Với bản chất là một hoạt động kinh doanh, nhưng hoạt động ngân hàng có những đặc trưng nhất định mà các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường không có. Ðối tượng kinh doanh của ngân hàng không phải là hàng hóa, dịch vụ thông thường như các doanh nghiệp khác mà là hàng hóa đặc biệt (tiền mặt, vàng, giấy tờ có giá và các dịch vụ thanh toán...), dùng để đo lường và biểu hiện giá trị của tất cả các loại hàng hóa khác. Tìm hiểu những đặc điểm của pháp luật về mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại cho thấy những đặc trưng của ngân hàng thương mại có ảnh hưởng rõ nét đến hệ thống các quy định của pháp luật, trong đó có quy định của pháp luật về mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại. Ở góc độ vĩ mô, mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại là hoạt động xuất phát từ những mục tiêu do nhà nước xác định. Để đạt được những mục tiêu này, quá trình mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại phải tuân theo những nguyên tắc nhất định. Các nguyên tắc pháp lý về mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại là kim chỉ nam cho hoạt động của các bên trong quá trình này.
Để tìm hiểu rõ hơn về đặc trưng của ngân hàng thương mại; nội dung các nguyên tắc pháp lý về mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại (bao gồm các nguyên tắc: Tự nguyện; bắt buộc; thỏa thuận; bảo vệ khách hàng; nguyên tắc bảo mật thông tin; cung cấp thông tin; ra quyết định mua lại, sáp nhập; tuân thủ pháp luật chung và quy định chuyên ngành về mua lại, sáp nhập) và đặc điểm của pháp luật điều chỉnh hoạt động mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại, kính mời độc giả đón đọc bài viết “Đặc trưng và nguyên tắc pháp lý của hoạt động mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại” của tác giả Phạm Minh Sơn đăng trên Số định kỳ 64 trang tháng 2/2015 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Bùi Huyền