1. Đặc khu kinh tế - Một vài nét khái quát
Đặc khu kinh tế (hay còn gọi khu kinh tế đặc biệt) là mô hình phát triển cao hơn dựa trên mô hình khu kinh tế cơ bản với các đặc trưng là có không gian riêng biệt, có môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ngày nay, các đặc khu kinh tế được hình thành trong cả các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế chậm phát triển. Ước tính rằng, hiện có tới 3.000 đặc khu kinh tế như vậy ở 116 nền kinh tế với khoảng 43 triệu người làm việc trong đó.
Sự phát triển của các đặc khu kinh tế không chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế của riêng khu vực đó, mà có ý nghĩa to lớn hơn nhiều. Đó là lợi ích chung của cả nền kinh tế ở góc độ tạo công ăn việc làm, thu hút các nguồn lực phát triển, mở rộng xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và tri thức quản lý, phát triển tổng hợp vùng. Tinh thần chung của các chính sách đặc thù cho đặc khu kinh tế là giảm thiểu mọi hàng rào ngăn cản các dòng di chuyển của các nguồn lực và đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Thể hiện ở một số nét chủ yếu như: Giảm thiểu thuế quan, tự do trung chuyển hàng hóa; đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp; đơn giản hóa các thủ tục hải quan; áp dụng cách chính sách khuyến khích về tài chính; tự do hóa các dòng chảy vốn đầu tư, lợi nhuận; tạo thuận lợi trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng…
Tuy nhiên, mức độ thành công của các đặc khu kinh tế này không phải như nhau. Phần lớn các đặc khu kinh tế có tên tuổi trên thế giới đều nằm ở các vị trí ven biển hoặc những giao điểm giao thông lớn, gồm cả đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Chính không gian kinh tế này tạo ra “độ mở” cần thiết để các đặc khu kinh tế phát triển. Nhìn chung, các khu kinh tế thành công đều có các đặc điểm là chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa.
2. Kinh nghiệm phát triển các đặc khu kinh tế và xu hướng ở Việt Nam
Ở Việt Nam, việc xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương 4 Khoá VIII (tháng 12/1997), ý tưởng xây dựng các khu kinh tế đã được đề xuất. Tuy nhiên, đến năm 2002, chủ trương xây dựng thí điểm mô hình Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) mới được quyết định. Từ đó, đã có 15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 54.000 ha được phát triển. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung thêm 3 khu kinh tế ven biển vào quy hoạch. Như vậy, hiện có 18 khu kinh tế ven biển được phê duyệt trong quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển của cả nước đến năm 2020 với tổng diện tích mặt đất và mặt nước 730.553 ha (tương đương 7305,53 km2), bằng khoảng 2,2% tổng diện tích của cả nước.
Kết luận số 74-KL/TW ngày 17/10/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 Khóa XI đã khẳng định: “Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt..." . Ba đặc khu kinh tế tiêu biểu đầu tiên đã được lựa chọn bao gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Tuy nhiên, ngoài ba khu vực được lựa chọn ở trên, chúng ta cũng cần xác định rõ những vị trí có lợi thế địa kinh tế thuận lợi nhất để xây dựng các đặc khu kinh tế khác. Những địa điểm tiềm năng và thích hợp có thể kể đến là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (hình thành tuyến phát triển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (tuyến phát triển phía Bắc); các tỉnh ven biển miền Trung (Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định)...
Tại một cuộc hội thảo khoa học quốc tế về "Phát triển Đặc khu Kinh tế - Kinh nghiệm và Cơ hội" diễn ra gần đây tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định: “Đặc khu kinh tế là nơi thử nghiệm các thể chế, chính sách mới trước khi áp dụng cả nước, nhưng cho đến nay, ở Việt Nam chưa có đặc khu nào được xây dựng theo đúng nghĩa của nó, dù Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Việc thành lập các khu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Các khu kinh tế này đã đạt được những kết quả nhất định về thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Thể chế ở các khu kinh tế này tuy có vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất, nên so với các khu thương mại tự do trong khu vực và trên thế giới, nó vẫn còn thể hiện nhiều bất cập và không đủ sức cạnh tranh. Điểm đáng nói ở các khu kinh tế hiện tại là cho đến nay, hầu như chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thực hiện đầu tư ở các khu kinh tế này. Một số nhà đầu tư đã thực hiện các dự án đầu tư lớn nhưng ít có dự án đầu tư với công nghệ hiện đại..."[1].
