1. Quá trình hình thành và phát triển
Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó cần có cơ chế hậu kiểm để kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì vậy, trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau khi Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 không quy định chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân, Chính phủ đã tổ chức triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kiểm tra, xử lý văn bản và giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên cả nước[1].
Ngày 05/8/2003, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 336/QĐ-BTP về việc thành lập Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Cục Kiểm tra văn bản) thuộc Bộ Tư pháp (sau đó lần lượt được thay thế bởi Quyết định số 908/QĐ-BTP ngày 13/6/2007; Quyết định số 808/QĐ-BTP ngày 16/4/2009; Quyết định số 2929/QĐ-BTP ngày 27/11/2013; Quyết định số 2038/QĐ-BTP ngày 05/10/2016 và nay là Quyết định số 656/QĐ-BTP ngày 06/4/2018), trong đó đã giao Cục Kiểm tra văn bản thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và thực hiện quản lý nhà nước về công tác này. Sau khi được thành lập, Cục Kiểm tra văn bản đã tham mưu để Bộ Tư pháp trình Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đó được thay thế bằng Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 và nay là Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016) tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước. Ngày 02/6/2005, Cục Kiểm tra văn bản được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao bổ sung nhiệm vụ làm đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (Quyết định số 1215/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Năm 2013, trên cơ sở Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012, Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản tiếp tục được Bộ trưởng giao thêm các nhiệm vụ là quản lý nhà nước về công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (Quyết định số 2929/QĐ-BTP ngày 27/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Đến nay, theo Quyết định số 656/QĐ-BTP ngày 06/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm và thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tổ chức thực hiện rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức, đến năm 2007, Cục đã hình thành được 04 đơn vị trực thuộc là: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Rà soát, hệ thống hóa văn bản; Phòng Cơ sở dữ liệu kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2013, theo quyết định của Bộ trưởng, Cục được thành lập thêm Phòng Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Ngày 20/6/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1331/QĐ-BTP phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Cục Kiểm tra văn bản[2], theo đó, cơ cấu tổ chức của Cục được đổi mới theo hướng tạo thuận lợi cho công chức phát triển chuyên môn sâu theo lĩnh vực pháp luật[3]. Đội ngũ công chức của Cục từng bước được xây dựng, củng cố[4]. Cùng với việc xây dựng, phát triển tổ chức, nhân sự của các đơn vị chuyên môn, các đoàn thể thuộc Cục Kiểm tra văn bản cũng được quan tâm kiện toàn tổ chức, triển khai hoạt động, tham gia tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động chung của Cục những năm qua.
2. Những kết quả nổi bật
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp qua các thời kỳ và sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, công chức trong đơn vị, thời gian qua, Cục Kiểm tra văn bản đã đạt được nhiều thành tích trong công tác, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thiết thực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Bộ, Ngành Tư pháp, trong đó nổi bật là:
Về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật: Đây là công tác có bề dày kinh nghiệm nhất so với các nhiệm vụ khác của Cục, thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của Bộ, Ngành. Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật luôn được Cục xác định là lĩnh vực công tác trọng tâm. Để triển khai công tác này, Cục đã tích cực tham mưu hoàn thiện thể chế về kiểm về kiểm tra, xử lý văn bản[5]. Hằng năm, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan cấp bộ và địa phương ban hành gửi đến để kiểm tra theo thẩm quyền, theo chuyên đề và từ các nguồn thông tin do công dân, cơ quan, tổ chức, báo chí phản ánh, Cục Kiểm tra văn bản đã tổ chức kiểm tra bình quân khoảng 3.000 văn bản theo thẩm quyền, phát hiện hằng trăm văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và văn bản có sai sót khác. Trên cơ sở thông báo, kết luận của Cục Kiểm tra văn bản, hầu hết các văn bản trái pháp luật đều được cơ quan ban hành xem xét, xử lý hoặc có hướng xử lý, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính đồng bộ và tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật. Đối với những văn bản trái pháp luật chưa được cơ quan ban hành văn bản nhìn nhận nghiêm túc và có biện pháp xử lý kịp thời, Cục đã chủ động, tích cực tham mưu để Lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo xử lý quyết liệt, triệt để.
