Trong những năm gần đây, tình hình người chưa thành niên phạm tội ngày càng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi. Chính vì vậy, việc bảo vệ, giáo dục người chưa thành niên phạm tội đã trở thành vấn đề cấp thiết và được cả xã hội quan tâm. Được sự quan tâm của Cục Trợ giúp pháp lý, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã liên tục đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ cho người chưa thành niên.
Năm 2016, Trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng 83 vụ việc, trong đó có 20 vụ việc tham gia bào chữa, bảo vệ cho người chưa thành niên (chiếm tỷ lệ 24% tổng số vụ việc). Năm 2017, Trung tâm cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng 136 vụ việc, trong đó, có 60 vụ việc tham gia bào chữa, bảo vệ cho người chưa thành niên (chiếm tỷ lệ 44% tổng số vụ việc). Quý I/2018, Trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng 71 vụ việc, trong đó, có 35 vụ việc tham gia bào chữa cho người chưa thành niên (chiếm tỷ lệ 53%, tăng 05 vụ việc so với cùng kỳ năm 2017). So với những năm trước đây, việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ cho người chưa thành niên có chiều hướng tăng về số lượng, chất lượng và đa dạng về tội danh. Một số vụ án quan điểm của trợ giúp viên pháp lý đưa ra đã được Hội đồng xét xử xem xét để chuyển khung hình phạt xuống mức thấp hơn, giảm án cho bị cáo hay chuyển sang mức án treo. Với sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên đã góp phần làm cho hoạt động tố tụng được khách quan, toàn diện, đúng bản chất, giúp Hội đồng xét xử ban hành bản án đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật, giúp người chưa thành niên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, tạo được lòng tin, sức lan tỏa trong nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế hoạt động trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định ảnh hưởng đến số lượng cũng như chất lượng vụ việc:
Một là, phần lớn người chưa thành niên phạm tội là những người có hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn hoặc thường sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp cận các thông tin pháp luật nói chung, Luật Trợ giúp pháp lý, pháp luật hình sự nói riêng còn hạn chế, họ không tiếp cận được các thông tin pháp luật hoặc tiếp cận được nhưng chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền pháp luật còn chung chung, chưa đi sâu vào các quy định liên quan đối tượng chính là người chưa thành niên dẫn đến những người này khi có vướng mắc pháp luật họ chưa hiểu và chưa biết đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý để được Trung tâm cử người tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ cho mình.
Hai là, trong một thời gian dài, các quy định về người chưa thành niên chưa được thống nhất, người chưa thành niên được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em… Các quy định chưa thống nhất nên việc áp dụng quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên giữa một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc.
Ba là, một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng người chưa thành niên phạm tội. Người tiến hành tố tụng nhiều lúc không hiểu được bản chất thực sự của việc tham gia trợ giúp pháp lý là bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý, phối hợp với người tiến hành tố tụng sớm phát hiện ra sai sót (nếu có) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để từ đó kịp thời khắc phục, góp phần làm cho hoạt động tố tụng được khách quan, toàn diện, đúng bản chất mà nghĩ trợ giúp viên pháp lý tham gia sẽ “bới lông tìm vết”, làm chậm tiến độ công việc nên phần nào đó còn gây khó khăn cho việc trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên pháp lý trong quá trình họ thực hiện các nhiệm vụ được giao (ví dụ khi trợ giúp viên pháp lý liên hệ công tác thì người được thụ lý của các cơ quan tố tụng thường lấy lý do bận họp, bận đi công tác tránh không muốn gặp để trợ giúp viên pháp lý không thâm nhập sâu hơn trong các vụ án).
Bốn là, công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Hà Tĩnh ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự có hiệu quả, chưa đánh giá đúng công tác trợ giúp pháp lý của từng đơn vị để kịp thời tháo gỡ, chấn chỉnh những khó khăn, vướng mắc.
Năm là, đa phần người chưa thành niên phạm tội thường là những người có hoàn cảnh đặc biệt như: Bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, bố mẹ mất sớm hoặc vì cuộc sống quá cơ cực phải lăn lộn để mưu sinh nên không còn thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Khi trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý muốn thu thập, bổ sung chứng cứ giảm nhẹ cho thân chủ là người chưa thành niên thì việc phối hợp với đại diện hợp pháp của người chưa thành niên không thực hiện được; một số bị can, bị cáo khi trình bày sự việc chưa đúng với hành vi bị can, bị cáo thực hiện… những điều này phần nào ảnh hưởng đến kết quả bào chữa, bảo vệ người chưa thành niên.
