Abstract: The Law on amendments and supplements to some articles of the Law on Credit Institutions of 2017 has new provisions on conditions, standards of executives and managers in credit institutions. These provisions are amended and supplemented in order to improve management capacity and to limit risks to the operation of credit institutions.
Có thể nói, sự ra đời của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã khắc phục được một số tồn tại của Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và các văn bản khác về quản trị, điều hành ngân hàng thương mại. Nếu Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 chỉ có 06 điều luật quy định về quản trị, điều hành đối với ngân hàng thương mại, thì đến Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã bổ sung nhiều quy định đặc thù liên quan đến quản trị các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung và ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng (60 điều). Các quy định này chủ yếu được luật hóa từ Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại, Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN ngày 07/6/2007 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần (Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN) và các văn bản pháp luật khác do Ngân hàng Nhà nước ban hành, có tham khảo “25 nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng hiệu quả của Ủy ban Basel” nhằm bảo đảm hoạt động của TCTD được an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, hệ thống văn bản điều chỉnh vấn đề quản trị, điều hành ngân hàng hiện nay thực sự vẫn chưa tương đồng, chưa nghiên cứu áp dụng triệt để các nguyên tắc chung về quản trị của thế giới và còn nhiều bất cập khác quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập, về số vốn tối thiểu của chủ tịch hội đồng quản trị... làm hạn chế hiệu quả quản trị, điều hành của ngân hàng.
Do vậy, năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (sau đây gọi là Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017), trong đó có sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục những tồn tại về quản trị, điều hành ngân hàng thương mại cổ phần. Cụ thể:
1. Khắc phục được bất cập của quy định về người có liên quan của Luật Các tổ chức tín dụng
Thực tế hiện nay, có không ít ngân hàng ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ hoặc phá sản do quản lý yếu kém, đánh giá không đúng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đi vay. Rất nhiều trong số các khoản vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã được thực hiện bằng “quan hệ”, bằng những giao dịch phi lợi ích ngân hàng, khiến cho nợ xấu tại các ngân hàng ngày càng gia tăng và ngân hàng rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả. Các đối tượng này thường được xác định là những người có liên quan của ngân hàng. Pháp luật ở hầu hết các nước đã sớm đưa ra các quy định nhằm hạn chế những giao dịch như vậy thông qua quy định về người có liên quan. Điển hình như ở Mỹ quy định, đối với những giao dịch giữa thành viên ngân hàng với ngân hàng phải công khai. Khi thực hiện giao dịch, thành viên ngân hàng phải thông báo và giải trình về giao dịch, tình trạng tài chính của bản thân với ban quản trị ngân hàng. Hay Vương quốc Anh có quy định, các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi cũng phải được thông qua bởi các cổ đông, kể cả trong trường hợp nó được thiết lập một cách công bằng[1].
Tại Việt Nam, pháp luật về doanh nghiệp đã có quy định để xác định những người có liên quan của doanh nghiệp. Đồng thời cũng quy định giao dịch giữa doanh nghiệp và người có liên quan của doanh nghiệp cần thiết có sự đồng ý của hội đồng thành viên hoặc đại hội đồng cổ đông. Pháp luật về ngân hàng và các tổ chức tín dụng qua nhiều lần sửa đổi đã có những quy định riêng để xác định những người có liên quan của ngân hàng để kiểm soát giao dịch giữa tổ chức tín dụng và những người có liên quan này, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra cho ngân hàng. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có quy định về các đối tượng có liên quan là các tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp trong khoản 28 Điều 4. Tuy nhiên, quy định này chủ yếu căn cứ vào yếu tố định lượng để xác định người có liên quan như tổ chức tín dụng và công ty con của người của tổ chức tín dụng, giữa các công ty con của tổ chức tín dụng với nhau, cha, mẹ, anh, chị em, vợ, chồng của người quản lý với tổ chức tín dụng… Đây là các mối quan hệ chúng ta rất dễ nhìn thấy bởi nó là các mối quan hệ mang tính pháp lý (có giấy tờ chứng minh). Tuy nhiên, cũng có nhiều mối quan hệ không được thể hiện trên giấy tờ, nhưng giữa tổ chức, cá nhân nào đó với tổ chức tín dụng lại có mối quan hệ đặc biệt để có thể phối hợp cùng nhau tạo ra những giao dịch bất lợi, gây ra hậu quả tổn thất nặng nề cho tổ chức tín dụng. Chính điều này đã tạo ra những kẽ hở khiến cho chính bản thân các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước không có căn cứ để kiểm soát giao dịch giữa họ với nhau. Chẳng hạn như việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại các ngân hàng khác để hưởng lãi suất chênh lệch hay tình trạng một số ngân hàng thương mại đi vay Ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp để cho vay lại với lãi suất cao hơn[2], không qua kiểm soát, gây thất thoát cho Ngân hàng Nhà nước nhiều ngàn tỉ đồng. Hay những người có quan hệ rất “gần gũi” với người quản lý, điều hành của ngân hàng như bạn bè thân, họ hàng gần của những người này… lại chưa được để ý và coi đó cũng có thể là người liên quan trong một vài trường hợp để cân nhắc kiểm soát các giao dịch của họ với ngân hàng. Những giao dịch này có khả năng đẩy ngân hàng đứng trước nguy cơ gia tăng nợ xấu, trực tiếp ảnh hưởng tới sự an toàn của ngân hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp thực sự có nhu cầu vay vốn không thể tiếp cận vốn do lãi suất quá cao, thúc đẩy tình trạng “đi đêm” giữa người vay vốn và nhân viên tín dụng ngân hàng, khiến cho hoạt động tư lợi diễn ra mạnh mẽ và đa dạng hơn trước. Điều này làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, làm tổn hại tới sự an toàn và bền vững của hệ thống ngân hàng trong nước[3]. Pháp luật cần có sự thay đổi để điều chỉnh mối quan hệ ngày càng đa dạng trong xã hội.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 đã mở rộng phạm vi người liên quan dựa trên mức độ rủi ro của mối quan hệ giữa những người này với hoạt động của TCTD. Theo đó, Luật quy định người có liên quan bao gồm cả pháp nhân, cá nhân có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định theo quy định nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát đối với từng trường hợp cụ thể. Như vậy, bên cạnh người quản lý, các chủ thể khác bao gồm những người là nhân viên ngân hàng và những người không phải nhân viên ngân hàng đang thực hiện nhiệm vụ tại tổ chức này như thanh tra viên, kiểm toán viên từ tổ chức kiểm toán độc lập… cũng có thể bị coi là người có liên quan của ngân hàng nếu có hành vi giao kết với ngân hàng nhằm tìm kiếm cơ hội tư lợi cho bản thân mình. Pháp luật cần có sự thay đổi để điều chỉnh mối quan hệ ngày càng đa dạng trong xã hội.
2. Bổ sung các trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ
Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và năm 2010 đều có các quy định về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ trong các tổ chức tín dụng[4], để nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm của người quản lý, điều hành trong quá trình quản trị, điều hành tổ chức tín dụng. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 đã bổ sung trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ (điểm h khoản 1 Điều 33) là các cá nhân phải chịu trách nhiệm theo kết luận thanh tra dẫn đến việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng ở khung phạt tiền cao nhất đối với một số hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an toàn hoạt động ngân hàng như hành vi vi phạm quy định về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ bảo đảm an toàn. Cũng như các đối tượng bị cấm khác, theo thuyết suy đoán thì đây có thể là những đối tượng có hành vi gây thiệt hại trong tương lại cho hệ thống ngân hàng nói chung và ngân hàng cổ phần nói riêng, dù khi họ có hành vi vi phạm có thể chưa nắm giữ vị trí lãnh đạo.
Trong thời gian vừa qua có khá nhiều vụ trọng án liên quan đến đạo đức của người đảm nhiệm chức vụ trong ngân hàng. Hành vi của họ dẫn đến sự sai phạm của các tổ chức tín dụng trong hoạt động ngân hàng, như vụ 29 ngân hàng để lãi suất vượt trần[5]. Có nhiều người xem nhẹ việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của ngành ngân hàng. Theo thuyết ngăn ngừa phòng chống, với những đối tượng đã có hành vi sai trái thì rất có thể khi họ đảm nhiệm chức vụ, sẽ tiếp tục những hành vi sai trái đó. Vì vậy, đây vừa là sự hạn chế, ngăn ngừa hành vi sai phạm trong tương lai đồng thời cũng là một hình phạt răn đe đối với những đối tượng đó.
3. Bổ sung các quy định về không cùng đảm nhiệm chức vụ
Bên cạnh những điều kiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, cần phải có những quy định để đảm bảo những người quản lý, điều hành ngân hàng thương mại độc lập với nhau, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Luật còn bổ sung các quy định về các trường hợp không được cùng đảm nhiệm chức vụ của các lãnh đạo ngân hàng.