Bên cạnh đó, qua việc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc của Cục Kiểm tra văn bản, hoạt động kiểm tra văn bản đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện ngày càng bài bản, toàn diện và đi vào thực chất. Các cơ quan kiểm tra văn bản trên cả nước đã kiểm tra một số lượng lớn văn bản, thông qua đó đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều văn bản trái pháp luật, ngăn chặn việc áp dụng các quy định trái pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời nâng cao nhận thức của cơ quan ban hành văn bản về chấp hành kỷ cương, kỷ luật ban hành văn bản, được xã hội quan tâm, đồng tình. Hoạt động kiểm tra văn bản thời gian qua cũng đã từng bước kết nối với các hoạt động xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, tạo sự đồng bộ trong kiến nghị xử lý văn bản sai phạm. Kết quả công tác kiểm tra văn bản đã khẳng định tính đúng đắn của việc xác lập cơ chế này trong nội bộ hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần khẳng định vị thế của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, thông qua công cụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, nhiệm vụ phản ứng chính sách được toàn Ngành Tư pháp thực hiện kịp thời, nhạy bén và sát với thực tiễn hơn[6]. Với những nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo và công chức trong đơn vị, 15 năm qua công tác kiểm tra, xử lý văn bản đã tạo được tiếng vang trong Ngành Tư pháp, tạo dư luận tích cực trong đời sống xã hội. Hằng năm, số lượng và chất lượng kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền của Bộ Tư pháp cũng ngày càng được nâng lên, đặc biệt từ năm 2015 đến năm 2017 tăng lên một cách đáng kể, cụ thể: Năm 2017, số văn bản đã kiểm tra theo thẩm quyền tăng 98% so với năm 2015, tăng 69% so với kỳ năm 2016; số văn bản đã kết luận tăng gần 70% so với năm 2015, tăng 20,5% so với năm 2016; tỷ lệ số văn bản trái pháp luật đã được xử lý trên tổng số văn bản đã kết luận tăng từ 29% (năm 2015, 2016) lên 47% (năm 2017)… Đặc biệt, trong năm 2017, với quyết tâm xóa nợ đọng trong xử lý văn bản trái pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản đã tổ chức rà soát, trình Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý đối với 19 văn bản trái pháp luật của các bộ, địa phương tồn đọng chưa được xử lý từ trước năm 2017. Đến nay, các văn bản này đã được xử lý triệt để.
Về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đã được Cục Kiểm tra văn bản triển khai từng bước (từ khi được giao nhiệm vụ năm 2005) và ngày càng nề nếp, bài bản. Năm 2013, Cục đã tham mưu để Bộ trưởng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; trình Bộ trưởng ban hành Thông tư số 09/2013/TT-BTP ngày 15/6/2013 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP. Theo đó, lần đầu tiên công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật có văn bản điều chỉnh riêng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ cho việc triển khai hiệu quả công tác này trên thực tế. Hiện nay, hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được điều chỉnh chủ yếu bởi Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Kiểm tra văn bản đã làm tốt vai trò giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật như tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra tổ chức pháp chế các bộ, ngành và cơ quan tư pháp địa phương thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản; làm đầu mối tổ chức thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ; thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác rà soát các văn bản thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp được Cục Kiểm tra văn bản chú trọng thực hiện thường xuyên, kịp thời và hiệu quả. Trên cơ sở kết quả rà soát, hàng năm, Cục đã tham mưu Bộ trưởng ban hành các quyết định công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Cụ thể, từ năm 2005 đến hết tháng 5/2018, Cục Kiểm tra văn bản đã tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký, ban hành 13 quyết định công bố Danh mục văn bản, quy định pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành và liên tịch ban hành hết hiệu lực thi hành và Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (gồm 423 văn bản). Hoạt động này đã góp phần nâng cao tính minh bạch, dễ tiếp cận văn bản của Bộ Tư pháp nói riêng và cũng là một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác soạn thảo, ban hành cũng như kiểm tra, xử lý và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Cục Kiểm tra văn bản còn giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo nhiều chuyên đề, lĩnh vực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiêu biểu như: Tổ chức triển khai rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 (với tổng số 102.306 văn bản quy phạm pháp luật được rà soát; 282 văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới); tổ chức rà soát, xác định và công bố các văn bản hết hiệu lực theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014; tổ chức rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016…
Trong công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở kết quả hệ thống hóa kỳ đầu tiên thống nhất trong cả nước (31/12/2013), hằng năm, Cục đã tham mưu Bộ trưởng thực hiện rà soát, cập nhật kết quả hệ thống hóa văn bản thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Năm 2018, thực hiện kỳ hệ thống hóa văn bản thứ hai thống nhất trong cả nước (2014 - 2018), Cục đã tham mưu Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2014 - 2018 (Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2018). Trên cơ sở đó, Cục đã chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch; trình Bộ trưởng ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014 - 2018 tại Bộ Tư pháp; tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng rà soát, hệ thống hóa văn bản phục vụ công tác hệ thống hóa văn bản cho các bộ, ngành, địa phương; tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch hệ thống hóa văn bản. Theo đó, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này.
