Tại Diễn đàn, các đại biểu được nghe đại diện Bộ Tư pháp trình bày những thông tin về những điểm mới liên quan đến vấn đề quyền con người và kế hoạch hành động triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, các đại biểu cũng nghe đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường trình bày tham luận về những thay đổi lớn trong chính sách về đất đai nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất trong Luật Đất đai sửa đổi năm 2013. Các đại biểu tham dự cũng được nghe đồng chí Nguyễn Tất Viễn, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương cung cấp những thông tin về kết quả tổng kết 8 năm triển khai Chiến lược Cải cách tư pháp và Kế hoạch hành động năm 2014.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Hiến pháp năm 2013 phản ánh kết quả đổi mới tư duy chính trị, nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với phát triển tương lai của đất nước, là hiện thân của tiến trình cải cách bộ máy nhà nước và dân chủ hóa đời sống chính trị - pháp lý của xã hội Việt Nam. Với nhiều điểm đổi mới quan trọng cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, Hiến pháp năm 2013 đã mở ra một không gian rộng lớn nhằm phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách quản trị kinh tế - xã hội.
Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên Hiệp Quốc thường trú tại Việt Nam, Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các luật và quy định để đảm bảo cho các nguyên tắc xuyên xuốt, hiệu quả và đảm bảo các quyền con người được hiện thực hóa cho tất cả mọi người. Bà Mehta cũng cho rằng Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, vì vậy hệ thống tư pháp phải làm cho các công dân và các đối tác quốc tế tin tưởng rằng hệ thống này có thể làm trọng tài công bằng và trung lập cho các tranh chấp mang tính cá nhân, hình sự và thương mại.
PV