Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để ghi nhận, bảo đảm quyền được thông tin pháp luật, quyền được tiếp cận và sử dụng pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hỗ trợ, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ, tham gia quản lý nhà nước và xã hội; khắc phục vướng mắc, bất cập từ thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước trong công tác này, đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, từng bước hình thành ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Do đó, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quy định tại Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và hiện nay là Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg) đã kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng pháp luật để thực thi nghĩa vụ cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tham gia quản lý nhà nước, xã hội ngay trên địa bàn của mình. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức và công dân về vị trí, vai trò của pháp luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ và nhân dân trong thi hành và chấp hành pháp luật.
Để việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng có hiệu quả thì một trong những nội dung quan trọng được quy định tại khoản 4 Điều 4 Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg là công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ thực hiện công tác này. Cũng theo Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bộ Tư pháp có vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Quy định này; Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương và Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch là đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Việc quy định trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từ trung ương đến địa phương nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ này nói riêng đã nhấn mạnh vai trò của các cấp trong việc tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ nắm vững kiến thức pháp luật và có đầy đủ kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, các Ban Chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu việc kiện toàn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hiện nay, toàn tỉnh có 396 công chức tư pháp các cấp, trong đó có 263 công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; 82 công chức làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Toàn tỉnh có 134 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 174 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.576 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Toàn tỉnh có 1.406 tổ hòa giải với 8.883 hòa giải viên, 245 giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân, Giáo dục pháp luật. Cấp xã có 291 cán bộ tư pháp - hộ tịch (bao gồm cả hợp đồng 20 người); có trên 83% đơn vị cấp xã có 02 cán bộ tư pháp - hộ tịch; 93,5% công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đã được đào tạo chuyên môn luật có trình độ từ trung cấp trở lên; 6,2% công chức tư pháp - hộ tịch được đào tạo đại học, trung cấp khác; 0,3% công chức tư pháp - hộ tịch chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ nào, hầu hết đã được tập huấn về nghiệp vụ cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn của công chức tư pháp - hộ tịch.
Hàng năm, Sở Tư pháp đã chú trọng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, nâng cao trình độ và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ thông qua việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức Ngành Tư pháp (cả ba cấp), gửi Sở Nội vụ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo đúng đối tượng và tiến độ thời gian. Theo đó, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đã được bồi dưỡng kiến thức pháp luật về các nội dung như: Tổ chức bộ máy nhà nước và vị trí, vai trò của cơ quan tư pháp trong tổ chức bộ máy nhà nước, Luật Hộ tịch năm 2014, Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản pháp luật về chứng thực, Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015, các bộ luật tố tụng dân sự, hình sự, Bộ luật Lao động năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014…; bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quy tắc ứng xử văn hóa công sở và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, đội ngũ này còn được tập huấn nghiệp vụ về: Xây dựng và đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở; quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản; thực hiện công chứng, chứng thực; thực hiện đăng ký, quản lý hộ tịch; công tác theo dõi, báo cáo tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiệp vụ, kỹ năng xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã chủ động tổ chức quán triệt, tập huấn nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thông qua các hội nghị tập huấn cho công chức tư pháp cấp huyện, cấp xã; hội nghị báo cáo viên pháp luật; tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Giáo dục pháp luật và các đối tượng có liên quan khác. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã tích cực chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức tư pháp cấp huyện và cấp xã.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 619/QĐ-TTg, tác giả xin đưa ra một số giải pháp, đề xuất liên quan đến công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối với việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như sau:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cần nhận thức đầy đủ hơn nữa về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó, chính quyền cơ sở giữ vai trò nòng cốt. Từ nhận thức đúng đắn đó, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ hai, từ khi triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg cho đến nay, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chỉ dừng lại ở việc tổ chức hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ mà chưa có lớp đào tạo chuyên sâu về chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện nay, việc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật chủ yếu do Sở Tư pháp tổ chức lồng ghép thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho công chức tư pháp - hộ tịch và các hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên đề. Trong khi đó, để thực hiện nhiệm vụ về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì trách nhiệm được giao cho cơ quan các cấp từ trung ương đến địa phương. Do đó, để giúp các cơ quan ở địa phương có cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng, đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn khung về đào tạo, bồi dưỡng cho từng đối tượng ở từng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ (chẳng hạn, nên tập huấn chuyên sâu nội dung nào đối với công chức cấp xã được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật hay đối với công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Tư pháp). Có như vậy, việc tổ chức tập huấn mới hiệu quả và phục vụ tốt hơn nhiệm vụ được giao ở địa phương.
Thứ ba, theo phân cấp quản lý, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức của cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm thực hiện. Qua thực tế thực hiện nhận thấy, hầu hết đội ngũ công chức cấp xã chủ yếu tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức nên có những lớp tập huấn chưa mang tính chất chuyên sâu, chưa sát với nhu cầu thực tế của mỗi địa phương khác nhau. Do đó, trong thời gian tới, căn cứ nhu cầu thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã nên đề nghị cấp có thẩm quyền tổ chức hoặc tự tổ chức, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ công chức cấp xã. Trên cơ sở bám sát điều kiện, tình hình, nhu cầu thực tế của địa phương thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn mới hiệu quả và không mang tính hình thức.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình