Theo thống kê từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 850 vụ án hình sự, tính chất thủ đoạn gây án ngày càng tinh vi, nghiêm trọng, như: Vụ giết người, cướp tài sản (chết 2 người) xảy ra ngày 23/12/2012 tại thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa; vụ giết người xảy ra ngày 21/01/2015 tại xã Ia Kla, huyện Đức Cơ (chết 2 người, bị thương 1 người). Nguyên nhân là do mâu thuẫn cá nhân bộc phát tức thời; do mâu thuẫn gia đình; liên quan đến rượu, bia…; số đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, lưu động, có xu hướng trẻ hóa, số đối tượng từ 14 tuổi đến dưới 30 tuổi chiếm tỉ lệ cao (68%). Nhiều đối tượng phạm tội trong độ tuổi từ 14 đến 18 tuổi như nhóm đối tượng Lê Văn Dương (sinh năm 1998, có 4 đối tượng) gây ra 8 vụ trộm cắp tài sản tại huyện Chư Pưh, nhóm đối tượng Dương Văn Tâm (sinh năm 1994, có 3 đối tượng) gây ra 12 vụ cướp tại huyện Đăk Đoa, Chư Păh… Đối tượng phạm tội là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng, tội phạm trộm cắp chiếm tới 48% cơ cấu tội phạm… Tội phạm về kinh tế như: Các vụ vận chuyển tàng trữ lâm sản trái phép với số lượng lớn; tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm… xảy ra ngày càng nhiều tại địa bàn các huyện Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ, Kong Chro. Tội phạm tham nhũng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp xảy ra ở các lĩnh vực như quản lý đất đai, quản lý tài chính, thực hiện chính sách… Đối với tội phạm về ma túy ngày càng diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, số đối tượng liên quan đến ma túy có xu hướng tăng, theo rà soát trên địa bàn tỉnh hiện có 948 đối tượng liên quan đến ma túy…
Thực hiện Chỉ thị số 48/CT-TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 95-KL/TW ngày 02/4/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới và Kế hoạch số 3705/KH-UBND ngày 28/10/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”; Kế hoạch số 1269/KH-BCĐ ngày 19/9/2012 của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh về triển khai thực hiện công tác phòng chống tội phạm. Xác định được công tác tuyên truyền pháp luật phòng chống tội phạm có vai trò đặc biệt quan trọng, làm giảm thiểu tỉ lệ vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Trong 05 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện tuyên truyền hơn 355.000 tài liệu các loại tuyên về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý, phòng, chống mua bán người; phát sóng trên 7.000 bản tin, bài viết phóng sự tuyên truyền phòng chống tội phạm; tổ chức tập trung tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm tại các khu vực biên giới được 930 buổi với 94.582 lượt người tham dự; tổ chức tuyên truyền cá biệt cho từng đối tượng, từng hộ gia đình được 3.636 buổi với 25.139 lượt người; tổ chức cho 9.100 hộ gia đình làm cam kết “không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả”; 31.500 cán bộ, hội viên hội phụ nữ ký cam kết “bản thân và gia đình không vi phạm pháp luật về tệ nạn xã hội”, các cơ quan đơn vị phối hợp thực hiện hàng ngàn buổi tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm với 645.522 lượt người tham dự, phát động quần chúng phòng chống tội phạm tại 4.700 lượt thôn, làng, tổ dân phố với 631.888 lượt người tham dự; tổ chức 135 lớp tập huấn tuyên truyền về phòng chống tội phạm. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn tập trung vào việc thông qua các hoạt động như “Ngày pháp luật”; cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “3 không với ma túy”; các câu lạc bộ pháp luật như “Phụ nữ với pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật”, “Tuổi trẻ với pháp luật”…
Nhìn chung công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trong thời gian qua tuy được đổi mới nhiều với các nội dung phù hợp, phát huy được hiệu quả nhất định, nhưng triển khai chưa thường xuyên, chưa tập trung vào các đối tượng có nguy cơ phạm tội, tệ nạn xã hội… công tác cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội, vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng còn hạn chế, thiếu sự tích cực tham gia của toàn xã hội; tỷ lệ tái phạm trong số phạm nhân được đặc xá, mãn hạn tù vẫn chưa giảm. Trong thời gian tới để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn, làm giảm thiểu tỉ lệ vi phạm pháp luật của người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên và tội phạm công nghệ cao cần thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, các cấp Ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải quan tâm hơn nữa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình;
Thứ hai, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý, phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh cả về chiều sâu, chiều rộng, với nhiều hình thức, nội dung phù hợp đến từng đối tượng cụ thể, đề ra chương trình, kế hoạch tuyên truyền để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, kế hoạch phòng, chống tội phạm; tập trung tuyên truyền vào các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao để giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật;
Thứ ba, thường xuyên biên soạn và cấp phát các tài liệu tuyên truyền đến tận cơ sở; mở các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức và kỹ năng về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong hệ thống mặt trận, đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội, từ đó tạo ra phong trào đoàn kết đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội rộng khắp, phấn đấu từng bước làm giảm và tiến tới đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người… ra khỏi đời sống xã hội;
Thứ tư, mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm thực hiện và tuyên truyền, vận động gia đình thực hiện pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm;
Thứ năm, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tổ chức quần chúng và nhân dân vào công tác phòng, chống tội phạm. Nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; tổ chức các đợt tuyên truyền gắn với việc thực hiện “xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”
Thứ sáu, tăng cường và đổi mới công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người phạm tội được đặc xá, tha tù, người mắc tệ nạn xã hội tại cộng đồng và tại các trại giam, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng với những hình thức phù hợp. Quan tâm hỗ trợ những người lầm lỗi đã cải tạo tốt để sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng.
Cuối cùng, xây dựng và nhân rộng các mô hình tuyên truyền phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Vận động nhân dân tích cực tham gia trấn áp tội phạm, truy bắt các đối tượng bị truy nã nhưng đang lẩn trốn. Kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân đã đóng góp tích cực trong việc phát hiện, điều tra tội phạm. Có chính sách bảo vệ cá nhân và gia đình những người tham gia làm công tác phòng, chống tội phạm.
Ngân Vũ