1. Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP và Thông tư số 16/2013/TT-BTP
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản liên quan đến việc cải cách thủ tục hành chính, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính như: Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, một số văn bản liên quan trực tiếp đến việc cải cách hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp cũng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như: Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 19/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.
Các văn bản trên, bên cạnh việc đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ một số thông tư, thông tư liên tịch, trong đó có 02 thông tư trong lĩnh vực lý lịch tư pháp: Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp (Thông tư số 13/2011/TT-BTP) và Thông tư số 16/2013/TT-BTP ngày 11/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP (Thông tư số 16/2013/TT-BTP) đã đặt ra một số yêu cầu như sau: (i) Chuyển đổi phương thức thực hiện các thủ tục hành chính từ trực tiếp sang thực hiện trên môi trường điện tử; (ii) Kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo hướng, khai thác sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu, không yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ, tài liệu, thông tin đã được lưu trữ trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; (iii) Điện tử hóa các biểu mẫu phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, cũng như số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Thông tư số 13/2011/TT-BTP và Thông tư số 16/2013/TT-BTP đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp với thực tiễn như:
- Quy định việc Bộ Tư pháp in và phát hành 02 loại giấy in màu có hoa văn để Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp in nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2 (phôi Phiếu lý lịch tư pháp) không còn phù hợp, gây tốn kém chi phí và không đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay.
- Nhiều biểu mẫu chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử, yêu cầu về việc khai thác thông tin của công dân tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đặc biệt là yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính được quy định tại các văn bản được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian qua, cụ thể:
+ Chưa có quy định cụ thể về biểu mẫu điện tử, biểu mẫu điện tử tương tác nên Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp gặp khó khăn, lúng túng khi triển khai phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, cũng như thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID.
+ Một số mẫu sổ lý lịch tư pháp chưa rõ hình thức lưu trữ (điện tử, giấy hay phải thực hiện cả việc lưu điện tử và giấy), gây khó khăn cho việc thực hiện. Nội dung một số mẫu sổ chưa đáp ứng yêu cầu thống kê phục vụ báo cáo cải cách hành chính như Sổ cấp Phiếu lý lịch tư pháp còn thiếu các tiêu chí thể hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả Phiếu lý lịch tư pháp.
- Chưa có hướng dẫn ghi tình trạng án tích của những trường hợp “không bị coi là có án tích” và “được coi là không có án tích” theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) tại Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2.
2. Định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP và Thông tư số 16/2013/TT-BTP
Nhằm đáp ứng yêu cầu của những văn bản pháp luật nêu trên, cũng như khắc phục những điểm còn hạn chế trong thực tiễn thi hành Thông tư số 13/2013/TT-BTP và Thông tư số 16/2013/TT-BTP, Bộ Tư pháp dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP và Thông tư số 16/2013/TT-BTP với 03 nhóm nội dung cơ bản sau đây:
Nhóm nội dung thứ nhất: Bỏ quy định về việc in, phát hành biểu mẫu, mẫu sổ lý lịch tư pháp. Để tạo thuận lợi cho cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp, giảm chi phí của xã hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, yêu cầu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, dự kiến sửa đổi Điều 1 và khoản 1 Điều 4 Thông tư số 13/2011/TT-BTP, theo đó, bãi bỏ nội dung quy định về việc in, phát hành biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp; bỏ nội dung quy định về việc Bộ Tư pháp in và phát hành 02 loại giấy in màu có hoa văn để Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp in Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2.