Nếu như trước đây, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 chỉ quy định chủ tịch hội đồng quản trị không được đồng thời là người điều hành của tổ chức tín dụng đó và của tổ chức tín dụng khác; thành viên hội đồng quản trị không được đồng thời là người quản lý của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức này là công ty con của tổ chức tín dụng đó hoặc là thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng đó (khoản 1Điều 34 ), thì trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 quy định thêm chủ tịch hội đồng quản trị không được đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Đối với tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương trước đây chỉ bị cấm đồng thời đảm nhiệm chức vụ thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng; tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) của doanh nghiệp khác (khoản 4 Điều 34 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010). Hiện nay, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) còn bị cấm đảm nhiệm đồng thời chức vụ thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Riêng đối với tổng giám đốc (giám đốc) còn bị cấm đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. Đối với phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương không được đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) của doanh nghiệp khác. Quy định này phần nào sẽ hạn chế được tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng thương mại cổ phần, hạn chế tình trạng “sân trước sân sau” làm lũng đoạn ngân hàng và ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Có ý kiến cho rằng, quy định như vậy là quá chặt chẽ, sẽ tác động lớn đến thực trạng quản lý, điều hành của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp hiện. Bởi lẽ, hiện nay có rất nhiều cán bộ ngân hàng kiêm nhiệm chức vụ trong doanh nghiệp khác. Thêm nữa, quy định này cũng tạo ra một thách thức mới cho cơ quan quản lý liên quan đến tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng. Tình trạng sở hữu chéo sẽ khó kiểm soát hơn bởi có thể sẽ nảy sinh tình trạng đứng tên hộ trong doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng, nếu sự thanh tra, giám sát, quản lý không chặt chẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước thì sẽ khó phát hiện sở hữu chéo.
Tuy nhiên, với quy định hiện hành, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng đồng thời được đảm nhiệm người quản lý của doanh nghiệp khác. Thực tế này đã phát sinh những hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến hoạt động ngân hàng và an toàn hệ thống. Quy định này nhằm hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền đồng thời là người quản trị, điều hành tại TCTD và doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của TCTD. Với quy định mới, nhiều lãnh đạo ngân hàng sẽ phải lựa chọn từ nhiệm khỏi ngân hàng hoặc doanh nghiệp do mình đứng đầu.
4. Bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn đối với các chức danh quản lý, điều hành của ngân hàng
Với môi trường hoạt động đặc thù có nhiều khả năng phát sinh các rủi ro về mặt đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ thì yêu cầu phải có các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ hơn với những người giữ chức danh quản lý, điều hành như yêu cầu về mặt phẩm chất, đạo đức, trình độ chuyên môn, trình độ quản lý là hết sức cần thiết. Quy định pháp luật về tổ chức tín dụng qua các thời kỳ đều đã đưa ra ngày càng chặt chẽ về những tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, điều hành ngân hàng thương mại cổ phần.
Cụ thể, những điều kiện, tiêu chuẩn đối với thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 còn mang tính định tính và được thay thế bằng những tiêu chuẩn được cụ thể hóa từ Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN. Người điều hành, quản lý ngân hàng thương mại cổ phần là những người xác định các mục tiêu phát triển của ngân hàng thương mại cổ phần và đưa ra được những chính sách để cụ thể hóa những mục tiêu đã đề ra. Điều đó đòi hỏi người quản lý, điều hành phải có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, phải am hiểu pháp luật và có năng lực tổ chức, quản lý. Những yêu cầu này phải được chuẩn mực hóa bằng các văn bằng, chứng chỉ, kinh nghiệm làm việc thực tế và kết quả của những công việc trước đây. Trong Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN đã chuẩn hóa tiêu chuẩn “hiểu biết về hoạt động ngân hàng” chỉ quy định chung chung trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997. Hiểu biết về hoạt động ngân hàng được đánh giá thông qua việc có bằng đại học hoặc trên đại học về một trong các chuyên ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật; hoặc có kinh nghiệm làm việc quản lý những doanh nghiệp có quy mô tương đương quy mô một ngân hàng thương mại hoặc làm việc trực tiếp trong lĩnh vực ngân hàng. Những tiêu chuẩn về bằng cấp, kinh nghiệm làm việc cụ thể cho các chức danh quản lý, điều hành như vậy sẽ đảm bảo năng lực chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành một doanh nghiệp đặc biệt ngân hàng thương mại cổ phần.
Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp là cần thiết, nhưng yêu cầu này cũng phải được chuẩn hóa theo những điều kiện cụ thể. Đạo đức nghề nghiệp ở đây nên được hiểu là trách nhiệm của người quản lý, điều hành thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng thương mại cổ phần, đảm bảo đặt lợi ích của ngân hàng thương mại cổ phần lên hàng đầu. Những quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ của những người quản lý, điều hành ngân hàng thương mại cổ phần đảm bảo những người quản lý, điều hành không được tư lợi mà phải thực hiện các quyết định vì lợi ích của ngân hàng.