Cũng theo ông Vương Đình Huệ, để xây dựng thành công đặc khu kinh tế, các ngành chức năng cần sớm xây dựng, thông qua Luật về Đặc khu kinh tế (hoặc Luật về Đặc khu hành chính - kinh tế) đã có trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII; đồng thời, xây dựng, ban hành các thể chế hành chính và kinh tế của các đặc khu kinh tế cần phải hiện đại, mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh vượt trội với các đặc khu khác đã hình thành trên thế giới. Trong các thể chế, cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài phải được xem trọng.
Khảo cứu kinh nghiệm quốc tế đối với việc phát triển các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do, cũng cho thấy, sự thành công hay thất bại của các đặc khu kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố trọng tâm như thể chế, cơ chế chính sách (đất đai, tài chính, ngân hàng, thuế, nhân lực...); nền hành chính (tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính...). Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: "Một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho sự thành công của đặc khu kinh tế là vấn đề huy động nguồn lực và cơ chế chính sách tài chính tiền tệ chuẩn bị cho sự phát triển cho mô hình đặc khu. Thiết nghĩ, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, đồng thời sớm xác lập hành lang pháp lý làm rõ về quyền lợi, quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản… của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nếu tham gia đầu tư vào đặc khu kinh tế ở Việt Nam"[2].
Ông Ravni Thakur, Giáo sư Đại học DELHI Ấn Độ cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng, hầu hết các chính phủ đã đầu tư các khoản tiền cần thiết để tạo ra cơ sở hạ tầng khu vực và cũng đã có trách nhiệm tiếp thị các khu vực này trên phạm vi quốc tế. Năm 2005, Luật Đặc khu kinh tế của Ấn Độ đã vạch ra vai trò chủ chốt cho chính quyền nhà nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và tạo ra cơ sở hạ tầng có liên quan, đồng thời quy định các điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư. Cơ chế phê duyệt đặc khu kinh tế một cửa đã được đưa ra thông qua một Hội đồng phê duyệt đặc khu kinh tế liên bộ 19 thành viên là cơ quan hành chính cao nhất và đứng đầu do một Thư ký của Bộ Thương mại và là Bộ chính cho tất cả các chính sách liên quan đến đặc khu kinh tế.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc thành lập đặc khu chiến lược quốc gia thành công góp phần nâng cao vị thế của nền kinh tế Nhật Bản từ trì trệ sang hồi sinh. Tại các Đặc khu toàn diện (CSZ), Nhật Bản đã áp dụng các chính sách đặc thù. Ví dụ: Trong trường hợp thực hiện những dự án thuộc trường hợp ngoại lệ, các công ty có thể được hưởng đãi ngộ đặc biệt với 20% doanh thu sẽ được khấu trừ vào khoản thu nhập chịu thuế. Tỷ lệ khấu hao, khấu trừ thuế cũng được điều chỉnh theo mức ưu đãi tốt hơn… Tuy nhiên, việc chỉ định giám sát CSZ để phát triển năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ được giới hạn nghiêm ngặt trong một số lượng nhỏ...