Nhóm nội dung thứ hai: Sửa đổi các biểu mẫu, mẫu sổ lý lịch tư pháp. Nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử, yêu cầu khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính được quy định tại các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 13/2011/TT-BTP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 16/2013/TT-BTP) theo hướng:
- Điều 3 quy định về việc ban hành biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp, theo đó:
+ Đối với mẫu sổ lý lịch tư pháp, giữ nguyên tên gọi và số lượng mẫu sổ lý lịch tư pháp như quy định của Thông tư số 16/2013/TT-BTP và có điều chỉnh nội dung của 01 mẫu sổ: Bổ sung các trường thông tin phục vụ công tác thống kê, báo cáo việc thực hiện các phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả Phiếu lý lịch tư pháp tại Sổ cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
+ Đối với biểu mẫu lý lịch tư pháp phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, giữ nguyên tên gọi và số lượng, đồng thời, điều chỉnh nội dung, cụ thể: Mẫu lý lịch tư pháp, bổ sung thông tin thẻ căn cước công dân/thẻ căn cước/số định danh cá nhân (của người nước ngoài); mẫu Phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp bỏ thông tin về người lập Phiếu.
+ Đối với biểu mẫu lý lịch tư pháp phục vụ công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp, bên cạnh việc sửa nội dung các biểu mẫu hiện có để phục vụ việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp và qua bưu chính, dự kiến bổ sung 03 biểu mẫu điện tử tương tác phục vụ việc cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và qua môi trường điện tử, cụ thể: (i) Mẫu Phiếu lý lịch tư pháp, bỏ thông tin về người lập Phiếu lý lịch tư pháp; bổ sung thông tin thẻ căn cước công dân/thẻ căn cước/số định danh cá nhân tại trường thông tin chứng minh nhân dân/hộ chiếu; bổ sung nội dung hướng dẫn việc người có thẩm quyền ký Phiếu lý lịch tư pháp ký số theo quy định của pháp luật. (ii) Các biểu mẫu dùng cho cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp chia thành hai hệ thống biểu mẫu riêng biệt: Một hệ thống sử dụng cho việc yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính; một hệ thống sử dụng cho việc yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Mỗi hệ thống gồm 03 biểu mẫu: 01 biểu mẫu dùng cho cá nhân trực tiếp yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp; 01 biểu mẫu dùng cho cá nhân ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người chưa thành niên yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2; 01 biểu mẫu dùng cho cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. (iii) Biểu mẫu dùng cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính: Về số lượng, dự kiến giảm 01 biểu mẫu dùng cho cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (gộp biểu mẫu văn bản yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dành cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và biểu mẫu văn bản yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dành cho cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thành 01 biểu mẫu dùng chung cho cả hai đối tượng). Về nội dung, dự kiến bổ sung các trường thông tin tại biểu mẫu dùng cho cơ quan, tổ chức nhằm bảo đảm sự tương thích về nội dung khai thông tin về người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp giữa biểu mẫu dùng cho cá nhân và biểu mẫu dùng cho cơ quan, tổ chức; bổ sung thông tin “thẻ căn cước công dân/thẻ căn cước/số định danh cá nhân” tại trường thông tin chứng minh nhân dân/hộ chiếu; bổ sung nội dung “đăng ký phương thức nhận kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính hoặc qua đường điện tử” (cá nhân không cần phải làm Phiếu đăng ký nhận kết quả như hiện nay); sửa yêu cầu khai thông tin về “quá trình cư trú” của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp (thay vì yêu cầu cá nhân khai toàn bộ quá trình cư trú và nghề nghiệp kể từ khi đủ 14 tuổi thì chỉ yêu cầu cá nhân tích chọn thông tin: Thường trú/tạm trú tại một tỉnh hay qua nhiều tỉnh kể từ khi đủ 14 tuổi); bổ sung nội dung “Ghi chú” nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi tiếp nhận thủ tục hành chính. (iv) Biểu mẫu điện tử tương tác dùng cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến hoặc qua môi trường điện tử. Đây là những biểu mẫu, mẫu văn bản dự kiến được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, đăng ký cấp Phiếu qua ứng dụng VNeID hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ công khác trên môi trường điện tử. Nội dung các biểu mẫu, mẫu văn bản này thống nhất với nội dung Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và mẫu văn bản yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Phụ lục số 02 (ban hành kèm theo Thông tư số 16/2013/TT-BTP), đồng thời, được chỉnh lý về mặt thể thức cho phù hợp với các biểu mẫu, mẫu văn bản cung cấp dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên môi trường điện tử trong thời gian qua; lược bỏ bớt các nội dung không cần thiết như việc ký Tờ khai, văn bản yêu cầu và quy định cụ thể các trường thông tin bắt buộc phải khai.
