Báo cáo tại cuộc họp thẩm định, đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP được ban hành với các quy định cụ thể về quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật đã tạo điều kiện, cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành VBQPPL, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính kịp thời; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật. Nhìn chung quy định của 02 nghị định này đã được các bộ, ngành, địa phương tuân thủ và thực hiện tương đối nghiêm túc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động, phát sinh nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ, cần có quy định của pháp luật để điều chỉnh, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 với nhiều thực tiễn phát sinh đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải nâng cao năng lực nhận diện, phản ứng chính sách, nhanh chóng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới VBQPPL nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách mà thực tiễn đặt ra đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục nghiên cứu, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, trong đó giao Bộ Tư pháp khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình, ban hành VBQPPL.
Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, theo dõi của Bộ Tư pháp và việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của bộ, ngành, địa phương thì việc thực hiện 02 nghị định nêu trên còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Những khó khăn, vướng mắc này xuất phát do nguyên nhân chủ quan từ nhận thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật và cả nguyên nhân khách quan từ các quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP chưa phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay như: Quy định về giải thích từ ngữ; ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; lập, theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản quy định chi tiết và lập, công bố văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực; quy định đánh giá tác động của chính sách trong giai đoạn lập đề nghị và soạn thảo VBQPPL; trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL; trách nhiệm truyền thông chính sách trong lập đề nghị và soạn thảo VBQPPL; việc xử lý thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ...
Từ những lý do, yêu cầu nêu trên, việc kịp thời ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành VBQPPL là rất cần thiết.
Tham dự Hội đồng thẩm định, các thành viên Hội đồng ghi nhận sự nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung trước yêu cầu cấp bách, cần thực hiện kịp thời nhằm đẩy nhanh quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, kịp thời giải quyết những vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, các đại biểu đã tập trung vào 03 nhóm vấn đề chính, bao gồm: Nhóm các quy định được cắt giảm, đơn giản hóa để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng của văn bản nhưng vẫn phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhóm các quy định được sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương do có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhóm các quy định được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác xây dựng pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
Phát biểu tại Hội đồng thẩm định, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ để rút ngắn quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với trình tự, thủ tục, quy trình rút gọn hơn và bổ sung trách nhiệm của thành viên hội đồng thẩm định, trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình xây dựng, trình ban hành. Tuy nhiên, các quy định tại dự thảo hiện nay chưa giải trình được lý do phải rút ngắn quy trình thực hiện và một số nội dung chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đề ra. Về yêu cầu tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và ban hành VBQPPL, đại biểu cho rằng bước đầu dự thảo Nghị định đã đề cập đến một số nội dung tuy nhiên chưa thực sự rõ vấn đề và việc quy định cụ thể như hiện nay có thể vượt quá các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với quy định về thực hiện quy trình “2 trong 1” (giai đoạn lập Đề nghị xây dựng VBQPPL và giai đoạn xây dựng dự thảo VBQPPL) cần được nghiên cứu kỹ, xác định đúng thẩm quyền cho phép thực hiện thuộc cơ quan nào để thực hiện xin phép theo đúng quy định.
Đại diện VCCI và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cơ bản nhất trí quy định tại dự thảo Nghị định phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Về tính thống nhất của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật, các cơ quan đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn lý do dự thảo Nghị định đã thu hẹp các nội dung cần xin ý kiến các cơ quan trên trong lần sửa đổi này so với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định hiện hành.
Về phía Bộ Tài chính, đại biểu tham dự cho rằng một số nội dung của dự thảo Nghị định chưa bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu của Chính phủ về việc rút ngắn quy trình xây dựng văn bản, cân nhắc về quy định thời gian đăng tải trên cổng thông tin điện tử là 60 ngày, một số trường hợp cần tính đến trường hợp đặc thù. Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc kết thúc việc đăng tải. Do đó, dự thảo Nghị định sửa đổi cần quy định thêm về vấn đề này.
Dưới góc độ địa phương, đại diện Sở Tư pháp Thành phố Hải Phòng thấy rằng yêu cầu xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách hiện nay chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan trung ương mà chưa quy định ở địa phương. Do đó, ở các địa phương hiện nay hiện chưa có sự thống nhất trong việc xác định chủ thể ký báo cáo đánh giá tác động chính sách (một số quan điểm cho rằng thẩm quyền thuộc về Ủy ban nhân dân, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là thuộc trách nhiệm của Hội đồng nhân dân). Do đó, đại diện tỉnh Hải Phòng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và quy định cụ thể về nội dung này để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai trên thực tiễn.
Đối với nội dung về điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành nghị định, các đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị định có một số quy định làm phát sinh các vấn đề về tài chính. Tuy nhiên, đơn vị chủ trì soạn thảo chưa có các thông tin về dự kiến về chủ thể thực hiện, nguồn lực và điều kiện bảo đảm việc thi hành, đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo bổ sung các nội dung này theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Để hoàn thiện Hồ sơ thẩm định, các thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện nội dung trên.
Ngoài ra, một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của thành viên Hội đồng thẩm định đó là các khái niệm được quy định trong dự thảo Nghị định lần này, như: Khái niệm về chính sách, khái niệm về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Các thành viên cho rằng cách định nghĩa hiện nay tại dự thảo Nghị định chưa bảo đảm đầy đủ, chính xác nội hàm, phạm vi, chưa phản ánh đầy đủ ý nghĩa của các khái niệm, do đó, cần nghiên cứu để quy định khái quát, đầy đủ và chính xác hơn.
Phát biểu kết luận tại Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành VBQPPL. Về cơ bản, nội dung dự thảo Nghị định bảo đảm nội dung dự thảo phù hợp chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến hội đồng thẩm định, trong đó lưu ý tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi của dự thảo, xem xét sự cần thiết của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh một số nội dung so với nhiệm vụ được giao. Đối với các nội dung khác còn vướng mắc về mặt thể chế trong quá trình xây dựng và ban hành VBQPPL cần thời gian nghiên cứu, tổng kết, đánh giá toàn diện, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá tổng thể, từ đó đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ đồng bộ, bao quát các vấn đề./.
Hiên Lê