3. Vấn đề điều chỉnh pháp luật đối với đặc khu kinh tế
Theo kinh nghiệm phát triển các đặc khu kinh tế đã được phân tích và diễn giải ở trên cho thấy, phải có thể chế hiện đại và vượt trội thì mới có thể phát triển được đặc khu kinh tế, trong đó, chính sách pháp luật phải được coi là xương sống, rường cột. Thể chế, chính sách pháp luật đối với đặc khu kinh tế cần phải bao quát được các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, về quản lý hành chính đối với các đặc khu kinh tế
Kinh nghiệm phát triển đặc khu kinh tế của Trung quốc cho thấy, hệ thống chính sách pháp luật được hình thành ở 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất, là hệ thống pháp luật và quy định áp dụng chung cho tất cả các đặc khu; Cấp độ thứ hai gồm các văn bản quy định do chính quyền cấp tỉnh ban hành trên cơ sở những nguyên tắc của các luật, các quy định và chính sách của quốc gia và căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế của các đặc khu kinh tế; Cấp độ thứ ba, là các quy định chỉ áp dụng riêng cho từng đặc khu do chính quyền thành phố nơi có đặc khu và một số khác do chính quyền tỉnh ban hành. Các quy định áp dụng cho Đặc khu kinh tế Thâm Quyến có tính sáng tạo và hoàn thiện hơn cả, vì vậy, nó thường được áp dụng làm mẫu trong việc xây dựng các quy định cho các đặc khu kinh tế khác.
Một số các văn bản pháp lý quan trọng của Trung Quốc được ban hành để điều chỉnh tổ chức hoạt động của đặc khu kinh tế có thể tham khảo bao gồm: Luật Đầu tư hợp tác giữa Trung Quốc với nước ngoài (năm 1979; Quy chế về các đặc khu kinh tế tỉnh Quảng Đông (năm 1979); Hiến pháp Trung Quốc năm 1982 (mục 18 và 31) Luật về thể thức thực hiện pháp luật của Trung Quốc tại các xí nghiệp liên doanh (năm 1983); Những quy định về ký kết hợp đồng ngoại thương, nhập khẩu công nghệ tại Đặc khu kinh tế Thâm Quyến (năm 1984); Những quy định về quyền sử dung đất đai, nhập khẩu công nghệ và quản lý lao động ở Đặc khu kinh tế (năm 1984); Luật về hợp đồng chuyển giao công nghệ (năm 1985); Nghị quyết của Quốc vụ viện Trung Quốc về khuyến khích đầu tư nước ngoài (năm 1986); Quy định về khuyên khích đầu tư nước ngoài của đồng bào Đài Loan (năm 1988); Quy định về khuyến khích đầu tư nước ngoài của Hoa kiều và đồng bào Hồng Kông, Ma Cao (năm 1990); Những điều luật bổ sung cho Luật năm 1979 về đầu tư hợp tác giữa Trung Quốc và nước ngoài (năm 1990); Luật bảo hộ quyền lợi của Hoa kiều về nước (năm 1994); Luật về các ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (năm 1996); Chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của Trung Quốc (năm 2000)... Theo xu hướng chung, Nhà nước Trung Quốc đã và đang chủ trương trao quyền tự chủ cho các đặc khu kinh tế. Các đặc khu này có quyền đề ra những ưu đãi nhất định trong khuôn khổ pháp luật để thu hút các nhà đầu tư. Các đặc khu kinh tế phải đặt trong cơ chế cạnh tranh và đây chính là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển các đặc khu kinh tế.
Ở nước ta, sau một thời gian dài nghiên cứu, đánh giá, đến nay, Dự thảo về hệ thống chính trị và xây dựng tổ chức chính quyền của Đặc khu kinh tế Vân Đồn đã và đang từng bước được hoàn thiện. Theo đó, dự kiến về bộ máy hành chính của Đặc khu thì Uỷ ban nhân dân Đặc khu quản lý, điều hành các mặt hoạt động của Đặc khu, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng.
Cơ cấu Uỷ ban nhân dân Đặc khu gồm 7 thành viên: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Đặc khu; 2 Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Đặc khu; 4 Uỷ viên Uỷ ban nhân dân. Đứng đầu Uỷ ban nhân dân là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Đặc khu do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm; Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Đặc khu và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Đặc khu bổ nhiệm.
