Công ước của Liên Hợp quốc về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài được ký tại New York ngày 10/6/1958, có hiệu lực ngày 07/6/1959[1] (Công ước New York) và Công ước của Liên Hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, ký tại Singapore ngày 07/8/2019, có hiệu lực ngày 12/9/2020[2] (Công ước Singapore) là hai công ước quốc tế quan trọng với chung một mục tiêu là bảo đảm giá trị của kết quả giải quyết tranh chấp thương mại xuyên quốc gia khi các bên không tự nguyện thi hành. Ngoài mục tiêu chung, hai công ước có nhiều điểm tương đồng về cách tiếp cận cũng như cơ chế thực hiện. Việt Nam đã gia nhập Công ước New York từ năm 1995, sau gần 30 năm thi hành, các cơ quan chức năng trong nước đã có những đánh giá về tình hình thực thi và áp dụng các giải pháp để cải thiện hơn nữa hiệu quả thi hành Công ước tại Việt Nam. Trong khi đó, Công ước Singapore là công ước mới không chỉ với Việt Nam mà với cả cộng đồng quốc tế cả về lý luận lẫn thực tiễn. Do đó, việc nghiên cứu tình hình thực thi Công ước New York năm 1958 trong thời gian qua sẽ gợi mở những vấn đề cần xử lý cho Việt Nam khi gia nhập Công ước Singapore trong thời gian tới.
1. Giới thiệu sơ lược Công ước New York năm 1958
Công ước gồm 16 điều, trong đó, từ Điều 1 đến Điều 7 về nội dung quan trọng. Công ước tạo cơ sở pháp lý quốc tế để phán quyết trọng tài được tuyên một cách hợp lệ và hợp pháp tại một quốc gia thành viên, sẽ được công nhận và cho thi hành tại các quốc gia thành viên khác. Với mục tiêu thiết lập một cơ chế công nhận và cho thi hành đơn giản, Công ước tiếp cận trên tinh thần ủng hộ việc thi hành (pro-enforcement) theo cơ chế chọn - bỏ, nghĩa là về cơ bản, các phán quyết của trọng tài nước ngoài sẽ được công nhận và thi hành tại các quốc gia thành viên Công ước, chỉ trừ một số trường hợp được từ chối rất hãn hữu.
Công ước New York năm 1958 xác định những nguyên tắc chính sau: (i) Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận giá trị hiệu lực của một thỏa thuận trọng tài bằng văn bản, đồng thời, bảo đảm các Tòa án của họ sẽ từ chối thụ lý vụ kiện trong trường hợp các bên tranh chấp đã có một thỏa thuận trọng tài. (ii) Các quốc gia thành viên Công ước bảo đảm việc công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ của mình một phán quyết trọng tài đã được tuyên trên lãnh thổ quốc gia thành viên khác. Tuy Công ước không đưa ra định nghĩa nhưng nhiều tài liệu xác định nơi phán quyết trọng tài được tuyên trùng với địa điểm tố tụng trọng tài[3]. (iii) Các quốc gia thành viên không được có sự phân biệt đối xử giữa việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài so với phán quyết của trọng tài trong nước, không được đặt ra các điều kiện khó khăn đáng kể hoặc các khoản phí cao hơn so với công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài trong nước. (iv) Công ước cho phép áp dụng các quy định có lợi hơn đối với việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài được quy định trong các điều ước quốc tế khác hoặc pháp luật quốc gia.
Với cùng mục tiêu là hướng đến việc bảo đảm thực thi các phán quyết trọng tài và thỏa thuận hòa giải thương mại xuyên quốc gia, Công ước New York và Công ước Singapore có những tương đồng nhất định về phạm vi áp dụng, về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, về quy trình, thủ tục trong nước trong việc công nhận, về các căn cứ từ chối công nhận cũng như giá trị pháp lý của việc công nhận.
2. Thực trạng thực thi Công ước New York năm 1958 tại Việt Nam
2.1. Tình hình thực hiện Công ước New York năm 1958
Về hoàn thiện thể chế, để thực hiện tốt vai trò thành viên Công ước, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị nhất định từ xây dựng, hoàn thiện thể chế và thiết lập cơ chế thi hành. Công ước có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 12/9/1995[4] và chỉ 02 ngày sau, Pháp lệnh về Công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài đã được ban hành ngày 14/9/1995, có hiệu lực từ ngày 01/01/1996. Do vậy, có thể nói việc hoàn thiện pháp luật trong nước đã được tiến hành song song với quá trình nghiên cứu, gia nhập Công ước. Với 24 điều, Pháp lệnh này là văn bản pháp lý đầu tiên nội luật hóa các quy định của Công ước New York, điều chỉnh về thuật ngữ “quyết định của trọng tài nước ngoài”, các nguyên tắc công nhận và cho thi hành, về bảo đảm hiệu lực pháp luật các quyết định của Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài, xác định các trường hợp loại trừ và quy trình, thủ tục cụ thể trong việc xem xét đơn yêu cầu. Nội dung này sau đó tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện hơn tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004[5] và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[6].
Về cơ chế, pháp luật Việt Nam quy định Tòa án có thẩm quyền xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi tổ chức phải thi hành có trụ sở chính, nơi cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành[7]. Thẩm quyền này được tiếp tục ghi nhận tại các Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004[8] và năm 2015[9].
Mặc dù là thành viên Công ước từ năm 1995 nhưng phải đến 20 năm sau, việc theo dõi quá trình thực thi Công ước mới thực sự được quan tâm (sau khi Bộ Tư pháp, với vai trò là cơ quan trung ương của Việt Nam tại các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự có đánh giá về việc thực thi Công ước như là một phần của các hiệp định thông qua hoạt động báo cáo tổng kết 20 năm thi hành Công ước New York). Gần đây, trong khuôn khổ dự án Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), các chuyên gia độc lập đã xây dựng báo cáo đánh giá, so sánh quy định pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài với luật mẫu UNCITRAL[10], trong đó, có đánh giá sơ lược về tình hình thực thi Công ước New York. Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2019, có 55 Tòa án giải quyết tổng số 84 quyết định của trọng tài nước ngoài. Trong đó, số quyết định công nhận là 39, số không công nhận là 33, số đình chỉ giải quyết là 12. Như vậy, trung bình mỗi năm cả nước giải quyết 09 - 10 yêu cầu.
2.2. Đánh giá tình hình thực thi Công ước New York năm 1958
Về hoàn thiện thể chế, có thể thấy rằng, công tác xây dựng pháp luật trong nước để thực thi Công ước đã được tiến hành từ rất sớm, thể hiện bước đi chủ động của Việt Nam trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện Công ước. Tuy vậy, một số quy định của pháp luật trong nước chưa thực sự phù hợp với các quy định của Công ước, ví dụ như căn cứ từ chối công nhận hoặc về nghĩa vụ chứng minh: Một trong các căn cứ từ chối công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài là trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam[11] nhưng theo Điều 5 Công ước New York năm 1958, “việc công nhận và thi hành quyết định trọng tài có thể bị từ chối nếu như cơ quan có thẩm quyền của nước nơi việc công nhận và thi hành đó được yêu cầu, cho rằng: … việc công nhận và thi hành sẽ trái với trật tự công cộng của nước đó”. Bên cạnh đó, Công ước New York năm 1958 đã có quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên phải thi hành nhưng quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 của Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2011) vẫn chưa rõ ràng và trong nhiều trường hợp, Tòa án vẫn yêu cầu bên được thi hành phải cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ để chứng minh phán quyết không rơi vào các trường hợp loại trừ bị từ chối thi hành[12].
Về tổ chức thực hiện, có thể đánh giá về tình hình thực hiện Công ước New York năm 1958 của Việt Nam thời gian qua như sau:
- Theo địa bàn giải quyết: Việc giải quyết loại việc về công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài chủ yếu tập trung ở ở các thành phố lớn như Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (38 việc, chiếm 45,2% tổng số việc) và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (15 việc, chiếm khoảng 17,9 % tổng số việc), một nửa số Tòa án nhân dân cấp tỉnh không giải quyết bất kỳ một yêu cầu nào.
- Về tỷ lệ: Tỷ lệ các phán quyết không được công nhận ở Việt Nam cao, chiếm khoảng 40% tổng số các phán quyết, có thời điểm các Tòa án Việt Nam đã liên tiếp ra quyết định không công nhận 06/07 phán quyết của ICA. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến vị thế, hình ảnh của Việt Nam trong thương mại quốc tế.
- Về lý do không công nhận, số liệu báo cáo chỉ ra rằng, Tòa án thường căn cứ vào các điểm a, b, c, d, khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 5 Công ước New York năm 1958 và điểm a, điểm c khoản 1 Điều 370 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004; có vụ việc Tòa án áp dụng điểm b khoản 2 Điều 370 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định trọng tài là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam để ra quyết định không công nhận.
- Về thời hạn giải quyết: Việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài trên thực tế còn chậm trễ so với quy định của pháp luật. Về thời gian áp dụng cho Tòa án thụ lý và đưa ra quyết định công nhận hay không công nhận quyết định của trọng tài nước ngoài tối đa là 04 tháng 20 ngày (Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc đều quá hạn, có những vụ việc kéo dài hơn 01 năm kể từ ngày thụ lý đến khi ra quyết định. Quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không thay đổi về khoảng thời gian này nhưng thực tế cho thấy thời hạn Tòa án giải quyết vụ việc đã được rút ngắn hơn so với trước đây nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng các quy định về thời hạn trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trung bình các vụ việc mới được giải quyết trong khoảng thời gian từ 07 - 08 tháng.
- Về nhận thức của các thẩm phán, còn có cách hiểu và áp dụng Công ước New York năm 1958 của thẩm phán không thống nhất. Một số Tòa án phân tích, đánh giá quyết định của trọng tài nước ngoài so với quy định của Công ước và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, một số Tòa án nhân dân khác lại không đề cập gì đến Công ước hoặc chỉ nhắc đến tên Công ước mà không có phân tích cụ thể[13]. Các nhận định của Tòa án trong các quyết định không công nhận trong nhiều vụ việc chưa đánh giá toàn bộ lập luận của các bên liên quan hoặc có cơ sở không vững chắc như: (i) Trung tâm trọng tài đổi tên nên Tòa án xác định Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp; (ii) Tòa án yêu cầu người được thi hành phải chứng minh việc đã tống đạt hợp lệ các tài liệu của Hội đồng trọng tài; (iii) Một số phán quyết của trọng tài nước ngoài bị cho là vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam vì cho rằng hình thức của hợp đồng không phù hợp do thiếu chữ ký hoặc dấu của một bên nhưng không phân tích về pháp luật áp dụng với hợp đồng.
- Công tác tổng kết, rà soát, đánh giá, đôn đốc việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài cũng như thực hiện Công ước New York chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện định kỳ, thường xuyên.
2.3. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập
Về nhận thức của thẩm phán: (i) Vẫn còn có cách nhìn nhận chưa thống nhất về vai trò hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động trọng tài, trong đó có giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Một số trường hợp Tòa án chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài cũng như tác động của hoạt động này đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, đến niềm tin của các đối tác nước ngoài đối với hệ thống tư pháp của Việt Nam.
Về cơ chế thực thi, việc dàn trải thẩm quyền giải quyết loại việc này cho tất cả các Tòa án cấp tỉnh trên toàn quốc như hiện nay thì khó tập trung được nguồn lực bảo đảm đáp ứng yêu cầu của công tác này. Trên thực tế, việc giải quyết các yêu cầu cũng tập trung chủ yếu ở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, còn một số Tòa án khác từ khi Công ước New York có hiệu lực tới nay, chỉ giải quyết trên dưới 05 yêu cầu. Mặc dù Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối nhưng các Tòa án do không nắm được quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự nên đã không gửi các quyết định cho Bộ Tư pháp. Tòa án nhân dân tối cao cũng không công khai các quyết định này, dẫn đến khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, đặc biệt là theo dõi tình hình, tập hợp tài liệu, đưa ra các khuyến nghị.
Công tác thống kê ở các Tòa án địa phương và sự phối hợp thông tin cho cơ quan đầu mối thực thi Công ước New York chưa được thực hiện tốt.
Công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu về Công ước và hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết các yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác này cũng đã được Tòa án nhân dân tối cao quan tâm thực hiện thường xuyên hơn so với trước đây nhưng hiệu quả trên thực tế chưa cao, bằng chứng là tỷ lệ công nhận các phán quyết vẫn chưa có thay đổi đáng kể.
Việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và án lệ quốc tế trong thực thi Công ước tại các quốc gia phát triển về công tác trọng tài chưa được tiến hành. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc nhìn nhận, đánh giá, ra quyết định của các Tòa án đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thực sự chủ động, thường giữ thái độ im lặng và không tham gia quá trình tố tụng trọng tài ở nước ngoài dẫn đến kết quả bất lợi khi xét xử vụ việc.
