1. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có sự thay đổi cơ bản trong Luật năm 2020
Tại Luật năm 2020, quy định về đối tượng áp dụng biện pháp GDTXPTT được sửa đổi, bổ sung cơ bản về ba vấn đề: (i) Không quy định người nghiện ma túy là đối tượng áp dụng biện pháp GDTXPTT; (ii) Bổ sung đối tượng là người sử dụng chất ma túy trái phép; (iii) Sửa đổi, bổ sung các trường hợp vi phạm về an ninh, trật tự, an toàn xã hội cụ thể gắn với độ tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp GDTXPTT, bao gồm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi trở lên.
Thứ nhất, Luật năm 2020 sửa đổi theo hướng không quy định người nghiện ma túy là đối tượng áp dụng biện pháp GDTXPTT.
Một trong những đối tượng áp dụng biện pháp GDTXPTT đã được quy định ngay từ thời điểm ban hành Luật năm 2012 là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định. Những năm gần đây, với biến chuyển mạnh mẽ của điều kiện xã hội thì cách nhìn nhận, đánh giá của cộng đồng đối với người nghiện ma túy đã có sự cởi mở hơn và điều này đã có sự tác động nhất định tới quan điểm khoa học, pháp lý của các chuyên gia y tế, chính trị khi xây dựng chính sách xử lý đối với người nghiện ma túy. Sự thay đổi này thể hiện rõ nét trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã khẳng định, người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này và việc cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chấm dứt việc sử dụng trái phép các chất này. So với Luật Phòng, chống ma túy trước đó thì việc giải thích rõ thuật ngữ “cai nghiện ma túy” như trên là một sự thay đổi chính sách thực định có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta đối với người nghiện ma túy, khi đồng thời công nhận về pháp lý việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng hợp về y tế, xã hội để tác động tích cực vào tinh thần, tâm lý của người nghiện để giúp họ từ bỏ dần việc sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần.
Xuất phát từ lý do người nghiện ma túy có thể được coi là người bệnh và vì vậy cần áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp, trong đó chú trọng biện pháp mang tính xã hội kết hợp phác đồ điều trị y khoa thay vì áp dụng đơn thuần các biện pháp pháp lý có tính chất quản lý hành chính, giáo dục nhận thức, pháp luật mà về bản chất những biện pháp này không có khả năng xử lý triệt để được căn nguyên của tình trạng nghiện ma túy nên chính sách xử lý người nghiện ma túy trong Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng có sự thay đổi để bảo đảm tương thích, thống nhất với chính sách của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Theo đó, người nghiện ma túy đã không còn là một trong những đối tượng bị áp dụng biện pháp GDTXPTT. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Luật năm 2020 bỏ quy định áp dụng biện pháp “tiền đề” GDTXPTT đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định. Trên tinh thần đó, người nghiện ma túy chỉ bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy. Sự thay đổi này cũng nhằm bảo đảm tính khả thi của chính sách khi nó xuất phát và gắn liền với thực tế đời sống xã hội luôn có sự biến chuyển không ngừng.
Thứ hai, bổ sung quy định áp dụng biện pháp GDTXPTT đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo quy định của Luật năm 2020, người từ đủ 14 tuổi trở lên đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là một trong những đối tượng áp dụng biện pháp GDTXPTT. Quy định này có nghĩa là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không đơn thuần chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính như trước đây nữa, nếu vi phạm có tính hệ thống thì sẽ bị áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại cộng đồng - nơi họ cư trú, sinh sống.