Cơ quan giúp việc cho Uỷ ban nhân dân Đặc khu có nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức các cơ quan tham mưu của cấp uỷ với cơ quan chuyên môn của chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Theo đó thì Uỷ ban nhân dân Đặc khu có 10 cơ quan là: Văn phòng; Ban Tổ chức và quản lý nguồn nhân lực; Ban Kinh tế tổng hợp; Ban Phát triển hạ tầng; Ban Tài nguyên - Môi trường; Ban Văn hoá và Chính sách xã hội; Ban Kiểm tra - Pháp chế; Ban Tuyên truyền - Vận động; Trung tâm dịch vụ hành chính công và Ban xúc tiến đầu tư (IPA). Trong các ban không có phòng và không còn chế độ công chức suốt đời thay vào đó là thuê chuyên gia và ký hợp đồng làm việc với công chức (trừ một số vị trí do bầu cử hoặc chỉ định) và thuê người nước ngoài làm tư vấn, quản lý điều hành trên một số lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế trên cơ sở thoả thuận mức lương và công việc được giao. Cùng với đó, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân Đặc khu cũng được xây dựng chi tiết, cụ thể.
Về chức năng, Uỷ ban nhân dân Đặc khu sẽ tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển Đặc khu; tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, đối ngoại trên địa bàn Đặc khu; quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn Đặc khu; phối hợp với Uỷ ban nhân dân các địa phương thuộc tỉnh và các cơ quan liên quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương; thực hiện công tác tổ chức cán bộ; cung ứng dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ khác. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Đặc khu được quy định trong Luật Đặc khu kinh tế Vân Đồn và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội trên địa bàn Đặc khu.
Uỷ ban nhân dân Đặc khu được giao một số thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực hành chính và kinh tế - xã hội và được quy định trong Luật Đặc khu Kinh tế Vân Đồn, theo hướng: Thẩm quyền được Chính phủ phân cấp, giao quyền. Chính phủ rà soát để giao một số quyền cho Uỷ ban nhân dân Đặc khu thực hiện, cụ thể là, trong lĩnh vực hành chính có quyền quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc Uỷ ban nhân dân Đặc khu; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc Uỷ ban nhân dân Đặc khu; xây dựng chính sách tiền lương bổ sung theo hướng tự chủ.
Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân Đặc khu được ban hành một số chính sách trên một số lĩnh vực như: Chính sách ưu đãi đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, y tế chất lượng cao và kinh tế biển; được bổ sung thêm danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, các loại hình dịch vụ đặc biệt trên địa bàn Đặc khu nhằm bảo đảm phát triển đúng định hướng của Đặc khu; ban hành chính sách đối với người lao động làm việc tại Đặc khu... Cùng với đó, phương án này cũng xác định rõ nhiều chức năng, nhiệm vụ khác của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Đặc khu kinh tế Vân Đồn về lĩnh vực hành chính, kinh tế, đầu tư phát triển, xây dựng... Mục tiêu xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn là làm cho kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Muốn vậy phải phát triển trình độ sản xuất ở mức độ cao, phát triển các dịch vụ cao cấp, bộ máy quản lý phải tinh gọn và hiệu quả, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo tốt hơn[3].
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu để xây dựng hình mẫu về tổ chức và hoạt động để áp dụng chung cho các đặc khu hay chỉ điều chỉnh riêng cho từng đặc khu. Vấn đề này cần triệt để khai thác kinh nghiệm của các nước phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Thứ hai, các chính sách pháp luật về thuế, tài chính, tiền tệ, hải quan và xuất nhập khẩu
Đây được coi là vấn đề khá quan trọng trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đặc khu kinh tế. Cũng theo kinh nghiệm của Trung Quốc, chính sách ưu đãi về thếu cho các nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp hoạt động tại đặc khu kinh tế thường tập trung ở các nhóm thuế như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu nhập khẩu, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Ví dụ: Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động trong đặc khu kinh tế được hưởng mức ưu đãi 15% và được miễn thuế địa phương, trong khi đó, các doanh nghiệp liên doanh ngoài đặc khu kinh tế chịu mức thuế 33% (30% thuế thu nhập doanh nghiệp và 3% thuế địa phương).
