hành án về việc, tập trung được nhân lực, thời gian cho việc giải quyết án theo đơn để nâng cao tỷ lệ THADS về tiền.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Một là, Sơn La là tỉnh miền núi ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có địa bàn rộng (diện tích tự nhiên là 14.174 km², chiếm 4,27% diện tích cả nước, đứng thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành phố và là một trong những tỉnh có mật độ dân số thấp nhất của cả nước), điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Số lượng án thụ lý phải thi hành hàng năm tương đối lớn, trong đó, số lượng án ma túy có giá trị phải thi hành lớn chiếm tỷ lệ cao và phần lớn khó thi hành được do người phải thi hành án đang thụ hình, điều kiện kinh tế không có gì hoặc sau khi mãn hạn tù không trở về địa phương cư trú. Một số đối tượng thường xuyên phạm tội mới không đủ điều kiện xét miễn giảm theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, do đó việc triển khai thực hiện chỉ tiêu công tác thi THADS còn gặp nhiều khó khăn.
Hai là, tổ chức bộ máy, cán bộ của các cơ quan THADS vẫn đang trong giai đoạn củng cố, xây dựng tổ chức và đào tạo cán bộ. Các cơ quan thi hành án dân sự Sơn La hiện có 132 biên chế công chức và 28 hợp đồng lao động theo chế độ hợp đồng 68, 6 chấp hành viên trung cấp (4,6%), 40 chấp hành viên sơ cấp (30,7%), 5 thẩm tra viên (3,8%), 5 thư ký thi hành án (3,8%), 15 thư ký trung cấp (11,5%), 20 chuyên viên (15,3%), 10 cán sự (7,6%), 17 kế toán (13%, gồm 05 kế toán viên, 12 kế toán viên trung cấp), 12 nhân viên (9,2%). Hàng năm số lượng công chức phải tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ với số lượng tương đối lớn, số lượng công chức có chức danh chấp hành viên, thẩm tra viên ở các đơn vị còn ít, do thiếu nguồn công chức đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm dẫn đến tình trạng quá tải trong việc giải quyết án tại một số đơn vị (như Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mộc Châu, Sông Mã, Yên Châu và thành phố Sơn La). Do đó chất lượng, hiệu quả đạt được đôi khi còn chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Ba là, thực tiễn công tác cho thấy một số văn bản pháp luật về THADS bộc lộ nhiều vướng mắc, chậm được tháo gỡ; công tác THADS có liên quan đến nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác, song việc quy định chồng chéo giữa các văn bản là một “điểm nghẽn”, gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các chấp hành viên trong việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án.
Bốn là, hiện nay Cục THADS đang phải tổ chức thi hành 23 việc, có đối tượng người phải thi hành là người mang quốc tịch Lào, 2 vụ việc là người mang quốc tịch Trung Quốc, những đối tượng này đều không có tài sản ở Việt Nam, do đó khả năng thi hành án về mặt dân sự là rất khó, thậm chí không có khả năng thi hành. Một số trường hợp người nước ngoài được trả lại tiền, tài sản, nhưng qua công tác xác minh cho thấy họ đã chấp hành xong hình phạt tù và trở về nước, cơ quan THADS đang thụ lý giải quyết vụ việc không thực hiện được thông báo… Đây là khó khăn mà cơ quan THADS đang gặp phải, nhiều vụ việc kéo dài mà không thể ra quyết định hoãn thi hành án được và cũng không thực hiện xét miễn, giảm thi hành án theo đúng quy định, dẫn đến việc thi hành án tồn đọng.
Năm là, trong công tác tổ chức thi hành án đối với các vụ việc liên quan đến ma túy. Hiện nay, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh đang phải tổ chức thi hành án đối với nhiều vụ án liên quan đến ma túy đã kéo dài nhiều năm mà người phải thi hành án phải thi hành khoản tiền phạt lớn so với khả năng của người phải thi hành án (phạt truy thu sung công quỹ 3 triệu đồng trên 1 bánh heroin). Qua công tác xác minh cho thấy họ phải chấp hành án phạt tù với thời hạn dài, thậm chí phải thi hành án tử hình, gia đình không có điều kiện để thực hiện thay, những trường hợp khác mặc dù đã chấp hành xong hình phạt tù, nhưng không trở về địa phương hoặc không có công việc làm, sống phụ thuộc vào gia đình, nhiều trường hợp còn là những người nghiện ma túy nhiều năm, không có điều kiện để thực hiện được 1/50 như quy định hiện hành để được xem xét, miễn giảm nghĩa vụ. Đây là khó khăn không nhỏ trong việc tổ chức thi hành án.
Sáu là, trong thời gian gần đây, nhiều tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại phát sinh..., làm gia tăng số vụ việc phải thi hành án theo đơn với số tiền phải thi hành lớn, tạo ra những khó khăn áp lực không nhỏ cho công tác THADS trên địa bàn.
Bảy là, hiện nay Tòa án nhân dân tỉnh đang thụ lý và giải quyết đơn xin phá sản của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, theo quy định của pháp luật, thì Cục Thi hành án dân sự tỉnh phải cử chấp hành viên làm tổ trưởng quản lý tài sản và thu hồi công nợ, trong khi điều kiện số lượng công chức và chấp hành viên của cơ quan THADS tỉnh còn ít, chưa tương xứng với khối lượng công việc (ví dụ: Chỉ tính riêng đối với hai doanh nghiệp làm thủ tục phá sản là Công ty dâu tằm tơ và Công ty cà phê cây ăn quả Sơn La, tổ quản lý tài sản và thu hồi công nợ phải tiến hành xác minh và thu hồi công nợ của gần 10 nghìn hộ dân), đây là những khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian và công sức, mặc dù pháp luật đã ghi nhận chức danh Quản tài viên, nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có đội ngũ làm công việc này.
Tám là, mặc dù đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhưng vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và yêu cầu hiện đại hóa công sở, đặc biệt là đối với các đơn vị cấp huyện đều chưa có kho vật chứng (như Chi cục THADS thành phố, 6 huyện Phù Yên, Bắc Yên, Thuận Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp, Vân Hồ).
3. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc
- Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Tòa án nhân dân tối cao và công tác thi hành án năm 2016 và những năm tiếp theo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các lĩnh vực hoạt động và việc chấp hành pháp luật THADS của cơ quan THADS địa phương.
- Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và định hướng thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính trị trong thời gian tới. Tạo ra cơ sở pháp lý, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về THADS thống nhất, đồng bộ.
- Tăng cường hướng dẫn công tác chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm bổ sung biên chế cán bộ, xem xét ban hành cơ chế đặc thù đối với cán bộ làm công tác THADS, nhất là ở các tỉnh miền núi, hải đảo còn nhiều khó khăn như Sơn La.
- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho cơ quan THADS địa phương tương xứng với vị thế, vai trò và chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sơn La