Báo cáo về sự cần thiết phải xây dựng Luật, đại diện Bộ Nội Vụ cho biết, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Tổ chức Chính phủ) đã góp phần xây dựng một Chính phủ năng động, sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của bộ máy hành chính nhà nước; phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ gồm 02 điều, cụ thể: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành. Trong đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 11 nhóm vấn đề liên quan đến 30 điều của Luật Tổ chức Chính phủ, theo các vấn đề đã được định hướng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị gồm: (i) bổ sung một điều quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật; (ii) sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; (iii) sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo 02 phương án như sau: phương án 1: cơ bản kế thừa các quy định từ Điều 6 đến Điều 25 Luật Tổ chức Chính phủ và có rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định để thực hiện kiểm soát quyền lực giữa cơ quan hành pháp với cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW); phương án 2: khái quát các nhiệm vụ, quyền hạn chung của Chính phủ, trong đó thể hiện rõ những vấn đề Chính phủ quản lý thống nhất; kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đang được quy định từ Điều 6 đến Điều 25 tại Luật hiện hành; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định để thực hiện kiểm soát quyền lực giữa cơ quan hành pháp với cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW; (iv) sửa đổi, bổ sung quy định về quan hệ của Chính phủ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; (v) sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ; (vi) sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ; (vii) sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ; (viii) sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang bộ; (ix) sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; (x) sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương; (xi) sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan thuộc Chính phủ và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ.
Đại diện Bộ Nội Vụ báo cáo về sự cần thiết phải xây dựng Luật
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Nội vụ trong việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ thẩm định; nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ cơ bản đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành trong quá trình lấy ý kiến. Bên cạnh đó, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung sau:
Trao đổi tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ tính hợp lý giữa nội dung của phương án 2 tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật quy định về việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đối với việc tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan tư pháp để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể khác trong xã hội với quy định tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013 về việc “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và Điều 107 Hiến pháp năm 2013 quy định về việc “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung việc sửa đổi khoản 10 Điều 28 và khoản 3 Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành vào dự thảo Luật do những nội dung này nằm trong phạm vi của Chính sách 5 về hoàn thiện các quy định về tổ chức của Chính phủ để tạo khung pháp lý sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đại diện Bộ Công an trao đổi tại phiên họp
Nhất trí về sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, đại diện Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật cơ bản đã bám sát tinh thần của các mục tiêu, định hướng phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Trao đổi thêm về phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 11 nhóm vấn đề liên quan đến 30 điều, trong khi đó, Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành có 50 điều nên chỉ còn 20 điều được giữ nguyên. Với số lượng nội dung sửa đổi lớn như vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc sửa cả Luật thay vì sửa một số điều như tại dự thảo.
Đồng tình với quan điểm của Bộ Công an, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại tên của của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, nguyên tắc về phân cấp, phân quyền cho các địa phương và các Bộ là nội dung quan trọng. Vì vậy, cần thiết phải có chính sách riêng quy định nội dung này thay vì lồng ghép vào trong các chính sách tại Báo cáo đánh giá tác động.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận tại Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, đề xuất và xây dựng dự thảo Luật. Thứ trưởng bày tỏ nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, tuy nhiên, để làm rõ hơn nội dung này, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ các chủ trương của Đảng mới ban hành trong thời gian gần đây nhất là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, phát biểu đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, cần làm rõ các nội dung liên quan đến việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan khác và với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ...
Đối với Báo cáo đánh giá tác động, Thứ trưởng cho rằng, mặc dù các nội dung được đưa ra đều bám sát quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng giải pháp đưa ra lại khá chung chung, chưa cụ thể; giải pháp của Chính sách 2 và Chính sách 3 hầu như chưa có đánh giá tác động; tên gọi của Chính sách 1 chưa thể hiện rõ được mục tiêu xây dựng; hầu hết nội dung trong 05 chính sách đã đưa ra đều liên quan đến Chính sách 1. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải nghiên cứu lại các nội dung này. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, kỹ thuật soạn thảo văn bản theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành./.
Thùy Dung