Thông qua kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện và kịp thời xử lý những văn bản thuộc lĩnh quản lý nhà nước của cơ quan mình quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp, góp phần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, giúp công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật được hiệu quả. Điều đó không chỉ phản ánh sự nhận thức đầy đủ về vai trò và sự chủ động trong công tác quản lý nhà nước của Cục Kiểm tra văn bản mà còn thể hiện sự nỗ lực, tích cực của tập thể lãnh đạo và công chức Cục Kiểm tra văn bản trong việc giúp Bộ trưởng triển khai hiệu quả công tác này.
Về pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật: Với thời gian triển khai thực hiện khoảng 05 năm qua, công tác pháp điển và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được những kết quả nổi bật, được Lãnh đạo Bộ Tư pháp đánh giá cao. Để triển khai thực hiện Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012, Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP, năm 2014, Cục đã chủ trì xây dựng, tham mưu Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và trình Bộ trưởng ký ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền về công tác pháp điển và hợp nhất. Cho đến nay, về cơ bản, văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết cũng như văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ, bảo đảm các điều kiện pháp lý cần thiết cho việc xây dựng thành công Bộ pháp điển và việc hợp nhất các văn bản sửa đổi, bổ sung của các bộ, ngành.
Nhận thức được vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng Bộ pháp điển, ngay từ khi được giao nhiệm vụ, Cục Kiểm tra văn bản đã rất chủ động, tích cực triển khai. Trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, với sự nỗ lực của Cục Kiểm tra văn bản nói riêng và các bộ, ngành nói chung, đến nay các bộ, ngành đã thực hiện xong và trình Chính phủ thông qua 67/265 đề mục và chính thức đưa vào khai thác, sử dụng công khai trên mạng internet (vượt tiến độ 300% so với lộ trình xây dựng Bộ pháp điển mà Thủ tướng Chính phủ giao). Qua việc pháp điển, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được gần 3.000 văn bản trên tổng số khoảng gần 10 nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực. Bên cạnh đó, Cục Kiểm tra văn bản đã giúp Bộ trưởng chủ trì thực hiện nhiều hoạt động nhằm sớm đưa Bộ pháp điển vào khai thác, sử dụng. Với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và công chức Cục Kiểm tra văn bản, Bộ pháp điển đã bước đầu được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng, đến nay có hơn 1 triệu lượt truy cập vào Bộ pháp điển điện tử (trung bình mỗi ngày có gần 3 nghìn lượt truy cập). Với kết quả như vậy, ngày 20/12/2017, công tác xây dựng Bộ pháp điển đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của Ngành Tư pháp.
Đối với công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, sau gần 05 năm triển khai thực hiện, Cục Kiểm tra văn bản đã chủ động, tích cực trong việc giúp Bộ trưởng hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện hợp nhất các văn bản sửa đổi, bổ sung thuộc trách nhiệm hợp nhất. Theo đó, công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tại các bộ, ngành ngày càng đi vào nề nếp, việc thực hiện hợp nhất văn bản theo đúng trình tự, thủ tục, nội dung, kỹ thuật và thực hiện đăng tải trên công báo và trang thông tin điện tử theo quy định. Về cơ bản, việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thi hành Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 đã được thực hiện khá bài bản, nghiêm túc, có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị trực thuộc của cơ quan có thẩm quyền thực hiện hợp nhất văn bản.
Bên cạnh đó, nhiều mặt công tác khác phục vụ cho hoạt động chuyên môn của đơn vị cũng được quan tâm và triển khai tích cực, hiệu quả như: Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin; hợp tác quốc tế; tổ chức cán bộ; thi đua khen thưởng… Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thuộc Cục như Chi bộ, Đoàn Thanh niên, Tổ Nữ công cũng ngày càng được kiện toàn và nêu cao trách nhiệm, phát huy vai trò và góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Cục được giao.
