Tóm tắt: Án lệ được công bố đã góp phần bổ khuyết cho hệ thống pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án, mặc dù trình tự, thủ tục áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự vẫn còn hạn chế. Bài viết này đánh giá điều kiện để áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.
Abstract: Published case law has contributed to supplementing the legal system, creating stability and transparency in court decisions, although the order and procedures for applying case law in settling civil cases are still limited. This article evaluates the conditions for applying case law in settling civil cases and makes recommendations to improve legal regulations on this issue.
1. Khái quát về án lệ
Án lệ (tiếng Anh là “precedent”) là một khái niệm khá phổ biến trong lịch sử lập pháp của các quốc gia trên thế giới. Theo Từ điển Luật học, án lệ là bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như một tiền lệ làm cơ sở để các thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự[1], đây là cách hiểu thông dụng và phổ biến nhất. Tuy nhiên, do có sự khác nhau về hệ thống pháp luật, lịch sử phát triển hay chính trị của quốc gia mà khái niệm án lệ có sự khác nhau nhất định ở nhiều quốc gia, thậm chí, nhiều quốc gia không có định nghĩa chính thức về án lệ.
Đối với các quốc gia theo hệ thống Thông luật (Common Law) như Anh, Hoa Kỳ thì án lệ có vai trò rất quan trọng. Trong hệ thống pháp luật Anh, án lệ có giá trị ràng buộc chính thức đối với các vụ việc trong tương lai[2]. Thẩm phán được trao quyền làm luật thông qua việc tạo lập và áp dụng án lệ. Nền tảng để áp dụng án lệ trong hệ thống này chính là nguyên tắc “stare decisis”[3], theo đó, thẩm phán trong hệ thống các cơ quan Tòa án khi xét xử vụ việc cụ thể cần phải căn cứ ngay vào các bản án trước đó, đặc biệt là các phán quyết của các Tòa án cấp trên[4]. Trong khi đó, đối với quốc gia theo hệ thống Dân luật (Civil Law) như Thụy Sĩ, Nhật Bản…, thì án lệ mới chỉ được thừa nhận sau này với vai trò giải thích pháp luật.
Đối với Việt Nam, một quốc gia theo hệ thống Dân luật vốn coi trọng pháp luật thành văn nên chỉ mới công nhận án lệ là một nguồn luật kể từ khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực. Án lệ được định nghĩa trong Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP): “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Theo đó, án lệ ở Việt Nam cần bảo đảm những tiêu chí sau: (i) Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; (ii) Án lệ phải có tính chuẩn mực; (iii) Án lệ phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử (Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP).
Như vậy, bên cạnh văn bản quy phạm pháp luật, tập quán pháp, án lệ chính thức trở thành một trong những nguồn luật của pháp luật Việt Nam. Tòa án trong hoạt động áp dụng pháp luật phải áp dụng án lệ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo luật định. Có thể nói, áp dụng án lệ là một phần của áp dụng pháp luật. Chính vì vậy, áp dụng án lệ cũng mang những đặc điểm, tính chất pháp lý của áp dụng pháp luật. Từ đó, chúng ta có thể định nghĩa áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự như sau: Áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự là việc Tòa án áp dụng những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và được Tòa án nhân dân tối cao chọn làm án lệ để giải quyết các vụ việc dân sự khác có tình huống pháp lý tương tự. Áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự có những đặc trưng sau đây:
Thứ nhất, Tòa án là cơ quan duy nhất được pháp luật thừa nhận áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Ở Việt Nam, bên cạnh Tòa án thì còn có các cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự theo luật định như Ủy ban nhân dân các cấp, trọng tài thương mại... Tuy nhiên, những cơ quan, tổ chức này chưa được pháp luật thừa nhận việc áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự.
Thứ hai, những bản án, quyết định được chọn làm án lệ phải là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố. Những bản án, quyết định này chứa đựng những lập luận, phán quyết đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.
Thứ ba, việc áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự phải bảo đảm nguyên tắc tương tự, nghĩa là vụ việc dân sự được áp dụng án lệ phải có sự giống nhau về các tình tiết với vụ việc dân sự có trong án lệ. Tòa án áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự phải chứng minh được sự tương tự đó.