Trong công tác quản lý nhà nước về hải quan và kiểm tra biên giới, việc quản lý hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu vào đặc khu kinh tế được chia làm hai tuyến. Tuyến một là biên giới thực sự của Trung Quốc với các nước khác, hải quan và biên phòng ở tuyến này quản lý việc xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh với nước ngoài. Tuyến hai là ngăn cách đặc khu kinh tế với nội địa. Phương châm quản lý của Trung Quốc đối với đặc khu kinh tế là “bỏ lỏng tuyến một, quản chặt tuyến hai” tức là tạo điều kiện thuận lợi tự do cho người và hàng hóa từ nước ngoài ra vào đặc khu, mặt khác quản lý chặt chẽ việc buôn lậu trốn thuế nhập cư trái phép giữa đặc khu với nội địa nhằm bảo vệ thị trường nội địa và thực thi chính sách tự do hoá ở đặc khu. Tất cả hàng hóa ra vào đặc khu kinh tế đều phải chịu sự quản lý giám sát của hải quan Trung Quốc, kể cả hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu của đặc khu với nước ngoài hay với nội địa. Người mang hàng hoá vào các đặc khu kinh tế bắt buộc phải khai báo hải quan và phải có giấy phép nhập hàng vào đặc khu. Đối với hàng nhập khẩu cho nhu cầu tiêu dùng tại đặc khu, máy móc thiết bị, nguyên liệu linh kiện… dùng cho sản xuất đều được miễn thuế nhập khẩu và thuế công thương nghiệp với một số lượng nhất định.
Về chính sách thuế xuất, nhập khẩu áp dụng cho các doanh nghiệp trong đặc khu kinh tế có sự thay đổi theo thời gian, được điều chỉnh theo sự biến động của tình hình đầu tư. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không phải nộp thuế xuất nhập khẩu đối với các thiết bị sản xuất, nguyên liệu, phụ tùng thay thế, linh kiện, phương tiện giao thông và hàng hoá văn phòng phẩm, những vật dụng được nhập khẩu cho nhu cầu bản thân; các mặt hàng xuất khẩu do doanh nghiệp sản xuất ra trừ các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu; các mặt hàng tiêu dùng, ngoài những mặt hàng chịu sự kiểm soát của nhà nước như thuốc lá, rượu …, được giảm thuế một nửa.
Đối với thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới việc sau khi đầu tư tại nước sở tại và thu được một số lợi nhuận thì số lợi nhuận đó có thể được chuyển nguyên vẹn về nước họ hay không. Với thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài 0% tại ĐKKT đã bảo vệ được quyền lợi, và mức độ yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài và đó thực sự là một khuyến khích cho họ đầu tư.
Về chính sách tiền tệ tín dụng và ngân hàng, một trong những yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất trong các đặc khu kinh tế là việc thành lập các trung tâm giao dịch ngoại hối. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền bán ngoại tệ vào thị trường trong nước, nhưng không được mua ngoại tệ trừ một số trường hợp nằm trong kế hoạch phân phối ngoại tệ của Nhà nước.
Ở Việt Nam, khi xây dựng cơ chế chính sách với đặc khu kinh tế Móng Cái - Vân Đồn, về chính sách điều hành xuất nhập khẩu, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có ý kiến đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được ban hành chính sách xuất nhập khẩu hàng hoá vào đặc khu kinh tế theo thời kỳ và thời gian luật định.
Thứ ba, chính sách đất đai và các chính sách liên quan đến cơ sở hạ tầng
Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, đất đai thuộc về sở hữu nhà nước, song theo pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể mua được quyền sử dụng đất trong một thời gian nhất định.