- Điều 4 quy định về việc quản lý, sử dụng biểu mẫu, mẫu sổ lý lịch tư pháp, theo đó, dự kiến quy định:
+ Các biểu mẫu, mẫu sổ lý lịch tư pháp được sử dụng và lưu trữ tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc dưới dạng văn bản giấy. Biểu mẫu, mẫu sổ lý lịch tư pháp sử dụng dưới dạng văn bản giấy được in trên giấy trắng, khổ giấy A4 (210 mm x 297 mm). Biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử có giá trị sử dụng như biểu mẫu, mẫu sổ lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy.
+ Biểu mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dành cho cá nhân và 01 văn bản yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dành cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức) được đăng tải trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Tư pháp, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể truy cập để tải về và sử dụng. Trường hợp yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp, cá nhân, cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cung cấp để sử dụng miễn phí.
+ Các biểu mẫu điện tử tương tác được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Tư pháp, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp, trao đổi thông tin, dữ liệu thông qua biểu mẫu điện tử tương tác khi yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến.
Đồng thời, để bảo đảm cho việc sử dụng biểu mẫu thống nhất, dự kiến bổ sung quy định về trách nhiệm của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp trong việc sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp theo hướng, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp về việc sử dụng các biểu mẫu, mẫu sổ không đúng quy định của Thông tư này.
Nhóm nội dung thứ ba: Sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn ghi Phiếu lý lịch tư pháp. Để bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc ghi Phiếu lý lịch tư pháp, dự kiến sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 và bổ sung điểm b khoản 2 Điều 14 Thông tư số 13/2011/TT-BTP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 16/2013/TT-BTP) về cách ghi mục “Tình trạng án tích” trong Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2, cụ thể như sau:
- Đối với Phiếu lý lịch tư pháp số 1, bổ sung cách ghi tình trạng án tích của 02 trường hợp “không bị coi là có án tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 2015 và 03 trường hợp “được coi là không có án tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, các trường hợp này được ghi là “không có án tích” đối với công dân Việt Nam và ghi là “không có án tích trong thời gian cư trú tại Việt Nam” đối với người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam.
- Đối với Phiếu lý lịch tư pháp số 2, bổ sung hướng dẫn ghi mục “Tình trạng án tích” đối với trường hợp người bị kết án “không bị coi là có án tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 2015 và người bị kết án “được coi là không có án tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể, ghi nội dung bản án vào các ô, cột, mục tương ứng trong Phiếu lý lịch tư pháp. Nội dung bản án được ghi theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 14 Thông tư số 13/2011/TT-BTP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Thông tư số 16/2013/TT-BTP). Đồng thời, tại mục “Ghi chú” ghi rõ “không bị coi là có án tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc “được coi là không có án tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bên cạnh những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung nêu trên, để tránh lãng phí trong việc sử dụng các phôi Phiếu lý lịch tư pháp đã được in và phát hành, Bộ Tư pháp dự kiến quy định điều khoản chuyển tiếp về việc sử dụng phôi Phiếu lý lịch tư pháp đã được Bộ Tư pháp in và phát hành cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp trước ngày Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP và Thông tư số 16/2013/TT-BTP có hiệu lực nhưng chưa được sử dụng, theo đó, 02 loại giấy in màu có hoa văn đã được Bộ Tư pháp in và phát hành để cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch pháp in Phiếu lý lịch tư pháp chưa sử dụng hết thì tiếp tục được sử dụng trong khoảng thời gian 03 tháng, kể từ ngày Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP và Thông tư số 16/2013/TT-BTP có hiệu lực thi hành./.
Nguyễn Thị Thu Hằng
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 405), tháng 5/2024)