Với những kết quả công tác đạt được trong thời gian qua, Cục Kiểm tra văn bản đã được Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp trao tặng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý, cụ thể là hằng năm Cục đều được công nhân danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; “Cờ Thi đua Ngành Tư pháp” (năm 2015 và năm 2017); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012) và nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Hướng tới kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập, Cục Kiểm tra văn bản đã hoàn thiện hồ sơ trình các cấp thẩm quyền xem xét trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Các hình thức khen thưởng kể trên thể hiện sự đánh giá cao của Chính phủ, Bộ, Ngành Tư pháp đối với những đóng góp của Cục Kiểm tra văn bản trong 15 năm qua, là nguồn động viên, khích lệ to lớn để tập thể đơn vị tiếp tục nỗ lực hơn nữa, xây dựng Cục Kiểm tra văn bản vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
3. Định hướng trong thời gian tới
Hiến pháp năm 2013, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với các hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp nói chung và của Cục Kiểm tra văn bản nói riêng như: Sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước; tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước, từ đó phải nâng cao hiệu quả kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; xử lý nghiêm văn bản trái pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật…
Trong bối cảnh đó, trên cơ sở nhận thức đầy đủ thuận lợi và khó khăn, thách thức, thời gian tới Cục Kiểm tra văn bản cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, cụ thể là: (i) Triển khai công tác trên cơ sở quán triệt đầy đủ quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đặt trong tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động của Ngành Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; (ii) Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Cục Kiểm tra văn bản đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt; (iii) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện tốt vai trò đầu mối của Cục Kiểm tra văn bản trong tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động của các cơ quan kiểm tra văn bản trong cả nước, góp phần tăng cường năng lực hệ thống để kiểm soát chủ động, có chiều sâu về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra kịp thời các văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao; ưu tiên kiểm tra các văn bản tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra văn bản; (iv) Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm việc rà soát, xử lý văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp được thực hiện kịp thời; (v) Hoàn thành Bộ pháp điển bảo đảm chất lượng, tiến độ và sớm đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống; (vi) Đặt các hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất và pháp điển trong tổng thể các hoạt động kiểm soát chất lượng của hệ thống pháp luật, gắn kết hiệu quả với xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành pháp luật, tăng cường năng lực phản ứng chính sách, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
[2]. Quyết định này được xây dựng trên cơ sở Đề án Đổi mới tổ chức và hoạt động của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, với nội dung ý tưởng cốt lõi từ Đề án thi vị trí Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được Hội đồng thi tuyển lựa chọn.
[3]. Cơ cấu tổ chức hiện nay của Cục gồm 05 đơn vị trực thuộc như sau:
- Văn phòng: Có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng chỉ đạo, điều hành và quản lý các hoạt động của Cục; xây dựng, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Cục; xây dựng, cập nhật và quản lý Cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật, tài sản, kinh phí hoạt động của Cục; tổ chức thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, thi đua, khen thưởng, văn thư, lưu trữ, tài chính, kế toán, hành chính, quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin, hợp tác quốc tế và các điều kiện làm việc khác phục vụ cho hoạt động của Cục;
- Phòng Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật khối kinh tế: Có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực công thương, giao thông, vận tải, kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng, tài nguyên và môi trường;
- Phòng Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật khối khoa giáo - văn xã: Có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, lao động, thương binh, xã hội, thông tin, truyền thông, y tế;
- Phòng Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật khối nội chính: Có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quốc phòng, công an, nội vụ, ngoại giao, dân tộc và thanh tra; tham gia thẩm định, góp ý đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo;
Đồng thời, các phòng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật còn được giao theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ trong lĩnh vực pháp luật được phân công và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và việc hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
- Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật: Tham mưu, giúp Cục trưởng quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thẩm định kết quả pháp điển theo quy định của pháp luật.
[4]. Khi thành lập năm 2003 Cục có 08 biên chế. Hiện nay, Cục được giao 35 biên chế, đã thực hiện 34 biên chế, trong đó 32 người có trình độ đại học Luật trở lên (02 tiến sĩ, 10 thạc sỹ), 01 Đại học Tài chính - Kế toán, 01 Cao đẳng Văn thư - Lưu trữ, 05 chuyên viên chính, 01 chuyên viên cao cấp.
[5]. Ngay sau khi thành lập, Cục đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao chủ trì xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003), đồng thời xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2004/TT-BTP ngày 16/6/2004 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP. Cục cũng đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 158/2005/TTLT-BTC-BTP ngày 28/12/2007 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được ban hành, Cục đã chủ trì xây dựng các nội dung quy định chi tiết về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và cùng với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan tham mưu Bộ trưởng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Cục đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài chính xây dựng văn bản thay thế Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các hoạt động này trong giai đoạn hiện nay.
[6]. Là một nội dung của sự kiện thứ 3 trong 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tư pháp năm 2017 được công bố và phê duyệt theo Quyết định số 2691/QĐ-BTP ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.