Phần lớn các luật và quy định về đất đai hiện hành tại các đặc khu kinh tế đều được ban hành sau năm 1987, khi quyền sử dụng đất được chính thức coi là quyền sở hữu tài sản có giá trị thương mại và được chuyển nhượng tự do. Việc chuyển giao quyền sử dụng đất có thể theo 3 phương pháp: Thứ nhất, cấp quyền sử dụng đất cho các công ty Trung Quốc để làm phần vốn góp cho các công ty liên doanh; Thứ hai, thông qua phương pháp đấu thầu sử dụng đất; Thứ ba, theo phương thức mua bán đấu giá.
Việc chuyển nhượng đất có thể đem bán, cho thuê, thế chấp hoặc các dạng chuyển nhượng khác để lấy tiền như các loại tài sản phi vật chất khác. Thời điểm ban đầu giá quyền sử dụng đất được xác định bởi chính quyền của đặc khu kinh tế, nhưng sau một thời gian, nó được xác định thông qua cơ chế thị trường, đấu thầu và bán đấu giá. Nhà nước không can thiệp vào giá chuyển nhượng mà chỉ điều tiết thông qua thuế giá trị gia tăng của việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Về các chính sách liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, nhìn chung, hệ thống đường giao thông, điện nước, thông tin liên lạc, các công trình công cộng và các công trình phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các đặc khu kinh tế cần được đầu tư một cách đồng bộ, hiện đại, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Thứ tư, về chính sách lao động và tiền lương
Các thử nghiệm chính đối với thị trường lao động trong các đặc khu kinh tế là phải thay đổi cơ chế tuyển dụng lao động theo hợp đồng lao động dài hạn; cho phép chủ lao động được thuê nhân viên theo các tiêu chuẩn của công ty và sa thải các nhân viên không đạt yêu cầu. Các doanh nghiệp trong đặc khu kinh tế có toàn quyền tuyển dụng lao động trong và ngoài đặc khu kinh tế và có thể tuyển dụng trực tiếp hoặc thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm phát triển nguồn nhân lực hoạt động một cách hợp pháp. Nhà nước cũng cần có các biện pháp giúp đỡ các doanh nghiệp tại đặc khu kinh tế trong việc tìm kiếm lao động, ở mỗi đặc khu kinh tế nên có các văn phòng lao động và giới thiệu việc làm của Nhà nước chuyên trách về bố trí công ăn việc làm và các hoạt động dịch vụ lao động để đáp ứng yêu cầu linh hoạt về lao động cho các doanh nghiệp
Về chính sách tiền lương, hệ thống mức lương cơ bản của Nhà nước chỉ đóng vai trò quy định mức lương tối thiểu. Các doanh nghiệp hoạt động trong đặc khu kinh tế có thể trả lương cho người lao động theo phương thức tự thỏa thuận phù hợp với giá cả thị trường. Nhìn chung, các doanh nghiệp trong đặc khu kinh tế được quyền quy định mức, các hình thức trả lương, chế độ thưởng và trợ cấp nhưng không thể thấp hơn mức bình quân của các doanh nghiệp bên ngoài đặc khu kinh tế.
4. Thay cho lời kết
Trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013, một trong những điểm mới về kinh tế được đề cập đến là cho phép thành lập những khu vực hành chính, kinh tế đặc biệt. Đây là một quy định ngắn gọn trong Hiến pháp, nhưng lại có một ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tới. Điều này có nghĩa Việt Nam có thể thành lập những đặc khu kinh tế nhằm thu hút lượng vốn lớn từ tư nhân, đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài và từ đó tạo sự lan tỏa cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng đối với một đặc khu kinh tế lại nằm ở thể chế và chính sách.
Theo ông Andrew Grant, Giám đốc của McKinsey & Company Singapore khuyến nghị: “Các đặc khu kinh tế sẽ cạnh tranh nhau về thể chế, chính sách và các quy định kinh tế cơ sở với nhiều điều kiện ưu đãi khác nhau và chính sách thu hút nhân tài”[4]. Điều này khẳng định tính rường cột của thể chế, chính sách và pháp luật. Nó sẽ cùng các yếu tố khác đưa đến sự thành công hay thất bại của các đặc khu kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào.
TS. Đặng Vũ Huân