Abstract: The paper analyzes some inadequacies of regulations on civil judgment execution statistics, from there, puts forward solutions for further contribution to completion of civil jugment execution regime.
Thống kê là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, có vai trò cung cấp thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân. Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự cũng vậy, thống kê thi hành án dân sự từ lâu đã thực sự là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, có vai trò cung cấp thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ cho Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách liên quan đến thi hành án dân sự, kịp thời đánh giá, xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự để có biện pháp, giải pháp xử lý kịp thời. Với tầm quan trọng như vậy của công tác thống kê thi hành án dân sự và với mục đích góp phần tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thống kê thống nhất, đầy đủ, thực chất, hiệu quả hơn trong tất cả các lĩnh vực của công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án dân sự, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập một số khía cạnh như sau:
1. Bất cập trong các quy định về thống kê thi hành án dân sự
Thứ nhất, hoãn, tạm đình chỉ thi hành án dân sự có được coi là có điều kiện thi hành án hay không? Liên quan đến vấn đề này, theo quy định tại Điều 48 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) và Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì căn cứ hoãn thi hành án dân sự cần được phân biệt bởi hai trường hợp hoãn khi xuất hiện một số căn cứ theo quy định của pháp luật. Trường hợp thứ nhất, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án chủ yếu vì lý do khách quan khi có căn cứ quy định của pháp luật. Trường hợp thứ hai, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn của người có thẩm quyền kháng nghị. Đối với trường hợp này, Luật quy định rõ về thời điểm tiếp nhận yêu cầu cũng như thời hạn hoãn. Theo đó, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết. Trường hợp này được hiểu là thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn hoặc không. Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án. Như vậy, khi đó, đương nhiên cơ quan thi hành án dân sự không được thi hành án. Tuy nhiên, trong các quy định thống kê thi hành án dân sự hiện hành lại không loại trừ trường hợp này, dẫn đến một thực tế việc không được phép thi hành nhưng lại được đưa vào thống kê có điều kiện thi hành. Điều này không phản ánh trung thực, khách quan theo đúng nguyên tắc của thống kê. Nguyên nhân chính của vấn đề là do quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự không xác định những trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án dân sự của người có thẩm quyền kháng nghị. Cùng với đó, theo quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự (Thông tư số 08/2015/TT-BTP), nhiều vụ việc mà cơ quan thi hành án không thể tổ chức thi hành án được như hoãn, tạm đình chỉ, lý do khác lại được thống kê là việc có điều kiện thi hành, nên tỷ lệ số việc có điều kiện thi hành trên tổng số phải thi hành cao, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải quyết trên số việc có điều kiện giải quyết của các cơ quan thi hành án. Chính vì vậy, quy định về thống kê thi hành án dân sự cũng không đưa các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ của người có thẩm quyền kháng nghị vào diện án không hoặc chưa có điều kiện thi hành. Điều này đồng nghĩa với việc thống kê cả những vụ việc không có điều kiện thi hành án vào trường hợp có điều kiện thi hành, dẫn đến việc thống kê chưa phản ánh đúng hiện thực khách quan của sự việc như nguyên tắc của thống kê.
Thứ hai, việc thống kê tiền có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành án cũng đang có những vấn đề cần phải nghiên cứu để có giải pháp phù hợp. Theo tác giả Nguyễn Cường: Với cách tính thống kê thi hành án dân sự như hiện nay, thì án có điều kiện đang tính theo nghĩa vụ thi hành án chứ không phải tính theo điều kiện về tài sản, thu nhập thực tế của đương sự. Một đương sự có nghĩa vụ thi hành án 100 tỷ đồng, mặc dù qua xác minh, đương sự này chỉ có tài sản duy nhất trị giá 10 tỷ đồng, thì cơ quan thi hành án dân sự vẫn phải xác định có điều kiện 100 tỷ đồng chứ không phải là 10 tỷ đồng như điều kiện tài sản thực tế của đương sự. Ví dụ, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh đang thi hành việc thi hành án giữa Công ty cổ phần Công nghiệp hóa cốc Hà Tĩnh phải trả nợ vay cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh 180 tỷ đồng. Mặc dù qua xác minh, thẩm định giá, Công ty cổ phần Công nghiệp hóa cốc Hà Tĩnh chỉ có tài sản duy nhất là nhà xưởng và máy móc trị giá 30 tỷ đồng nhưng do tài sản bán đấu giá không có người mua, cho nên hơn 01 năm nay Cục Thi hành án dân sự vẫn đang phải thống kê vụ việc này là án có điều kiện với số tiền là 180 tỷ đồng. Như vậy, với cách tính thống kê như hiện nay thì số án có điều kiện đang được thống kê “ảo” là rất lớn. Điều này vừa không phù hợp với tình hình tài sản, thu nhập thực tế của đương sự, vừa làm cho việc hoàn thành chỉ tiêu của các cơ quan thi hành án dân sự trở nên khó khăn hơn rất nhiều[1]. Nguyên nhân chính là do theo quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-BTP chưa phân định rõ cách thống kê để xác định một vụ việc thi hành án dân sự được coi là có điều kiện một phần hay có điều kiện toàn bộ.