Sáu là, một số trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên pháp lý còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kỹ năng tham gia tố tụng, bào chữa, bảo vệ cho người chưa thành niên nên kết quả trợ giúp pháp lý chưa cao. Một số người khi tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ cho người chưa thành niên thì chưa thật sự tâm huyết với việc bào chữa, bảo vệ, tham gia trợ giúp pháp lý cho đối tượng chỉ mang tính hình thức, chưa quan tâm đến nội dung hoặc khi tham tố tụng bào chữa cho người chưa thành niên thiên về hướng đọc hồ sơ mà không đi sâu về khai thác các đặc điểm tâm lý, nhân thân, hoàn cảnh gia đình của người chưa thành niên nên trong quá trình tố tụng, không tạo được lòng tin ở người được trợ giúp, thiếu sự thống nhất giữa người bào chữa, bảo vệ với thân chủ, do đó ảnh hưởng đến kết quả bào chữa, bảo vệ.
Để nâng cao chất lượng thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên trong thời gian tới, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017
Hiện nay, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định cụ thể về đối tượng người chưa thành niên thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Do đó, cần xây dựng nội dung tuyên truyền gắn liền quyền lợi của người chưa thành niên, tuyên truyền phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý rộng rãi với các hình thức phong phú và đa dạng tới cán bộ và nhân dân trên địa bàn để nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói chung và người chưa thành niên nói riêng để biết và đến với Trung tâm khi có vướng mắc pháp luật.
Thứ hai, tăng cường hơn vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Hội đồng phối hợp liên ngành cần tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các đơn vị thuộc ngành mình quản lý để kịp thời tháo gỡ và chấn chỉnh. Phối hợp theo dõi, đánh giá chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên nỗ lực hết mình trong công tác trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên.
Thứ ba, xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với cơ quan tiến hành tố tụng
Để công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao nhất thì trong thời gian tới cần xây dựng quy chế phối hợp về hoạt động trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng giữa Trung tâm và cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn. Trong đó, quy định rõ về trách nhiệm giữa Sở Tư pháp và cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giới thiệu người thuộc diện đối tượng được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm, trách nhiệm của trợ giúp viên và luật sự cộng tác viên trong việc hỏi cung, tham gia phiên tòa... Qua việc thực hiện quy chế, người tiến hành tố tụng và người bào chữa, sẽ hiểu hơn về công việc của nhau, từ đó tạo thuận lợi cho nhau trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nâng cao được hiệu quả bảo vệ quyền lợi cho người chưa thành niên theo đúng quy định pháp luật.
Thứ tư, người tiến hành tố tụng cần tăng cường việc hướng dẫn giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên trong qua trình thực hiện nhiệm vụ của mình
Trong quá trình thụ lý và giải quyết các vụ án nếu phát hiện bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý nói chung và người chưa thành niên nói riêng thì các cơ quan tiến hành tố tụng ngoài việc giải thích cho họ biết về quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, cần phải giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí; hướng dẫn cho họ hoặc người thân thích, người đại diện hợp pháp của họ về các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; cung cấp cho họ mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và địa chỉ liên lạc của Trung tâm để biết và tiếp cận Trung tâm.
Thứ năm, người thực hiện cần tìm hiểu kỹ tâm lý độ tuổi, tiếp xúc sớm với người chưa thành niên trong quá trình thực hiện bảo vệ, bào chữa cho họ
Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên khi tham gia trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên không chỉ tập trung nghiên cứu hồ sơ vụ án mà cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, thấu hiểu hoàn cảnh của các em, tạo độ tin cậy để các em sẵn sàng chia sẻ, trình bày rõ diễn biến hành vi do mình gây ra hoặc hậu quả xảy ra đối với bản thân mình, đồng thời lắng nghe, thực hiện theo sự hướng dẫn của người bào chữa để có thể thu thập, bổ sung thêm các chứng cứ có lợi, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa người bào chữa với thân chủ trong quá trình tố tụng.
Thứ sáu, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng tham gia tố tụng
Hệ thống các văn bản pháp luật luôn được sửa đổi, bổ sung đòi hỏi trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên khi tham gia bào chữa, bảo vệ cho người chưa thành niên cần chủ động nghiên cứu, rèn luyện mình, không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức pháp luật thường xuyên để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tham gia tố tụng và khi tham gia tố tụng cần phải nhiệt tình, tâm huyết, có sự chuẩn bị kỹ càng khi tham gia tranh tụng.
Thứ bảy, tăng cường công tác tập huấn để nâng cao kỹ năng tham gia tố tụng, bảo vệ đối tượng đặc thù là người chưa thành niên
Cục Trợ giúp pháp lý cũng như Trung tâm Trợ giúp pháp lý cần tăng cường tổ chức các cuộc tập huấn để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên, đặc biệt là kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên.
Đẩy mạnh tham gia trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho người chưa thành niên
Trong những năm gần đây, tình hình người chưa thành niên phạm tội ngày càng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi.
ĐINH HIỀN