Vĩnh Phúc có 05/09 đơn vị hành chính có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gồm: Thị xã Phúc Yên và các huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung chủ yếu ở chân dãy núi Tam Đảo và núi Sáng thuộc 14 xã của 05 huyện, thị xã: Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên); Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên); Hồ Sơn, Hợp Châu, Minh Quang, Tam Quan, Đại Đình, Bồ Lý, Yên Dương, Đạo Trù (huyện Tam Đảo); Bắc Bình, Quang Sơn (huyện Lập Thạch); Lãng Công, Quang Yên (huyện Sông Lô). Tỉnh Vĩnh Phúc có 30 dân tộc sinh sống, gồm dân tộc Kinh và 29 dân tộc thiểu số với tổng số dân là 47.419 người (chiếm khoảng 4,7% dân số toàn tỉnh); trong đó chủ yếu là các dân tộc: Sán Dìu, Dao, Cao Lan sống thành cộng đồng, làng bản; còn lại các dân tộc thiểu số khác sống đan xen, rải rác trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, chính sách dân tộc đã được ban hành và tổ chức thực hiện, góp phần làm thay đổi đáng kể đối với kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi trong tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư; lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn; bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, quán triệt, tiếp cận nhiều hơn với thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trình độ dân trí được nâng nên.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị có liên quan tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số với hàng nghìn lượt đồng bào tham gia, đồng thời biên soạn các tài liệu pháp luật, chuyên đề bài giảng phù hợp phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số làm tài liệu nghiên cứu, kết hợp với nghe giảng tại hội nghị; tổ chức in ấn, cấp phát hàng vạn tờ gấp, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền có nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp các tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các nguồn thông tin về pháp luật, chấp hành pháp luật, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, hiểu rõ thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với Đảng, Nhà nước, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật. Từ đó dần hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số đến nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi phát triển còn chậm; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực còn thấp; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ là người dân tộc thiểu số ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được quan tâm đúng mức trong đào tạo, sử dụng; trình độ dân trí không đồng đều, còn thấp hơn so với các vùng khác của tỉnh; điều kiện tiếp cận thông tin, tiếp cận với văn hóa tiên tiến còn hạn chế nhất định. Hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số còn mang tính thời vụ, sự kiện; việc phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được coi trọng đúng mức; công tác tuyên truyền, vận động chưa có những định hướng, biện pháp hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực, mặt trái của thời kỳ hội nhập, sự phát triển mạnh mẽ của thông tin, truyền thông… Một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại như tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, truyền đạo trái pháp luật vẫn còn diễn ra ở một vài nơi.
Những tồn tại, hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số do nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả chủ quan và khách quan. Nhận thức về vai trò, vị trí của công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao kiến thức và ý thức thực hiện pháp luật có nơi, có lúc chưa được quan tâm đầy đủ; thiếu sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của cấp ủy Đảng và người đứng đầu một số ngành, địa phương; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở còn thiếu, yếu, lạc hậu; sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan chưa thường xuyên; nguồn lực cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu.
Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tiếp theo, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, biên soạn nội dung, tài liệu tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số phải ngắn gọn, dễ hiểu, gắn với thực tiễn đời sống và phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, từng vùng, đồng thời phù hợp với trình độ, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tài liệu tuyên truyền cần được biên soạn dưới hình thức như: Hỏi - Đáp hoặc tờ gấp, tờ rơi nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số dễ đọc và dễ hiểu.
Hai là, hình thức tuyên truyền phải đặc thù riêng cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số. Trong đó quan tâm để đa dạng hình thức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm giúp cho đồng bào các dân tộc thường xuyên được tiếp cận thông tin như: Thông qua các cuộc giao lưu, hội diễn văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ dân ca, dân vũ; xây dựng phóng sự phát thanh và truyền hình; tổ chức các cuộc thi, hội thi...
Ba là, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đang có và đặc biệt là phát huy vai trò tuyên truyền của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ quan chức năng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ, giúp lực lượng tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số.
Bốn là, tổ chức các lễ tuyên dương, biểu dương, khen thưởng để kịp thời động viên, khích lệ và nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có nội dung về thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số
Phạm Thị Thu Hường
Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc
Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc