1. Nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự trong thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Qua các kỳ Đại hội, những mục tiêu, quan điểm và giải pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Đảng không ngừng được bổ sung, hoàn thiện với phương châm lấy phòng ngừa là chính; đồng thời, tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng đúng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Đảng đã xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTN, ngang bằng với nhiệm vụ phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử người phạm tội. Thu hồi tài sản tham nhũng là một quá trình trải qua nhiều khâu từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự (THADS), mỗi khâu là một “mắt xích”, trong đó, THADS có vị trí quan trọng, là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PCTN.
THADS là hoạt động do Nhà nước tổ chức thực hiện, là khâu cuối của quá trình tố tụng, có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định; khơi thông nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
THADS và các giai đoạn tố tụng trước đó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Việc thi hành án nhanh chóng, kịp thời sẽ có tác động tích cực trở lại đối với hoạt động tố tụng, góp phần nâng cao hiệu quả chung.
Thu hồi tài sản tham nhũng được xem là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác PCTN. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, THADS đều có trách nhiệm chung đó là phải thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nhiệm vụ, kết quả hoạt động của cơ quan này là tiền đề cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Hiệu quả của công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế phụ thuộc rất lớn vào kết quả truy tìm, xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các cơ quan tiến hành tố tụng trước đó. Việc kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tất cả các khâu của quá trình tố tụng sẽ hạn chế việc chuyển nhượng, che giấu tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án:
- Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản để bảo đảm thi hành án, đồng thời, tích cực giải thích, động viên người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản đã chiếm đoạt để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.
- Trong giai đoạn THADS, bên cạnh việc tích cực xác minh, xử lý tài sản đã được cơ quan có thẩm quyền kê biên, phong tỏa, các cơ quan THADS tiếp tục chủ động xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án để xử lý thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhờ đó, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được nâng lên.
2. Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
2.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các giải pháp thực hiện
Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW[1], Kết luận số 05-KL/TW[2], với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương, nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, người dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có những chuyển biến rõ rệt. Lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh/thành ủy đã tích cực chỉ đạo, phối hợp trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Nhằm giúp Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp thực hiện vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngay sau khi Chỉ thị số 04-CT/TW được ban hành, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tham mưu cho đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng - Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký 02 văn bản[3] gửi Ban Cán sự Đảng các bộ, ban, ngành ở trung ương và các tỉnh/thành ủy đề nghị xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị để triển khai tại cơ quan, đơn vị, địa phương; định kỳ hàng năm, tổng hợp, xây dựng và gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị về Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Báo cáo của Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số luật trong đó có Luật Thi hành án dân sự[4], theo đó, sửa đổi, bổ sung các điều 55, 56, 57 quy định về ủy thác xử lý tài sản, góp phần khắc phục những bất cập trong cơ chế ủy thác hiện hành, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đồng thời ở nhiều địa phương để thu hồi tối đa tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cho Nhà nước. Có thể nói, đây là một bước đột phá quan trọng về thể chế bảo đảm thu hồi nhanh, thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.
Chủ động, tích cực phối hợp hoặc tham mưu Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành các vụ việc, trong đó, đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp có văn bản[5] gửi Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có ý kiến đề nghị Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thống nhất trong hệ thống Tòa án về quan điểm xử lý tài sản đã được bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án; văn bản[6] đề nghị đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tham mưu lãnh đạo Bộ Tư pháp ký văn bản gửi Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xem xét đề xuất, kiến nghị của Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc thống nhất quan điểm xử lý đối với tài sản bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án trong vụ PVAV; ký văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị quan tâm phối hợp tháo gỡ khó khăn trong xử lý tài sản của HTHN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đồng thời, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có văn bản[7] chỉ đạo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với công tác thu hồi tài sản đang do các cơ quan THADS tổ chức thực hiện.
Kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ đối với những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế do địa phương đề nghị; giám sát chặt chẽ quá trình xử lý tài sản của chấp hành viên, các cơ quan THADS trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo thông qua việc yêu cầu địa phương gửi toàn bộ các tài liệu phát sinh trong quá trình xử lý vụ việc về Tổng cục Thi hành án dân sự; định kỳ hàng tháng báo cáo tiến độ, kết quả xử lý vụ việc về Tổng cục Thi hành án dân sự; trực tiếp kiểm tra hồ sơ vụ việc và thực địa tài sản bảo đảm thi hành án. Trên cơ sở rà soát, đánh giá, Tổng cục Thi hành án dân sự đã kịp thời chỉ đạo, đặc biệt ngăn chặn kịp thời những sai phạm xảy ra trong quá trình tổ chức thi hành án, qua đó phòng tránh được những hậu quả gây thất thoát tài sản của Nhà nước ngay chính trong quá trình tổ chức thi hành các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt nêu trên, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương và lãnh đạo các bộ, ban, ngành ghi nhận.
