Tóm tắt: Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên nhằm xác định việc hưởng quyền ưu tiên trong những trường hợp nhất định áp dụng trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, nhãn hiệu và một vài đối tượng khác được ghi nhận tại Điều 4 Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và được quy định tại Điều 90 và Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Dựa trên quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, bài viết này phân tích nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong quan hệ có tính đối đẳng với nguyên tắc sáng tạo đầu tiên và nguyên tắc sử dụng đầu tiên trong đăng ký sáng chế và nhãn hiệu.
Abstract: The principle of first to file is aimed at determining priority right in certain cases applied in the industrial property protection for patents, trademarks and some other subjects provided in Article 4 of the Paris Convention for the Protection of Industrial Property and in Article 90 and 91 of the Law on Intellectual Property of Vietnam. Based on regulations of international and national law, this paper analyzes the principle of first to file in relationships equivalent to the principle of first to invent and the principle of first to use in the registration of patents and trademarks.
1. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên áp dụng đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu theo quy định tại Điều 4 Công ước Paris và tiếp tục được thi hành theo ghi nhận tại Hiệp định TRIPs của WTO
Một trong những nội dung cơ bản của Công ước Paris là thỏa thuận về các quyền được bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó quy định tại Điều 4 về việc hưởng quyền ưu tiên dựa trên cơ sở nguyên tắc nộp đơn đầu tiên áp dụng đối với cá nhân, tổ chức là công dân của các nước thành viên theo nguyên tắc đối xử quốc gia khi họ ở vào các điều kiện gắn với các tình huống nhất định. Một cách khái quát, nguyên tắc này được áp dụng trong trường hợp có hai hay nhiều tổ chức, cá nhân độc lập với nhau cùng nộp đơn đăng ký một sáng chế, một giải pháp hữu ích, một kiểu dáng công nghiệp hay một nhãn hiệu trùng nhau, khi đó, việc hưởng quyền ưu tiên được dành cho tổ chức, cá nhân đã có đơn hợp lệ đầu tiên đăng ký các đối tượng này được nộp tại một trong số các nước thành viên Công ước Paris trong thời hạn 12 tháng đối với sáng chế và giải pháp hữu ích, 06 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Điều này có nghĩa rằng, trong các khoảng thời gian vừa nêu, nếu người nộp đơn tiếp tục nộp đơn yêu cầu bảo hộ các đối tượng vừa nêu tại bất kỳ nước thành viên nào khác của Công ước Paris, các đơn nộp sau sẽ được xem như nộp cùng ngày với ngày nộp đơn hợp lệ đầu tiên.
Áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong các trường hợp trên không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các vấn đề có liên quan giữa các cơ quan có thẩm quyền đăng ký sở hữu công nghiệp của các quốc gia thành viên Công ước Paris, mà còn giúp cho người nộp đơn ở một nước thành viên này tránh được rủi ro khi người khác, trong thời hạn hưởng quyền ưu tiên theo đơn đầu tiên đã được nộp, có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ ở một nước thành viên khác cho cùng một đối tượng, cũng như tránh được rủi ro khi họ có thể đã mô tả hay bộc lộ đối tượng có yêu cầu bảo hộ trong thực tế. Ví dụ, đã công bố sáng chế trong một hội thảo khoa học hay đã khai thác kiểu dáng công nghiệp thông qua sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, khi mà thủ tục nộp đơn và xem xét đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp luôn đặc biệt song hành với các chi phí về thời gian và tài chính, việc hưởng quyền ưu tiên theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên còn cho phép người nộp đơn muốn đối tượng sở hữu công nghiệp của mình được bảo hộ ở nhiều nước thành viên Công ước Paris có điều kiện cân nhắc trong thời hạn hưởng quyền ưu tiên về việc họ nên nộp đơn yêu cầu bảo hộ ở nước thành viên nào và tiến hành các thủ tục cần thiết ở nước thành viên đó, thay cho việc đồng thời nộp các đơn yêu cầu bảo hộ cho cùng một đối tượng tại nước xuất xứ và các nước thành viên khác.
Về cơ bản, có thể tóm tắt ba đặc điểm của nguyên tắc hưởng quyền ưu tiên dựa trên nền tảng của nguyên tắc nộp đơn đầu tiên theo quy định tại Điều 4 Công ước Paris như sau:
Thứ nhất, nguyên tắc này chỉ áp dụng, hay dành cho cá nhân, tổ chức là công dân của các nước thành viên Công ước Paris dựa trên một nền tảng pháp lý quốc tế khác là nguyên tắc đối xử quốc gia.
Thứ hai, nguyên tắc này được ghi nhận trên cơ sở xác định việc hưởng quyền sở hữu công nghiệp phải được thông qua thủ tục đăng ký bảo hộ. Đây là đặc điểm hết sức quan trọng để phân biệt việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp so với việc hưởng quyền mang tính chất “tự động” hay không bị buộc phải thông qua thủ tục đăng ký trong lĩnh vực bản quyền vốn phát triển song song với lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Thứ ba, nguyên tắc này được áp dụng nhìn chung không có gì khác biệt giữa bốn đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, cho dù thời hạn hưởng quyền ưu tiên được quy định dài hơn đối với nhóm sáng chế và giải pháp hữu ích (một năm) so với nhóm kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu (sáu tháng).
Ra đời sau Công ước Paris hơn 100 năm, Hiệp định TRIPs của WTO đã khái quát hóa nhiều khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh phát triển mới của kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật và công nghệ trên thế giới. Tương ứng với bối cảnh phát triển mới này, Hiệp định TRIPs cũng được cấu trúc bao gồm một số điều khoản thu hút, hay dẫn nhập hóa nhiều nội dung trọng yếu của một số công ước, hiệp định quốc tế đa phương khác về sở hữu trí tuệ, trong đó có Công ước Paris, ví dụ như quy định tại các Điều 1:3, Điều 2 và Điều 3:1 của Hiệp định. Chẳng hạn, tại Điều 2:1 Hiệp định TRIPs nhấn mạnh: “Gắn với quy định tại các Phần II, III và IV của Hiệp định này, thành viên cần phải thực hiện các Điều từ 1 đến 12 và Điều 19 của Công ước Paris (Văn kiện sửa đổi năm 1967)”[1]. Một cách rõ ràng, thông qua điều khoản vừa nêu, Hiệp định TRIPs đã “mặc nhiên” thừa nhận nguyên tắc nộp đơn đầu tiên áp dụng đối với bốn đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu như được quy định tại Điều 4 Công ước Paris.
2. Nguyên tắc sáng tạo đầu tiên áp dụng đối với sáng chế và nguyên tắc sử dụng đầu tiên áp dụng đối với nhãn hiệu trong pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật một số quốc gia khác và pháp luật quốc tế
Kể từ trước khi gia nhập và trở thành thành viên của Công ước Paris cho tới nay, Hoa Kỳ luôn là quốc gia có hệ thống bảo hộ sáng chế vô cùng linh hoạt, năng động, sáng tạo và hệ thống bảo hộ sáng chế này chính là một trong những yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định trong việc làm cho Hoa Kỳ luôn trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ và thương mại[2]. Ngay từ những năm đầu trong sự phát triển của các hệ thống bảo hộ sáng chế quốc gia, con số so sánh về số lượng sáng chế được bảo hộ trong gần hai trăm năm, từ 1790 đến 1960, giữa bốn nước phát triển gồm Anh, Đức, Pháp, Hoa Kỳ đã cho thấy rất rõ điều đó. Chẳng hạn, vào đúng năm Công ước Paris được ký kết năm 1883, số lượng bằng độc quyền sáng chế được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở bốn quốc gia vừa nêu là 3.962 (Anh); 4.848 (Đức); 8.087 (Pháp) và 21.162 (Hoa Kỳ), sau đó, đến năm 1951, với ý nghĩa là năm đầu tiên của nửa sau thế kỷ XX và năm thứ 68 kể từ khi Công ước Paris được ký kết, số lượng bằng độc quyền sáng chế được cấp giữa bốn quốc gia đều tăng mạnh trong đó tăng nhiều nhất, dẫn đầu vẫn là Hoa Kỳ, cụ thể 13.761 (Anh); 25.200 (Pháp); 27.767 (Đức) và 44.384 (Hoa Kỳ)[3].
Hoa Kỳ gia nhập và trở thành thành viên của Công ước Paris từ năm 1887, hay chỉ 3-4 năm sau khi Công ước được ký kết (1883) và có hiệu lực (1884), nhưng cũng chỉ 3 năm sau khi Đạo luật Bằng độc quyền sáng chế Hoa Kỳ năm 1790 ra đời, vào năm 1793, tương ứng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Thomas Jefferson, Tổng thống được xem là một trong những người sáng lập ra Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ thịnh vượng đã sớm nhận ra yêu cầu cần thiết phải có thêm các quy tắc cho hệ thống cấp bằng độc quyền sáng chế, do vậy, lần đầu tiên ở Hoa Kỳ nguyên tắc sáng tạo đầu tiên đã được đưa vào Đạo luật Bằng độc quyền sáng chế sửa đổi 1793, theo đó dành quyền ưu tiên cho “nhà sáng chế đầu tiên và đích thực” giữa những người độc lập cùng tạo ra một sáng chế trùng nhau và đều có đơn đăng ký bảo hộ[4]. Trong khi còn có nhiều tranh luận về luận điểm này, trong thực tiễn hành pháp ở Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), nguyên tắc sáng tạo đầu tiên thực sự được áp dụng kể từ năm 1836, đây cũng chính là năm Đạo luật Bằng độc quyền sáng chế tiếp tục được sửa đổi bởi Quốc hội Hoa Kỳ[5].
Canada gia nhập và trở thành thành viên của Công ước Paris trong năm 1923 và Phillippines trong năm 1965[6] đã cùng với Hoa Kỳ là ba quốc gia duy nhất trên thế giới áp dụng nguyên tắc sáng tạo đầu tiên trong hệ thống bảo hộ sáng chế quốc gia cho tới năm 1989 và năm 1998, khi Canada và Phillippines lần lượt chấm dứt áp dụng nguyên tắc sáng tạo đầu tiên, trên cơ sở đó gia nhập “đại gia đình” các quốc gia thành viên Công ước Paris khác, để chính thức chuyển đổi sang áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong hoạt động bảo hộ sáng chế của mình[7].
Dù không còn “đồng minh” nào trong việc áp dụng nguyên tắc sáng tạo đầu tiên trong hệ thống bảo hộ sáng chế quốc gia, sự “một mình” hay “độc hành” của việc áp dụng nguyên tắc này ở Hoa Kỳ theo Đạo luật Bằng độc quyền sáng chế được tiếp tục nhiều trăm năm cho tới tận thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, khi Đạo luật Sáng chế Hoa Kỳ năm 2011 được ban hành và có hiệu lực, Hoa Kỳ mới thực sự hòa nhập với phần còn lại của thế giới trong việc chính thức chuyển đổi hệ thống bảo hộ sáng chế của mình từ việc áp dụng nguyên tắc sáng tạo đầu tiên sang áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên với lịch trình của sự chuyển đổi kéo dài cho đến năm 2015[8]. Như vậy, với ý nghĩa Hoa Kỳ là quốc gia cuối cùng chuyển đổi hệ thống bảo hộ sáng chế từ áp dụng nguyên tắc sáng tạo đầu tiên sang áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, tính đến nay, với tổng số 177 thành viên Công ước Paris và 164 thành viên WTO[9], có thể nói, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng tương ứng đã được áp dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, riêng đối với bảo hộ nhãn hiệu, một sự song trùng đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong pháp luật quốc tế, không chỉ mang tính quá khứ như trường hợp bảo hộ sáng chế với nguyên tắc sáng tạo đầu tiên đã không còn được áp dụng như trình bày ở trên. Cụ thể, khi quy định về yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu tại các điều 15 - 21, Hiệp định TRIPs bao hàm một số điều khoản tự chọn theo đó thừa nhận nguyên tắc sử dụng đầu tiên có thể tồn tại song song với nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong pháp luật quốc gia thành viên. Chẳng hạn, tại Điều 15:1, song song với nội dung bắt buộc, cơ bản yêu cầu thành viên bảo hộ nhãn hiệu đối với “bất kỳ dấu hiệu hoặc sự phối hợp giữa các dấu hiệu nào mà có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của nhà kinh doanh thương mại này với hàng hóa hoặc dịch vụ của nhà kinh doanh thương mại khác”, Hiệp định TRIPs đồng thời ghi nhận trong trường hợp dấu hiệu đăng ký nhãn hiệu không tự mình có khả năng phân biệt thì việc đăng ký nhãn hiệu vẫn có thể xảy ra một khi dấu hiệu đó đã trở nên có “khả năng phân biệt có được qua sử dụng”[10]. Sau đó, trực tiếp hơn, tại Điều 15:3 Hiệp định TRIPs thừa nhận thành viên có thể quy định việc đăng ký nhãn hiệu phụ thuộc vào việc sử dụng nhãn hiệu đó cho dù điều khoản này đồng thời loại trừ thành viên không được quy định việc sử dụng nhãn hiệu trong thực tế là một điều kiện để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu[11]. Tương tự như một số ghi nhận đặc biệt khác trong nội dung của Hiệp định TRIPs[12], khoản 1 và khoản 3 Điều 15 Hiệp định TRIPs phản ánh phần nào pháp luật và thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu ở Hoa Kỳ và một số quốc gia khác cùng thuộc hệ thống luật án lệ như Anh và Ireland[13]. Điều này có nghĩa rằng, ở vào các trường hợp tương ứng, trong khi các quốc gia khác xét đơn đăng ký sáng chế, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu tất cả đều dành quyền ưu tiên cho người nộp đơn sớm nhất, riêng ở Hoa Kỳ và các quốc gia nêu trên, cho đến nay chỉ các đối tượng sáng chế, mẫu hữu ích và kiểu dáng công nghiệp tuân theo nguyên tắc này, riêng đối với nhãn hiệu nguyên tắc sử dụng đầu tiên vẫn khẳng định sự khác biệt trong hệ thống bảo hộ nhãn hiệu của họ so với hầu hết các quốc gia khác.
Ở Việt Nam, tư cách thành viên của chúng ta ở cả Công ước Paris và Hiệp định TRIPs dẫn đến nhiều nội dung tương ứng được tìm thấy trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Chẳng hạn, trong khi Điều 90 và Điều 91 quy định về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc ưu tiên áp dụng trong đăng ký sở hữu công nghiệp đối với ba đối tượng gồm sáng chế (trong đó có giải pháp hữu ích), kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, điểm g khoản 2 Điều 74 tái hiện phần nào nội dung tự chọn thể hiện tại Điều 15:3 Hiệp định TRIPs đã được viện dẫn ở trên, vì vậy, điều khoản này quy định dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác “đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi” cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu được hưởng quyền ưu tiên bị coi là “không có khả năng phân biệt”, do đó không thể đăng ký nhãn hiệu. Không dừng lại ở đó, khoản 2 Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ còn đồng thời quy định “nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu” của chủ sở hữu nhãn hiệu, như vậy, cho phép người khác được quyền yêu cầu chấm dứt hiệu lực của một nhãn hiệu một khi nghĩa vụ này bị vi phạm bởi chủ sở hữu hoặc bởi người được chủ sở hữu cho phép sử dụng nhãn hiệu, cụ thể khi những người này đã không sử dụng nhãn hiệu “trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực” theo quy định tại Điều 95 về chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp.
Tóm lại, khác với nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đã được pháp luật quốc tế ghi nhận có tính nhất quán trong bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp, theo quan hệ giữa các điều khoản của Hiệp định TRIPs dẫn nhập hóa các điều khoản tương ứng của Công ước Paris bên cạnh tư cách thành viên của hầu hết các nước trên thế giới ở Công ước và Hiệp định này, các quốc gia trên thế giới ngày nay lại hoàn toàn có thể áp dụng song song cả hai nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc sử dụng đầu tiên trong hệ thống bảo hộ nhãn hiệu của mình. Dù trong thực tiễn việc áp dụng hai nguyên tắc này đều không đơn giản, đặc biệt đối với nguyên tắc sử dụng đầu tiên[14], dễ nhận thấy rằng trong cùng một ngữ cảnh với cùng loại vụ việc, lịch sử phát triển của các hệ thống bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp quốc gia đã cho thấy rằng, việc áp dụng nguyên tắc nào trong hoạt động bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng có sự khác biệt rõ ràng tùy thuộc vào quan điểm lập pháp xuất phát từ điều kiện phát triển khác nhau giữa các nước. Lý giải sự khác biệt này hoàn toàn có thể được xem xét từ sự khác biệt rất lớn trong hệ thống bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ nói riêng so với các quốc gia còn lại khác trên thế giới. Nhìn chung, việc áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên ở tất cả các quốc gia khác nghiêng về sự nhẹ nhàng, thuận lợi, dễ áp dụng và nhanh chóng giải quyết vấn đề có liên quan trong một vụ việc tương ứng theo tính “sẵn có và xác định” của yếu tố thời gian bởi khi tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thì thủ tục “ghi sổ hay thụ lý” đều phải được tiến hành, do vậy, khó có thể nảy sinh khó khăn, tranh cãi hay bất đồng[15]. Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, việc từng có hàng trăm năm áp dụng nguyên tắc sáng tạo đầu tiên trong đăng ký sáng chế và hiện tại việc tiếp tục áp dụng nguyên tắc sử dụng đầu tiên trong bảo hộ nhãn hiệu nhằm mục đích xác định hay chỉ ra một cách chính xác, rõ ràng ai là người đã sáng tạo hoặc sử dụng đầu tiên trong số những người độc lập cùng sáng tạo hoặc cùng sử dụng một đối tượng, do vậy, công việc này sẽ trở nên khó khăn và nan giải hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh, việc áp dụng các nguyên tắc đó thực sự khuyến khích và thúc đẩy đầu tư sáng tạo và khai thác, sử dụng sáng tạo hơn rất nhiều.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Nguyên văn: “In respect of Parts II, III and IV of this Agreement, Members shall comply with Articles 1 through 12, and Article 19, of the Paris Convention (1967)”.
[2]. Xem thêm: Stephen A. Merrill, Patent System for the 21st Century, National Academy Press, Washington, 2004; Stephen M. McJohn, ‘Patents: Hiding from History’, Santa Clara Computer & High Technology Law Journal, Volume 24, 2008, 961-980; B. Zorina Khan, The Democratization of Invention: Patents and Copyrights in American Economic Development, 1790-1920, Cambridge University Press, Cambridge, 2005.
[3]. Xem thêm: EH.Net - Economic History Services, An Economic History of Patent Institutions: Patents Statistics for France, Britain, the United States and Germany 1790-1960, B. Zorina Khan, chú thích số 2 đã dẫn.
[4]. Xem thêm: Gene Quinn, “First US Patent Laws were First to File, Not First to Invent”, IPWatchdog, 19 June 2011, www.ipwatchdog.com, truy cập ngày 26/10/2018.
[5]. Xem thêm: George E. Frost, The 1967 Patent Law Debate – First-To-Invent vs. First-To-File, 924.
[6]. Xem:WIPO, WIPO - Administrated Treaties - Contracting Parties - Paris Convention (Total Contracting Parties: 177), www.wipo.int, truy cập ngày 27/10/2018.
[7]. Xem thêm: Kiều Thị Thanh, Vài nét về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, Tạp chí Dân chủ & Pháp luật số 3 (312) tháng 3 - 2018, 18-25; George E. Frost, The 1967 Patent Law Debate – First-To-Invent vs. First-To-File, 925-926.
[8]. Liên quan đến vấn đề này với một ví dụ cụ thể gần đây nhất về một vụ việc điển hình và hết sức phức tạp trong thực tiễn áp dụng nguyên tắc first-to-invent sáng tạo đầu tiên thay bằng nguyên tắc first-to-file nộp đơn đầu tiên theo pháp luật Hoa Kỳ, xin xem thêm: Kiều Thị Thanh, Vài nét về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế,chú thích số 7 vừa dẫn.
[9]. Xem: WTO,Members & Observers of the WTO - Member Information, www.wto.org, truy cập ngày 27/10/2018; WIPO - Administrated Treaties - Contracting Parties - Paris Convention, chú thích số 8 đã dẫn.
[10]. Nguyên văn Điều 15:1 Hiệp định TRIPs: “Any sign, or any combination of signs, capable of distinguishing the goods or services of one undertaking from those of other undertakings, can be capable of constituting a trademark. Such signs, in particular words including personal names, letters, numerals, figurative elements and combination of colours as well as any combination of such signs, shall be eligible for registration as trademarks. Where signs are not inherently capable of distinguishing the relevant goods or services, Members may make registrability depend on distinctiveness acquired through use. Members may require, as a condition of registration, that signs be virtually perceitable”.
[11]. Nguyên văn Điều 15:3 Hiệp định TRIPs: “Members may make registrability depend on use. However, actual use of a trademark shall not be a condition for filing an application for registration. An application shall not be refused solely on the ground that intended use has not taken place before the expiry of a period of three years from the date of application”.
[12]. Ví dụ, khi đưa ra các yêu cầu thành viên cấp bằng độc quyền sáng chế tại Điều 27:1 Hiệp định TRIPs có một chú thích trực tiếp rằng các tiêu chí “bước tiến sáng tạo” (inventive step) và “khả năng áp dụng công nghiệp” (capable of industrial application) hoàn toàn được hiểu như các điều kiện về “tính hiển nhiên” (non-obvious) và về “tính hữu ích” (useful) vốn được tìm thấy trong Đạo luật Độc quyền sáng chế Hoa Kỳ.
[13]. Xem thêm: 4 Common Law Trademark Infringement Principles You Need To Know, Nick Potts, 11 April 2017, TrademarkNow, https://www.trademarnow.com, truy cập 30/11/2018.
[14]. Về các khó khăn của việc áp dụng nguyên tắc first-to-use sử dụng đầu tiên trong hệ thống bảo hộ nhãn hiệu ở Hoa Kỳ, xin xem ví dụ, USPTO, Dates of Use:How to Satisfy a Requirement for Providing Dates of First Use in an Application Alleging Use in Commerce or an Allegation of Use, https://www.uspto.gov; Waltmire, When a First Use is Not a First Use in Commerce for a Trademark Application, Eric Waltmire, 10 December 2014, https://www.waltmire.com; Forbes, Four Reasons EMC was First to Use a Trademark and Still Lost its Case, Jess Collen, 19 April 2017, https://www.forbes.com, truy cập 27/11/2018. Đặc biệt, xin xem: Barton Beebe, Trademark Law: An Open-Source Casebook (Creative Commons Attribution-NonCommercial-ShareAlike 4.0 International License, 16 August 2017) các trang 335-358 trong đó bao gồm phán quyết của Tòa án cùng các biện giải được đưa ra để giải thích cho tính hợp lý của phán quyết đó trong vụ Aycock Engineering, Inc. v. Airflite, Inc. gắn với quá trình giải quyết vụ việc này trong các năm 2007-2009 theo đó Tòa án cần phải xác định nguyên đơn (Aycock) đã có sử dụng nhãn hiệu của mình trong thương mại một cách tương xứng hay không khi mà nhãn hiệu của Aycock đã được đăng ký tại USPTO từ những năm đầu 1970. Tương tự, khó khăn rất lớn của việc áp dụng nguyên tắc first-to-invent sáng tạo đầu tiên trong hệ thống bảo hộ sáng chế từng tồn tại và phát triển hàng trăm năm ở Hoa Kỳ phần nào có thể nhận thấy rất rõ trong một vụ việc vô cùng phức tạp thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học (CRISPR-CAS9) đã xảy ra và tiếp tục phải được giải quyết trong thời gian rất gần đây xin xemVài nét về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, chú thích số 9 đã dẫn.
[15]. Xem thêm: George E. Frost, The 1967 Patent Law Debate – First-To-Invent vs. First-To-File, 925-926.