Như vậy, so với các quốc gia có lịch sử lập pháp và tư pháp lâu đời trong hệ thống Civil Law và Common Law, Việt Nam đã có một bước tiến lớn là đã đưa ra được khái niệm án lệ cũng như tiêu chí lựa chọn án lệ trong một văn bản pháp luật chính thức. Khái niệm này giúp các luật gia, thẩm phán cũng như người dân hiểu chính xác về án lệ ở Việt Nam cũng như hiệu lực pháp lý của nó trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
2. Điều kiện áp dụng án lệ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Án lệ chỉ chính thức được thừa nhận ở Việt Nam kể từ khi Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực. Tòa án Việt Nam khi tham gia giải quyết các vụ việc dân sự nếu đáp ứng đủ điều kiện do luật quy định thì cần phải áp dụng án lệ. Cụ thể, khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. Với quy định này, án lệ trở thành một trong những nguồn luật điều chỉnh các mối quan hệ dân sự. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định chi tiết về nghĩa vụ tuân theo án lệ của Tòa án nói chung tại khoản 3 Điều 45: “Việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng được thực hiện như sau: Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Bộ luật Dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều này”. Như vậy, để áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự, vụ việc dân sự đó cần phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) Là vụ việc dân sự chưa được điều chỉnh bởi điều luật thành văn; (ii) Không thể áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự; (iii) Không thể áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự; (iv) Không thể áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự để giải quyết vụ việc dân sự.
2.1. Điều kiện về chưa có điều luật áp dụng
Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 yêu cầu Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại không đưa ra được nội hàm của khái niệm “điều luật” dẫn đến hai cách hiểu khác nhau về “điều luật”: (i) Là những điều, khoản được quy định trong luật với tư cách một văn bản quy phạm pháp luật độc lập (như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đất đai...); (ii) Là những quy phạm pháp luật được ghi nhận trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được liệt kê tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Thực tiễn xét xử từ trước khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực cho thấy, Tòa án thường xuyên áp dụng các văn bản dưới luật nhưng vẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đối với những trường hợp không có văn bản quy phạm pháp luật nào trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì Tòa án được phép từ chối giải quyết. Như vậy, có thể thấy rằng, “điều luật” mà Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 sử dụng chính là những văn bản quy phạm pháp luật được quy định ở Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Cụm từ “chưa có điều luật áp dụng” cũng chưa thực sự thể hiện đúng bản chất của điều kiện này, có thể gây hiểu nhầm rằng, chỉ khi nào không tồn tại bất kỳ điều luật nào mới được áp dụng các nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự theo Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, điều kiện này cần phải được mở rộng phạm vi trong cả trường hợp có điều luật áp dụng nhưng nội dung của điều luật chưa đủ cơ sở để áp dụng trên thực tế hoặc điều luật đó còn nhiều cách hiểu khác nhau để án lệ có thể phát huy được giá trị của nó, đó là “làm rõ quy định của pháp luật còn có nhiều cách hiểu khác nhau”[5].
2.2. Điều kiện về không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
Theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015, thứ tự ưu tiên áp dụng nguồn luật để giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp không có điều luật để áp dụng là: (i) Tập quán; (ii) Tương tự pháp luật; (iii) Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; (iv) Án lệ; (v) Lẽ công bằng. Như vậy, để áp dụng án lệ nhằm giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật quy định, về nguyên tắc, Tòa án ở Việt Nam phải xem xét tính khả thi của việc áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự trước. Chỉ khi những nguồn pháp luật dân sự này không thể áp dụng, Tòa án mới được áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc dân sự.
Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, Tòa án thường không xem xét tất cả các điều kiện này mà sẽ áp dụng trực tiếp án lệ vào trong vụ việc dân sự nếu có án lệ điều chỉnh vụ việc dân sự mà Tòa án đang giải quyết. Việc Tòa án bỏ qua việc xem xét các nguồn pháp luật dân sự khác trước khi áp dụng án lệ là hoàn toàn có căn cứ, bởi lẽ, các án lệ khi được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chọn lọc, công bố phải là những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật không thể áp dụng tương tự pháp luật hay các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Hay nói một cách khác, việc xem xét tính khả thi của các nguồn pháp luật dân sự khác đã được Tòa án xem xét từ thời điểm chọn lọc, công bố án lệ nên các Tòa án khi áp dụng những án lệ này cũng không nhất thiết phải xem xét lại những nguồn luật đó. Chỉ trong một số trường hợp nhất định, Tòa án vẫn phải cân nhắc khả năng áp dụng tập quán bởi tập quán có thể áp dụng ở vùng miền/ngành nghề/dân tộc này nhưng lại không thể áp dụng ở vùng miền/ngành nghề/dân tộc khác, mặc dù khả năng này rất ít nhưng về mặt lý luận thì hoàn toàn có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, tiêu chí để áp dụng những án lệ hiện nay là “làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể” (khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP) thì vụ việc dân sự cần được giải quyết trên cơ sở áp dụng các quy định pháp luật đồng thời với án lệ, do đó, tác giả đề xuất trong lần sửa đổi, bổ sung tiếp theo, Bộ luật Tố tụng dân sự cần cho phép Tòa án áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự trong một số trường hợp có điều luật áp dụng để án lệ có thể phát huy được giá trị của nó là “làm rõ quy định của pháp luật còn có nhiều cách hiểu khác nhau”.