Đến Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định thêm về tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên của hội đồng quản trị (khoản 1 Điều 50). Muốn trở thành thành viên hội đồng quản trị, ứng viên phải đáp ứng ba điều kiện: (i) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33; (ii) Có đạo đức nghề nghiệp; (iii) Có 5% vốn hoặc có bằng đại học trở lên hoặc có kinh nghiệm quản lý ít nhất 03 năm hoặc 05 năm. Đối với tiêu chuẩn, điều kiện trở thành giám đốc, tổng giám đốc cụ thể là: (i) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33; (ii) Có đạo đức nghề nghiệp; (iii) Có bằng đại học trở lên; (iv) Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm quản lý hoặc 10 năm kinh nghiệm làm việc.
Như vậy, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cho phép tỉ lệ sở hữu vốn có thể là điều kiện thay thế cho các điều kiện về trình độ quản lý và kinh nghiệm quản lý đối với thành viên hội đồng quản trị và tổng giám đốc không cần đồng thời có kinh nghiệm làm việc và kinh nghiệm điều hành. Chính quy định này khiến cho thời gian vừa qua, có nhiều đối tượng dù không có năng lực quản lý, kinh nghiệm quản lý vẫn ngồi vào ghế thành viên hội đồng quản trị do lượng vốn họ nắm trong tay. Trong khi đó, chức năng của hội đồng quản trị là điều hành, quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm của những thành viên trong hội đồng quản trị cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động yếu kém của các tổ chức tín dụng.
Thời gian qua đã phát sinh nhiều sai phạm của người giữ chức danh quản lý, điều hành tại các tổ chức tín dụng, trong đó có những sai phạm gây thiệt hại tới hàng nghìn tỉ đồng, gây mất lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng. Đa số các cán bộ quản lý cấp trung và cao cấp ở các ngân hàng thương mại chủ yếu được đề bạt qua hoạt động chuyên môn, hoặc do mối quan hệ thân thiết từ các lãnh đạo cấp cao. Họ rất thiếu kiến thức về quản lý và điều hành một chi nhánh, một hệ thống theo hướng hiện đại, vì thế đôi khi chỉ sơ suất trong quản lý nhân sự là đã gây ra những rủi ro không nhỏ trong hoạt động ngân hàng. Điển hình với các vụ án trong việc lợi dụng kẽ hở trong quản lý ấn chỉ, hệ thống công nghệ tin học… nhiều cán bộ ngân hàng đã lập sổ tiết kiệm khống cầm cố lấy tiền đánh cắp mật khẩu để chuyển tiền của khách hàng vào tài khoản của đồng phạm hoặc tất toán sổ tiết kiệm khống nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần sửa đổi, bổ sung Điều 50 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, giám đốc/tổng giám đốc của các tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn. Mục tiêu là nâng cao năng lực quản trị, điều hành của người quản lý, điều hành tại các tổ chức tín dụng, qua đó nâng cao năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các tổ chức này.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 đã có sự sửa đổi theo hướng thắt chặt và yêu cầu cao về kinh nghiệm và năng lực trình độ quản lý, loại bỏ yếu tố sở hữu vốn ra khỏi điều kiện trở thành thành viên hội đồng quản trị. Như vậy, hiện nay, để trở thành thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng phải có điều kiện: Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33, có đạo đức nghề nghiệp, có bằng đại học trở lên, có kinh nghiệm quản lý.
Tương tự, bên cạnh các điều kiện khác, tổng giám đốc của TCTD bắt buộc phải có ít nhất 05 năm là người điều hành của TCTD hoặc có ít nhất 05 năm là tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình TCTD tương ứng và có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán. So với Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 quy định chặt chẽ hơn. Luật Doanh nghiệp năm 2014vẫn cho phép chỉ cần có vốn là có thể trở thành thành viên trong hội đồng quản trị.
Đại học Thương mại
[1]. Phạm Hải Ly, Pháp luật về kiểm soát giao dịch tư lợi trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ.
[2]. “Thế giới ngầm trong lòng ngân hàng”, Xuân Dung, nguồn http://bizlive.vn/ngan-hang/the-gioi-ngam-trong-long-ngan-hang-85462.html.
[3]. Phạm Hải Ly, Pháp luật về kiểm soát giao dịch tư lợi trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ.
[4]. Xem Điều 40 Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, Điều 33 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
[5]. Nhìn lại 03 năm cuộc đua vượt trần lãi suất, Kình Dương, nguồn https://www.stockbiz.vn/News/2017/8/29/765904/nhin-lai-3-nam-cuoc-dua-vuot-tran-lai-suat.aspx.