
Hoạt động thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một khâu quan trọng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết là một giai đoạn để đánh giá chính sách, việc hoạch định chính sách của cơ quan trình dự án đối với những vấn đề xã hội đang cần được giải quyết. Bản chất của hoạt động thẩm tra là hoạt động “phản biện” của các cơ quan của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội là thành viên đại diện cho các giai tầng trong xã hội, đưa ra những quan điểm đa chiều mà không có sự giới hạn là cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội hay người dân nhằm tìm ra những quan điểm phù hợp nhất để xây dựng một dự án, dự thảo chất lượng, khả thi, bảo đảm hài hòa lợi ích của tất cả các bên (bao gồm cả Nhà nước và người dân). Trong quá trình thảo luận, xem xét thẩm tra, ý kiến của các đại biểu tham gia thẩm tra có thể gợi ý cho Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách những vấn đề cần được giải quyết mà chưa được đề cập đến trong dự án, dự thảo. Khi cơ quan thẩm tra nêu ra những vấn đề chưa đúng, chưa hợp lý của dự án, dự thảo thì cũng thường đề xuất luôn phương án, gợi ý hướng tiếp cận để giải quyết vấn đề. Do vậy, có thể thấy rằng hoạt động thẩm tra vừa là hoạt động mang tính phản biện vừa mang tính xây dựng.
Bài viết “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra dự án luật, pháp lệnh của Hộiđồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội” của tác giả Nguyễn Duy Tiến đã nêu lên thực trạng hoạt động thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, qua đó, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thẩm tra dự án luật, pháp lệnh của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2020 “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.