3. Điều kiện áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự được quy định trong Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP
3.1. Điều kiện về hiệu lực theo thời gian của án lệ
Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định: “Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố”. So với Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP) thì thời gian có hiệu lực của án lệ rút ngắn từ 45 ngày còn 30 ngày, đồng thời, không còn sử dụng cụm từ “hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” hay nói cách khác, hiệu lực của án lệ theo thời gian trở thành quy định cứng.
Quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã đặt ra câu hỏi: Đối với những vụ việc dân sự có giao dịch dân sự xảy ra trước thời điểm án lệ có hiệu lực và được Tòa án đưa ra xét xử vào thời điểm án lệ có hiệu lực thì Tòa án có thể áp dụng án lệ được hay không? Theo tác giả, Tòa án hoàn toàn có thể áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc dân sự có giao dịch dân sự xảy ra trước thời điểm án lệ có hiệu lực, bởi lẽ:
Thứ nhất, các án lệ hiện nay là những bản án, quyết định của Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trên thực tế nên Tòa án các cấp khi xét xử vụ việc dân sự tương tự thì cần phải tuân theo những bản án, quyết định này nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.
Thứ hai, án lệ không phải là một quy phạm pháp luật. Bản chất của án lệ là nguyên tắc, đường lối xử lý nhằm làm rõ quy định pháp luật còn nhiều cách hiểu khác nhau hoặc là lẽ công bằng về một vấn đề mà pháp luật chưa quy định nên việc Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc dân sự có giao dịch dân sự xảy ra trước thời điểm án lệ có hiệu lực pháp luật sẽ không dẫn đến tình trạng hồi tố[6]. Thêm vào đó, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP không có quy định về điều khoản chuyển tiếp như trong Bộ luật Dân sự nên việc Tòa án áp dụng án lệ đối với những vụ việc dân sự có giao dịch dân sự trước thời điểm án lệ có hiệu lực là hoàn toàn hợp pháp.
Tóm lại, án lệ có thể được Tòa án các cấp nghiên cứu, áp dụng ngay cả khi án lệ chưa được công bố hoặc đã công bố nhưng chưa hết 30 ngày kể từ ngày công bố như quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Tuy nhiên, tùy vào thời điểm xét xử mà Tòa án có viện dẫn hay không án lệ vào trong bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của mình.
3.2. Điều kiện về sự phù hợp giữa án lệ và pháp luật
Khoản 1 Điều 9 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định: “Án lệ đương nhiên bị bãi bỏ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật”.
Việt Nam là một quốc gia coi trọng nguồn luật là văn bản quy phạm pháp luật và chỉ xem xét áp dụng các nguồn pháp luật khác khi văn bản quy phạm pháp luật không điều chỉnh. Chính vì vậy, bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được liệt kê trong Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) có sự thay đổi làm cho án lệ không còn phù hợp thì án lệ đó đương nhiên bị bãi bỏ. Sự thay đổi của pháp luật ở đây có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp điều chỉnh vấn đề pháp lý mà án lệ đã giải quyết.
Sự thay đổi trực tiếp của pháp luật làm án lệ bị bãi bỏ có thể là do pháp luật đã có quy định pháp luật mới điều chỉnh trực tiếp vấn đề mà án lệ đang giải quyết. Lúc này, Tòa án chỉ cần viện dẫn quy định pháp luật đó để giải quyết vụ việc dân sự chứ không còn phải viện dẫn án lệ để phù hợp Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Có thể nói rằng, quy định Tòa án không áp dụng án lệ trong trường hợp này là phù hợp với nguyên tắc chung được thừa nhận phổ biến ở các nước trên thế giới. Ở hầu hết các quốc gia dù thuộc hệ thống Thông luật hay Dân luật đều có quan niệm chung nguồn luật là văn bản quy phạm pháp luật có vị trí thứ bậc cao hơn nguồn luật án lệ. Điều này xuất phát từ nguyên tắc chính trị dân chủ là tôn trọng quyền làm luật tối cao của nghị viện nhằm bảo đảm ý chí và lợi ích của nhân dân[7].