Thứ ba, thời gian tự nguyện thi hành án của đương sự có được coi là thời hạn để xác định người phải thi hành án có điều kiện thi hành và thống kê vào diện án có điều kiện thi hành án hay không? Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì đương sự có một khoảng thời gian là 10 ngày để tự nguyện thi hành án. Trong thời gian này, cơ quan thi hành án dân sự về cơ bản chưa được áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án (chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế khi phát hiện đương sự có dấu hiệu tẩu tán tài sản). Tuy nhiên, về mặt thống kê, thời gian tự nguyện thi hành của đương sự nói trên cũng phải tính vào thời gian tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Do vậy, dẫn đến một thực tế, cuối năm khi đến kỳ báo cáo, cơ quan thi hành án dân sự nhận được một bản án, quyết định của Tòa án hoặc nhận được đề nghị thi hành án dân sự từ phía người được thi hành án với số tiền lớn hàng ngàn tỷ đồng, vừa ra quyết định thi hành án, chưa làm bất cứ một biện pháp tác nghiệp nào, nhưng vẫn phải đưa vào diện thống kê án có điều kiện thi hành. Đồng nghĩa với việc công sức cả năm làm việc của chấp hành viên nói riêng và cơ quan thi hành án dân sự nói chung đã về đích, đạt tỷ lệ theo quy định nhưng chỉ một vài việc đã biến cơ quan thi hành án và chấp hành viên từ hoàn thành nhiệm vụ trở thành không hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên nhân chính của vấn đề này cũng xuất phát từ các quy định về thống kê. Hệ quả này gây ra áp lực rất lớn không chỉ cho cơ quan thi hành án mà nhất là đối với chấp hành viên, không thể chủ động được xem mình một năm có hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp hai năm liền không hoàn thành hoặc hoàn thành nhưng còn hạn chế về năng lực cũng có thể có nguy cơ về tinh giản biên chế.
2. Một số giải pháp
Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi cho rằng, giải pháp quan trọng nhất đó là sửa đổi toàn diện chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo hướng ban hành thông tư mới thay thế Thông tư số 01/2013/TT-BTP và Thông tư số 08/2015/TT-BTP; phạm vi điều chỉnh gồm tất cả các lĩnh vực của công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và liên quan. Các quy định về thống kê thi hành án dân sự phải đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền; cụ thể, dễ thực hiện và phản ánh được nhiều thông tin nhất; trong đó:
Một là, cần nghiên cứu, quy định rõ hoãn, tạm đình chỉ thi hành án dân sự, nhất là hoãn, tạm đình chỉ thi hành án dân sự theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị thì không thể xác định là có điều kiện thi hành. Bởi hoãn, tạm đình chỉ đồng nghĩa với việc buộc cơ quan thi hành án dân sự không được phép làm. Tuy nhiên, để bảo đảm không trái với quy định của Luật Thi hành án dân sự, chúng tôi cho rằng, cần xác định rõ trong thông tư thay thế Thông tư số 01/2013/TT-BTP và Thông tư số 08/2015/TT-BTP theo hướng tách riêng một mục để quy định về những trường hợp cơ quan thi hành án dân sự không được phép làm bên cạnh quy định về không có điều kiện thi hành. Trong trường hợp này, cần thiết thì cũng công khai, minh bạch để các bên có liên quan cùng theo dõi, giám sát.