Việc bổ sung người sử dụng trái phép chất ma túy có hệ thống là đối tượng áp dụng biện pháp GDTXPTT cũng là quy định thể hiện tính thống nhất, đồng bộ với Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và là giải pháp pháp lý có mục đích răn đe mạnh mẽ hơn sau khi Bộ luật Hình sự không còn quy định người sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm[1], đồng thời mang tính dự phòng. So với Luật Phòng, chống ma túy trước đây, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định mới hoàn toàn về người sử dụng ma túy trái phép bên cạnh thuật ngữ người nghiện ma túy. Tại khoản 10 Điều 2 của Luật này lần đầu tiên đưa ra khái niệm “người sử dụng trái phép chất ma túy là người có hành vi sử dụng chất ma túy mà không được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương tính”, đồng thời, khẳng định sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong các hành vi bị nghiêm cấm[2] và thiết kế một chương riêng trong Luật về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy[3]. Trong điều kiện Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định bất cứ tội danh nào đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì người sử dụng ma túy chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, do chỉ áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng ma túy trái phép nên không đạt hiệu quả mong muốn và việc sử dụng ma túy rõ ràng vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội nên hành vi này cần phải phải chịu sự điều chỉnh của các quy định khác, bị xử lý bằng các chế tài khác có tính chất mạnh mẽ hơn nhằm tăng cường răn đe, bảo đảm trật tự xã hội và góp phần phòng ngừa, hạn chế dần tình trạng nghiện ma túy đang có những biến tướng khác nhau.
Vậy tại sao nói việc bổ sung người sử dụng ma túy vào đối tượng áp dụng biện pháp GDTXPTT là một trong những chính sách có tính dự phòng, hạn chế đầu vào đối tượng người nghiện ma túy? Vì thông qua việc áp dụng biện pháp GDTXPTT với những nội dung, yêu cầu và phương thức khác nhau được thực hiện trong quá trình áp dụng biện pháp, người sử dụng trái phép chất ma túy có thể nhận thức được tác hại của việc sử dụng ma túy hoặc tính chất vi phạm đối với hành vi của mình mà không tiếp tục lún sâu vào việc sử dụng các chất ma túy trái phép dẫn đến gây nghiện hoặc phụ thuộc vào chất ma túy.
Về phương diện pháp lý, pháp luật phòng, chống ma túy và pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thể hiện rất rõ tính tương thích trong chính sách quản lý đối với người sử dụng ma túy cũng như người nghiện ma túy. Cụ thể, đối với người sử dụng ma túy, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định rõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ, đồng thời khẳng định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý hành chính. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có nội dung chính là: (i) Tư vấn, động viên, giáo dục, giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy để họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy; (ii) Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; (iii) Ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội. Trường hợp trong quá trình quản lý mà phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy đáp ứng các điều kiện áp dụng biện pháp GDTXPTT của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan/người có thẩm quyền sẽ phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi biện pháp xử lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định pháp luật. Trường hợp người sử dụng ma túy được xác định là người nghiện ma túy thì có thể bị áp dụng các chế tài mạnh hơn như biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các trường hợp vi phạm về an ninh, trật tự, an toàn xã hội cụ thể gắn với độ tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp GDTXPTT, bao gồm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi trở lên. Đây là quy định có sự thay đổi đột phá theo hướng cụ thể hành vi vi phạm gắn với cá thể hóa trách nhiệm của đối tượng vi phạm theo độ tuổi.
2. Điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cải cách theo hướng cụ thể hành vi vi phạm gắn với cá thể hóa trách nhiệm của đối tượng theo độ tuổi
Luật năm 2012 quy định năm loại đối tượng vi phạm bị áp dụng biện pháp GDTXPTT, bao gồm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng; đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định; người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong 06 tháng đã hai lần thực hiện một trong các hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội.
Luật năm 2020 bên cạnh việc kế thừa các quy định về đối tượng còn phù hợp (người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự) cũng được cải cách triệt để về đối tượng áp dụng biện pháp GDTXPTT so với Luật năm 2012. Cụ thể, Luật năm 2020 đã có sự tách bạch trẻ em, người chưa thành niên với người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) gắn với hành vi vi phạm cụ thể.
Thứ nhất, Điều 90 Luật năm 2020 phân loại độ tuổi của đối tượng vi phạm theo hướng tách bạch trẻ em (từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), người chưa thành niên (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) với người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên).