Sự thay đổi gián tiếp của pháp luật làm án lệ bị bãi bỏ khá đa dạng. Đó có thể là sự bổ sung quy định pháp luật điều chỉnh một đối tượng, một quan hệ dân sự mà đối tượng, quan hệ dân sự đó cũng là một yếu tố trong án lệ khiến án lệ không còn giá trị hoặc Tòa án áp dụng tương tự pháp luật đối với quy định pháp luật mới đó để giải quyết vụ việc dân sự. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam thường xuyên thay đổi nên việc xác định sự thay đổi gián tiếp của pháp luật làm án lệ không còn giá trị là rất khó khăn đối với Tòa án, hơn nữa, Tòa án cũng phải nêu rõ lý do của sự thay đổi pháp luật khiến Tòa án không còn áp dụng án lệ được quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP: “Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”.
3.3. Điều kiện về sự phù hợp của án lệ với thực tiễn thực hiện quan hệ pháp luật
Ngoài việc đương nhiên bị bãi bỏ do sự thay đổi của pháp luật, án lệ có thể được xem xét bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP: “Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc bãi bỏ án lệ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Án lệ không còn phù hợp do chuyển biến tình hình; b) Bản án, quyết định có nội dung được lựa chọn phát triển thành án lệ đã bị hủy, sửa toàn bộ hoặc phần liên quan đến án lệ”.
Việc bãi bỏ án lệ trong những trường hợp này phải theo một thủ tục bãi bỏ án lệ được quy định tại Điều 10 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.
“Chuyển biến tình hình” là một cụm từ không lạ trong lĩnh vực hình sự được áp dụng trong quy định về miễn trách nhiệm hình sự[8]. Tuy nhiên, quy định này rất ít khi được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng trong thực tiễn bởi một phần là do cụm từ này cho đến nay vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng. Sự chuyển biến tình hình có thể là sự chuyển biến về tất cả các mặt của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật... Đây là nguyên nhân khách quan khác làm cho án lệ không còn phù hợp mà không phải do sự thay đổi của pháp luật. Có thể hiểu, đây là một điều khoản mang tính dự phòng để Tòa án có thêm cơ chế loại bỏ những án lệ không đạt được các tiêu chí lựa chọn án lệ theo Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP[9].
Quy định này rất cần thiết bởi án lệ sinh ra là nhằm mục đích giải quyết những vấn đề một cách kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Chính vì vậy, khi thực tiễn có những chuyển biến, thay đổi thì án lệ cũng cần phải thay đổi để phù hợp. Trong trường hợp này, sự thay đổi của án lệ không tạo sự bất công, sự thiếu thống nhất pháp luật.
3.4. Điều kiện về sự phù hợp của án lệ với vụ việc dân sự
Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định: “Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”.
So với Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP thì Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã thay đổi cụm từ “tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau” thành “tình huống pháp lý tương tự”. Theo đó, án lệ chỉ được áp dụng đối với các vụ việc dân sự có tình huống pháp lý tương tự.
Cụm từ “tình tiết, sự kiện” thường được hiểu là những sự việc nhỏ hoặc được diễn ra trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, vấn đề án lệ giải quyết thường rất đa dạng, có thể là một định nghĩa, có thể là một nguyên tắc hay đường lối xử lý. Việc sử dụng từ “tình huống” thay cho “tình tiết, sự kiện” sẽ giúp bao quát nhiều khía cạnh hơn của vấn đề đang giải quyết. Đôi khi, có những trường hợp, tình tiết, sự kiện trong vụ việc dân sự không giống với tình tiết, sự kiện của án lệ nhưng lại tương tự về vấn đề pháp lý. Nghiên cứu thực tiễn áp dụng án lệ trong thời gian vừa qua cho thấy, Tòa án địa phương cũng không theo hướng tương tự về “tình tiết” mà theo hướng tương tự về “vấn đề pháp lý”. Bởi lẽ, nếu chỉ xem xét tương tự về “tình tiết” sẽ là không thực tế, gây khó khăn cho người làm thực tiễn và tự kìm hãm sự phát triển của án lệ[10]. Mặc dù quy định hiện tại của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP chưa sử dụng cụm từ “vấn đề pháp lý” có mức khái quát cao hơn nhưng việc thay đổi thành “tình huống pháp lý” phần nào đã giúp cho Tòa án các cấp dễ dàng hơn trong việc áp dụng án lệ.