2.2. Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, Tổng cục Thi hành án dân sự đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan THADS tập trung tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến loại việc này. Trong thời gian qua, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế của hệ thống THADS đã đạt được những kết quả nhất định - tạo dấu ấn trong công tác PCTN, tiêu cực. Số việc và số tiền do cơ quan THADS thi hành xong đều tăng qua các năm.
Trong giai đoạn 2013 - 2019: Các cơ quan THADS tổ chức thu hồi được trên 32.379 tỷ đồng (riêng năm 2019 thu hồi được số tiền hơn 16.651 tỷ đồng, bằng 51% tổng số tiền đã thi hành xong giai đoạn 2013 - 2019); năm 2020, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tư pháp, các cơ quan THADS thu được số tiền trên 15.417 tỷ đồng; năm 2021, mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các cơ quan THADS vẫn thu hồi được trên 4.094 tỷ đồng; năm 2022 thu được số tiền trên 15.989 tỷ đồng; 06 tháng đầu năm 2023 thu được số tiền trên 18.531 tỷ đồng, tăng 9.481 tỷ đồng (tăng 104,76%) so với cùng kỳ năm 2022. Những kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
2.3. Hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân
2.3.1. Hạn chế
Mặc dù kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có nhiều chuyển biến, số tiền, tài sản thu hồi cao hơn so với những năm trước đây nhưng tỷ lệ thu hồi trên tổng số phải thu hồi vẫn còn thấp, chưa đạt như mong muốn; việc xử lý một số tài sản kê biên còn chậm.
2.3.2. Khó khăn, vướng mắc
- Về thể chế: Mặc dù việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 09 luật năm 2022, trong đó có Luật Thi hành án dân sự đã tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý đồng thời nhiều tài sản ở nhiều địa phương khác nhau, bảo đảm thu hồi kịp thời, thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt thông qua cơ chế ủy thác xử lý tài sản. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của án hình sự về tham nhũng, kinh tế (người được thi hành án là Nhà nước, tài sản của người phải thi hành án không loại trừ, thậm chí phần nhiều là do phạm tội mà có…) đòi hỏi pháp luật cũng cần có những quy định đặc thù cho thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế phù hợp với đặc thù của loại án này thì mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong thực tiễn (ví dụ về phân chia tài sản chung để bảo đảm thi hành án; về xử lý tài sản giáp ranh, liền kề, bị bao bọc…).
- Về đối tượng tài sản để bảo đảm thi hành án trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thực tiễn đang phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc làm kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, cụ thể:
+ Tài sản trong các vụ việc này thường có số lượng rất lớn (đơn cử 98 quyền sử dụng đất trong vụ HTP giai đoạn 1, các quyền sử dụng đất này giáp ranh, liền kề thậm chí bao bọc nhau); nhiều tài sản nằm rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, thậm chí ở cả nước ngoài, điều này gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc tổ chức thi hành vụ việc (khó khăn về phương thức bán gộp hay tách rời các quyền sử dụng đất giáp ranh, liền kề…); vấn đề phối hợp, xác minh, ủy thác tư pháp trong thi hành án…
+ Tính pháp lý của tài sản trong bản án đã tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án trong nhiều trường hợp không rõ ràng, buộc chấp hành viên, cơ quan THADS phải mất nhiều thời gian để tác nghiệp làm rõ như quyền sử dụng đất đã được bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án, song trước đó đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan, người có thẩm quyền (vụ xử lý 23 quyền sử dụng đất của DTC tại huyện BC) hoặc chuyển nhượng hợp pháp cho người khác (03/28 tài sản kê biên vụ PVAV đã được chuyển nhượng từ trước khi có quyết định kê biên của cơ quan điều tra nhiều năm, trong đó có 02 tài sản đã được chuyển nhượng cho người thứ 3 và hiện đang thế chấp cho ngân hàng); bản án tuyên duy trì lệnh kê biên để bảo đảm thi hành án đối với dự án bệnh viện trong vụ HTP nhưng thực tế dự án chưa được hình thành; quyền sử dụng đất bị tuyên kê biên được cơ quan có thẩm quyền cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 02 chủ sử dụng khác nhau (vụ HCT).
+ Nhiều tài sản bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án là tài sản chung của người phải thi hành án với vợ/chồng hoặc tổ chức, cá nhân khác, song quan điểm xử lý đối với loại tài sản này trong một số vụ việc của Tòa án các cấp là khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành án. Theo đó, có nơi, Tòa án không thụ lý đối với tranh chấp mặc dù Tòa án xét xử đã giải thích việc kê biên chỉ để bảo đảm thi hành án còn việc xác định phần sở hữu của từng người trong khối tài sản đã kê biên phải được thực hiện theo pháp luật (việc xử lý 22/28 tài sản bản án tuyên kê biên trong vụ PVAV); một số nơi, Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp đối với tài sản chung nhưng việc xử lý kéo dài làm ảnh hưởng tiến độ xử lý tài sản (vụ DTC, HTHN…).
+ Một số địa phương, mặc dù tài sản đã được Tòa án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh lại yêu cầu tạm dừng xử lý tài sản để chờ kết quả thanh tra của tỉnh về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đó (vụ HCT).
