Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Luật đã tăng cường phân quyền cho địa phương trong hoạt động thực hiện quy hoạch; hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; kinh phí cho hoạt động; thống nhất các khái niệm, thuật ngữ với quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật về quy hoạch; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ lập quy hoạch; quy trình lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến chế độ báo cáo trong hoạt động quy hoạch…
1. Tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm đáp ứng cao nhất yêu cầu của thực tiễn phát triển
Khoản 2 Điều 15 Luật Quy hoạch năm 2017 quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thẩm định và thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 29 Luật Quy hoạch năm 2027, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh. Như vậy, không có sự đồng bộ giữa thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch và lập quy hoạch tỉnh. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15, theo đó, phân quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sửa đổi này nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong văn bản quy phạm pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 55 và khoản 1 Điều 56 Luật Quy hoạch năm 2017 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy trình này chưa tạo được cơ chế linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch[1]. Mặt khác, một số nội dung của kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh (như dự án đầu tư công, dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác...) đã được phân quyền cho các địa phương theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 56, theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh. Việc phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh là cần thiết để tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh.
2. Bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu bổ sung Điều 54a vào sau Điều 54 trong Mục 3 Chương IV quy định về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo quy định này, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh được điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn khi có một trong các căn cứ sau đây: (i) việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ về bảo đảm quốc phòng, an ninh, sắp xếp đơn vị hành chính, dự án quan trọng quốc gia làm thay đổi một hoặc một số nội dung quy hoạch; (ii) quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn; (iii) quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp; (iv) việc thực hiện dự án khẩn cấp, nhiệm vụ cấp bách làm thay đổi một hoặc một số nội dung quy hoạch theo quy định của Chính phủ.
Việc điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn không làm thay đổi quan điểm và mục tiêu của quy hoạch; bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định giữa các quy hoạch. Quy định này nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách, bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
3. Cho phép sử dụng cả nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động lập quy hoạch
Điều 9 Luật Quy hoạch năm 2017 quy định về việc “sử dụng từ vốn đầu tư công” để lập quy hoạch, không quy định về việc sử dụng kinh phí thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để lập quy hoạch, không có quy định về kinh phí cho quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong khi đó, pháp luật chuyên ngành trong một số lĩnh vực quy định về việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để lập quy hoạch, hoặc một số quy định của pháp luật chuyên ngành lại quy định kinh phí lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thực hiện theo Luật Quy hoạch đã dẫn đến cách hiểu và thực hiện chưa thống nhất về nguồn kinh phí đối với hoạt động quy hoạch. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 đã cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch mà đến thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành chưa được bố trí vốn.
Để khắc phục thực trạng này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã sửa đổi quy định này, theo đó, chi phí cho hoạt động quy hoạch gồm có: (i) chi phí lập, công bố, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và nguồn vốn hợp pháp khác; đối với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; (ii) chi phí lập, thẩm định, điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thẩm định, thẩm định điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đánh giá quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sử dụng nguồn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; (iii) chi phí lập, thẩm định, công bố, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành sử dụng nguồn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác.
Quy định mới này tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
4. Đơn giản hóa công tác báo cáo quy hoạch
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu sửa đổi Điều 49 để gộp nội dung “rà soát quy hoạch định kỳ 05 năm” tại Điều 52 vào nội dung “đánh giá thực hiện quy hoạch định kỳ” tại Điều 49 để tránh trùng lặp, đơn giản hóa chế độ báo cáo, tiết kiệm thời gian và nguồn lực thực hiện, đồng thời bãi bỏ quy định về rà soát định kỳ 05 năm tại Điều 52 Luật Quy hoạch năm 2017. Quy định này giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực trong quản lý quy hoạch.
Minh Trí
[1] Tờ trình số 7171/TTr-BKHĐT ngày 06/9/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án sửa đổi một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.