Để đánh giá tình huống pháp lý tương tự giữa án lệ và vụ việc dân sự đang giải quyết, Tòa án trước tiên cần phải phân tích và phát hiện các tình tiết cơ bản của án lệ, chỉ khi tìm ra được các tình tiết cơ bản này thì mới có thể so sánh và đối chiếu với các tình tiết của vụ việc dân sự đang giải quyết. Để làm được điều đó, Tòa án cần phải kết hợp cả hai phương pháp diễn dịch và quy nạp. Phương pháp diễn dịch cho phép Tòa án đúc kết ra những quy tắc pháp lý có phạm vi rộng có trong án lệ và thông thường đã được Tòa án nhân dân tối cao đúc kết trong phần “Khái quát nội dung của án lệ” hay nói cách khác, tính chất tình tiết tương tự của tình tiết tạo ra mức độ khái quát nhất định của quy tắc án lệ[11]. Phương pháp quy nạp sẽ yêu cầu Tòa án phải phân tích cẩn trọng các tình tiết giống nhau và các tình tiết khác nhau giữa án lệ và vụ việc dân sự đang giải quyết. Từ đó, Tòa án đánh giá những tình tiết cơ bản khác biệt đó có làm bản chất của vụ việc dân sự không còn giống với án lệ nữa hay không. Để làm được điều này, Tòa án phải phân tích các tình tiết cơ bản trong án lệ như chủ thể thực hiện, mục đích của hành vi, các sự kiện, các chứng cứ khác có trong án lệ. Nếu sự khác biệt nào của tình tiết không tạo ra sự khác biệt về tính chất tương tự thì Tòa án sẽ áp dụng án lệ. Ngược lại, những sự khác biệt nào của tình tiết tạo ra tính chất khác biệt thì Tòa án sẽ không áp dụng án lệ[12]. Những tình tiết cơ bản này sẽ không có trong phần “Khái quát nội dung của án lệ” nên Tòa án phải xem xét toàn bộ nội dung bản án lấy ra từ án lệ đó. Như vậy, phương pháp này cũng đòi hỏi Tòa án nhân dân tối cao phải công bố toàn bộ nội dung bản án, quyết định làm án lệ.
Tóm lại, khi đánh giá tính tương tự giữa tình huống pháp lý có trong án lệ với trong vụ việc dân sự đang xét xử, Tòa án các cấp cần chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng phương pháp diễn dịch và phương pháp quy nạp. Việc khái quát nội dung của án lệ cũng rất cần thiết nhưng đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cũng cần phải đăng tải toàn bộ nội dung của bản án, quyết định làm án lệ để Tòa án, các luật sư cũng như người dân có cái nhìn đúng đắn về án lệ (không thể xem án lệ như một quy phạm pháp luật thông thường như phần khái quát nội dung của án lệ được). Mặc dù vậy, hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp đánh giá tính tương tự giữa tình huống pháp lý của án lệ với của vụ việc dân sự đang được giải quyết, do đó, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác xét xử của Tòa án.
ThS. Nguyễn Mai Vương
Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk
[1]. Viện khoa học pháp lý - Bộ Tư Pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Tư pháp và Nxb. Từ điển Bách khoa, tr. 13.
[2]. Đặng Thị Hồng Tuyến, Bùi Thị Minh Trang, Án lệ ở Anh và một số gợi mở cho việc công bố và áp dụng án lệ tại Việt Nam, Tạp chí Luật học, Số 8/2020, tr. 72.
[3]. “Stare decisis” là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latinh với đầy đủ là “stare decisis at non quiet movere”, dịch sang tiếng Anh là “stand by the thing decided and do not disturb the calm”, tạm dịch là “củng cố những gì đã được quyết định và đừng thay đổi”.
[4]. Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (2018), Án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 5.
[5]. Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định : “Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây: 1. Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;...”.
[6]. Hồi tố là một nguyên tắc ngoại lệ về hiệu lực theo thời gian của văn bản pháp luật, áp dụng văn bản đối với các hành vi xảy ra trước khi văn bản phát sinh hiệu lực.
[7]. Đỗ Thanh Trung, Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của Tòa án, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 140.
[8]. Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;...”.
[9]. Lưu Ngọc Quang, Áp dụng án lệ trong giải quyết vụ án dân sự, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 60.
[10]. Đỗ Văn Đại, Một số ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về án lệ, https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietnghiencuu?dDocName=TAND094206.
[11]. Đỗ Thanh Trung, Bàn về nguyên tắc tương tự trong hoạt động áp dụng án lệ, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 3, kỳ I tháng 02/2018, tr. 41.
[12]. Đỗ Thanh Trung, Bàn về nguyên tắc tương tự trong hoạt động áp dụng án lệ, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 3, kỳ I tháng 02/2018, tr. 41.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 375, tháng 2/2023)