+ Nhiều tài sản có sự khác nhau giữa thực trạng tài sản với biên bản kê biên; cá biệt, có khu đất chênh lệch hàng nghìn mét vuông so với biên bản kê biên; không có mốc giới cụ thể gây khó khăn cho công tác đo đạc, xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.
2.3.3. Nguyên nhân
- Về nguyên nhân khách quan:
+ Tại giai đoạn điều tra, việc kê biên của cơ quan điều tra hầu hết thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc theo giấy tờ cung cấp của cơ quan quản lý mà không được thực hiện tại nơi có tài sản; đồng thời, nhiều tài sản được Tòa án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án chưa được các cơ quan điều tra làm rõ về tính pháp lý khi tiến hành kê biên; đến giai đoạn xét xử, Tòa án cũng không xem xét về tính pháp lý của tài sản mà tiếp tục duy trì lệnh kê biên để bảo đảm thi hành án.
+ Số lượng việc và tiền phải thi hành trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ngày càng tăng cao, nhất là về tiền phải thi hành, gây áp lực rất lớn cho đội ngũ chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành.
+ Một số địa phương phải tổ chức thi hành rất nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền đặc biệt lớn nhưng Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự không phải là thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên việc quan tâm, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đối với công tác thu hồi tài sản chưa thực sự hiệu quả, kịp thời.
+ Việc giải thích bản án của Tòa án còn kéo dài; việc chuyển giao tang vật, tài liệu kèm theo bản án còn chậm; quan điểm xử lý của Tòa án đối với các tranh chấp liên quan đến tài sản kê biên chưa thống nhất đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xử lý tài sản.
- Về nguyên nhân chủ quan:
+ Vẫn còn có những chấp hành viên trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc chưa làm hết trách nhiệm, còn để xảy ra vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án.
+ Ở một số địa phương, thủ trưởng cơ quan THADS chưa chủ động trong việc tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong đó có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và sự phối hợp với các ngành có liên quan để tổ chức thi hành vụ việc.
3. Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp
3.1. Phương hướng
- Tiếp tục xác định thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện.
- Bám sát, triển khai nghiêm túc, kịp thời các giải pháp tại Chỉ thị số 04-CT/TW và các kết luận của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương.
- Tích cực tham mưu giúp Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan THADS nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
3.2. Nhiệm vụ và giải pháp
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; coi công tác thu hồi tài sản là nhiệm vụ trọng tâm, là mục đích cơ bản của việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải gương mẫu trong việc kê khai tài sản, giám sát việc kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; chịu trách nhiệm về kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền về nhận thức và hành động đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Nghiên cứu xây dựng văn bản luật về minh bạch hóa tài sản trong đăng ký, giao dịch. Tập trung hoàn thiện chính sách hình sự đối với người phạm tội tham nhũng đã chủ động khắc phục hậu quả; hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản phạm tội ở nước ngoài; kịp thời sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập, kẽ hở trong quy định của pháp luật về kê biên tài sản trong quá trình tố tụng; trong hoạt động tín dụng, ngân hàng; trong thành lập, hoạt động, giải thể và phá sản doanh nghiệp.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, bảo đảm quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy tìm, truy thu, phong tỏa, kê biên, xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế để khắc phục hậu quả của tội phạm, kịp thời ngăn chặn các hành vi chuyển dịch, tẩu tán tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có ngay từ khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đặc biệt từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng. Xem xét hoàn thiện các quy định liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.
Ba là, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là quy định về truy tìm, truy thu, kê biên, phong tỏa và xử lý tài sản. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan THADS trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản; đẩy mạnh hoạt động tương trợ tư pháp, sớm phát hiện và xử lý tài sản phạm tội ở nước ngoài.
Bốn là, phát huy hơn nữa công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tại địa phương đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có.
Năm là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là trong công tác xác minh, truy tìm và kê biên tài sản; công tác thẩm định giá và thu hồi tài sản bảo đảm cho các khoản vay của các tổ chức tín dụng; hoạt động thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Củng cố, kiện toàn, đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức kỷ luật cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan có liên quan đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
Nguyễn Văn Dụng
Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự
[1]. Chỉ thị ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
[2]. Kết luận ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
[3]. Công văn số 61-CV/BCSĐ ngày 15/6/2021 và Công văn số 147-CV/BCSĐ ngày 08/11/2021 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc đề nghị xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị để triển khai tại cơ quan, đơn vị, địa phương; Công văn số 429-CV/BCSĐ ngày 05/01/2023 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc định kỳ hàng năm tổng hợp, xây dựng và gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW (kèm theo Đề cương Báo cáo).
[4]. Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành dân sự.
[5]. Báo cáo số 136-BC/BCSĐ ngày 04/4/2023 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
[6]. Công văn số 494-CV/BCSĐ ngày 21/4/2023 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
[7]. Công văn số 3127/TCTHADS-NV2 ngày 04/10/2022 về tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 383), tháng 6/2023)