3. Kinh nghiệm cho Việt Nam trong trường hợp gia nhập Công ước Singapore
Thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền về Công ước Singapore đến các đối tượng liên quan ngay từ khâu nghiên cứu gia nhập Công ước.
Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh với các đối tác nước ngoài cần được tuyên truyền để trang bị đầy đủ nhận thức về biện pháp hòa giải, về hòa giải thương mại quốc tế và cơ chế bảo đảm thỏa thuận thương mại quốc tế được ghi nhận tại Công ước Singapore. Việc nhận thức đầy đủ về phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải sẽ khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức hòa giải, qua đó, thúc đẩy hoạt động hòa giải thương mại quốc tế phát triển, giúp đẩy nhanh tiến trình giải quyết các bất đồng trong kinh doanh thương mại.
Việc tuyên truyền về Công ước Singapore cũng cần được xem xét đến các hòa giải viên và các tổ chức hòa giải nơi các hoạt động hòa giải thương mại sẽ được tiến hành. Việc các đối tượng này được trang bị kiến thức đầy đủ về Công ước sẽ giúp họ tự tin hơn trong việc thực hiện hoạt động hòa giải. Vì vậy, nâng cao năng lực cho các hòa giải viên cũng là tạo niềm tin cho các bên tranh chấp tìm đến lựa chọn phương thức hòa giải này. Đặc biệt, việc nâng cao năng lực cho hòa giải viên còn có ý nghĩa hơn khi một trong những yếu tố có thể dẫn đến không công nhận thỏa thuận hòa giải thương mại quốc tế theo Công ước Singapore có liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn về hòa giải viên (Điều 5.1.e Công ước).
Thứ hai, cần nâng cao năng lực của các thẩm phán cán bộ Tòa án trong xem xét giải quyết các thỏa thuận hòa giải để tránh việc lặp lại những hạn chế trong thi hành Công ước New York, cũng như trang bị kiến thức về hòa giải thương mại quốc tế, công nhận thỏa thuận hòa giải thương mại quốc tế.
Thứ ba, xác định cơ quan đầu mối ngay từ khi gia nhập Công ước Singapore. Cũng giống như Công ước New York, Công ước Singapore không quy định về trách nhiệm hợp tác giữa các quốc gia nhưng có quy định về nghĩa vụ của các quốc gia trong việc thi hành bản thỏa thuận hòa giải. Rút kinh nghiệm từ thực thi Công ước New York, sau khi tổng kết 20 năm thực thi mới chỉ định cơ quan đầu mối đóng vai trò theo dõi, rà soát quá trình công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài[14]. Sự thiếu vắng một cơ quan đầu mối đã ít nhiều ảnh hưởng đến tính thống nhất trong việc áp dụng Công ước. Chính vì vậy, để bảo đảm việc áp dụng Công ước Singapore một cách thống nhất, đồng thời quản lý, theo dõi hoạt động công nhận thỏa thuận quốc tế hòa giải thương mại, bảo đảm trong lĩnh vực công nhận thỏa thuận quốc tế hòa giải thương mại, nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế tuân thủ cần thiết phải giao cho một cơ quan đầu mối. Việc giao cho cơ quan nào thực hiện nhiệm vụ này phải phân tích, đánh giá sự phù hợp, sự thuận lợi trong quản lý đảm bảo tính hiệu quả. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan hiện nay nhiệm vụ cơ quan đầu mối có thể giao cho Tòa án nhân dân tối cao hoặc Bộ Tư pháp.
Thứ tư, cũng giống như việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài, việc giải quyết đơn yêu cầu công nhận thỏa thuận hòa giải quốc tế cũng cần thiết được cân nhắc giao cho một số Tòa án trọng điểm. Thực tế giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài cho thấy, việc giải quyết các yêu cầu này chủ yếu tập trung tại các địa phương nhất định nơi phát sinh nhiều hoạt động kinh doanh thương mại của cả nước. Trong tương lai, nếu số lượng các loại yêu cầu này phát sinh nhiều, việc giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh trên cả nước là cần thiết và thuận lợi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi yêu cầu chưa nhiều, việc giao cho một vài Tòa án xem xét và xử lý loại việc này sẽ giúp cho việc giải quyết được chuyên trách, bài bản, chuyên nghiệp hơn. Việc theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện thông qua đó cũng thuận lợi hơn.