Thứ hai, Điều 90 Luật năm 2020 quy định nhóm hành vi vi phạm cụ thể gắn với độ tuổi của đối tượng.
Đối chiếu với quy định của Luật năm 2012, khái niệm vi phạm về “trật tự xã hội” là quá rộng (vi phạm quy định về trật tự công cộng hay quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung hoặc bất cứ hành vi nào khác theo quy định tại Nghị định xử phạt về an ninh trật tự, an toàn xã hội), việc xác định hành vi cụ thể nào thuộc phạm vi khái niệm này là rất khó khăn, nhất là trong trường hợp trùng lặp (xâm phạm tài sản cũng có thể hiểu là vi phạm trật tự xã hội). Việc phân loại, quy định hành vi vi phạm trong Luật năm 2020 như đã nêu trên rõ ràng đã tạo cơ sở pháp lý cụ thể để việc xác định, áp dụng biện pháp GDTXPTT được chính xác, công khai, minh bạch.
3. Vi phạm pháp luật có tính hệ thống là điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn
Bên cạnh việc quy định cụ thể các hành vi vi phạm gắn với độ tuổi của đối tượng là một trong những điều kiện cần để áp dụng biện pháp GDTXPTT thì Điều 90 Luật năm 2020 còn yêu cầu rõ điều kiện đủ khi xem xét đối tượng vi phạm của biện pháp này đó là phải vi phạm 02 lần trở lên trong 06 tháng thống nhất cho toàn bộ các hành vi tại các khoản 3, 4, 5 và 6 của Điều 90. Cụ thể, người vi phạm ở các độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, người từ đủ đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi vi phạm cụ thể về an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi được Luật quy định sẽ bị áp dụng biện pháp GDTXPTT. Có thể thấy, quy định “02 lần trở lên trong 06 tháng” của Luật năm 2020 một mặt khẳng định trong khoảng thời gian 06 tháng, đối tượng phải ba lần vi phạm, trong đó hành vi vi phạm ở hai lần đầu phải bị xử phạt (có quyết định xử phạt), lần thứ 3 chỉ lập biên bản vi phạm hành chính (không ban hành quyết định xử phạt) và biên bản lần 3 này sẽ là căn cứ để áp dụng biện pháp GDTXPTT; mặt khác, cách quy định của Luật năm 2020 đã gián tiếp khẳng định biện pháp GDTXPTT với tính chất quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng chỉ áp dụng đối với trường hợp đối tượng vi phạm có tính hệ thống. So với quy định trước đây “hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính” thì cách quy định cụ thể của Luật năm 2020 minh bạch hơn rất nhiều, theo đó, thuận lợi cho người có thẩm quyền trong áp dụng pháp luật. Cũng cần lưu ý, việc áp dụng biện pháp GDTXPTT sẽ được áp dụng trong trường hợp đối tượng vi phạm trong thời gian 06 tháng có 03 lần vi phạm nhưng không nhất thiết phải lặp lại chính hành vi vi phạm trước đó mà chỉ cần thực hiện một trong các hành vi được quy định cho từng loại đối tượng.
Có thể thấy rằng, Luật năm 2020 đã sửa đổi rất nhiều nội dung quan trọng về xử lý vi phạm hành chính nói chung và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nói riêng, trong đó có biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT như đã đề cập ở trên để phù hợp với thực tế hiện nay. Trên cơ sở Luật năm 2020, Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã quy định tương đối đầy đủ, cụ thể, rõ ràng về đối tượng và điều kiện áp dụng biện pháp GDTXPTT, tạo điều kiện cho lực lượng thực thi công vụ được dễ dàng, thuận lợi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa vi phạm hành chính, tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đưa các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) về áp dụng biện pháp GDTXPTT vào cuộc sống.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và TDTHPL, Bộ Tư pháp
[1]. Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “1. Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm; 2. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm”. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ Điều 199 nói trên.
[2]. Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
[3]. Từ Điều 23 đến Điều 26 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.