Hai là, cần nghiên cứu để quy định rõ trường hợp có điều kiện thi hành và có điều kiện thi hành một phần. Quy định này để tránh tình trạng quy định con số ảo, rất dễ dẫn đến dư luận xã hội hiểu chưa đúng bản chất về kết quả thực hiện của cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó khăn, dễ bị lợi dụng trong quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng, do đó, cần đưa ra các tiêu chí thật rõ ràng để xác định rõ khi nào thì được xác định có điều kiện thi hành một phần ở mức độ chính xác nhất. Ví dụ, trên thực tế, các vụ việc đã được đưa ra thẩm định giá, bán đấu giá, lần thứ nhất, lần thứ hai không bán được, có thể thẩm định giá lại lần thứ ba và lấy kết quả thẩm định giá ở lần này để làm căn xác định điều kiện thi hành án. Như vậy, vừa kiểm soát được tình hình, vừa hạn chế được con số ảo mà các cơ quan thi hành án dân sự phải gánh.
Ba là, cần quy định cụ thể, chính xác thời điểm để xác định một vụ việc thi hành án dân sự được coi là có điều kiện thi hành để đưa vào thống kê. Theo chúng tôi, nếu xác định hết thời hạn tự nguyện, cùng với đó xác định khoảng thời gian để cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh theo thời hạn luật định để kết luận người phải thi hành án dân sự có điều kiện thi hành mới đưa vào diện thống kê có điều kiện hoặc không có điều kiện. Tránh tình trạng vụ việc vừa thụ lý thi hành, chưa làm bất cứ tác nghiệp nào thì đều xác định là có điều kiện thi hành, trong khi đó thực tế lại không phải là như vậy. Tuy nhiên, để tránh tình trạng chấp hành viên chậm thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác minh thì tăng cường công tác kiểm tra trong nội bộ của cấp trên đối với cấp dưới, kiểm sát của Viện kiểm sát và sử dụng hỗ trợ từ công nghệ thông tin liên quan đến theo dõi quá trình thi hành án của chấp hành viên thông qua phần mềm thống kê thi hành án dân sự.
Ngoài những vấn đề trên, cần cải cách thủ tục hành chính trong thống kê thi hành án dân sự theo hướng giảm số lượng, thời gian báo cáo thống kê. Tránh tình trạng chế độ thống kê thi hành án dân sự hiện nay theo Thông tư số 01/2013/TT-BTP và Thông tư số 08/2015/TT-BTP nêu trên quy định Chi cục, Cục thi hành án dân sự phải báo cáo 19 biểu mẫu theo kỳ 03 tháng, 06 tháng, 09 tháng, 12 tháng. Chấp hành viên phải thực hiện 04 biểu mẫu thống kê hàng tháng từ biểu số 01/TK-THA đến biểu số 04/TK-THA, ngoài ra, hàng quý, chấp hành viên phải thực hiện thống kê thêm biểu mẫu số 05/TK-THA về khoản tiền thu cho ngân sách nhà nước. Số lượng biểu mẫu báo cáo quá nhiều, gây khó khăn, vất vả cho chấp hành viên. Chưa kể tuy nhiều biểu mẫu, chỉ tiêu báo cáo nhưng các quy định trong thông tư hướng dẫn chế độ thống kê thi hành án dân sự chưa thực sự “trúng”. Thông tư chủ yếu chỉ thống kê về hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự mà chưa điều chỉnh hết các lĩnh vực của công tác thi hành án dân sự (thông báo về tài sản đã kê biên...), vì thế dẫn đến tình trạng nhiều lĩnh vực còn bỏ ngỏ, chưa được tập hợp hóa trong một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tất cả các lĩnh vực thống kê về thi hành án dân sự, gây khó khăn cho việc theo dõi, quản lý, chỉ đạo chung về thống kê thi hành án dân sự. Mặt khác, nhiều vấn đề liên quan đến thống kê thi hành án dân sự chưa được quy định, như: Chưa có quy định trình tự, thủ tục, nội dung thẩm tra thống kê thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP hoặc về phân tích và dự báo thống kê thi hành án dân sự...
Bộ Tư pháp
[1]. Nguyễn Cường: Những bất cập trong thống kê thi hành án dân sự; nguồn http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/nhung-bat-cap-trong-thong-ke-thi-hanh-an-dan-su-331049.html (truy cập ngày 06/11/2018).