Thứ năm, song song với các biện pháp như trên, cơ quan chủ trì cần quan tâm đến đánh giá, rà soát pháp luật về hòa giải thương mại quốc tế và pháp luật tố tụng có liên quan từ đó, kiến nghị hoàn thiện các khoảng trống và chồng chéo, tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng và đầy đủ cho công tác này, đảm bảo việc thực hiện thống nhất trên cả nước.
Ngoài ra, để việc thực thi Công ước Singapore được thuận lợi, Việt Nam cần tích cực chủ động liên hệ với Ủy ban thương mại quốc tế - Cơ quan soạn thảo Công ước trong việc cử đại diện tham dự hội thảo, diễn đàn, tập hợp các hướng dẫn của Ban thư ký, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đã là thành viên của Công ước. Điều này không những giúp các Tòa án của Việt Nam gặt hái được các bài học bổ ích mà còn thể hiện sự tích cực, chủ động của Việt Nam với tư cách là thành viên của Công ước.
Tham gia một điều ước quốc tế mang lại cho mỗi quốc gia các quyền lợi nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ thực hiện các cam kết ghi nhận tại các điều ước quốc tế đó. Việc thực hiện tốt các cam kết cũng là thể hiện tư cách thành viên tích cực và có trách nhiệm. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, gia nhập Công ước Singapore, cơ quan chủ trì cần có các nghiên cứu thấu đáo, tham khảo kỹ các bài học rút ra từ quá trình thực thi Công ước New York, đánh giá trung thực mức độ cần thiết, tính tương thích và đề xuất các bước chuẩn bị phù hợp với nguồn lực sẵn có. Có như vậy, việc thực hiện Công ước mới thực sự hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động hòa giải nói riêng và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nói chung.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
Ảnh: ST
[1]. https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXII-1&chapter=22&clang=_en
[2]. https://www.singaporeconvention.org/convention/about.
[3]. UNCITRAL - UNCITRAL Secretariat Guide on the Convention on the Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards (New York, 1958) [Hướng dẫn của Ban Thư ký UNCITRAL về Công ước công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài] - tr. 49.
Fraser P. Davidson - Where is an Arbitral Award Made?: Hiscox v. Outhwaite - The International and Comparative Law Quarterly, Vol. 41, No. 3 (Jul., 1992), tr. 637 - 645.
[4]. Xem tại https://www.newyorkconvention.org/countries.
[5]. Tại Phần thứ sáu Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 - Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyêt định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài.
[6]. Tại Phần thứ bảy Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 - Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
[7]. Điều 4 Pháp lệnh về Công nhận và thi hành tại Việt Nam năm 1995.
[8]. Điều 30 và 34 Bộ luật Tố tụng dân sự năm năm 2004.
[9]. Điều 31 và Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm năm 2015.
[10]. Báo cáo chuyên gia độc lập Vũ Đức Long, Chu Thu Hiền và Richard Garnett, thực hiện năm 2020.
[11]. Điểm b khoản 2 Điều 459 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[12]. Sau này, Điều 453 Bộ luật Tố tụng năm 2015 đã sửa đổi theo hướng phù hợp với quy định của Công ước.
[13]. Mặc dù khoản 4 Điều 458 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 xác định nghĩa vụ của Tòa án kiểm tra đối chiếu phán quyết của trọng tài với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để làm cơ sở cho việc ra quyết định công nhận hoặc không công nhận phán quyết đó nhưng hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không có quy định riêng về nội dung buộc phải có đối với quyết định công nhận hoặc không công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài (bao gồm nội dung về căn cứ pháp luật). Trong khi đó, nội dung bản án giải quyết vụ án dân sự (khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) và nội dung quyết định giải quyết việc dân sự (khoản 1 Điều 370 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) đều phải có căn cứ pháp luật. Việc Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 tách thủ tục công nhận và cho thi hành khỏi các việc dân sự không có tranh chấp tuy giúp cho các thẩm phán hiểu rằng thủ tục này khác biệt với các thủ tục giải quyết việc thông thường - Tòa án không xem xét về nội dung vụ việc nhưng lại làm cho thủ tục này bị thiếu hụt khi không đủ các quy định dẫn chiếu và áp dụng các phần khác của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[14]. Công văn số 1001/VPCP-PL ngày 20/5/2015 của Văn phòng Chính phủ.